Chương 26
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 4114
Saigon đẹp lắm !
Saigon ơi ! Saigon ơi !
Y Vân
Xe thổ mộ - Chợ Bến Thành - Ngày xa xưa
Cùng với gánh ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU đi qua những rừng cao su để vào tới Biên Hoà, tôi bỗng nhớ lại những chuyện phiêu lưu của anh Tường, người phu cạo mủ cao su, con ông Cả Bịp ngày xưa. Hồi đó tôi cứ tưởng tượng đất sống của những tay được gọi đích danh ''anh chị Sè gòn'', giang sơn của đám người tứ chiếng giang hồ phải là nơi đầy hiểm nguy và bất trắc. Bây giờ tôi thấy phong cảnh của miền Nam không có gì hung dữ, huyền bí mà hiền lành và óng ả quá chừng với mầu xanh man mác của rừng và mầu đỏ êm đềm của đất.
Tới tỉnh lỵ Biên Hoà là coi như đã ngửi thấy mùi Saigon. Gánh hát còn đang lắp phông, treo màn tại rạp hát, tôi đã leo lên xe autocar đi ngay vào nơi tôi coi là mục đích của chuyến đi xuyên Việt này : Thành Phố Saigon, Hòn Ngọc của Viễn Đông, La Perle de l'Orient như người Pháp nói.
Từ ngoại ô vào thành phố, trên chiếc xe ca vừa vượt qua cầu Bông, tôi ngơ ngác nhìn những nhà cao cửa rộng hiện ra vùn vụt trước mắt tôi. Saigon giầu sang hơn Hà Nội nhiều ! Rồi khi xe tới bến cửa Đông chợ Bến Thành, tôi thả bộ đi trên đường phố. Con tim của Saigon chính là khu chợ rất lớn này. Tại đây có bến xe thổ mộ, bến xe ca (gọi là bến xe Lục Tỉnh) và bến xe điện để nối liền thủ đô miền Nam với các vùng ngoại ô như Chợ Lớn, Gia Định. Lúc đó tôi chưa thấy có xe taxi. Xe kéo thì không có bến, mấy ông phu kéo xe làm việc rất thảnh thơi, giữa buổi trưa nồng nực, khi các ông gác xe vào hè làm một giấc la-siết (sieste = ngủ trưa) thì hành khách trả bao nhiêu tiền các ông cũng không thèm chạy.
Thành phố Saigon rộng lắm, xe kéo ít khi được dùng để đi ra ngoại ô mà chỉ chở khách quanh quẩn trong khu vực ta có thể gọi là downtown Saigon, gồm khu chợ Bến Thành, khu Xã Tây (Toà Đô Chính) khu chung quanh đường Catinat (Tự Do) và Nhà Thờ Đức Bà ở gần đấy. Trước mặt nhà thờ lớn nhất Saigon này còn có bức tượng Giám Mục Pigneau de Béhaine giơ tay che chở Hoàng Tử Cảnh. Hai vị danh nhân bằng đồng đen này về sau sẽ bị Cách Mạng 1945 bứng đi để rồi về sau nữa lại được người Công Giáo thay thế bằng tượng Mẹ Maria.
Người dân thích dùng xe thổ mộ để từ Tân Bình, Phú Nhuận đi vô Saigon, hay ngược lại. Tôi nhẩy ngay lên xe để đi Tân Định chơi. Chiếc xe ngựa xinh xắn có lục lạc đeo ở cổ ngựa kêu leng keng làm cho hành khách thấy vui tai. Trên đầu ngựa có đính một chùm lông gà trông giống như cái chổi phất trần nhỏ, nhẩy tâng tâng làm tôi vui mắt. Nhớ tới ngày tôi nằm võng tại Hưng Yên, coi tranh vẽ xe thổ mộ chạy trên đường Catinat in trong cuốn sách quảng cáo của hãng dầu cù là Nhị Thiên Đường, rồi mơ tưởng tới ngày mình được ngồi trên một chiếc xe thổ mộ... Bây giờ tôi rất vui lòng cúi đầu co chân ngồi trong chiếc xe mảnh khảnh và chật chội như cái hộp diêm này vì tôi đã thực hiện được một giấc mơ xưa rồi.
