Phạm Duy, Buổi Chiều và Những Dự Phóng Tiếp Nối
- Details
- Written by Lê Kim Ðính
- Hits: 3158
Người ta không phê bình Phạm Duy.
Như người ta không ''phê bình'' một buổi chiều nắng ''đẹp'': người ta tận hưởng cái vẻ ''đẹp'' của nó. Như Baudelaire, và rồi Xuân Diệu của một thời xa xưa đã viết: ''Có nghĩa gì đâu một buổi chiều...'' (''Il n'a pas de signification, un de ces soirs...'' - thơ Baudelaire). Phạm Duy cũng không phải là một huyền thoại, hay một thần tượng từ lâu đã không còn chỗ đứng trên thế gian. Phạm Duy là một con người thực, đã sống, sống rất thực, và ca hát, ca hát rất say sưa, với chúng ta, giữa chúng ta, từ buổi rạng đông khi non sông bừng thức dậy, qua gần nửa thế kỷ chiến tranh điêu tàn, băng hoại từ ngoại vật đến con người, và cho tới nay, giữa đàn chim bỏ xứ, tiếng hát đó vẫn vang lên, hùng hồn như hình ảnh những chàng trai Siegfried thuở xa xưa, tình tứ nồng nàn như tiếng sáo thần của những bộ lạc Do Thái, huyền bí như đoàn Việt điểu trong truyện thần kỳ...
Nhìn Phạm Duy đi lại, đứng lên, ngồi xuống, múa may trên sân khấu, lim dim con mắt, đưa tay đánh nhịp, nghe Phạm Duy nói chuyện, dẫn giải giữa những âm thanh của Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ được trình diễn trong Buổi Chiều Phạm Duy, một sinh hoạt văn nghệ đa phương tổ chức tại phòng sinh hoạt Thế Kỷ chiều chủ nhật tháng 10 vừa qua nhân dịp sinh nhật thứ 70 của Phạm Duy, người ta đã đi lạc vào một thế giới riêng, thế giới của Phạm Duy. Trong thế giới đó, một thế giới không có sự thánh thiện mà cũng chẳng còn loài rắn độc, một thế giới rất ''người'' theo nghĩa của Pascal, mọi thẩm định giá trị, mọi phán xét đều ngừng đọng lại.
Mọi phán xét đều đòi hỏi ''một khoảng cách cần thiết'' giữa những người thưởng ngoạn và tác phẩm trong đó tác phẩm biến thành một ''vật'', một ''khách thể'' để người ta đem ra phân tách, mổ xẻ theo một số những tiêu chuẩn nhất định.
Những ''khoảng cách'' đó không có trong Buổi Chiều Phạm Duy. Một sinh hoạt văn nghệ nhiều mặt, một biến cố ''thính thị'' (audio-visual event). Một buổi họp mặt thân hữu với không khí của một cuộc họp mặt ''du ca''. Một cuộc triển lãm và trình diễn có tính cách ''hồi ức'' (retrospective). Một dịp mà những đau thương, những tiếc nuối, những ân hận và ghê tởm tất nhiên phải có trong cuộc đời Phạm Duy - cũng như trong lịch sử cận đại của đàn chim Việt suốt thời gian bảy mươi năm qua và cho đến ngày nay - đã bị khỏa lấp, bị ''lướt qua'' một cách dễ dàng ''Việc gì mà phải buồn!'' Phạm Duy nói... vì Buổi Chiều Phạm Duy đồng thời cũng là ngày kỷ niệm sinh nhật (chậm hai ngày) của tác giả. Tóm lại là một ngày vui. Nhưng vui nhất cho tác giả cũng như cho người ''thưởng ngoạn'' là vì đó cũng là dịp để Phạm Duy đem ''trình làng'' tác phẩm Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, một trường ca gồm mười tám ca khúc kết hợp lại thành một liên khúc mà Phạm Duy đã mất mười lăm năm để sáng tác và đem ra trình diễn toàn bộ và liên tục trong gần một tiếng đồng hồ (một cuộc trình diễn marathon) với phần hòa âm của Duy Cường và của chính tác giả, qua giọng ca của Kim Tước và Vũ Anh.
