Chương 16
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 3809
Gió lạnh cái đêm đông trường
Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường để đó chờ ai ?
Hát Quan Họ
Những ngày Yên Thế
Kiến An buồn tẻ đến độ tôi không muốn biết mặt mũi tỉnh lỵ, suốt ngày chỉ ru rú trong Dinh Tổng Đốc. Ngoài công việc rất dễ là kèm học cho hai em nhỏ, đánh cờ và hát cho ông Trân nghe, tôi không có việc gì để làm thêm nữa. Lê Hồng Giang và Lê Duy Kỳ đã lên Hà Nội học, thỉnh thoảng mới trở về thăm cha mẹ rồi chúng tôi kéo nhau đi tắm biển Đồ Sơn. Tôi không quen biết một ai ở Kiến An, không tham gia một môn thể thao thể dục nào, không đi coi ciné hay coi hát, không đọc sách hay đọc báo như xưa nữa. Đời sống không bận rộn như khi ở Hưng Yên nhưng tôi chẳng thấy âu sầu buồn bã gì cả. Được sống lười biếng, vô tư lự, không đam mê một thứ gì cũng khoái lắm chứ ! Sống êm êm như một cánh bèo nằm trên mặt ao lặng lẽ.
Một hôm bà Trân hỏi :
-- Con có muốn giúp me một việc này không ?
-- ?
-- Thày me có một cái đồn điền ở Nhã Nam Yên Thế. Đã giao cho cậu Hai Ninh trông coi ít lâu nay. Nay me muốn nhờ con lên đó giúp cậu một tay.
-- Con có biết gì về nghề nông đâu mà giúp được cậu ?
-- Con cứ lên trên đó xem cậu Hai muốn con giúp cậu những gì...
Thế là tôi không còn được sống lười biếng ở nơi ''con kiến an nhàn'' là Kiến An nữa rồi ! Trước khi đi Nhã Nam, tôi tạt về Hưng Yên thăm mẹ và vú. Rồi tôi lên Hà Nội, ra thẳng nhà ga, lấy vé xe lửa đi Phủ Lạng Thương...
... Bắc Giang là một tỉnh nửa trung du, nửa thượng du, nối liền vùng đồng bằng với vùng rừng núi. Đi khỏi Bắc Ninh, Đáp Cầu là đã thấy những dãy đồi nhấp nhô nằm dài bên những cánh đồng rộng rãi. Ruộng vườn vùng này mầu mỡ phì nhiêu vì nằm ở một lưu vực giữa hai con sông lớn : Sông Cầu và Sông Thương. Đất cát được tưới táp kỹ càng qua một hệ thống sông đào chằng chịt. Dân cư đông đúc. Chợ búa đông đảo. Ngồi trên xe lửa đang lắc lư chạy qua một vùng đã có thời được gọi là Kinh Bắc, tôi rất vui.
Tới Phủ Lạng Thương, tôi xuống đò dọc để trôi ngược Sông Thương lên Bố Hạ. Rồi từ nơi nổi tiếng về cam ngon này, tôi sẽ leo lên xe ngựa về Ấp Bình Chương thuộc Lan Giới trong khu Nhã Nam, Yên Thế...
Nhớ tới câu ca dao :
Sông Ngâu, sông Cả, sông Đào
Ba con sông ấy đổ vào sông Thương...
Ai đã sáng tác ra câu ca dao vớ vẩn này ? Thực ra, chẳng có con sông nào đổ vào sông Thương cả ! Sông phát nguyên từ con suối nhỏ ở Bản Thi thuộc Lạng Sơn, chạy theo dãy núi Cai Kinh rồi trước khi đổ vào Bắc Giang, nước chảy lúc mạnh lúc nhẹ giữa hai bờ đá, con sông không dùng trong việc giao thông được. Chỉ khi tới Bố Hạ thì sông Thương mới rộng ra, thuyền bè mới đi lại được. Hai bên bờ sông có đắp đê và con đê dài là con đường bộ của những xe bò, xe ngựa, xe đạp... liên lạc từ làng này qua làng nọ.
Sông Thương có một lưu lượng bất thường. Vào mùa cạn mặt sông không rộng quá ba thước nhưng vào mùa nước mặt sông rộng tới mười thước, nước sông chẩy rất mạnh cuốn theo những mảng đất lở hai bên bờ nên đã đổi mầu và chúng ta có câu sông Thương nước chảy đôi dòng, một dòng trong xanh và một dòng đen đục.