Vào năm 1944, Saigon còn nhiều cây to, các tầng lá rất dầy che kín nắng khiến cho khách ''bộ hành'' hay ''thổ mộ hành'' thấy trong lòng mát rượi, dù đang là một buổi trưa nắng chang chang. Nhìn ra hai bên đường thấy mọi người đều mặc áo bà ba hay sơ mi trần. Kể cả đàn ông, đàn bà và con gái. Không thấy ai mặc veston, thắt cravate, mặc áo dài cả. Ai cũng ung dung, thơ thới. Chỉ có anh chàng Bắc Kỳ là tôi đang khổ sở vì mồ hôi đổ ra như tắm dưới bộ đồ Tây làm bằng nỉ pattes de poule...
Đi xa hơn nữa, chẳng hạn từ Gò Vấp hay từ Chợ Lớn vào Saigon thì dùng xe ô-tô-buýt hay xe điện. Khi gánh hát ĐỨC HUY CHARLOT MIỀU đóng đô ở đây rồi, tôi thường đi xe điện hơn là đi xe buýt, nhưng không bao giờ tôi dám giở trò nhẩy xe điện như thời ở Hà Nội nữa. Nếu nhẩy xe thì có nhiều hi vọng bị xe hơi đằng sau đi tới tông vào đít mình.
Đường xe điện ở đây dài hơn đường xe điện ở Hà Nội rất nhiều. Một đường nối liền Saigon Chợ Lớn, khởi đi từ bến chính (bến Cuniac) ngay sát Bồn Binh, chạy qua rất nhiều trạm trên đường Galliéni (Trần Hưng Đạo) và trên đường Marins (Đồng Khánh) để vào trạm chính ở Chợ Lớn nằm trên đường Gaudot (Khổng Tử). Một đường xe điện khác, nối liền Saigon với Gò Vấp thì chạy qua Bình Hoà, Bà Chiểu. Tất cả các trạm xe điện, ngoài tên Pháp ra, còn được chỉ định bằng những biển vẽ để cho hành khách bình dân dễ nhớ như tranh con cua, tranh con rùa, tranh con rắn... Tôi còn nhớ biển vẽ của trạm Jaccaréo (Xóm Củi) là tranh cái cào cỏ.
Nhà ga xe lửa rất lớn cũng nằm ngay trong khu Chợ Bến Thành. Ngoài con đường sắt đi ra miền Bắc qua ngả Biên Hoà, Phan Thiết, ga Saigon còn có đường sắt đi xuống Mỹ Tho. Người Pháp đã trù tính nối thêm đường hoả xa từ Mỹ Tho xuống Cà Mâu rồi đi luôn qua Cao Miên tới ga Phnom Penh (Nam Vang) cho nên mới có danh từ trans-indochinois (xuyên Đông Dương) nhưng chưa thực hiện được chương trình đó thì Pháp đã bị đuổi ra khỏi Đông Dương. Dù cả ba nước cựu thuộc địa Việt-Miên-Lào đã giành được độc lập gần nửa thế kỷ rồi, vẫn chưa có cơ hội nào thật tốt để có được một đường thiết lộ nối liền ba nước láng giềng, giúp vào sự thịnh vượng chung, mà chỉ có máu xương hoà lẫn với nhau đổ xuống mảnh đất khốn khổ này.
Trong thời gian gánh ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU ở đây, chúng tôi luôn luôn di động. Làm sao có thể hát lâu một chỗ được ? Ở đâu cũng chỉ hát được một tuần là tối đa. Nhưng Saigon lớn lắm, có rất nhiều khu chợ để chúng tôi tới kiếm ăn. Chưa kể các vùng kế cận là Chợ Lớn và Gia Định...
Nhờ ở chỗ phải luôn luôn di động như vậy, tôi biết Saigon kỹ càng hơn. Anh Chúc thì bận vô cùng, anh phải chạy đi chạy lại trong thành phố và vùng lân cận để thuê rạp. Tôi phải giúp anh Chúc một tay, do đó sau gần 50 năm trời, dù tôi chỉ còn nhớ được dăm ba tên rạp nhưng tôi không thể nào quên được khung cảnh của từng rạp hát tại từng vùng
Những chợ Miền Nam -- nhất là ở trong vùng Saigon và lân cận -- thường mang tên ông này bà nọ, như chợ Ông Lãnh, chợ Bà Chiểu, chợ Bà Điểm và đều có rạp hát gần chợ. Từ miền Lục Tỉnh, các bà chở thực phẩm lên bán ở Saigon thường thường tới các chợ vào khoảng 6, 7 giờ tối. Không cần phải thuê phòng ngủ, họ kéo nhau vào rạp hát ở bên cạnh chợ, ngồi nhai trầu bỏm bẻm coi hát cho tới 1 giờ sáng rồi ra bày hàng để tờ mờ sáng là chợ đã đông người rồi.