Bởi vậy cho nên ngay từ phút đầu người ta đã không thấy có những khoảng cách giữa tác phẩm và tác giả cũng như giữa tác phẩm và người thưởng ngoạn, hay đúng hơn là những người tham dự. Ngay từ những phút đầu của bản trường ca, sau phần giới thiệu và bày tỏ cảm tưởng của đại diện ban tổ chức và của thân hữu, người ta đã thấy P-D-tác-giả xuất hiện trên sân khấu là một P-D-con-người-trình-diễn (Phạm Duy the entertainer) nhập hồn làm một với tác phẩm. Ngay từ phút đầu khi khúc nhạc dẫn với những âm hưởng rất ''Wagner'' trổi lên, những khoảng cách, những biên giới còn lại giữa khán thính giả và tác phẩm đã bị xóa bỏ hoàn toàn, tạo ra một không khí tham dự trực tiếp, một sức thu hút đã được gắn bó cho tới phút cuối cùng, qua gần một tiếng đồng hồ trình diễn liên tục, nhờ giọng ca (thu âm) của một Kim Tước còn đầy phong độ và một Vũ Anh mà tài năng đã được chứng tỏ trong ''Ðêm Nhạc Ðại Hòa Tấu và Hợp Xướng'' của Lê Văn Khoa cách đây ít lâu.
Bởi vậy cho nên người ta không phê bình Phạm Duy, nhất là trong Buổi Chiều Phạm Duy tổ chức tại Phòng Sinh Hoạt Thế Kỷ chiều chủ nhật vừa qua. Ở đó, người ta chỉ có quyền tham dự.
Trong Buổi Chiều Phạm Duy có nhiều cánh cửa hé mở, cho phép người tham dự được quyền đóng góp thêm vào một công trình sáng tác đã thành hình.
Trước hết, ta hãy nghe Phạm Duy nói với cử tọa, nói với thân hữu, nói với cả những người bạn cũ không có mặt như Văn Cao (tác giả bài Quốc ca của Việt Nam cộng sản), và Phạm Duy nói với chính mình. Không những chỉ nói, Phạm Duy còn kể chuyện và điền vào những khoảng trống chuyển tiếp giữa các liên khúc của bản trường ca. Không những chỉ nói và kể chuyện, Phạm Duy còn đi lại, múa may trên sân khấu như trong một vở kịch độc diễn và độc thoại. ''Diễn xuất'' của Phạm Duy do đó rất gần một thể kịch rất mới phát xuất ở khu vực Off-Broadway và Off-Off-Broadway ở Nữu Ước cách đây vài năm. Trong những màn kịch tạm gọi là kịch ''đọc'' này, tác giả đồng thời cũng là diễn viên độc nhất đọc toàn bộ một tác phẩm của mình, thường là viết theo thể ''thơ xuôi'' với sự trợ lực của ''video'' hay phim rọi (slides). Những vở kịch này là những thử thách liều lĩnh, ''một ăn cả, ngã về không'' vì tất cả đều tập trung vào một tác giả, một diễn viên, một câu chuyện, một khung cảnh (mặc dầu phần video có thể làm cho diễn xuất có phần nào linh động), do đó nếu vở kịch không thu hút được sự chú ý của người xem ngay từ đầu có thể dễ dàng thất bại. (Một phụ diễn trong cuốn phim The Killing Fields khi trở về Nữu Ước đã viết hồi lý và đã thành công trong vở kịch nói dựa trên cuốn hồi ký này tại ''The Garage'', một ''sân khấu thí nghiệm'' trong khu vực Off-Off-Broadway). Ðôi khi thể kịch này cũng có thể tạo ra được ở người xem những cảm xúc mạnh như trong những vở kịch cổ điển.
Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ của Phạm Duy có khả năng khai thác thành một loại ''ca kịch'' cảm hứng từ thể loại kịch nói trên, nghĩa là thay vì chỉ có nói, hoặc đọc, người ta còn có thêm phần ca và nhạc, và ca nhạc ở đây trở nên phần chính. Muốn vậy, Phạm Duy hoặc một văn hữu nào khác, phải viết phần nói để kể lại câu chuyện Bầy Chim Bỏ Xứ, không cần những chi tiết éo le, những tình tiết ly kỳ, những yêu đương vụn vặt thường chỉ làm giảm giá trị của câu chuyện và biến vở kịch thành một thứ ''kịch, tình cảm lãng mạn'' thấp kém (soap opera), nhưng cũng phải thành một câu chuyện ''có đầu có đuôi''. Phần ca, nhạc, và hòa âm có thể trình diễn qua bằng thu âm như Phạm Duy đã làm trong Buổi Chiều Phạm Duy vừa qua và dĩ nhiên Phạm Duy phải trau chuốt, tô điểm thêm lời ca cũng như tiếng nhạc, và nếu cần, phải có can đảm, cắt bỏ, thay đổi, thêm bớt vì nhu cầu của vở kịch.
Nhưng hiển nhiên là Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ của Phạm Duy còn có những khả năng khai thác ở những kích thước lớn hơn nhiều.
Người ta nhớ ngay đến những vở nhạc kịch của Rodgers & Hammerstein và đặc biệt là vở ca vũ đại nhạc kịch ''Pacific Overtures'' đã được khán giả hâm mộ nhiệt liệt liên tiếp trong mấy năm liền ở Nữu Ước và nhiều nơi khác. ''Pacific Overtures'', tạm dịch là ''Khai khúc Thái Bình Dương'', là một vở nhạc kịch lịch sử dùng những màn ''hoạt cảnh'' như những nét chấm phá trong một bức tranh Nhật Bản để kể lại câu chuyện nước Nhật từ thời kỳ bế quan tỏa cảng qua thời Minh Trị, và tiếp tới thời gian gần đây khi nước Nhật, sau thời gian tái thiết hậu chiến, đã trở nên cường quốc kinh tế (phần chiến tranh được bỏ qua). Câu chuyện được ''kể'' bằng tiếng nhạc và lời ca trong hậu trường, bằng những màn vũ với các nam, nữ diễn viên và vũ viên múa và làm những điệu bộ, cử chỉ dáng điệu theo diễn tiến của câu chuyện như một vở kịch ''câm'' (mimes). Trong khi đó thì suốt từ đầu đến cuối vở kịch, một diễn viên ngồi sắp chân bằng tròn phía ngoài sân khấu làm công việc ''kể'' chuyện bằng lời nói - không phải nói liên tiếp từ đầu đến cuối mà chỉ góp phần phụ họa thêm vào phần chính là ca, nhạc, và vũ bằng những lòi dẫn nhập khởi đầu câu chuyện và khởi đầu từng màn, bình giải để trợ lực cho những diễn viên ''câm'' trên sân khấu, và phần kết thúc. (Marlon Brando đã sử dụng kỹ thuật này trong phần đầu của phim Sayonara hồi xưa).
Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ có thể được khai thác để trở thành một vở ca vũ đại nhạc kịch theo những đường hướng tương tự - như chính tác giả đã có ý hướng phác họa khi xuất khẩu trong một phút ngẫu hứng: ''Chỗ này đáng lẽ phải có choreographie!''. Buổi Chiều Phạm Duy, nhất là hình ảnh ẩn dụ (metaphor) đàn chim Việt có thể gợi ra cả một rừng mầu sắc, âm thanh và vũ điệu.
Việc dựng lên một vở ''ca vũ đại nhạc kịch'' (musical) như vậy đòi hỏi rất nhiều tài năng ở nhiều lãnh vực khác nhau: từ nhà sản xuất cho tới đạo diễn, vũ sư, vũ viên, họa sĩ, chuyên viên trang trí sân khấu (state designer). Nam nữ diễn viên, chuyên viên âm thanh, chuyên viên ánh sáng, chuyên viên y phục, kịch tác gia (để viết lại phần nói), một nhạc trưởng để điều khiển ban nhạc và giúp làm phong phú thêm phần hòa âm và nhất là sự hợp tác của chính tác giả. Tất cả những chuyên viên này, người Việt Nam hiện thời chưa có, hoặc chưa có đủ, nếu không kể tới những chuyên viên thuộc loại ''tài tử'', đó là chưa kể đến vai trò rất quan trọng của người ''promoter'' (một danh từ dường như chưa có từ ngữ tương đương trong tiếng Việt).
