Thời Kỳ Chuẩn Bị (giữa thập niên 30)
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 5847
Tuy nhiên, điệu nhạc Tầu hay điệu nhạc Việt Nam cổ truyền, vốn nằm trong nét nhạc ngũ cung (pentatonique) quá quen thuộc, dẫu có hát lên với lời ca mới, vẫn chưa thoả mãn được nhu cầu cần thay đổi một không khí âm nhạc của tuổi trẻ vào hồi đầu thập niên 30. Cái mới lúc đó, đối với chúng tôi là nhạc Âu Tây. Nhạc này du nhập vào Việt Nam từ khá lâu, có thể nói kể từ khi đạo Thiên Chúa tới nước ta và được rao giảng với sự trợ lực của những bài ''giáo ca''. Các thầy dòng Việt Nam đầu tiên của đạo này được huấn luyện để dùng âm nhạc trong việc truyền giáo.
Cho tới khi nước mình trở thành thuộc điạ của Pháp thì đại chúng Việt Nam được làm quen với ''nhạc nhà binh'' qua những đội kèn đồng. Người dân ở thành phố hay làm việc với Pháp thì được biết thế nào là nhạc cổ điển, nhạc khiêu vũ Tây Phương, dần dà được làm quen với nhạc cụ, sách nhạc do Pháp nhập cảng vào Việt Nam.
Cho tới đầu thế kỷ 20 thì những bài hát Âu Mỹ được phổ biến mạnh mẽ hơn tại Việt Nam dưới hình thức đĩa hát loại 78 tours, hoặc được phô diễn trên màn ảnh phim nói. Thế hệ chúng tôi không còn bị hấp dẫn bởi nhạc cổ truyền, không ham đánh đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt nữa thì bèn tập đánh mandoline, guitare và giỏi hơn nữa là tập violon, piano để có thể làm quen với những bài hát ngoại quốc mà chúng tôi ưa thích. Rồi cũng có khi chúng tôi soạn lời ca tiếng Việt cho những bài hát ngoại quốc, cũng chỉ là để ''mình hát mình nghe'' mà thôi.
Trước đó, trong giai đoạn dùng điệu cổ để soạn bài hát mới cho học sinh, một số nhà giáo cũng đã dùng một điệu hát bình dân của Pháp để đưa ra một bài ca yêu nước, đánh thức người dân đang ngủ vùi dưới chế độ thực dân, hát trên điệu Frère Jacques :
Hời hợi đồng bào
Hời hợi đồng bào
Tỉnh dạy mau
Tỉnh dạy mau
Nước (ứ) ta đã mất rồi
Nước (ứ) ta đã mất rồi
Mau tỉnh mau
Mau tỉnh mau...
Thật là hay ! Vì ý nghĩa của bài Frère Jacques của người Pháp cũng là lời kêu gọi, thức tỉnh :
Frère Jacques
Frère Jacques
Dormez vous
Dormez vous
Sonnez les matines
Sonnez les matines
Ding dang dong
Ding dang dong...
Lại còn có cả một bài hát yêu nước về Trưng Nữ Vương, hát trên điệu La Marseillaise nghĩa là bản quốc ca của Pháp, thường được dùng trên sân khấu cải lương :
Huyết khí ở đâu, người Nam !
Ðể chúng múa gậy vườn hoang
Ðầu đen, máu đỏ, khác chi thú cầm
Ai ơi là giống Lạc Hồng...
Nhưng người thành công nhất trong việc thu dụng nhạc điệu Âu Mỹ để đưa ra những bài hát mới, chính là nghệ sĩ Huỳnh Thủ Trung tức Tư Chơi. Ông vừa là diễn viên, vừa là soạn giả và còn muốn là người soạn nhạc nữa cho nên ông đã sáng tác những ca khúc ngắn mà ông gọi hẳn là ''bài ta theo điệu tây'' và soạn ra những tiểu ca kịch (opérette) mà ông đặt tên là ''hoạt kê hài hước'' (opérette comique) trình diễn trên sân khấu các đoàn hát xuất xứ từ miền Nam là TRẦN ÐẮT và PHƯỚC CƯƠNG vào khoảng 1933-1934.
Sân khấu miền Nam (gọi là CẢI LƯƠNG NAM KỲ) lúc đó đã có hai loại tuồng :
1) Tuồng Tầu với tích truyện cổ, diễn viên mặc quần áo giống như các nhân vật của sân khấu Trung Quốc;
2) Tuồng Tây (hay là Tuồng Xã Hội) với tích truyện tân thời, diễn viên mặc quốc phục và âu phục.
