Vài lời về Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 2648
Con đường đi của âm nhạc Việt Nam cho đến năm nay 1990 kể như đã được 55 năm, nếu lấy cái mốc khởi hành từ 1935 với sự xuất hiện lần đầu tiên của những ca khúc do các nhà soạn nhạc Việt Nam sáng tác. Trong lớp người đi tiên phong ấy có Nguyễn Xuân Khoát, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Lê Yên, Dzoãn Mẫn, Hoàng Quý, Ðặng Thế Phong, được xem như những nhà soạn nhạc có công đầu trong việc sáng tác nhạc Việt Nam.
Nhưng thời kỳ đáng kể nhất, đánh dấu sự vươn mình mạnh mẽ của âm nhạc nước nhà, phải kể từ những năm thập niên 40 của thế kỷ, ăn nhịp với những biến chuyển dồn dập trên đất nước. Vận hội giành lại nền độc lập với cuộc kháng chiến của toàn dân đã là chất men kỳ diệu thúc đẩy ý hướng sáng tác của lớp người soạn nhạc thế hệ 1945, trong đó có sự đóng góp của Phạm Duy như một khuôn mặt nổi bật nhất.
Thật vậy, từ hơn nửa thế kỷ ấy, Phạm Duy đã là người nhạc sĩ của những biến cố lớn trong lịch sử. ''Con Ðường Vui'', hợp soạn với Lê Vy, ''Về Ðồng Quê'', ''Quê Nghèo'', ''Mùa Ðông Binh Sĩ'', ''Bà Mẹ Gio Linh''... Một thời xuất hiện trong mùa khói lửa chiến chinh như những tiếng hát quen thuộc của mọi người thanh niên Việt. Bởi Phạm Duy đã là người có công lao đầu tiên trong lịch sử âm nhạc, đem những làn điệu dân ca vào trong sáng tác của mình, khiến người nghe cảm nhận thấy gần gũi với họ, như chính tiếng lòng của đa số người dân Việt thầm lặng được sinh ra và lớn lên trên giải đất quê hương thân thương. Những làn điệu mà mọi người đều rung động như nghe tiếng ru mẹ hiền từ khi mới nằm nôi.
Người ta không phê bình Phạm Duy.
Như người ta không ''phê bình'' một buổi chiều nắng ''đẹp'': người ta tận hưởng cái vẻ ''đẹp'' của nó. Như Baudelaire, và rồi Xuân Diệu của một thời xa xưa đã viết: ''Có nghĩa gì đâu một buổi chiều...'' (''Il n'a pas de signification, un de ces soirs...'' - thơ Baudelaire). Phạm Duy cũng không phải là một huyền thoại, hay một thần tượng từ lâu đã không còn chỗ đứng trên thế gian. Phạm Duy là một con người thực, đã sống, sống rất thực, và ca hát, ca hát rất say sưa, với chúng ta, giữa chúng ta, từ buổi rạng đông khi non sông bừng thức dậy, qua gần nửa thế kỷ chiến tranh điêu tàn, băng hoại từ ngoại vật đến con người, và cho tới nay, giữa đàn chim bỏ xứ, tiếng hát đó vẫn vang lên, hùng hồn như hình ảnh những chàng trai Siegfried thuở xa xưa, tình tứ nồng nàn như tiếng sáo thần của những bộ lạc Do Thái, huyền bí như đoàn Việt điểu trong truyện thần kỳ...
Nhìn Phạm Duy đi lại, đứng lên, ngồi xuống, múa may trên sân khấu, lim dim con mắt, đưa tay đánh nhịp, nghe Phạm Duy nói chuyện, dẫn giải giữa những âm thanh của Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ được trình diễn trong Buổi Chiều Phạm Duy, một sinh hoạt văn nghệ đa phương tổ chức tại phòng sinh hoạt Thế Kỷ chiều chủ nhật tháng 10 vừa qua nhân dịp sinh nhật thứ 70 của Phạm Duy, người ta đã đi lạc vào một thế giới riêng, thế giới của Phạm Duy. Trong thế giới đó, một thế giới không có sự thánh thiện mà cũng chẳng còn loài rắn độc, một thế giới rất ''người'' theo nghĩa của Pascal, mọi thẩm định giá trị, mọi phán xét đều ngừng đọng lại.