Cái tên Sông Thương thật là hấp dẫn. Là yêu thương hay là thảm thương ? Đã có những câu ca dao rất tình về con sông này :
Sông Thương nước chảy đôi dòng
Trai quên vợ, gái quên chồng, thì lên !
. . . . . . . . . . . . .
Sông Thương nước chảy đôi dòng
Đèn soi hai ngọn anh trông ngọn nào ?
Nhờ một đập nước khá lớn xây ở Cầu Sơn và một hệ thống sông đào trong toàn vùng dài trên 60 cây số, dân chúng có nước để tát ruộng vào mùa cạn, do đó đồng lúa ở đây có được cả hai vụ chiêm và vụ mùa.
Thuyền trôi êm ái trên dòng sông Thương. Tôi nghĩ tới Đặng Thế Phong và bài Con Thuyền Không Bến bất hủ. Phải chèo ngược nước, thuyền không trôi giữa dòng mà trôi ven bờ, những chùm lá chồi ra phía sông thỉnh thoảng đập vào mặt khách đò giang đang ngồi trên mui thuyền là tôi.
Sông sâu, nước dọc, đò ngang.
Mình về bên ấy ta sang bên này.
Thuyền tới Bố Hạ. Lên bờ để nghỉ ngơi trước khi leo lên xe ngựa về Lan Giới, tôi lững thững đi chơi chung quanh thị trấn nhỏ. Xa gần, trong vùng đồi xanh ngát đã thấy rực rỡ mầu vàng ối của những vườn cam. Bước tới vườn, những quả cam mọng nằm vừa tầm tay với. Giơ tay hái. Ăn ngấu nghiến. Ăn cam cả múi lẫn vỏ. Đã từng được thưởng thức chả cá Quán Lã Vọng, bánh tôm Cổ Ngư, tỉm sắm Đông Hưng, nhãn Hưng Yên... bây giờ tôi được ăn cam Bố Hạ ! Nay mai sẽ còn được ăn bánh bèo Huế, nếm nước mắm Phan Thiết, sực cá nướng Cần Thơ. Thật là may mắn được làm kẻ giang hồ. Đâu cũng là nhà của mình. Đâu cũng là quê của mình. Ăn cái gì cũng ăn tận gốc. Và ăn tận tình, nhất là với kẻ tham ăn tục uống là tôi. Yêu quê hương, trước hết là yêu những món quà quê hương.
Từ Bố Hạ về Ấp Bình Chương ở Lan Giới còn khoảng 10 cây số đường xe ngựa. Ra khỏi vùng cam ngọt, xe lăn bánh đều đều trên đường đê yên tĩnh. Lũ trẻ quê đang tắm dưới sông đào ngẩng nhìn anh thanh niên lạ mặt. Những cô gái cắt cỏ bên đường, má đỏ hồng hồng. Những nông dân đang đánh rơm trên cánh đồng nâu trơ gốc dạ. Mùi đất sao mà thơm đến thế ! Trong số đông người Kinh vận áo mầu nâu ở đây cũng đã có lác đác những người Tày với y phục mầu xanh lam của núi rừng. Vẫn là hình ảnh chung chung của quê hương quen thuộc nhưng bức tranh đã có thêm mầu sắc. Đồng quê Bắc Giang hùng vĩ hơn đồng quê Sơn Tây. Sự hùng vĩ còn tăng lên khi tôi chợt thấy mình đang đi trong một vùng nổi tiếng : vùng Yên Thế của anh hùng Hoàng Hoa Thám. Sau này có một bài Tân Nhạc của Việt Lang nhan đề Chiều Yên Thế :
Đây chiều Yên Thế
Bóng sương mờ rơi
Tiếng ca trên đồi
Gieo buồn khắp nơi...
Đi trong chiều Yên Thế, tôi chẳng thấy buồn gì cả, tôi chỉ thấy hãnh diện mà thôi. Rồi đắc chí vì thấy mình được đi trong một vùng lịch sử oai hùng.
Đề Thám và các cháu
Kia rồi Ấp Bình Chương ! Ấp nằm giữa một ngọn đồi thấp, có ngôi nhà ngói thấp thoáng sau lũy tre già, cách đường đê sông đào chừng nửa cây số. Tôi xuống xe ngựa, xách hành lý xuống con đường ruộng dẫn tôi vào ấp. Vợ chồng cậu Hai Ninh đón tôi ở cổng ấp. Vài tá điền khăn áo chỉnh tề nhưng quần vẫn ống thấp ống cao đứng trên sân chào mừng ''cậu'' con nuôi bà Tổng Đốc, phụ tá viên của ông chủ ấp.
