Cho Hoà Bình Trong Lòng Người: Bình Ca
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 6351
Vào lúc này, hoà bình có vẻ ló dạng với Hoà Hội Paris. Trong lòng thấy có điều gì vui, tôi muốn nói lên sự hoan hỉ đó qua những bài tôi gọi chung là ''hoan ca'' (song of joy). Do đó, sau ''bé ca'' và ''nữ ca'', tôi soạn ''bình ca''.
Trước đây (năm 1959), tôi có soạn một bài nhan đề NGÀY SẼ TỚI trong đó tôi réo gọi hoà bình, giống như trong năm 1945, giữa mùa Thu chiến tranh, tôi ngồi vỗ súng ca bài THU THANH BÌNH. Bây giờ, vào năm 1972, khi soạn bình ca, tôi phát triển đề tài mà tôi nói tới qua bài NGÀY SẼ TỚI và cũng dùng bài này để làm bài chót của loạt 10 bài bình ca. Tuy nhiên, 9 bài hát mới soạn (cộng với bài NGÀY SẼ TỚI đã có sẵn) cũng không hẳn là những bài hát nói tới hoà bình trên đất nước. Nó chỉ muốn nói đến hoà bình trong lòng người mà thôi! Tại sao vậy? Tại vì tôi không tin là có hoà bình...
Bình Ca ra đời vào năm 1972, không xưng tụng nền hoà bình mà Hội Nghị Paris đạt được sau các vụ đi đêm và ký kết giữa các phe nhóm. Trong bình ca, không phải vì lý do có ký kết hoà bình mà nói tới chuyện tương lai, với sự trùng tu xứ xở, xây lại nhà máy, cầu cống v.v... Nó nói nhiều tới chuyện lấy lại sự bình thường, bình dị của dân tộc ta, bị mất đi sau mấy chục năm chiến tranh. Trong bình ca người nghe chỉ thấy giọng tráng sĩ hành, giọng sĩ khí, giọng hoài cổ mà thôi ! Tuy nhiên nó cũng không thiếu ngôn ngữ của thời đại và nhạc ngữ của nó thì hoàn toàn theo style nhạc trẻ. BÌNH CA MỘT còn có vẻ hippy là khác.