Hôm 21 tháng 6 vừa rồi Phạm Duy có lòng yêu đến thăm và cho nghe thử băng nhạc Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ. Thú vị quá, nghe xong Phạm Duy bảo viết vài câu giới thiệu. Tôi nghe bật cười trong bụng: mình có biết hát hỏng chi đâu mà dám giới thiệu ngọn Thái Sơn của nhạc Việt, nhưng cũng phải ưng, vì nhận ra kẽ hở tạm có thể chen chân chút ít là đưa ra vài cảm nghĩ về nội dung của tổ khúc, chính nó làm cho tôi rung động hết sức, vì có nghĩ suy theo đấy phần nào.
Mở đầu tổ khúc là lịch sử nước ta từ đầu thế kỷ này có thể tóm vào câu ca dao sau:
Phượng hoàng cắt cánh đuổi đi
Bắt con bìm bịp đem về mà nuôi.
Thế là:
Tuyết rơi lả tả là tà
Như chim lạc tổ như ma lạc mồ.
Trên đường về sau buổi tiệc sinh nhật Phạm Duy tại Trung Tâm Sinh Hoạt Thế Kỷ, Little Saigon, trong chiếc xe nhỏ bé, lạc loài chạy trên xa lộ 5 dài thăm thẳm vào lúc nửa đêm, tôi đã nghe Bầy Chim Bỏ Xứ. Tôi cẩn thận lên kính xe thật kỹ để hoàn toàn tránh tiếng động bên ngoài và để chỉ có mình tôi sống với bản nhạc, sống với Bầy Chim Bỏ Xứ. Tôi đã bỏ cái thế giới Mỹ Quốc bên ngoài đang chập chờn khi ẩn khi hiện qua những khối ánh sáng mờ đục vô hồn hai bên đường xa lộ trong đêm sương mù.
Chính trong khung cảnh nhỏ bé của chiếc xe và trong không gian vĩ đại của Bầy Chim Bỏ Xứ, tôi đã cảm được một cách thấm thía thân phận của tôi, một con chim bỏ xứ lẻ loi và sự nhọc nhằn của những con chim ở lại.
Phạm Duy bắt đầu sáng tác âm nhạc từ năm 1942 với bài thơ CÔ HÁI MƠ của Nguyễn Bính mà ông đã phổ nhạc thành một trong những bài ca cải cách đầu tiên của nền Tân Nhạc Việt Nam. Nhưng phải chờ đến cuộc Cách Mạng Mùa Thu năm 1945 với cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp Thực Dân, Phạm Duy mới có đủ hứng khởi sáng tác gần 50 bài ca kháng chiến mà đặc biệt nhất là Dân Ca Kháng Chiến để xưng tụng một dân tộc anh hùng vùng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành độc lập cho chính mình và tiết kiệm xương máu cho nhân loại trong phong trào giải phóng các dân tộc nhược tiểu. Cuộc kháng chiến tạo thời thế gây cảm hứng cho Phạm Duy và nhạc Phạm Duy tô điểm, khích lệ cho cuộc kháng chiến. Phạm Duy trong khoảng tuổi đời mới từ 25 tới 30, đã trở thành người nhạc sĩ hàng đầu với số lượng, chất lượng và đặc biệt nhất là đa số các bài mang âm hưởng truyền thống Việt Nam. Dân Ca Kháng Chiến mới thực sự là cái mốc đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của Phạm Duy.
