Chương 24
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 3460
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ...
Hàn Mặc Tử -- DALAT TRĂNG MỜ
Dalat - Hotel Palace
Nhưng trước khi leo lên được một nơi thần tiên là Đà Lạt, gánh ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU tới hát ở Phan Rang. Những ngày lưu lại ở tỉnh này không có gì là đáng kể nếu tôi không có một kỷ niệm đẹp...
... Vào lúc tôi bước vào nghề hát, đã làm gì có báo chí chuyên môn loan tin về những hoạt động của kịch trường hay âm nhạc. Chưa có những vị phóng viên hay ký giả sân khấu để mình kín đáo bỏ vào túi họ tí tiền cà phê, nhờ họ viết bài quảng cáo, khen ngợi. Lúc đó chưa có một bài báo nào nói tới tôi hay nói tới những bài hát của Văn Cao cả. Nhưng tiếng đồn về anh du ca đầu tiên đi gieo rắc nhạc buồn đã được khá nhiều người trong mọi giới biết tới. Cho nên một hôm bỗng có xe hơi của ông tỉnh trưởng Phan Rang là Nguyễn Duy Quang tới rạp hát để đón tôi vào Dinh, giữa sự ngạc nhiên của nhân viên đoàn hát.
Vào trong dinh tôi mới biết là có ông Bảo Đại đang ngồi ở đó. Ông thường trị vì tại Đà Lạt và đi bắn ở trong rừng nhiều hơn là ngồi trên ngai vàng tại Huế. Hôm nay ông từ một vùng săn bắn nào đó xuống chơi thành phố Phan Rang và nghỉ ngơi trong Dinh Tỉnh Trưởng. Tôi đã biết tới sự yêu nhạc của ông vua khi thấy ông đem người con trai của Thượng Thư Phạm Quỳnh là Phạm Bích vào làm bí thư riêng chỉ vì anh này đánh đàn guitare rất giỏi.
Đã không còn coi đối tượng là quan trọng nữa, đã chủ trương khi cất lên tiếng hát là hát cho mình nhiều hơn là hát cho người, nên tôi chẳng có một mặc cảm nào khi ngồi ôm đàn hát cho ông vua nghe. Ông Bảo Đại, rất lịch sự, rất nhã nhặn, sau khi nghe hát xong, ngồi mời tôi ăn bánh ngọt và nói chuyện với tôi bằng tiếng Pháp. Hỏi tôi học nhạc ở đâu ? Từ bao giờ ? Hơi ngạc nhiên khi thấy tôi trả lời là chẳng học ai cả ! Hỏi thăm về ông Khiêm, về gia đình tôi. Một ông vua yêu nghệ thuật như vậy chắc chắn là đằng sau cặp kính đen mà ông thường đeo, có ẩn nấp một đôi mắt nhân từ. Ừ, đúng như vậy, trải qua bao nhiêu biến thiên của lịch sử, có nhiều kẻ quai mồm ra phê bình Bảo Đại là thế này thế nọ, nhưng tôi chưa thấy ai dám nói ông ta đã bỏ tù hay đã giết một người Việt Nam. Trong khi qua hai ba lần Cách Mạng quốc gia và quốc tế, có biết bao nhiêu người đã bị thủ tiêu hay bị cầm tù bởi những nhà lãnh đạo mệnh danh là yêu nước thương nòi...
Xong buổi hát ''vo'' (theo tiếng nhà nghề là : hát không lấy tiền) khi tôi ra về, tỉnh trưởng Nguyễn Duy Quang tiễn tôi ra cửa, rất tế nhị, tay cầm sẵn một gói quà là 5 thước vải phin rất tốt để tặng anh ca sĩ trẻ tuổi. Với số vải này, tôi may được hai cái áo sơ-mi, một cái mặc cho tới khi rách, một cái sẽ tặng anh bạn thi sĩ Nguyễn Bính khi gặp anh ở Saigon một vài tháng sau để anh bán lấy tiền vào nằm tiệm hút. Về tới rạp và khoe là vừa hát cho vua nghe, cả gánh hát lắc đầu le lưỡi thán phục...
... Vài ngày sau, gánh hát giã từ Phan Rang, giã từ một miền có những cồn cát lớn và trắng toát như cảnh siêu thực ta chỉ thấy trong một giấc mộng đêm hè. Muốn lên Đà Lạt, hành khách phải đi tầu hoả từ ga Phan Rang chạy ra Tourcham để chuyển qua những con tầu có móc sắt (crémaillère) ở gầm xe thì mới leo tới nơi cách mặt biển 1.500 thước cao.