Mới tới Ấp được một ngày, tôi đã thích ngay khung cảnh sơn trại nên thơ này. Có cái hiền hoà của đồng bằng trời mây xanh ngát vào lúc ban ngày nhưng cũng có cái bí hiểm của rừng đồi trời tím mây hồng khi chiều từ từ buông xuống.
Sau vài ngày nghỉ ngơi, với một háo hức dễ hiểu, tôi ngồi nghe cậu Hai Ninh giao phó công việc. Cậu Hai đúng là một ông chủ ấp bất đắc dĩ. Chắc cậu cũng thuộc vào hạng người ăn chơi dữ dội như ông bạn đàn anh Đỗ Tử Côn của tôi ở Moncay. Cậu còn hơn ông Côn ở chỗ đang nghiện thuốc phiện nặng. Cậu đã lâm vào cảnh thất nghiệp từ lâu, nếu không có bà chị Tổng Đốc giúp đỡ thì không biết cậu lấy tiền đâu để vừa ăn vừa hút đây ? Được giao phó trông coi cái đồn điền này nhưng cậu không phải làm việc gì hết, cả ngày cậu chỉ nằm hút và coi tiểu thuyết. Cũng chẳng cần cậu phải ra tay đốc thúc những người thuê ruộng. Có tay tá điền nào dám cả gan chậm nộp thóc cho ông chủ ấp có họ hàng ruột thịt với một bà quan đâu. Tuy nhiên về sau này, tôi không thấy dân trong ấp tố khổ gia đình họ Lê trong thời kỳ cải cách ruộng đất.
Công tác đầu tiên mà cậu giao phó cho tôi là một việc đáng lẽ cậu phải làm từ lâu : đi đo lại và vẽ lại bản đồ của những thửa ruộng nằm trong 200 mẫu tây đồn điền. Để giúp tôi đi vòng vòng mỗi ngày vài ba chục cây số làm công tác đo đạc, tôi có một con ngựa chỉ to hơn con chó một chút thôi. Ngồi trên lưng ngựa mà thương cho nó quá. May cho con ngựa gầy này, lúc đó tuy thân hình tôi đã đầy bắp thịt sau những ngày làm công nhân nhưng hãy còn nhẹ ký lắm.
Đi kiểm tra ruộng đất như vậy, tôi phải biết địa dư của đồn điền qua một bản đồ vàng khè rách nát. Rồi nhận diện từng thửa ruộng của họ Lê nằm chen chúc giữa những thửa ruộng của chủ điền khác. Rồi xuống ngựa, cắm cọc chăng dây đo đi đo lại các bề ngang, bề dọc, bề chéo của từng mảnh ruộng. Tính ra diện tích của mỗi mảnh đất là bao nhiêu ? Ai là tá điền ? Ruộng vùng nào tốt ? Vùng nào xấu ? Công việc tuy khó nhọc nhưng tôi rất vui vì được cưỡi ngựa đi khắp vùng Nhã Nam, Yên Thế, đi đâu cũng được tá điền niềm nở đón tiếp.
Xong việc kiểm tra ruộng đất, tôi nhúng tay vào việc cầy cấy một thửa ruộng riêng mà bà Trân đã phát cho người em, tuy đã có mấy nông dân giúp cậu mợ làm đất, trồng lúa, trồng khoai nhưng tôi cũng xung phong giúp vào công việc đó, vì vui thích mà làm chứ không phải vì bị bắt buộc phải làm.
Những ngày làm ruộng ở Nhã Nam là những ngày thật đẹp. Tôi đã thực sự làm việc ruộng đồng, biết yêu con trâu cái cầy, yêu đám mạ cây lúa, yêu hạt thóc củ khoai do chính mình làm ra. Thú nhất là vào ngày mùa, được đi gặt lúa chung với đám thợ gặt từ Bắc Ninh đi lên. Gặt lúa xong, gánh lúa về ấp. Tôi đã làm đúng như trong câu ca và nhịp điệu của bài dân ca kháng chiến tôi soạn ra sau này :
Gánh gánh gánh ! Gánh thóc về !
Gánh gánh gánh ! Gánh thóc về !
Gánh về ! Gánh về ! Gánh về ! Gánh về !