Tuy nhiên, đó không phải là những trở lực. Vì một vở ca-vũ-đại nhạc kịch như vậy đã vượt ra khỏi tầm mức của những cái gọi là ca vũ nhạc ''dân tộc'', mặc dầu nội dung hiển nhiên vẫn chứa đầy ''dân tộc tính''. Do đó, nếu người ta không nghĩ rằng vùng mệnh danh là ''Tiểu Saigon'' là một quốc gia riêng biệt, bất cứ một tài năng nào, dù không phải là gốc Việt, nếu muốn hợp tác đều có thể được thu dụng, kể cả khối nam nữ diễn viên nếu cần, mặc dù điều này có thể là một đề tài tranh luận như đã xảy ra nhân việc tuyển lựa một diễn viên phụ trong vở nhạc kịch ''Miss Saigon'' gần đây. Còn một vấn đề nữa, một vấn đề tối quan trọng, là vấn đề tiền. Tất cả những vở kịch hoặc ca nhạc kịch ở đây cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới đều được dựng lên nhờ tiền đầu tư của các nhà tư bản (đôi khi có thêm những khoản tiền vay của ngân hàng). Ðó là những nhà tư bản yêu văn nghệ nhưng dù yêu văn nghệ tới đâu họ cũng vẫn là những nhà tư bản, nghĩa là họ phải có lời, không ít thì nhiều. Bởi vậy, như trường hợp Nữu Ước, phần lớn kịch bản đều phải qua một giai đoạn thử thách trình diễn ở một phạm vi thu hẹp, ít tốn kém, ở khu vực ''thí điểm'' Off-Broadway để chứng tỏ khả năng thu hút khán giả trước khi vận động được những ngân khoản đầu tư lớn hàng triệu hoặc hàng chục triệu Mỹ kim để có thể đem ra trình diễn ở trung tâm kịch nghệ Broadway. Ðôi khi Luân Ðôn cũng được coi là một thí điểm, như trường hợp của những vở Miss Saigon, Les Misérables, hoặc A Tale of Two Cities vân... vân... Tóm lại, yếu tố quyết định vẫn là khán giả, một loại khán giả mà người ta gọi là khán giả biết thưởng thức (the serious theater-goers).
Một vấn đề được đặt ra là: vùng ''Tiểu Saigon'', hay nói cho đúng là cộng đồng Việt ở quận Cam, đã có đủ khả năng để đóng một vai trò Off-Broadway cho những kịch phẩm phát xuất từ trong cộng đồng hay chưa?
Buổi Chiều Phạm Duy đã thổi lên được những luồng gió mát, đánh tan những cặn váng đang nổi lên trên mặt nước và làm bay những áng mây u uất che khuất ánh mặt trời. Trong buổi chiều rực rỡ ấy bỗng nhiên người ta nhớ lại những vần thơ ca ngợi tình yêu từ thuở hoang sơ...
Comment expliquerait-on l'amour?
Il n'a pas de signification, un de ces soirs
Il conquiert notre âme avec la lumière atténuée
Avec les nuages très légers, avec la brise passagère...
Trong niềm lạc quan hứng khởi đó, người ta muốn nói rằng: có thể có những dự phóng tiếp nối của Phạm Duy. Của anh. Của tôi. Của chúng ta.
Nói đến Ðàn Chim Việt là nói đến Văn Cao, đến Hà Nội ba mươi sáu phố phường, Hà Nội thủ đô văn vật, Hà Nội của thời kỳ lãng mạn bốn mươi lăm năm trước, Hà Nội bừng mắt dậy thấy những ngọn lửa của cuộc Thế Chiến Thứ Hai chưa kịp tắt thì bốn phương trời đất Việt đã sừng sững những bức mây thành báo hiệu những vận hạn vô biên của đất nước, những vận hạn mà mãi cho tới nay vẫn còn chưa dứt. Như miếng bánh madeleine của Proust, tập nhạc cũ của người bạn xưa mới đến tay đã gợi lên những hình ảnh xa xôi nhưng cũng rất gần, và những tiếng hát từ thuở hoang sơ cũng vang vọng hóa thai thành những thanh âm mới. Phạm Duy giơ cao tập nhạc cũ của Văn Cao với những hoài niệm vui:
''... Hồi đó chúng tôi làm bài Bến Xuân, sau cách mạng đổi tên ra là Ðàn Chim Việt. Bài hát đó, ai cũng biết, bắt đầu bằng những câu như thế này:
Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần...
