Niệm khúc Phạm Duy
- Details
- Written by Viên Linh
- Hits: 3611
Khi hát xong, Phạm Duy bước xuống đưa cho tôi bốn tờ giấy, bản thảo bản nhạc phổ bài thơ Gọi Hồn của tôi. "Bài này phải có ít ra là hai ba bè hát mới được. Tiểu trường ca đấy. Tôi chưa phổ Trường Ca cho ai cả nhé." Tự dưng giữa năm ngoái gặp Trưởng Du Ca Nguyễn Thiện Cơ ở Little Saigon, tôi hỏi anh qua đây làm gì?" Hóa ra anh vừa thực hiện xong đĩa nhạc Du Ca Nguyễn Ðức Quang, mang qua Mỹ nộp cho thân chủ. Tôi chợt nhớ tới bản nhạc Phạm Duy phổ thơ mình, bỏ trong góc tủ sách đã 30 năm rồi, bèn gom góp đủ 10 bài, kể cả những bài các nhạc sĩ khác phổ thơ thuyền nhân và biển Ðông của tôi,... đưa cho người bạn. "Tôi không có duyên với âm nhạc, nên bỏ xó mấy chục bài anh em phổ nhạc thơ mình, ông xem chỗ nào người ta hòa âm giỏi và hát hay, lại bền và rẻ, thì làm cho tôi một cái đĩa nhạc chơi." Anh Cơ đồng ý có chỗ quen biết với anh có thể làm một đĩa CD vừa bền vừa rẻ lại vừa hay. Nhạc sĩ Minh Tân coi qua mấy bản nhạc, thấy có cả nhạc Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Song Ngọc, Nguyễn Ðức An,... phổ thơ Thủy Mộ, thì tiếc rẻ, nói rằng nếu 20 năm trước làm đĩa nhạc này, thì số một. Ðĩa nhạc làm xong đợt một, tôi không vừa ý, làm lại đợt hai, thêm tay ghi-ta Trung Nghĩa, thêm bè nữ và bè nam, hát đi hát lại mãi, 6 tháng chưa xong. Chợt tháng trước thấy Duy Quang ra đi, tôi vội xúc tiến trở lại thực hiện bài Gọi Hồn. Vốn là hai ca sĩ đã nhận lời hát, rồi bỏ ngang. Người ta đề nghị tôi sửa mấy chữ, không thì họ không dám hát.
Trên Huyết Hải thuyền trôi về một chiếc
Chiều bầm đen trời rực rỡ đau thương
Thân chìm xuống băng tuyền giờ tận biệt
Sóng bạc đầu hối hả phủ trùng dương...
Chữ Huyết Hải là biển máu, rất đáng ngại. Hay là đổi thành Hắc Hải nghe cũng cùng một âm thanh không sao cả. Có ca sĩ đưa ra ý kiến như thế.
Ðoạn dưới, sau khi thuyền nhân đã chết: "Xong rồi một cõi u minh, Ngựa Hồ Chim Việt biến hình mà đi" nghe ghê ghê, "Ngựa Hồ khiến người ta liên tưởng tới Bác Hồ, đổi đi thì em mới dám hát. Em (ca sĩ) có đưa bài này hỏi ý thầy học thì thầy bảo không nên hát. Hát bài này e rằng sẽ bị cấm hát ở các phòng trà ở Sài Gòn là em chết đói, nhất là câu: "Hồn còn tầm tã mưa rơi / Tháng Tư úng thủy một trời sương tan."
Còn nhớ, một hai người bạn có đề nghị lấy mấy chữ ở cuối bài thơ, Qui Hồi Cố Hương, làm nhan đề thứ hai cho bản nhạc, chứ hai chữ Gọi Hồn nghe chết chóc quá. Bài Gọi Hồn không chỉ nói về các thuyền nhân vượt Biển Ðông khi chết rồi vẫn còn quanh quẩn ở Ðông Hải, mà còn gọi những người ấy hãy cùng nhập cuộc xua đuổi quỷ dữ ma vương ra khỏi đất nước:
Nhắm hướng hôi tanh, chia bày trận mạc
Hồn binh tàn hỗn chiến Thủy Môn Quan
...
