Chương 23
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 3218
Buồn lưu cây đào xin hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi ! Vàng rơi ! Thu mênh mông...
Bích Khê -- TỲ BÀ (TINH HUYẾT)
Xưa kia, khi còn là đất Chàm thì miền đất Quảng là nơi có nhiều thành lũy kiên cố để ngăn chặn cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt. Không ngăn được xâm lăng thì phải nộp thành Cổ Lũy cho Hồ Qúy Ly vào năm 1402 để 20 năm sau người Chiêm sẽ cố gắng chiếm lại thành này. Nhưng miền đất Chàm sẽ vĩnh viễn trở thành đất Việt khi vua Lê Thánh Tông đem 100.000 quân tiến vào bắt sống vua Chiêm là Trà Toàn. Khởi sự mang tên Quảng Nghiã dưới thời nhà Nguyễn nhưng một số địa danh ở đây vẫn còn dùng tiếng Chàm. Người Chiêm có bốn dòng họ chính thống là On, Ma, Trà, Chế. Tại Quảng Ngãi, những con sông to nhỏ còn mang tên Trà Khúc, Trà Bồng, Trà Câu, Trà Nô, Trà Nột... Cửa biển thì mang tên Sơn Trà.
Cũng như tất cả các tỉnh miền Trung tôi đã đi qua, Quảng Ngãi là dải đất nằm giữa biển và núi, phong cảnh đẹp vô cùng nếu ta được đứng trên ngọn núi Thiên Ấn là đệ nhất thắng cảnh ở đây để nhìn ra biển Đông nước xanh phẳng lì nối tiếp với trời mây, nhìn xuống những xóm nhỏ ẩn hiện trong rừng dừa trên bãi cát trắng phau, nhìn lên dẫy Trường Sơn nắng vàng rực rỡ. Đặc biệt là nhìn những guồng xe nước khổng lồ đặt trên những con sông rồi xuống gần sông để nghe tiếng nước reo vui, tung bọt trắng xoá chẩy vào đồng xanh bao la vời vợi.
Người ta cứ cho rằng vì đất xấu, dân nghèo nên người Quảng Ngãi không khéo như người Bình Định, không thực như người Phan Thiết, không nhã như người Nha Trang... và rằng người Quảng Ngãi là người đảm đang hơn tất cả ! Có điều chắc chắn người ở đây là những người có tính tình quá khích. Lúc Cách Mạng nổi lên, ai cũng nghe tiếng đồn về sự hiếu sát của du kích Ba Tơ. Về sự đảm đang, nếu tôi không nhầm thì trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cái lối dùng xe đạp để thồ hàng là do người Quảng Ngãi sáng chế ra. Chỉ cần gắn một cái gậy tre vào tay lái, nối cao lên bằng một cái gậy nữa là chiếc xe đạp có sức chở đồ như một chiếc xe bò. Công tác chuyên chở lương thực và vũ khí đạn dược bằng xe đạp thồ mà Quân Đội Pháp không hiểu nổi này đã là yếu tố chính đem lại thắng lợi cho mặt trận Điện Biên Phủ sau này.
Nhưng ta đừng quên rằng nơi đào tạo ra những con người quá khích và đảm đang này còn là nơi sinh trưởng của những nhà thơ lớn của chúng ta như Nguyễn Vỹ, Bích Khê, Tế Hanh với những vần thơ tuyệt vời.
Tân tiến như :
Từng giọt
Thánh thót
Từng giọt
Tơi bời
Mưa rơi
Gió rơi
Lá rơi
Em ơi !
Nguyễn Vỹ - SƯƠNG RƠI
Siêu thực như :
Nàng ơi, tay đêm đương giăng mềm
Trăng đan qua cành muôn tơ êm...
Cổ điển như :
Làng tôi ở vốn chuyên nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông...
Tế Hanh -- QUÊ HƯƠNG
Nơi mà người ta cứ cho là đất đai cằn cỗi này còn là nơi sản xuất ra loại quế hảo hạng, tốt hơn quế Tích Lan hay quế Trung Quốc. Và là nơi có hàng vạn mẫu đất trồng mía để làm đường.
Ở Quảng Ngãi, gánh ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU tới ăn ở hát hỏng tại rạp hát Kiến Thành đường Phan Bội Châu. Vào những năm đầu của thập niên 40, Việt Nam hãy còn dưới thời Pháp thuộc dù chính quyền bảo hộ đã mất mặt vì bị thua trận ở chính quốc và bị Nhật áp đảo ở Đông Dương, đời sống tỉnh nhỏ tại miền Trung xa vắng như Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Tuy Hoà rất là buồn tẻ. Văn hoá nằm trong tay người Pháp, kinh tế nằm trong tay người Tầu. Không một gánh Cải Lương Nam Kỳ lớn nào -- như gánh NĂM PHỈ, PHỨƠC CƯƠNG -- dám tới hát ở những nơi ít khách này cả. Chỉ có những gánh hát Bắc Kỳ bé bỏng như ĐỨC HUY mới dám ghé lại những nơi không hi vọng có đông khách. Nhưng gánh Cải Lương của chúng tôi, nhờ có thêm mục âm nhạc cải cách nên ngoài khán giả bình dân còn lôi kéo thêm được một số khán giả thanh niên, học sinh.
