Trong sáu tháng vừa qua, các nhạc sĩ, ca sĩ và tôi trao đổi với nhau nhiều điều quanh một bản nhạc, đó là bài Trường Ca Gọi Hồn nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ một bài thơ dài trong thi phẩm Thủy Mộ Quan, tác giả Viên Linh, xuất bản ở hải ngoại năm 1982. Cũng năm ấy trong Ðêm Thủy Mộ ở thị xã Westminster, Phạm Duy đã bước lên sân khấu một mình hát với giọng sung sức, phấn khởi, trong không khí hơi ồn ào của mấy trăm người trong cái quán của Nguyễn Tú A, tôi nghe không rõ, hỏi Mai Thảo ngồi bên cạnh: "Ông ấy hát bài gì thế?" "Thơ của cậu mà, lúy nói vừa phổ nhạc xong đêm hôm qua."
Vào đầu tháng 3 năm 1945, gánh hát Đức Huy Charlot Miều đang trong thời gian ghé lại tỉnh lỵ Cà Mâu. Trên đường lưu diễn khởi sự từ thành phố Hải Phòng ở miền Bắc cách đây 2 năm, bây giờ gánh hát vào tới một tỉnh cực xa của miền Nam rồi. Coi như lữ khách đã tới cuối con đường xuyên Việt.
Tôi vẫn giữ chân phó quản lý và còn giữ thêm vai trò của một người hát phụ diễn trong mục ca nhạc cải cách. Tôi cũng khá nổi tiếng vì trước tôi chưa có ai đem Tân Nhạc vào đại chúng cả. Tôi được sống hả hê một cuộc đời vô tư lự, nay đây mai đó. Rất bằng lòng với lối sống giang hồ ăn đường ngủ chợ này. Đi tới đâu cũng vậy, trong gánh hát, từ vợ chồng ông bầu, các đào kép, các nhạc sĩ tân hay cổ nhạc cho tới anh chị em lao công, tất cả mọi người đều ăn ngủ ở ngay trong rạp hát. Thường thường sau những đêm hát, ai cũng thích tìm chỗ ngủ tại những nơi được che khuất như ở sau những phông cảnh hay sau lớp cánh gà, hoặc ở dưới hai bên hông hí trường là nơi khán giả ít tiền thường đứng để coi hát. Nhưng về phần tôi, ''phòng ngủ'' bao giờ cũng là một cái ghế bố đặt ở ngay giữa sân khấu, là nơi rộng rãi và thoáng khí nhất.
Đồng Minh đổ bộ lên Âu Châu. Paris đã được giải phóng. De Gaulle về nước nắm chính quyền. Toàn Quyền Decoux được mật lệnh tổ chức lật Nhật ở Đông Dương. Quân Đội Nhật mất Miến Điện và Phi Luật Tân, e ngại Đồng Minh có thể đổ bộ lên bờ biển Việt Nam. Nhật Bản triệu hồi Đại Sứ Yoshizawa, bổ nhiệm Matsumoto, một nhà ngoại giao nổi tiếng cứng rắn. Không khí căng thẳng giữa Quân Đội Nhật và chính quyền bảo hộ ở Đông Dương.
Hai gánh hát Cải Lương ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU và NAM HỒNG với đào kép toàn gốc gác Bắc Kỳ mà dám đi vào thi thố tài năng ở miền Nam, nơi sinh trưởng của nền ca kịch Cải Lương, thì thật là liều lĩnh. Không phải vì các gánh hát Bắc Kỳ thua kém các gánh hát Nam Kỳ về diễn xuất hay về bất cứ một điạ hạt nào khác như viết vở, đạo diễn, trang trí hay trang phục đâu ! Mà vì một bài hát quan trọng nhất của thế kỷ : bài Vọng Cổ.
Cho tới năm 1944, dù sân khấu Cải Lương đã đạt tới mức cao nhất sau những thời kỳ chuẩn bị (1912-1917), thành lập (1918-1922) với các hình thức CA RA BỘ, HÁT KIM THỜI và phát triển (1923-1944) với hai loại Tuồng Tầu, Tuồng Tây... nhưng sân khấu này đứng vững được trong suốt mấy chục năm trời là nhờ ở một bài hát mà toàn dân yêu thích là bài Vọng Cổ. Sau 1945, sân khấu Cải Lương nói chung sẽ đi tới giai đoạn phân hoá với các loại tuồng thấp kém như Tuồng La Mã, Ấn Độ, Nhật Bản v.v... nhưng bài Vọng Cổ bao giờ cũng vẫn là cột trụ của tuồng hát. Đào kép hát Vọng Cổ hay bao giờ cũng là đào kép chính, ăn lương to nhất và được quần chúng ái mộ nhất.
Cùng với gánh ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU đi qua những rừng cao su để vào tới Biên Hoà, tôi bỗng nhớ lại những chuyện phiêu lưu của anh Tường, người phu cạo mủ cao su, con ông Cả Bịp ngày xưa. Hồi đó tôi cứ tưởng tượng đất sống của những tay được gọi đích danh ''anh chị Sè gòn'', giang sơn của đám người tứ chiếng giang hồ phải là nơi đầy hiểm nguy và bất trắc. Bây giờ tôi thấy phong cảnh của miền Nam không có gì hung dữ, huyền bí mà hiền lành và óng ả quá chừng với mầu xanh man mác của rừng và mầu đỏ êm đềm của đất.