Ở Bình Hoà hay Thị Nghè, rạp hát chỉ cách chợ có khoảng trên dưới 30 thước. Tôi đã hát ở những rạp đó và được ngửi luôn cái mùi nồng nặc của chợ Việt Nam. Ở Dakao, có tới 3 rạp : một rạp ngay cạnh chợ, một rạp là cái đình nhỏ (không nhớ tên) gần Đài Phát Thanh đường Richaud (Phan Đình Phùng), một rạp hát nữa là rạp VĂN HOA khá lớn nằm ở đường Paul Bert (Trần Quang Khải), gần Cầu Bông. Phú Nhuận có rạp hát rất lớn. Chủ rạp là ông Đội Có, một trong những triệu phú miền Nam. Rạp nằm gần cái chợ nhỏ tại ngã tư Võ Di Nguy và Chi Lăng.Tại Chợ Quán, rạp hát cũng là một cái đình cũ mà tôi còn nhớ tên là đình Tân Kiểng. Trong Chợ Lớn, gánh ĐỨC HUY của chúng tôi tới hát ở Xóm Củi, ở chợ Bình Tây, ở cầu Palikao, ở cầu Nhị Thiên Đường... Rạp nào cũng gần nơi chợ búa cả.
Rạp hát lớn nhất tại trung tâm thành phố lúc đó -- ngoài nhà hát Tây mà không bao giờ tôi được hát ở đó cả -- là rạp CINÉAC. Lẽ dĩ nhiên rạp này phải nằm ở chỗ đông đảo nhất, vui vẻ nhất là đường d'Espagne (Lê Lợi) phía cửa Bắc chợ Bến Thành. Về sau rạp này bị phá đi để mọc lên những cửa hàng, ví dụ tiệm bán vàng Nguyễn Thế Tài. Rạp CINÉAC rất cao và rất rộng nhưng cũng rất nóng vì bấy giờ không có máy lạnh. Không có micro ampli và loa nên tôi không chỉ hát mà còn phải gào lên nữa ! Vậy mà đêm nào cũng đông khách. Chắc cũng bởi vì anh Miều đã nghe lời tôi, cho đăng quảng cáo ở trên vài tờ ''nhựt trình'', nhấn mạnh vào mục hát phụ diễn cho nên dân Tây học kéo nhau tới nghe tôi hát nhạc cải cách. Có những khán giả mua vé vào cửa, không ngồi vào ghế, chỉ đứng bên hông hay cuối rạp, nghe tôi hát xong là họ ra về. Thật là cảm động, đối với tôi.
Gánh ĐỨC HUY còn hát tại hai rạp khác cũng nằm trong khu Chợ Bến Thành là rạp THUẬN THÀNH và rạp ARISTO, cả hai đều ở gần ga xe lửa. Rạp ARISTO vẫn còn tồn tại cho tới bây giờ và đã từng là đại bản doanh của gánh hát Bắc Kỳ di cư KIM CHUNG trong suốt hai mươi năm.
Tôi vẫn còn ăn ở trong rạp với anh em đồng nghiệp nhưng tôi thường được bạn bè tôi mới quen như Phạm Xuân Thái, kéo tôi về nhà. Có khi tôi mướn phòng ngủ, như hôtel KIM HOA ở tầng hai trên dẫy cửa hàng đường Bonard đối diện với Nhà Thương Đô Thành, nơi đây thi sĩ Nguyễn Bính đến thăm tôi, một chiều mưa. Tôi sống rất thân mật với khu chợ Bến Thành. Nhà Phạm Xuân Thái ở ngay đầu đường La Grandière (Gia Long), buổi sáng tôi theo chị Thái ra sạp bán vải của chị ở trong chợ để chen chúc trong đám đông.