Tuồng Cải Lương có phần âm nhạc thoát thai từ loại Nhạc Tài Tử với giàn nhạc đệm là nhạc cụ dân tộc và có thêm một giàn nhạc Tây Phương ở tiền trường (avant scène), diễn tấu những bài bản Âu Mỹ như La Cumparsita, Tabou, Siboney v.v... trước giờ mở màn hay vào giờ nghỉ (entracte). Ngay từ khi xẩy ra Thế Chiến I, một bài hát rất phổ thông trong binh lính Pháp là bài Madelon cũng đã được giới Cải Lương Nam Kỳ thu dụng để toàn ban ra hát chào khán giả trước khi mở màn, lẽ dĩ nhiên là hát với tiếng Việt :
Xin chào đồng bào và xin chúc quý quan an vui...
Trên sân khấu các đoàn TRẦN ÐẮT và PHƯỚC CƯƠNG, ngoài việc soạn ra những tích tuồng mới phản ảnh xã hội Việt Nam vào lúc đó, nghệ sĩ Tư Chơi còn muốn cải cách cả phần âm nhạc. Ông không muốn dùng các bài bản có tính chất cổ truyền như Lưu Thủy, Hành Vân trong opérette của ông. Với sự phổ biến của máy hát chạy bằng lò xo, những ''bài hát theo thời'' (chansons à la mode) Âu Mỹ đã bắt đầu thịnh hành trong xã hội đô thị Việt Nam. Những bài Pháp như J'ai Deux Amours, Quand On Est Matelot v.v... đã được nhiều người biết đến.
Bài J'ai Deux Amours do nữ ca sĩ Mỹ đen Joséphine Baker hát trong dĩa hát được nghệ sĩ Tư Chơi đưa lên một tuồng hát của mình :
J'ai deux amours
Mon pays et Paris
Par eux toujours
Mon coeur est ravi
. . . . . . .
Buồn thay nghề hát
Trong xứ ta nhiều gương xấu
Tìm bạn đồng tâm
Ðâu thấy ai? Nào đâu?
Bài J'ai Deux Amours, sau khi có lời Việt, đã phổ thông đến độ trong báo Phong Hoá, có ngay câu hát nhại hát theo điệu này :
Giò này giò nóng
Ai muốn mua thì xin cứ
Bỏ một hào ra
Ai muốn mua, thì mua...
Có thể nói việc làm của nghệ sĩ Tư Chơi đã thành công. Một số bài dù khởi đầu phóng tác từ một điệu Tây, về sau được coi là điệu Việt Nam hoàn toàn, chẳng hạn bài Hoà Duyên, thường dùng để hát đối :
Tình quyết yêu nhau thì xin cứ thề
Ừ thì thề
Thề nếu ai sai thì xin có Trời
Ừ trời hành...
Bài này vào nằm trong nhạc mục của ngành ca kịch Cải Lương, ít người biết nó khởi sự là một bài ta theo điệu Tây của Tư Chơi, Huỳnh Thủ Trung.
Cùng một lúc với việc Tư Chơi tung ra trên sân khấu những bài hát ông gọi là ''bài ta theo điệu tây'', thì trong giới yêu nhạc với đa số là nam nữ trong tuổi thanh xuân cũng có phong trào chuyển ngữ các bài hát Tây do các ca sĩ thời thượng như Tino Rossi, Rina Ketty, Albert Préjean, Georges Milton... hát vào đĩa hát 78 tours. Các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trẻ, đẹp, hát hay như Ái Liên, Kim Thoa, lại được các hãng dĩa của người Pháp như ODÉON, BÉKA mướn để thu thanh các bài ta theo điệu tây.
Suốt mấy năm liền, từ 1935 cho tới 1938, rất nhiều các bài hát của Pháp như Marinella, C'est À Capri, Tant Qu'il Y Aura Des Étoiles, Un Jour Loin De Toi, Celle Que J'aime Éperdument, Les Gars De La Marine, L'Oncle de Pékin, Guitare D'amour, Créola, Signorina, Sous Les Ponts de Paris, Le Plus Beau Tango Du Monde, Colombella... (phần lớn là sáng tác của nhạc sĩ người Pháp Vincent Scotto) và của Mỹ như Good Bye Hawaii, South Of The Border... đã được phổ biến mạnh mẽ với lời ca tiếng Việt, soạn bởi một nhà báo trẻ tên là Mai Lâm và bởi những tác giả vô danh khác.