Rồi tôi được làm quen với giới nhạc sĩ tỉnh nhỏ trong đó có nhạc sĩ Vân Đông là người sẽ mãi mãi là cái đinh của nền Tân Nhạc ở khu vực này. Rồi tôi tham dự những buổi văn nghệ salon để nghe anh bạn mới tên là Trình cùng với em trai, em gái của anh đàn hát. Về sau ban nhạc gia đình này bị thủ tiêu trong những ngày đầu của cuộc Cách Mạng 1945 chỉ vì là con cái nhà quan.
Nhạc sĩ Vân Đông
Cũng có thêm một người yêu, Phượng Nga, mắt xanh, răng vàng, cựu hôn thê của một ông Tây. Được cô cho ăn món quà địa phương ngon vô cùng. Đó là món ''don'', một thứ hến nhỏ chỉ thấy có trong những con sông ở vùng này. Rửa cho thật sạch, nấu lên rồi ăn với bánh tráng thì tuyệt...
... Giã từ Quảng Ngãi, như một gánh hát quê đói khách nên không bỏ sót một điạ điểm nào, ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU ghé lại những thị trấn nhỏ như Tam Kỳ, Tam Quan trước khi tiến vào tỉnh lỵ Qui Nhơn. Tại Qui Nhơn, tôi được biết thêm một bãi bể nữa. Bãi bể này sạch sẽ, gọn gàng hơn tất cả các bãi bể khác vì nằm ngay trong thành phố. Tại đây, tôi còn được biết thêm một loại hát nữa là hát bài chòi của đám hát rong ngoài chợ, chuyên kể những truyện thơ bình dân như truyện KIỀU hay truyện NHỊ ĐỘ MAI qua lời ca tiếng hát. Lại khám phá thêm một âm giai khác với ngũ cung miền Bắc và ngũ cung Huế. Trong hát bài chòi có một bán-âm mà trong các âm giai ở miền ngoài không có. Âm giai DO MI FA SOL LA này cũng là âm giai nhạc Chàm và âm giai Vọng Cổ miền Nam. Thì ra nhạc Chàm gần gũi với nhạc Vọng Cổ hơn là với nhạc Huế.
Nhạc Chàm
Gánh hát ghé Tuy An. Rồi khi tới Tuy Hoà thì tôi bị xúc động bởi cái tháp Chàm nằm trên đồi cao ngay sau lưng rạp hát. Tháp bỏ hoang lâu ngày là nơi ăn chốn ở của khỉ và dơi. Tôi leo lên ngồi trong tháp, mơ màng truyện tình Huyền Trân Công Chúa, thương xót một giống nòi bị diệt vong, lẩm nhẩm ngâm mấy câu thơ của Chế Lan Viên...
Tại tất cả bốn năm thị trấn vừa kể, hằng đêm trong đám khán giả lèo tèo chẳng có ma nào mê tân nhạc cả, anh ca sĩ đeo kính cận thị của gánh Cải Lương này chỉ nhận được tiếng vỗ tay lưa thưa của các bà già và con nít. Nhưng đây cũng là lúc tôi không còn đặt nhiều quan trọng vào việc đứng ra sân khấu để hát cho người khác nghe mà chỉ muốn hát để thoả mãn cơn đam mê hát của mình. Hát trước đám đông hay hát một mình cũng vậy thôi ! Có người vỗ tay hoan nghênh hay không có ai thưởng thức tài nghệ mình cũng chẳng sao cả. Đã cất cao giọng hát là đã thấy tràn trề hạnh phúc rồi ! Người nghệ sĩ nào cũng vậy, sau một thời gian phục vụ (sic) quần chúng sẽ quay về phục vụ chính mình.
Chỉ khi gánh hát vào tới Nha Trang thì mới có khán giả thanh niên học sinh mê tân nhạc rầm rập tới nghe tôi hát. Không quen thêm một người bạn nhạc sĩ nào ở đây nhưng tôi lại quá quen thuộc với phong cảnh của các tỉnh nằm dài nơi có thùy dương bóng dừa ngàn thông và có biển cả chơi vơi rồi. Dù biển Nha Trang xanh và nước ấm hơn bất cứ nơi nào hết, trong thời gian ở đây tôi chỉ ngong ngóng chờ ngày giã từ miền cát trắng để tiến lên chốn Đà Lạt thần tiên.
Phạm Duy