Năm nghìn năm lại bắt đầu
Chim nào tha đá, người đâu vá trời
Chúng ta rời bỏ xứ người
Loài chim trốn tuyết qui hồi cố hương.
(Gọi Hồn, Viên Linh, Phạm Duy phổ nhạc trong CD Tâm Sử Ca sắp phát hành)
Cái kết của bản nhạc, cũng là điều nhạc sĩ Phạm Duy từng nói với báo chí vào khoảng năm 2000: "Nhiều khi tôi tự hỏi trong 25 năm nay, sinh sống tại một nước giàu sang nhất thế giới là Hoa Kỳ,... Mà cứ không quên mình là người Việt Nam?... Khắc khoải cuối cùng... với sự tôi trở về căn nhà thời thơ ấu ở phố Hàng Dầu, Hà Nội để hoàn tất chu kỳ một đời lang thang." (Nói với báo Văn, 2000)
Phạm Duy có thể không yêu Việt Nam bằng nhiều người, nhưng tình yêu quê hương của ông, nói lên tình yêu ấy, chưa chắc có ai bằng ông. Ông ra đời ở Hà Nội năm 1921, tên khai sinh là Phạm Duy Cẩn, con nhà văn Phạm Duy Tốn (1883-1924), dòng dõi họ Phạm làng Phượng Vũ, Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Ðông, tự học nhạc rồi trong các năm 1943-1945 đi theo một đoàn ca kịch lưu động, cổ võ cho tân nhạc. Từ 1945-1952 đi theo kháng chiến, sáng tác những ca khúc sau này lừng danh, những Bà Mẹ Gio Linh, Sông Lô,... Sau này học bổ túc âm nhạc tại Institut de Musicologie ở Pháp và học dương cầm, nhạc lý với Giáo Sư Francois Lopez (1954-1955). Dạy tại trường Quốc Gia Âm Nhạc tại Sài Gòn 1961-1962. Năm 1979, ông cho biết đã soạn trên 600 ca khúc. Trong hơn 30 năm sau đó, không rõ ông soạn thêm bao nhiêu bản nữa. Vợ là ca sĩ Thái Hằng, gia đình có 8 người con. Soạn nhạc và viết ca khúc là việc chính của ông, Phạm Duy còn viết một cuốn sách nhan đề dài dòng là "Ðặc Khảo Dân Nhạc Ở Việt Nam." Dân nhạc ở Việt Nam gồm nhiều ngành, như nhạc Thượng, nhạc Chàm, ca Huế, ca Quảng, không phải chỉ có tân nhạc. Ông cũng viết về các nhạc cụ như "thạch cầm," (nhạc cụ bằng đá ở Trường Sơn,) hay trống đồng Ðông Sơn, đàn tre, sáo,...
Quen biết anh từ Ðàm Trường Viễn Kiến của nhà văn Nguyễn Ðức Quỳnh ở Ðường Hai Mươi, Sài Gòn, khoảng 1957, (lúc tôi chưa 20 tuổi), chúng tôi không ngừng gặp nhau. Trong thư riêng gửi cho tôi, anh tự viết cho riêng tôi cái tiểu sử của anh, trong có đoạn như sau - xin dùng đoạn thư đó để tạm kết bài này, viết vội: "...Vì thời cuộc, phải tạm rời xa quê mẹ, nhưng tự tin rằng mình không khởi sự đi từ Ải Nam Quan và ngừng lại ở Mũi Cà Mâu... và tự nhận là dòng dõi Âu Cơ, bước ra đi từ Ðộng Ðình Hồ, cùng nửa triệu người đi tới Grand Canyon, điện Versailles hay Úc đảo để hát lên tình tự dân tộc, thế giới. Có hẹn ngày về nơi chôn rau cắt rốn!" (Thư riêng, Phạm Duy gửi Viên Linh, 26.1.1979). Cho nên anh đã sống như vậy. Sống và chết trên quê hương mình, mãi mãi sau này Phạm Duy vẫn thực hiện được điều mong ước trong tâm khảm, đó là điều hạnh phúc nhất của một đời người. (VL - trích đoạn, 29.1.2013)
Viên Linh
Nguồn: http://www.diendantheky.net/2013/02/vien-linh-niem-khuc-pham-duy.html