PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Nếu Anh Còn Trẻ

Nếu anh còn trẻ như năm ấy
Quyết đón em về sống với anh
Những khoảng chiều buồn phơ phất lại
Anh đàn em hát níu xuân xanh

Nhưng thuyền em buộc sai duyên phận
Anh lụy đời quên bến khói sương
Năm tháng... năm cung mờ cách biệt
Bao giờ em hết nợ Tầm dương?

Nếu có ngày mai anh trở gót
Quay về lãng đãng bến sông xa
Thì em còn đấy hay đâu mất?
Cuối xóm buồn teo một tiếng gà...

(Nếu Anh Còn Trẻ/thơ Hoàng Cầm)

Trên đời này có biết bao nhiêu người gặp nhau, hay gặp lại nhau, yêu nhau muộn màng lúc đã... già? Muộn màng!

Bài thơ lãng mạn do thi sĩ Hoàng Cầm viết năm 1941, diễn tả nỗi buồn vì một cuộc tình dở dang của người không còn... trẻ nữa.

Có nhiều chữ, nhiều câu thật tuyệt vờị Lấy vài thí dụ giản dị trong bài, để xem tài làm thơ của Hoàng Cầm.

Mở đầu bài thơ, chữ "Nếu" cho thấy đây một chuyện mong ước, giả dụ. Đọc tiếp cho hết câu đầu, "anh còn trẻ như năm ấy", sẽ thấy rõ đó chỉ là một chuyện không thể có thực.

Nhưng, chữ "Quyết" ở đầu câu thứ hai cho thấy dù chỉ là chuyện giả tưởng, ý tưởng người đàn ông vẫn mạnh mẽ, khi có ý "đón em về sống".

Có một chữ hơi lạ là "khoảng" của câu thứ ba. Thường người ta sẽ viết là "buổi". Nhưng đọc "khoảng chiều" nghe thấm thía hơn là "buổi chiều". Cái cảm giác khi đọc "khoảng chiều" sẽ là những lúc hoàng hôn về, không được trọn vẹn được thành cả buổi chiều, mà chỉ có những khoảng thời gian của những buổi chiều mà thôi. Kết quả làm cả câu thơ buồn hơn, hay hơn.

Chữ "níu" ở trong "níu xuân xanh" phải nói là rất hay, cho thấy tình trạng gần như là tuyệt vọng của mối tình... già, dù đây vẫn chỉ là nói chuyện giả tưởng. Mặc dù chuyện đón người yêu về chỉ là chuyện không có thực, mà tình yêu đã mong manh như vậy rồi! Đoạn cuối của bài thơ, câu đầu cũng bắt đầu bằng "Nếu", do đó cũng chỉ là chuyện giả dụ. Tuy vậy, khi đọc tiếp có "ngày mai anh trở gót" thì thấy câu chuyện lại có thể xẩy ra trong tương lai và không phải là chuyện không thật như ở đoạn đầu bài thơ.

Nhưng, lúc đó người "lãng đãng" có thể hiểu là người đàn ông đã mất hồn vì mất... tình đi lang thang khắp nơi, rồi tìm về "bến sông xa" vắng với cái buồn cô đơn.

Câu áp chót của bài thơ là một câu hỏi, "em còn đấy hay đâu mất?". Và, chữ "Thì" đặt khéo léo ở đầu câu làm cả câu mạnh hẳn lên với ý nghĩa thậm xưng hơn nhiềụ Câu thơ, câu hỏi nhưng có vẻ đã biết câu trả lời rồi, gần như thành một nỗi niềm trách móc, ai oán.

Câu cuối cùng của bài thơ, thật hay, đã làm bật ra được cái cảm giác buồn cô độc của thi sĩ. Hai chữ "buồn teo" là buồn hoang vắng. "Cuối xóm buồn teo một tiếng gà" nhấn mạnh đến sự vắng vẻ và buồn. Hoàng Cầm viết "một tiếng gà", một tiếng động chứ không phải tiếng gáy của gà. Chỉ có một tiếng động nhỏ của một con gà, không có tiếng thứ haị Thi sĩ Hoàng Cầm không viết là một đàn gà, không viết là hai con gà. Đọc câu thơ sẽ có cảm giác chỉ có một con gà mà thôị Tiếng động nhỏ của một con gà từ cuối xóm còn vọng lên nghe thấy được cho thấy xóm buồn vắng vẻ như thế nàọ

Mãi đến năm 1985, tức là 44 năm sau, nhạc sĩ Phạm Duy mới phổ nhạc bài thơ. Chắc lúc đó, tuổi đã về chiều, Phạm Duy mới cảm được bài thơ? Ông cho biết bài thơ không có tựa đề và đặt tên bài hát là Tình Cầm. Thật ra, bài thơ có tên Nếu Anh Còn Trẻ (99 Tình Khúc - Thơ Hoàng Cầm, trang 175). Có lẽ, đề tựa bài thơ chỉ được đặt về sau này và Phạm Duy đã không hề biết đến.

Bài thơ tình Nếu Anh Còn Trẻ đã trở thành bài nhạc Tình Cầm.