Buổi trưa ngồi ăn cơm đầu đường, một bữa cơm no chỉ cần trả hai hào (hai mươi xu). Người Saigon có vẻ thích sống ngoài đường nhiều hơn là trong nhà. Quán ăn, tiệm nước đầy phố, lúc nào cũng chật ních thực khách. Món ăn Saigon lạ miệng vì đồ kho phần nhiều là có pha nước dừa. Tiếc rằng tôi không biết ăn các loại mắm. Có một thắc mắc của tôi về một món ăn : Bắc Kỳ có một món ăn rất ngon là nem rán. Bánh đa nhúng nước rồi bọc thịt và cua cho vào chảo mỡ rán lên. Đưa lên miệng ăn thấy giòn tan. Người Nam bèn tiếp thu món đó và gọi là chả giòn. Đúng ! Giòn kinh khủng. Thế nhưng không hiểu vì sao về sau ta cứ gọi nó là chả giò ?
Buổi chiều vào ngồi quán bán kem và bánh ngọt Côte D'Azur ở đường Sabourin, đối diện cửa Đông chợ Bến Thành, để tán tỉnh một cô bán hàng ở đó tên là Tuyết, da cô bánh mật nên gọi là Tuyết ''đen'', giọng cô ướt mèm nên gọi thêm là Tuyết ''nhè''. Đường Sabourin còn là nơi cư ngụ của chị Đào Phi Phụng, em ruột nhà thơ Vân Đài. Tôi được hân hạnh làm quen với hai nữ sĩ hữu danh này và gặp luôn cả người phụ nữ mà tôi kính phục là chị Mỹ Nghệ từ Vinh vào Saigon, ngụ tại nhà chị Đào Phi Phụng. Đường này có thêm hiệu sách và nhà in Tín Đức Thư Xã với hai cô gái nổi tiếng là tân tiến, có anh bạn tôi mới quen là Thông đánh guitare rất giỏi thường hay lui tới rồi thành rể gia đình này luôn. Cô em trở nên một ca sĩ hạng nhì. Cô chị sau này là vị nữ dân biểu Trần Kim Thoa.
Buổi sáng và buổi trưa ăn chơi như thế rồi thì vào buổi tối, sau giờ hát, cũng như mọi người, có khi tôi bắc ghế bố nằm ngủ ngay trên hè đường, có gió từ biển thổi vào làm tôi thấy mát dịu cả tâm hồn lẫn da thịt.
Thành phố Hải Phòng đã được tôi coi là thành phố quốc tế. Bây giờ, đối với tôi, Hải Phòng thua Saigon xa ! Tại Hòn Ngọc Viễn Đông này, da trắng, da đen, da vàng ở lẫn lộn và đông đảo. Người Ấn Độ làm nghề ''sét-ty'' (nghề cho vay nặng lãi) chiếm cả một khu phố gần chợ Bến Thành. Có một ngôi đền Ấn Độ, ngoài con cháu Gandhi ra còn có đông người Việt tới cúng bái. Tôi rất thích mùi hương Ấn Độ nên hay vào ngồi trên nền gạch hoa mát lạnh của ngôi đền này.
Chợ Lớn hoàn toàn là một thành phố Tầu. Miền Nam có nhiều triệu phú như ông Đội Có hay Bạch Công Tử, Hắc Công Tử nhưng tỷ phú thì phải là người Tầu. Như Chú Hoả (Hui Bon Hoa), vua nhà đất và Chú Hỷ, vua tầu bè. Khác với Hà Nội hay Hải Phòng, Saigon là thành phố có rất nhiều tiệm cầm đồ, tất cả nằm trong tay Chú Hoả. Tứ đổ tường, bốn món trụy lạc như rượu chè, cờ bạc, đĩ điếm, thuốc phiện thì xin thưa rằng Saigon và Chợ Lớn có đầy đủ hơn các nơi khác ạ ! Tôi không biết uống rượu và đánh bạc nên không đi sâu vào hai cái thú đó nhưng hai cái tò mò khác của tôi thì được thoả mãn ngay.
