Thời Kỳ Chuẩn Bị (giữa thập niên 30)
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 5814
Tuy nhiên, điệu nhạc Tầu hay điệu nhạc Việt Nam cổ truyền, vốn nằm trong nét nhạc ngũ cung (pentatonique) quá quen thuộc, dẫu có hát lên với lời ca mới, vẫn chưa thoả mãn được nhu cầu cần thay đổi một không khí âm nhạc của tuổi trẻ vào hồi đầu thập niên 30. Cái mới lúc đó, đối với chúng tôi là nhạc Âu Tây. Nhạc này du nhập vào Việt Nam từ khá lâu, có thể nói kể từ khi đạo Thiên Chúa tới nước ta và được rao giảng với sự trợ lực của những bài ''giáo ca''. Các thầy dòng Việt Nam đầu tiên của đạo này được huấn luyện để dùng âm nhạc trong việc truyền giáo.
Cho tới khi nước mình trở thành thuộc điạ của Pháp thì đại chúng Việt Nam được làm quen với ''nhạc nhà binh'' qua những đội kèn đồng. Người dân ở thành phố hay làm việc với Pháp thì được biết thế nào là nhạc cổ điển, nhạc khiêu vũ Tây Phương, dần dà được làm quen với nhạc cụ, sách nhạc do Pháp nhập cảng vào Việt Nam.
Cho tới đầu thế kỷ 20 thì những bài hát Âu Mỹ được phổ biến mạnh mẽ hơn tại Việt Nam dưới hình thức đĩa hát loại 78 tours, hoặc được phô diễn trên màn ảnh phim nói. Thế hệ chúng tôi không còn bị hấp dẫn bởi nhạc cổ truyền, không ham đánh đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt nữa thì bèn tập đánh mandoline, guitare và giỏi hơn nữa là tập violon, piano để có thể làm quen với những bài hát ngoại quốc mà chúng tôi ưa thích. Rồi cũng có khi chúng tôi soạn lời ca tiếng Việt cho những bài hát ngoại quốc, cũng chỉ là để ''mình hát mình nghe'' mà thôi.