Gánh thóc về, rồi ăn cơm. Nghỉ ngơi xong là có vụ đập lúa. Dưới ánh trăng, đứng giữa sân, dùng hai thanh tre có dây trão, quặp lấy cổ của bó lúa rồi giơ lên cao, đập bó lúa xuống miếng đá ở dưới chân cho thóc tung toé ra sân. Rồi đem thóc ra cối giã gạo ở bên vách nhà. Cối lớn bằng đá được chôn dưới đất. Có cái cần lớn bằng gỗ nằm dài trên mặt đất. Một đầu cần có cái mỏ bịt sắt kèm một viên đá nặng, ở giữa cần có cái chốt để tôi dùng chân nhấn xuống cho cái mỏ sắt vươn lên và rơi thình thịch xuống cối đá. Đứng giã gạo phải giơ tay níu cái dây treo trên cao và nếu giã gạo chung với một thôn nữ thì được ngửi mùi nách của cô. Rất thơm ! Và thể nào cũng có chuyện tình tự trong đêm khuya !
Trong thời gian ở đây, tôi có hai cuộc tình. Cựu Chánh Tổng có hai người con gái chưa chồng : Hạ (có thêm nữa là Nụ) và Lan. Cô Lan to lớn hơn chị nhưng Hạ cũng không phải là thứ tiểu thư thị thành yểu điệu cành xuân khiến ta phải ngây ngất vì bộ mặt tô son điểm phấn hay vì thân hình liễu yếu đào tơ. Nụ đẹp một cách man dã và khoẻ như một con beo. Trong đêm, chúng tôi thích vật nhau trên đống rơm và bao giờ tôi cũng thua trận ngay trong hiệp đầu. Chúng tôi vật nhau thực sự như hai võ sĩ vậy. Bởi vì, khác với cô gái thị thành, thôn nữ không ưa tán phét và chỉ thích tỏ tình bằng sức khoẻ, nhiều khi đấm vào lưng tình lang thùm thụp làm mình nghẹt thở luôn ! Tôi đã có ý định lấy Nụ (tôi thích tên Nụ hơn tên Hạ) làm vợ nhưng cuộc đời đẩy đưa tôi ra khỏi vùng Nhã Nam quá nhanh khiến tôi hụt lấy vợ nông dân.
Một cô gái quê khác tên Khuê, đã đi lấy chồng ở làng bên nhưng hằng ngày nàng hay trở về ấp này để cắt cỏ. Để rồi chúng tôi yêu nhau. Khuê có đôi mắt rất to, lúc nào cũng như ngạc nhiên nhìn đời. Đôi môi không tô son mà rất hồng. Mặt cứ đỏ và tai cứ tía lên mỗi khi gặp tôi. Chiều nào cũng đợi tôi bên kia sông đào. Chúng tôi yêu nhau giữa thiên nhiên như trời đất yêu nhau vậy. Có một buổi chiều, trời vừa tạnh mưa, sau khi tình tự rồi chia tay ra về, nàng luống cuống đi trên đường ruộng vừa nhỏ vừa trơn nên ngã ngửa trên đám mạ. Tôi vẫn còn nhớ nụ cười ướt át của hai đứa lúc đó, có vị đăng đắng của thương xót vô cùng. Và nhớ mãi bóng dáng nâu non của người gánh cỏ đi về phía chân trời tím thẫm. Đi quanh co mãi mãi như không muốn biến ngay vào bóng tối.
Ngày ở Ấp Lan Giới, tôi được anh nông dân tên là Xuân dạy tôi hát quan họ. Nhưng dưới thời Pháp thuộc và vào năm 1943 này, tục lệ đáng yêu là sự tỏ tình qua tiếng hát trong lúc đang làm việc đồng áng đã không còn nữa. Làm gì có chuyện đi trên bờ đê sông đào, được dừng chân nghe tiếng hát lanh lảnh của cô cắt cỏ : Ai đi đường đó, hỡi ai, hay là trúc đã nhớ mai đi tìm ? Để có thể hát câu trả lời rất hợp tình, hợp cảnh : Hỡi cô đang cắt cỏ xanh, có về Lan Giới với anh thì về... Ngay cả cuộc thi hát trong những ngày hội làng cũng ít khi được tổ chức. Nói chung, nhạc cổ truyền từ dân ca, hát hội cho tới nhạc trên sân khấu Tuồng, Chèo đã tàn lụi. Chỉ có Hát Cải Lương -- nhất là Hát Vọng Cổ -- là khởi sắc.