Chỉ còn ghé lại vài ba chỗ nữa là gánh hát sẽ tới miền Nam, sẽ tới thành phố Saigon, mục đích của chuyến đi xuyên Việt này đây. Trước mắt chúng tôi là Phan Rí, Phan Thiết... Rồi là Biên Hoà, cửa ngõ vào Saigon. Từ nay trở đi gánh ĐỨC HUY CHARLOT MIỀU sẽ phải so tài với những gánh hát nổi danh khác ở đây rồi nghe ! Phải tranh thương rồi đó ! Anh Chúc phải đem hết kinh nghiệm của nghề nghiệp vào việc lấy rạp ở miền Nam. Không giỏi giang và nhanh chân nhanh tay là bị gánh hát khác lấy tranh rạp ngay. Kẹt rạp là một khốn khổ cho bất cứ gánh hát nào.
Nhưng trước khi leo lên được một nơi thần tiên là Đà Lạt, gánh ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU tới hát ở Phan Rang. Những ngày lưu lại ở tỉnh này không có gì là đáng kể nếu tôi không có một kỷ niệm đẹp...
... Vào lúc tôi bước vào nghề hát, đã làm gì có báo chí chuyên môn loan tin về những hoạt động của kịch trường hay âm nhạc. Chưa có những vị phóng viên hay ký giả sân khấu để mình kín đáo bỏ vào túi họ tí tiền cà phê, nhờ họ viết bài quảng cáo, khen ngợi. Lúc đó chưa có một bài báo nào nói tới tôi hay nói tới những bài hát của Văn Cao cả. Nhưng tiếng đồn về anh du ca đầu tiên đi gieo rắc nhạc buồn đã được khá nhiều người trong mọi giới biết tới. Cho nên một hôm bỗng có xe hơi của ông tỉnh trưởng Phan Rang là Nguyễn Duy Quang tới rạp hát để đón tôi vào Dinh, giữa sự ngạc nhiên của nhân viên đoàn hát.
Xưa kia, khi còn là đất Chàm thì miền đất Quảng là nơi có nhiều thành lũy kiên cố để ngăn chặn cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt. Không ngăn được xâm lăng thì phải nộp thành Cổ Lũy cho Hồ Qúy Ly vào năm 1402 để 20 năm sau người Chiêm sẽ cố gắng chiếm lại thành này. Nhưng miền đất Chàm sẽ vĩnh viễn trở thành đất Việt khi vua Lê Thánh Tông đem 100.000 quân tiến vào bắt sống vua Chiêm là Trà Toàn. Khởi sự mang tên Quảng Nghiã dưới thời nhà Nguyễn nhưng một số địa danh ở đây vẫn còn dùng tiếng Chàm. Người Chiêm có bốn dòng họ chính thống là On, Ma, Trà, Chế. Tại Quảng Ngãi, những con sông to nhỏ còn mang tên Trà Khúc, Trà Bồng, Trà Câu, Trà Nô, Trà Nột... Cửa biển thì mang tên Sơn Trà.
Tới Tourane (Đà Nẵng), gánh ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU đóng neo tại rạp CINÉAC nằm ở đầu hai con đường Phan Chu Trinh và Hàm Nghi. Tuy cũng là một thành phố cửa biển quan trọng nhưng Tourane lúc đó chưa bành trướng kinh khủng như vào thời có quân đội Mỹ tới Việt Nam.
Phố xá vắng vẻ tĩnh mịch với những hàng cây cao vút. Những phụ nữ đi trên đường, dù là người bình dân cũng mặc áo dài, đội nón Huế. Đa số còn để răng đen. Nghệ sĩ cải lương của gánh ĐỨC HUY không đặc sắc như của các gánh Nam Kỳ chính gốc nhưng cũng lôi kéo khán giả hằng đêm chen chúc tới coi. Anh Miều vẫn là cái đinh của gánh hát. Kép Quý tức Nhật Thanh, tuy không đẹp trai hơn hay hát hay hơn những ngôi sao của làng Cải Lương Bắc Hà như Sỹ Tiến, Anh Đệ hay Huỳnh Thái nhưng cũng có vô số các bà, các cô mê như điếu đổ từ lúc gánh hát ra đi từ Hải Phòng và vào tới khoảng giữa của miền Trung này. Các anh kép khác như Hiếu, Dần, Ba Hội đã trở thành những bạn thân của tôi. Chúng tôi đối đãi với nhau như những anh em ruột trong một gia đình.
Gánh ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU giã từ thành Vinh để suôi Nam. Đi qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị để vào nơi tôi hằng mơ tưởng là Huế.
Đường bộ đưa chúng tôi đi qua Đèo Ngang, hơn một trăm năm về trước đã in dấu chân của Bà Huyện Thanh Quan trong một buổi chiều bóng xế tà, có lom khom dưới núi tiều vài chú, lác đác bên sông (sông Cẩm Lệ ?) chợ với nhà... Ngừng lại hát ở Đồng Hới và Đông Hà, vì không đông khách lắm nên gánh hát rút đi nhanh chóng. Tôi không có kỷ niệm nào ở hai thị trấn nhỏ bé này cả.