Tại Chợ Lớn có nhà điếm Tầu, mở công khai ở đường Marins (Đồng Khánh). Dễ tìm lắm vì đó là một dẫy nhà có đèn lồng treo trước cửa, dưới chân tường có bàn thờ Thần Bạch Mi. Mở cửa bước vào là thấy ngay các cô điếm Tầu ngồi trên ghế tràng kỷ đợi khách, mặt mày loè loẹt phấn son, trông gần giống đào hát bội. Một cuộc hoa nguyệt ở đây không rẻ mạt như ''chuyến đi'' của tôi ở phố Hàng Mành, Hà Nội. Tôi không nhớ rõ phải trả bao nhiêu đồng nhưng chỉ có là trọc phú, tay buôn, thầy ký... thì mới dám lai vãng nơi chốn Thiên Thai này. Học sinh, công nhân thì đừng hòng lui tới. Tại đường Thủy Binh (Rue Des Marins), khách làng chơi còn được ăn cháo muối rất ngon của người Triều Châu đêm đêm gánh thùng cháo nóng tới đặt trên hè.
Tiệm hút tràn lan khắp mợi nơi. Tôi thường tới nằm hút với Nguyễn Bính ở khu Chợ Cũ. Nguyễn Bính hơn tôi hai tuổi và cũng như tôi hay những người đồng lứa tuổi, vào lúc đó đã thực hiện được giấc mộng Nam Tiến. Dáng người thấp bé, đầu để tóc bồng, luôn luôn vận bộ complet mầu trắng dù trời Saigon ban ngày nóng như lửa. Răng cải mả không phải vì hút nhiều thuốc lá hay thuốc phiện mà vì thi sĩ vốn là người miền quê, lúc ít tuổi hơn đã được nhuộm răng đen rồi khi thành thi sĩ thì anh làm ''cuộc cách mạng'' cạo răng như các chị tôi. Vì cạo không kỹ nên hàm răng của anh có hai mầu. Nguyễn Bính gặp tôi ở rạp hát rồi chúng tôi kéo nhau về hotel VĂN HOA để tôi hát cho anh nghe bài thơ phổ nhạc Cô Hái Mơ.
Thi sĩ của đồng quê, Nguyễn Bính
Chúng tôi dễ dàng trở thành bạn thân. Tôi yêu Nguyễn Bính đến độ có hai cái áo sơ mi đẹp nhất thì vào một đêm nọ, vì không sẵn tiền nên phải tặng bạn một cái áo để bạn đem ngay ra tiệm cầm đồ đổi lấy tí tiền vào nằm tiệm hút. Đêm hôm đó, để tặng lại tôi, Nguyễn Bính chép ra bài thơ anh vừa làm xong. Bài thơ gửi chị, như muốn trả lời những gì chị đã dặn trong Lỡ Bước Sang Ngang :
Em ơi ! Em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương
Hôm nay xác pháo đầy đường
Ngày mai xác pháo còn vương khắp làng.
Chị đã dặn em như thế, nhưng em không còn ở nhà để lo chuyện mẹ già. Em đã ra đi, vào tận trong Nam, lên tới Cao Nguyên, rồi mùa Xuân tới, em viết thư gửi chị :
Viết cho chị cánh thư này
Một đêm lữ thứ em say rượu cần
Nhớ người cách một mùa Xuân
Hình như người đã một lần sang sông
Ô hay thương nhớ vô cùng
Rượu hay lệ ướt khăn hồng chị ơi...
Về sau Nguyễn Bính đi theo gánh Nhạn Trắng để có nơi ăn chốn ở và khi kháng chiến Nam Bộ bùng nổ thì anh đi theo kháng chiến ngay.
Nhà văn Lê Văn Trương
Cũng gặp trong một tiệm hút nào đó, một nhà văn mà mình ngưỡng mộ từ lâu là Lê Văn Trương. Thấy anh ta hách hơn Nguyễn Bính nhiều. Cao lớn, nói to, nói gì cũng nghiến răng lại mà nói. Người chuyên viết chuyện người hùng nằm hút với một dáng điệu rất đẹp -- chúng tôi thường nói đùa là nằm đẹp như Robert Taylor, một chân co một chân duỗi -- nghiến răng kể chuyện đi Cao Miên, bàn tay cầm cái tiêm nhúng vào thuốc phiện, thoăn thoắt nhẩy múa trên ngọn đèn thần, nong thuốc vào tẩu rồi trịnh trọng nâng dọc lên miệng hít một hơi không nghỉ, trông Robert Taylor này cũng có vẻ anh hùng lắm lắm ! Có lần tôi chứng kiến vụ anh cà khịa với một ''người hùng'' khác cũng đang nằm chân co chân duỗi ở giường bên cạnh. Tôi phải can hết hơi anh Trương mới thôi hùng hổ.