Ấy là tưởng tượng thêm ra cho nó vui đấy chứ có em nào đâu... Có cô nào đến thăm đâu...''
Văn Cao... Lưu Hữu Phước... Lưu Hữu Phước là tác giả của bài ''Tiếng Gọi Sinh Viên'' sau trở thành bản quốc ca của Việt Nam Cộng Hòa. Qua biết bao nhiêu năm trải hàng mấy thế hệ, trong khi tác giả của nó ở miền Bắc thì ở miền Nam tiếng hát đó đã được cất lên ở khắp mọi nơi, trong sương sớm, giữa rừng già, trên đỉnh Dak To, trên đồi Dak Sut. Phải chăng đó cũng là một ''giao lưu văn hóa'' đầu tiên - hay nói cho đúng, chỉ có ''giao'' mà không có ''lưu''? Theo Phạm Duy thì cái gọi là ''giao lưu văn hóa'' phải được thực thi, nghĩa là phải có hai chiều:
''... Chúng ta chống cộng sản chứ chúng ta không có chống bạn. Mà chúng ta chống cộng sản chứ chúng ta không sợ cộng sản, đã sợ thì làm sao nói chuyện chống? Mà bây giờ mình đã sống bên Mỹ, ở một cái xã hội tự do như thế này rồi thì còn sợ cái quái gì? Thời gian gần đây tôi thấy nào sách, nào băng nhạc, nào video... xuất xứ từ Việt Nam hay làm ấn bản tại đây bán đầy dẫy ở Bolsa... Mà rồi tôi thấy nó đâu có ảnh hưởng gì đến mình đâu? Nhưng tôi thấy đã gọi là giao lưu văn hóa thì phải có hai chiều mới đúng. Chẳng hạn như tôi thấy một số bài ca của tôi bị cấm hát ở Saigon...''
Nhưng liệu có cấm, hoặc có cấm mãi được không? Thực ra thì vấn đề mệnh danh là ''giao lưu văn hóa'', hay đúng hơn là ''tự do truyền thông'' xưa nay vẫn là một trụ cột của nền Dân Chủ, Tự Do Tây Phương và sau cuộc cách mạng truyền thông (information revolution) vấn đề đã không còn được đặt ra nữa, vì truyền thông đã trở thành một sức mạnh không cản nổi với sự tiếp dẫn của khoa học điện tử và khoa học không gian. Bởi vậy nên mới có chuyện Ðông Âu, chuyện nước Ðức thống nhất, chuyện Nga ''Glasnost'', chuyện ''Perstroika'', chuyện Thiên An Môn, còn những chuyện gì kế tiếp nữa... Nhưng với Phạm Duy, một con người tổng hợp của những siêu việt và phàm tục (le sublime et le profane). Cõi đời này còn có những hình ảnh thân mật gần gũi và... hấp dẫn hơn. Ðó là những hình ảnh con chim, con cò, cái tôm, cái tép...
''... Nói đến Việt Nam bây giờ đến con chim cũng không có nữa! Ðói quá mà! Chim đem bắn hết mà ăn! Tưởng tượng người mà không có chim thì còn ra cái gì nữa? Cò cũng không! Các bà, các cô ra đồng, sắn váy lên mà súc! Súc hết cả tép! Súc hết cả tép rồi thì con cò nó sống làm sao?... (giọng ngao ngán). Không chim, không cò, không có cả tôm, cả tép nữa thì cuộc đời còn có nghĩa lý gì nữa?''
Ðó là Phạm Duy. Phạm Duy con người Pascal. Phạm Duy của ngàn bài ca. Phạm Duy muôn thuở.
Lê Kim Ðính