Làm sao mà chúng tôi không thích những bài ta theo điệu Tây cho được? Trước hết, những bài mà tôi vừa dẫn kể ở trên, không những rất hay về ý nghĩa (lúc đó chúng tôi cũng đã giỏi tiếng Pháp lắm rồi) lại còn được những giọng hát ngọt lịm của Tino Rossi, lanh lảnh của Rina Ketty, hài hước của Georges Milton hay bình dị của Albert Préjean... làm tăng giá trị. Rồi bây giờ lại còn được Mai Lâm soạn những lời ca rất phù hợp với tuổi mơ mộng của chúng tôi. Ðã có những hội "Ái Tino" được thành lập ở Hà Nội, ở Hải Phòng...
Một thanh niên có giọng hát tốt, sau này là một nhạc sĩ được nhiều người biết tới, nhạc sĩ Canh Thân, bắt đầu cuộc đời ca hát của anh bằng cái tên Tino Thân.
Trong mấy chục bài ta theo điệu Tây hồi giữa thập niên 30, có bài theo điệu Guitare D'amour như sau :
Guitare d'amour
Apportes lui l'écho d'un beau jour
Dans le soir en émoi
Va lui chanter pour moi
La chanson de mon rêve
Guitare d'amour
Pour être heureux le temps est si court
Dis lui que le printemps
Ne dure qu'un instant
Et malgré tout s'achève...
Lời Việt :
Cặp môi trên đoá hoa
Vì tình âu yếm thiết tha ta đắm say...
Trong những ngày lễ được gọi là Hội Tây, dân Hà Nội khi xưa có chợ phiên, xe hoa... để trai gái gặp nhau và họ đã có những bài hát theo điệu tây cho những mối tình vụn vặt đó :
C'est À Capri
C'est à Capri que je l'ai rencontrée
Je fus charmé encore plus que surpris.
De mille fleurs elle était entourées
Au milieu d'un jardin de Capri...
. . . . . . . .
Tout comme dans un poème
Me voyant elle me sourit
Je lui ai dit : je vous aime
C'était au pays de Capri...
Lời Việt :
Ngày đua xe hoa năm đã qua bao tình sâu xa
Còn như in sâu trong trí tôi bao ngày vui qua
Người mà tôi yêu, tôi đắm say, tôi hằng mơ
Ðến với tôi, trong ngày vui, trong hội hoa....
. . . . . . . .
Ngày nay anh tới đây, đợi chờ nắng
Mà sao em nỡ sao, em biệt bóng ?
Lòng anh ôi chứa chan mối tình ái
Lời thề nguyền non nước em đành sai...
Un Jour Loin De Toi
Un jour loin de toi
Est un jour sans bonheur
Lời Việt :
Một ngày xa mặt em
Là một ngày anh buồn tênh.
hay là
Xa em trong một khắc
Tầy ba thu đau xa cách...
Nhà báo Mai Lâm là người soạn nhiều bài ta theo điệu tây nhất. Lời ca rất du dương, rầu rĩ... Nhưng ngoài những bài có lời ca mơ mộng một cách rất ngây thơ như vậy, cũng có những bài khôi hài nghịch ngợm (tếu, danh từ của người Hà Nội) như lời ca soạn theo bài Celle Que J'aime Éperdument :
Lời Việt :
Trông thấy có, có cô con gái
Ði qua phố vén chân lên đái.
Bài Les Trois Petits Cochons trong phim hoạt hoạ của Walt Disney có những lời ca rất tục :
Il y avait trois petits cochons
À la queue en tire bouchon
Qui lorsqu'on parlait du méchant loup
Ne s'affolaient pas du tout...
Lời Việt :
Có ba nàng tè bằng cái nong
Cái lông tè ngoằn ngoèo uốn cong
Ai nói đến cái sợi lông,cái lông tè
Thì ba nàng vùng vằng khiếp kinh...
Tôi gọi giai đoạn từ 1935 cho tới 1938 là Thời Kỳ Chuẩn Bị của Tân Nhạc Việt Nam.
Phong trào hát nhạc ngoại quốc với lời Việt còn kéo dài cho tới bây giờ (1996) và ta cần ghi lại sự phổ biến rộng rãi vào những năm đầu của thập niên 40 của vài ca khúc Nhật Bản như Shina No Yoru và Trung Hoa như Hà Nhật Quân Tái Lai (với lời Việt của Văn Chung) mà tôi là người phổ biến, khi đi hát rong với một gánh hát Cải Lương. Thập niên 50 là thời của những bài ca cổ điển tây phương như Dòng Sông Xanh, Dạ Khúc Schubert, Trở Về Mái Nhà Xưa...Rồi tới thời của những bài hát trẻ trung trong những năm 60 như Bang Bang, Adieu Jolie Candy...và của những tình ca trong phim ảnh hay trong đĩa hát Âu Mỹ như Love Story, Romeo And Juliet vân vân... của những năm 70, 80...
Phạm Duy