Thành phố Đà Lạt quả là một nơi thần tiên. Khởi đầu là một bác sĩ người Pháp tên là Yersin, từ cuối thế kỷ thứ 19, sau khi dùng cả hai đường bộ và đường thủy để thám hiểm vùng phía Nam của miền Trung nước Việt, đã leo lên cuối dẫy Trường Sơn và tìm ra một bình nguyên có núi rừng hùng vĩ nhưng không hãi hùng hoang dã, có khí hậu hiền hoà và có đủ mọi loài hoa đua nhau nở như trong một mùa Xuân bất tận. Rồi Toàn Quyền Doumer nhìn thấy công ích của nơi lâm viên này để sau khi Bác Sĩ Yersin qua đời thì công cuộc xây dựng nơi nghỉ mát Đà Lạt được khởi sự vào năm 1923 và tới năm 1944 là lúc tôi tới đó thì đã có đầy đủ những cái làm nên Đà Lạt mà chúng ta gọi là Hồ Than Thở, Rừng Ái Ân, Thung lũng Tình Yêu,...
Đã được đi nhiều nơi trên đất nước nhưng tôi không thấy phong cảnh ở đâu đẹp như ở đây. Mang tinh thần vọng ngoại như hầu hết thanh niên thời đó, tôi sung sướng được tới một thành phố giống như ở Âu Châu. Tưởng mình đang ở Thụy Sĩ hay Đức Quốc. Đi trong mây, thở ra khói, nhìn núi rừng, nghe chim hót, ngửi mùi hoa... đó là tất cả những gì mà tuổi hoa niên mơ mộng có thể thực hiện khi tới Đà Lạt.
Cạnh nhà ga Tourcham là ngôi tháp Hời chưa bị lâm vào cảnh hoang tàn nên hồng hào và sạch sẽ hơn cái tháp cổ lở lói ở Tuy Hoà rất nhiều. Gặp gỡ dòng dõi của Chế Mân, với con mắt hoạ sĩ, tôi mê mầu áo của những cô gái Chàm, khi thì là mầu hoa lý tươi, khi thì là mầu vàng anh nhạt, những mầu sắc không thấy có nhiều trên y phục của các cô gái Việt. Sau này tôi được Trung Tâm Điện Ảnh phái ra đây để quay phim vũ nữ Chàm, cầm quạt múa điệu padit (múa bướm) trước toà tháp cổ. Và khám phá ra âm giai Chàm được dùng trong tọ tam ta ra (bài hát ân tình) là âm giai hơi oán DO MI FA SOL LA, giống như âm giai trong Hát Bài Chòi hay của Vọng Cổ chứ không phải giống như âm giai trong Ca Huế.
Vào hồi đầu thập niên 40, người dân đen muốn tới thành phố Đà Lạt không phải là chuyện dễ dàng đâu ! Phải làm đơn xin phép và chờ Sở Mật Thám điều tra rồi ba tháng sau mới có giấy đi. Thường thường chỉ là giấy cho phép tới nơi nghỉ mát (villégiature) này trong một thời hạn nào đó. Nếu muốn tới làm ăn sinh sống ở Đà Lạt thì lại một chuyện khác, một chuyện khó khăn vô cùng. Người Pháp thành lập ra thắng cảnh Đà Lạt để dành riêng cho người da trắng. Gánh ĐỨC HUY lên Dalat dễ dàng vì anh Chúc đã đút tiền cho Sở Cảnh Sát rồi.
Tại Đà Lạt, gánh hát ĐỨC HUY cư ngụ và trình diễn ở rạp NGỌC HIỆP trên đường Cây Quẹo. Người bạn mới của tôi là Lê Xuân Ái, tác giả của những bài Hồn Nam Tướng, Chinh Phụ Hoài Khúc, Thiên Lý Mã, Huyền Trân Công Chúa, Con Thuyền Trên Sóng... và có chân trong ban nhạc của Năm Lành, em vợ (vợ bé) của một triệu phú miền Nam là ông Đội Có.
Nghệ sĩ tài hoa Lữ Liên (trong ban A.V.T.) cũng đang làm việc tại Nha Công Chánh Đà Lạt. Nguyên là cầu thủ đá banh của đội banh vô địch Đông Dương là COTONKIN, Lữ Liên, cũng như số đông thanh niên thời đó, ưa thích cuộc đời giang hồ và đã Nam Tiến từ năm 1942. Tại Đà Lạt, Lữ Liên hoạt động trong ban kịch tài tử rồi làm việc tại Đài Phát Thanh ở đó trước khi vào Saigon, trở thành người thăng hoa loại nhạc hài hước mà người khởi đầu là Trần Văn Trạch.
Sau này, tôi có tối thiểu hơn mười lần đi về chốn cao nguyên Đà Lạt. Lần nào cũng nằm tròn trong vòng tay ân ái của một người tình. Một người giúp tôi soạn nổi rất nhiều câu hát ái tình, từ... ngày đó có em đi nhẹ vào đời ... cho tới... nghìn trùng xa cách người đã đi rồi... Và có đầy đủ những kỷ niệm tươi vui hay buồn bã nhưng tất cả những nỗi hân hoan hay ủ rũ cũng đều không se sắt hay nặng nề mà chỉ êm đềm như mầu trăng đã ấp ủ tôi vào những đêm đầu tiên tới Đà Lạt này. Một mầu trăng đã đến từ lâu với nhà thơ Hàn Mặc Tử :
Cả trời say nhuộm một mầu trăng
Và cả lòng tôi chỉ nói rằng
Không một tiếng gì nghe động chạm
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng...
Phạm Duy