Những ngày gánh hát ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU hành nghề ở Saigon, tôi đã được ban nhạc Tây đệm đàn cho tôi hát.
Phạm Duy và Đào Mộng Long gặp lại nhau sau 60 năm
Đây cũng là lúc một gánh hát Bắc Kỳ khác là gánh NAM HỒNG với đào kép chính là Mộng Long và vợ là Thu Chung vào tới miền Nam. Trong suốt dọc đường xuyên Việt, chưa bao giờ hai gánh ĐỨC HUY và NAM HỒNG đụng nhau. Bây giờ thì khác. Để đủ sức cạnh tranh với NAM HỒNG và các gánh hát khác, ngoài sự tăng cường đào kép Cải Lương mới, ban nhạc Tây của gánh ĐỨC HUY cũng được ''bồi sức'' với nhạc sĩ già Mateo, người Ma Ní đánh piano, nguyên là một tướng lãnh Phi Luật Tân, vì hoạt động chống lại việc Hoa Kỳ chiếm đóng nước ông nên phải qua Saigon tị nạn chính trị. Có thêm Paul Báu đánh guitare dây sắt dạy tôi những bài jazz và blues như IN THE MOOD, SAINT LOUIS BLUES.
Vinh dự nhất là có một đêm anh Tư Chơi, tổ sư của phong trào ''bài ta theo điệu Tây'' tới rạp CINÉAC để nghe tôi hát rồi hai anh em ra ngồi tán gẫu ở một quán cà phê. Lúc đó cái mũi to của anh chưa đỏ ngầu và sần sùi lên vì nghiện rượu nặng, trông anh phong lưu như một Công Tử Bặc Liêu. Về sau, vào thời Ngô Đình Diệm, khi tôi phụ giúp anh Võ Đức Diên điều khiển Quán ANH VŨ ở đường Bùi Viện, hằng đêm, nhớ ánh đèn sân khấu, anh Tư Chơi thường chống ba toong, lảo đảo tới quán để chúng tôi mời anh một chầu Martel. Anh qua đời trong sự lạnh lùng của chính quyền. Trong khi đáng lẽ ra phải có một lễ quốc táng cho anh.
Trong những ngày đầu tiên tới hát ở Saigon, tôi được hân hạnh làm quen với anh Năm Châu, anh Ba Vân, chị Phùng Há là những thần tượng mà không bao giờ tôi dám nghĩ đến chuyện tới gần.
Nhạc sĩ đàn anh Võ Đức Thu -- lúc đó còn mang tên Charles Thu -- là thầy dạy tôi gõ đàn piano. Tới học tại nhà thầy, được mời ăn cơm với món mắm, tuy không hợp với khẩu vị của mình nhưng tôi cũng bấm bụng ăn và khen ngon ầm ầm. Chị Thu không ở Hà Đông mà cũng cầm tinh con hổ, ghen chồng đến độ nếu tăng cường độ ghen lên chút síu là có thể tưới săng đốt chồng như cô Qườn làm sau này. Đó cũng bởi tại Charles Thu, cho tới già, lúc nào cũng mê gái. Võ Đức Thu với ba chữ V.Đ.T. đã được chúng tôi gọi là ''Vô Đứng Tủ'' chỉ vì có một hôm đang ở nhà đào thì vợ tới đánh ghen, Võ Đức Thu bèn làm như bất cứ một anh chồng sợ vợ nào vào lúc nguy nan là... vô đứng trong một cái tủ lớn. Về sau anh là nhạc sĩ luôn luôn đệm đàn cho chúng tôi khi đi lưu diễn ở Hà Nội, Hải Phòng vào năm 1953 với ban GIÓ NAM do tôi tổ chức cũng như khi ban THĂNG LONG hát ở các Đài Radio FRANCE -ASIE hay Đài QUỐC GIA. Và mê Thái Thanh chết bỏ.