Thái Thanh hát Tình Cầm (thơ Hoàng Cầm, nhạc Phạm Duy)


Sau khi được phổ nhạc, âm giai chính là Sol Trưởng, lời bài hát trở thành như sau:

Nếu anh còn trẻ như năm cũ...
Quyết đón em về sống với anh!
Những khi chiều vàng phơ phất đến...
Anh đàn em hát níu xuân xanh...

Bốn câu khá hay trong đoạn thứ hai của bài hát, không có trong bài thơ, do chính Phạm Duy "liều lĩnh phang" (chữ của Phạm Duy dùng khi viết về bài hát này) thêm vào:

Có mây bàng bạc gây thương nhớ
Có ánh trăng vàng soi giấc mơ...
Có anh ngồi lại so phím cũ
Mong chờ em hát khúc xuân xưa!!!

Đoạn thứ ba, điệp khúc, lời khác hẳn bài thơ và nhạc chuyển trùng hẳn xuống, buồn hơn vì đổi qua âm giai Sol Thứ:

Nhưng thuyền em buộc trên sông hận...
Anh chẳng quay về với trúc tơ!
Ngày tháng tỳ bà vương ánh nguyệt
Mộng héo bên song vẫn đợi chờ!

Đoạn kết, nhạc trở về với Sol Trưởng, lại rộng rãi hơn nhưng có lời hát với ý tưởng khác đoạn thơ nguyên thủy:

Nếu có ngày nào em quay gót
Lui về thăm lại bến thu xẳ
Thì đôi mái tóc không còn xanh nữẳ
Mây bạc trăng vàng vẫn thướt tha"
(Tình Cầm/thơ Hoàng Cầm, nhạc Phạm Duy)

Có nhạc điệu uyển chuyển, thật hay, bài tình ca Tình Cầm là một trong những bài nhạc được gọi là Hoàng Cầm Ca của Phạm Duy.

Đó là chuyện bài thơ nhạc Nếu Anh Còn Trẻ-Tình Cầm.

Để kết thúc, lại nói thêm một chút chuyện già trẻ ở ngoài đờị Thế nào là già? Như thế nào là trẻ? Vấn đề này chỉ tương đối thôi và tùy theo cảm quan của con người mà thôi.

Thật ra có nhiều người nhiều người trông qua có vẻ trẻ nhưng tình cảm, bên trong lại không trẻ chút nào hết và có những người khác, bên ngoài nhìn thấy là già, mà tâm hồn vẫn trẻ trung.

Những "người thơ" có đầu óc, được tâm hồn như Hoàng Cầm hay Phạm Duy, có thể nói không có tuổi và vẫn trẻ mãi mãị...


Phạm Anh Dũng
Santa Maria, California USA


CHÚ THÍCH:

Tầm Dươngtỳ bà

Tỳ bà tuy là nhạc cụ cổ truyền của VN nhưng có nguồn gốc từ đàn pipa của Trung Hoa.

Tầm Dương là tên một con sông bên Trung Hoa.

Câu thơ của Hoàng Cầm có chữ "Tầm Dương" và do đó câu của Phạm Duy có chữ "tỳ bà" là do câu chuyện sau:

Tầm Dương là một con sông thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc chảy qua huyện Cửu Giang. Vào đời Đường, nhà thơ Bạch Cư Dị đang làm quan ở kinh đô, bị giáng chức về làm Tư Mã quận Cửu Giang (tức quận Giang Châu).

Ở đây, trong một lần tiễn bạn ở bến sông Tầm Dương, nhà thơ gặp một cô gái giang hồ trên sông, cô gái vốn là một tay đánh đàn tỳ bà nổi tiếng ở kinh đô Tràng An lưu lạc về.

Nghe đàn tỳ bà, lại nghe cô gái kể lể về cảnh ngộ rũi ro, nhà thơ cảm khái làm bài "Tỳ Bà Hành" nổi tiếng được truyền tụng đến ngày nay và đã được Phan Huy ích dịch ra tiếng Viêt.

Trong Chinh Phụ Ngâm (nguyên tác Hán Văn của Đặng Trần Côn dịch sang tiếng Việt do Phan Huy Ích hay Đoàn Thị Điểm, đến nay vẫn không biết chắc chắn là người nào) có câu: Bến Tầm Dương chàng còn ngoảnh lại. Chốn Tiêu Tương thiếp hãy trông theo...

Bài thơ Tỳ Bà Hành của Phan Huy Ích dịch thơ Bạch Cư Dị cũng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành một bài nhạc (khác).


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nếu Anh Còn Trẻ (Tập thơ 99 Tình Khúc-Hoàng Cầm, trang 175-Văn Học xuất bản năm 1996 tại Việt Nam)

2. Tình Cầm (Tập nhạc Thấm Thoát Mười Năm-Phạm Duy, trang 75-Hội Văn Hóa Việt Nam tại Bắc Mỹ, Tủ Sách Cành Nam và Tạp Chí Xác Định xuất bản năm 1985 tại Hoa Kỳ)

3. Về Những Bài Gọi Là Hoàng Cầm Ca (bài Phạm Duy viết trong Tập San Hợp Lưu số 8 tháng Chạp, 1992 và tháng Giêng, 1993

Nguồn: Trang FB của Phạm Anh Dũng