Nếu nói đến âm nhạc của Phạm Duy, thì không thể không nói đến chặng đường lịch sử và các biến động của nó, từ năm 1945 trở lại đây. Có thể nói tóm gọn một câu, các tác phẩm âm nhạc của anh Phạm Duy, đều phản ảnh gắn liền đối với tiến trình quan hệ lịch sử đó. Tuy nhiên với quan hệ khách quan, chủ quan của mỗi người khác nhau, cùng với quan điểm chính trị, và xu hướng chính trị của mỗi người có khác nhau, cũng sẽ đưa lại cho mình có những nhận định khác nhau, hoặc sản sinh ra những điều ngộ nhận khác nhau. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, trên quy luật tất yếu đưa đến sự hình thành cuộc cách mạng nào đi nữa, thì dòng thác cách mạng khác cũng tất yếu được nảy sinh và hình thành, có khi song song quan hệ, và tồn tại, có khi cùng hòa đồng, có khi tách ra cùng đối lập. Ðó là dòng thác cách mệnh dân tộc, không cùng đứng trên một quan điểm chính trị nào. Nhưng nó lại đóng một vai trò quyết định về ý thức cho mỗi quan điểm chính trị và cách mạng, không ai có thể chối bỏ, và không ai có thể phủ định được.
Lần đầu nghe Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, tôi mới đi xa trở về, ngồi lắng nghe những âm thanh vang dội bập bềnh dào dạt ngập thính phòng ở nhà Phạm Duy, tôi nhớ ngay đến câu thơ cổ: Phượng hề, phượng hề, quy cố hương = Phượng à, Phượng à, ta trở về quê hương cũ.
Quê hương lúc đó là những giai điệu mà Phạm Duy đã ghi lại, đã chuyển hóa. Lúc đó quê hương cũng là những hình ảnh hiển hiện trong lời ca. Những tên gọi: Chi Lăng, Cửu Long, Vành Khuyên, Chèo Bẻo, mỗi tiếng gợi lên một mảnh đời đã sống. Ðiệu hò miền Trung, điệu Quan Họ quê tôi, mỗi điệu làm thức dậy một mớ tế bào trong não bộ, một đường máu chạy trong thân thể. Phạm Duy lúc nào cũng có cây gậy thần làm phép của một đạo sĩ, rút đất đưa chúng ta đi về, rút cả thời gian mang chúng ta trở lại. Phượng này, Phượng này, mình về quê đi em.
Olivier Messiaen (1908, một nhạc gia người Pháp, còn là một nhà thơ, một nhà sưu tập dã cầm tài tử. Ông đã chu du khắp các lục địa Âu, Mỹ, Á để thu góp những âm thanh của các loài chim để làm chất liệu cho những tác phẩm của ông. Những tuyệt tác lần lượt ra đời như '' Quator 1941) '', '' Oiseaux Exotiques (1958) '', ''Fêtes des Belles Eaux ''...
Phạm Duy không giống Massiaen, ông đi chu du khắp các lục địa để sưu tầm những nỗi lòng của người Việt xa quê hương. Bằng hình thức ẩn dụ ông mượn những loài chim trong ca dao, dân ca để hót lên những âm điệu hoài hương đó qua tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ.
Những tác phẩm của Phạm Duy luôn luôn đổi mới về nội dung, hình thức và cả nhạc thuật nữa. Nhưng dù tân kỳ hóa tác phẩm của mình thế nào chăng nữa ông cũng chẳng bao giờ xa rời cái trục âm nhạc dân tộc.
Trên những réo rắt cằn cỗi miền Trung, người dân quê hương nghe câu hát:
Con chim xanh ăn quanh bãi cát...
Hình tượng đơn giản và bi thiết. Chim gì mà lại xanh? Ở đây chắc không phải sứ giả của Tây Vương Mẫu trong điển cố. Gọi là chim xanh để đồng hóa con chim với không gian của nó, màu trời bát ngát và sắc lá mượt mà. Màu xanh của sông biển, rừng núi, ruộng đồng giăng lả giăng la; thế giới mông mênh của cánh chim, ở đây, bị giới hạn vào bãi cát nhỏ bé. Bãi cát thì có gì cho chim bươn chải? Thế mà chim vẫn ăn quanh, vẫn không bay xa theo tầm mời gọi của trời cao đất rộng. Con chim nhẫn nại, chịu đựng thủy chung với bãi cát khốn khó, là hình ảnh con người Việt Nam, thời này qua thời khác.
Thế rồi một buổi sáng, những cánh chim xanh, chim hồng, loài chim tóc trắng, những vàng anh và ô thước, cùng một lúc vỗ cánh bay đi, thành một áng cầu vồng ngũ sắc.
Chim xa bầy còn thương cây nhớ cội
Người xa người tội lắm ai ơi