Lúc còn bé tôi bị ám ảnh bởi huyền thoại các triệu phú miền Nam như Bạch Công Tử, Hắc Công Tử, những con người hào hoa phong nhã đến tột độ khi bao nuôi cả đào hát lẫn gánh hát. Triệu phú Georges Phước còn hào hoa đến độ đốt tờ giấy bạc một trăm đồng để soi tìm một đồng xu mà người đẹp ngồi bên cạnh đánh rơi xuống đất. '' Bố '' Nguyễn Du thật là khó tính, đưa ra mẫu người Kim Trọng vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa. Đã là người quân tử thì đối với người ngoài hào hoa bao nhiêu thì đối với người trong nhà cũng phải phong nhã bấy nhiêu.
Bây giờ vào Saigon, đi chơi chỗ này chỗ nọ, nghe tận tai chuyện Bạch Công Tử bao gái, đãi ngộ bè bạn, tiêu tiền như rác nhưng về nhà thì đánh vợ hộc máu mồm ra ! Riêng về phần tôi, trong suốt một đời, lúc nào tôi cũng cố gắng thực hiện những điều lý tưởng của ''bố'' Tiên Điền. Đối với vợ con cũng phải tốt như đối với người ngoài. Bổn phận gia đình phải ngang với bổn phận xã hội. Không có cái nào hơn cái nào cả.
Bây giờ hãy quay về với chàng hát rong ở Saigon vào tháng 11 năm 1944. Vào tuổi 22 qua 23, nhờ gánh ĐỨC HUY CHARLOT MIỀU giúp tôi cơ hội đi du ca, nhờ những bài hát của Lê Thương, Đặng Thế Phong và nhất là nhờ bài Buồn Tàn Thu của Văn Cao, cứ coi như tôi đã thành công trong giấc mơ đi vào miền Nam và trong lý tưởng làm nghề ca xướng rồi. Nhưng chưa đặt chân vào Saigon, sự thành công trong nghề hát của tôi cũng chỉ được biết đến ở từng địa phương và trong một số người mà thôi.
Phải đợi tới khi tôi được lên hát ở Đài Phát Thanh RADIO INDOCHINE thì tôi mới được toàn quốc biết tới và công nhận là người thành công đầu tiên trong loại nhạc cải cách. Trong kỳ vào Nam này tôi cũng thực hiện một giấc mơ khác là được gặp hai người tiền phong trong phong trào nhạc cải cách : nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên và thi sĩ Nguyễn Văn Cổn. Tới thăm anh Nguyễn Văn Tuyên ở Thị Nghè thì thấy anh thôi không làm ca sĩ tài tử nữa, tiếp tục làm công chức cao cấp tại một cơ sở lớn của Nhà Nước Bảo Hộ.
Đài RADIO INDOCHINE, nơi xuất thân của nhiều ca sĩ Tân Nhạc
Một buổi đẹp trời, tôi được mời tới Đài RADIO INDOCHINE ở đường Richaud (Phan Đình Phùng) để thử giọng. Tôi gặp Nguyễn Văn Cổn, là thi sĩ nhưng cũng là công chức cao cấp của Đài này. Cùng với trưởng ban nhạc là Jean Tịnh, hai người chấp nhận tôi là ca sĩ của Đài RADIO INDOCHINE ngay. Tôi được mời hát 3 lần một tuần. Có lĩnh tiền thù lao hậu hĩnh. Tiếng hát của tôi truyền đi khắp nơi trong nước. Tôi bắt đầu nhận được cảm tình của những người tôi chưa gặp bao giờ. Trong số này có Băng Thanh, chị ruột của nữ sĩ tương lai Minh Đức Hoài Trinh. Sinh vào thời đại đã có radio để giúp cho việc truyền thông, cho việc phổ biến văn nghệ, tôi có may mắn hơn thế hệ cha ông rất nhiều !