Anh trai làng dáng người thấp bé và có đôi môi đỏ như môi con gái đã dạy tôi hát quan họ và làm cho thú vị vô cùng. Tôi thấy được tất cả sự lạc quan, tính trữ tình của người nông dân Việt Nam trong quá khứ qua những làn điệu vô cùng phong phú. Tại Nhã Nam vào năm 1943 này, không được hát tỏ tình thực sự với một cô thôn nữ nào hay đi dự thi hát ở một hội làng như hội Lim chẳng hạn... thì tôi đành hát chơi trong Ấp Bình Chương vậy. Sau này chính tôi là người đầu tiên hát bài quan họ sau đây ở Hà Nội vào những năm 45, 46 và trên các Đài Phát Thanh ở Saigon vào những năm 52, 53 :
Gió rằng gió lạnh chứ gió lạnh cái đêm đông trường
Nửa chăn là chăn nửa chiếu ý a
Chứ mấy có nửa giường nửa giường để đó chờ ai ?
Tất cả những bài dân ca hay trường ca tôi soạn ra sau này đều đã được khởi sự nuôi dưỡng từ những ngày tôi sống tại Ấp Bình Chương thuộc Nhã Nam, Yên Thế, Bắc Giang.
Trong lần thứ hai được về sống ở vùng quê, tôi đã khá trưởng thành để thấy được tình cảnh dân quê dưới thời cai trị của thực dân. Đúng là nơi bùn lầy nước đọng tại đó người dân là nạn nhân của quan trường. Đối với dân quê, quan huyện là một ông vua nhỏ, thường thường là kẻ lạm quyền. Dân quê còn là nạn nhân của phường trộm cướp vì vấn đề trị an quá dở. Tôi không thấy được cảnh bọn cướp ''bật hồng'' (đốt đuốc) bắt ngườ i khảo của nhưng được nghe những hồi trống ngũ liên ghê rợn trong đêm khuya. Người dân là nạn nhân của rượu và thuốc phiện là đồ ma túy mà Nhà Nước Bảo Hộ bán công khai qua các đại lý gọi là Régie Alcool (RA) và Régie Opium (RO). Nhưng nếu ai nấu rượu lậu thì người đó sẽ bị bắt bỏ tù ngay. Muốn hại người nào, cứ việc nhét bã rượu tại nhà người đó rồi đi báo nhà chức trách. Tôi cũng được thấy cảnh người quê bán vợ, đợ con để tranh nhau một chức lý trưởng. Hoặc vì quá nghèo nên phải bán con đi. Vùng quê đúng là nơi mà sự đói khổ triền miên đi đôi với sự dốt nát sâu đậm. Tất cả những sự kiện này đã in sâu vào tâm trí tôi để tôi sẽ có những hành động tích cực đối với dân quê trong đời sống cũng như trong nghệ thuật.
Tuy nhiên, vào muà Thu của năm 1943 này, đời sống của tôi ở Ấp Bình Chương cứ lặng lẽ trôi như dòng nước sông đào khi trong khi đục kia. Tôi đang tận hưởng những cái đẹp của sơn thôn. Cái đẹp bao la và bí ẩn của thiên nhiên. Cái đẹp thầm kín trong giao tình giữa tá điền và con nuôi chủ điền. Cái đẹp ảo huyền giữa sức người và hạt lúa. Nhất là cái đẹp lồ lộ của hai người tình. Đã ý thức được thống khổ của dân quê cũng như hoàn cảnh của riêng mình nhưng mặc cảm người dân mất nước được vơi đi bởi khí thiêng Yên Thế và hương hồn anh hùng Hoàng Hoa Thám.
Cho tới một ngày nọ, tôi bị cám dỗ bởi một cuộc viễn du tôi hằng mơ ước. Mẹ tôi nhắn tin cho tôi biết :
-- Suy nghĩ đi ! Nếu con muốn đi Saigon thì về Hà Nội ngay để gặp ông Đức ở Phố Hàng Trống.
Đi Saigon ! ĐI SAIGON ! ! ! Mộng ước của bất cứ một thanh niên 20 tuổi nào ở miền Bắc lúc đó. Cần gì phải suy nghĩ nữa ? ? ? Thôi nhé, xin đành giã từ Nhã Nam, Yên Thế... Giã từ sơn thôn, giã từ sông máng, giã từ cậu mợ, giã từ anh Xuân và tiếng hát quan họ... Giã từ con trâu, cái cầy, cái liềm, cái cối... Giã từ em Nụ, em Khuê đa tình... Anh về Hà Nội không quên -- hai -- cô mình... (1)
Phạm Duy
(1) một câu hát trong Trường Ca Con Đường Cái Quan.