Thế là coi như tôi đã thành công trong cái nghề mình chọn, đã thực hiện được giấc mơ của mình. Chỉ vì tôi là người háo thắng. Có ai ở trên đời này lại ''háo bại'' không nhỉ ? Nên háo thắng. Chỉ cần người háo thắng có tinh thần thượng mã trong sự tranh đua thắng lợi với người khác. Sự háo thắng trong tôi đã được khêu gợi ngay từ khi tôi chơi trò điền kinh ở Hà Nội, Hưng Yên. Không chạy thi với ai thì thôi, đã chạy thi với các lực sĩ khác thì bao giờ mình cũng cố gắng để không về bét. Hơn nữa, trong đời tôi, có nhiều lúc tôi phải tự thắng mình khi tôi lâm vào những cảnh khó và mang tinh thần chủ bại. Sự quyên sinh của anh Khiêm có những nguyên nhân cao cả mà tôi không thể biết, tôi chỉ biết thương sót người anh ruột đã không thắng nổi sự bại trận của mình. Cũng như thương những người tự vẫn ở phố Hàng Dầu, Hồ Hoàn Kiếm... Háo thắng còn là biểu lộ của sự yêu đời, yêu cuộc sống nữa.
Ngày đầu tiên lên hát trên Đài RADIO INDOCHINE là ngày sung sướng nhất của tôi. Huy hoàng biết bao nhiêu khi thấy mình có mặt trên Đài Phát Thanh bên cạnh Hồ Biểu Chánh với Câu Chuyện Văn Học, bên cạnh Huỳnh Tấn Phát với Câu Chuyện Thời Sự. Đó là chưa kể được hát chung một đài với các cô Ngọc Nữ, Tư Sạng, Hai Đá, Năm Huệ v.v... Còn sung sướng biết bao nhiêu khi thấy, lần đầu tiên trong đời, có người viết báo về mình là Nguyễn Văn Cổn dưới bút hiệu Thần Điện Tử. Bài báo quý báu vô cùng nên trải qua bao nhiêu lần chạy loạn, tôi vẫn còn giữ nó và bây giờ nó được in ra ở những trang cuối của tập HỒI KÝ này. Được khán giả vỗ tay khen ngợi, được các nhà nghệ sĩ nổi danh bắt tay, được một bài báo tâng bốc, càng ngày càng có thêm người ái mộ... tôi loá mắt lên, say sưa trong thắng lợi (sic) và quên hẳn mẹ. Trong chuyến đi xa này, không có một lúc nào tôi nhớ tới mẹ. Không gửi một lá thư nào về cho mẹ cả. Thật là bất hiếu ! Đúng như người Pháp nói, tuổi vào đời là tuổi vô ơn (l'âge ingrat). Làm sao được ? Người Việt đã chẳng có câu nước mắt chẩy xuôi đó à ? Chỉ khi nào mất cha, mất mẹ thì lúc đó nước mắt mới chẩy ngược mà thôi.
Đã quên mẹ rồi, tôi cũng quên luôn là mình đang sống trong một thời có cuộc chiến tranh đang đe doạ miền Đông Nam Á. Tầu bay Mỹ đã tới thả bom xuống đường d'Espagne trong lúc tôi đang ở khu Chợ Bến Thành. Nhưng anh thanh niên đang trong cơn sốt của danh vọng đã chẳng có lúc nào thèm nghĩ tới bất cứ cái gì khác hơn là hạnh phúc của riêng mình. Tôi sống vô tình như một con bướm trắng.
Tôi đã sửa soạn để rời Saigon đi hát ở Lục Tỉnh rồi. Tổng kết thời kỳ kết duyên với toàn vẹn miền Nam này chưa đầy một năm. Tôi chỉ có rất ít ngày giờ để vui thú với cảnh vật và con người ở xứ Đồng Nai êm đềm. Sau năm 1951, khi giã từ Hà Nội yêu qúy để cùng gia đình nhà vợ di cư vào Nam, tôi được sống với Saigon trong 24 năm. Một phần tư thế kỷ ! Đâu có phải là ít ? Nếu so thời gian tôi sống với Hà Nội và miền Bắc là 21 năm -- trừ đi 10 năm còn bé bỏng quá nên chẳng biết gì và những năm ở Moncay, Hưng Yên, Kiến An và Bắc Giang -- thì Saigon và miền Nam mới đích thực là nơi tôi cắm rễ, có quá nhiều kỷ niệm, chuyện vui cũng nhiều mà chuyện buồn thì chắc chắn còn nhiều hơn. Tôi sẽ có dịp nhắc tới thời kỳ này.
Phạm Duy