Thời Kỳ Thành Lập (1938-45)
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3719
Sự hiện diện rất hùng biện của những ''bài ta theo điệu tây'' trong thập niên 30 đã chứng tỏ tuổi trẻ Việt Nam lúc đó không còn rung động trước dòng nhạc cổ truyền đang ở trong thời kỳ suy nhược nhất của nó. Phong trào ''bài ta theo điệu tây'' chưa được coi là sự hình thành của Tân Nhạc Việt Nam nhưng nó là động cơ thúc đẩy tuổi trẻ sáng tạo một dòng nhạc mới phù hợp với nhu cầu của thời đại. Ðông đảo thanh niên nam nữ lúc đó cũng đã bắt đầu học nhạc lý, học sử dụng các nhạc cụ Tây Phương rồi. Một nhạc viện do người Pháp mở ra từ năm 1927 lấy tên là CONSERVATOIRE FRANCAIS d'EXTREME-ORIENT, cũng đã đào tạo được năm bẩy nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên, học theo đường lối âm nhạc cổ điển Âu Tây là Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Giệp, Nguyễn Hữu Hiếu, Phạm Văn Nhường... Trường nhạc tuy có cái tên rất kêu, nhưng cũng chỉ dạy cho học sinh vài môn như nhạc lý, kéo violon, violoncelle, đánh piano chứ không dạy sáng tác, lịch sử âm nhạc, lý luận âm nhạc và nhất là không dạy các môn hoà âm, đối âm, phối khí, chỉ huy giàn nhạc. Sau ba năm học ở trường này (nhạc viện đóng cửa vào năm 1930), mấy ông nhạc sĩ tiên phong kia cũng đã khởi sự hành nghề tại một nhà hàng lớn nhất Hà Nội là TAVERNE ROYALE, nằm ngay trước mặt hồ Hoàn Kiếm.
Nguyễn Xuân Khoát
Ở các thành phố lớn, các hội "Ái Nhạc" (Philharmonique) cũng được thành lập để truyền bá nhạc cổ điển Tây Phương. Võ Ðức Thu là nhạc sĩ tốt nghiệp về piano ở Hội PHILHARMONIQUE Saigon. Mặt khác, các nhạc sĩ trẻ, hoàn toàn là những tài tử (amateur) cũng đã tự học nhạc, đã viết ra những bản nhạc đầu tay của mình, nhưng chưa dám đưa ra trước công chúng, mới chỉ trình bày cho nhau nghe trong những buổi họp mặt có tính chất salon littéraire, coi đó như là sự phản ứng trước phong trào ''bài ta theo điệu tây'' mà họ cho là đầu cua tai nheo, ngoại lai, chắp vá.
Võ Ðức Thu, Phạm Duy, Phạm Ðình Chương (Hình chụp năm 1951 tại Saigon)
Ðầu năm 1938 phải được coi như một mốc điểm lớn của Âm nhạc Việt Nam. Sau thời gian chuẩn bị, bây giờ có thể coi như nhạc việt loại mới được thành hình. Một thanh niên gốc Huế tên là Nguyễn Văn Tuyên, ngụ tại Thị Nghè, tòng sự tại một công sở ở Saigon, có giọng hát hay, đã thử thách soạn mấy bài hát mới và được bạn bè hoan nghênh, rồi được một công chức kiêm thi sĩ làm việc cho Ðài RADIO INDOCHINE là Nguyễn Văn Cổn hết lòng giúp đỡ bằng cách đưa thơ cho Nguyễn Văn Tuyên phổ nhạc, hoặc soạn lời ca cho những bản nhạc của Nguyễn Văn Tuyên.
Ðài Radio Indochine
Sau nữa, Nguyễn Văn Cổn lại còn giới thiệu Nguyễn Văn Tuyên với Thống Ðốc Nam Kỳ hồi đó là Pagès để xin được trợ cấp để -- theo tin báo chí lúc đó -- đi "diễn thuyết về âm nhạc cải cách" tại các thành phố lớn như Huế, Hải Phòng, Hà Nội... Chính Nguyễn Văn Cổn là người đặt tên cho loại nhạc mới là ''âm nhạc cải cách'' (musique renovée).
Nguyễn Văn Tuyên (Hình chụp năm 1995 tại Saigon)
Tháng 3 năm 1938, Nguyễn Văn Tuyên tới Hội TRÍ TRI ở Hà Nội và Hội TRÍ TRI ở Hải Phòng để làm công việc ông gọi là "vận động cho âm nhac cải cách". Ba bài được hát lên trong buổi vận động này là : Bông CúcVàng, Anh Hùng Ca và Một Kiếp Hoa. Theo lời kể lại của nhạc sĩ Lê Thương, buổi hát ở Hà Nội không thành công vì "...cử toạ đông đảo, quá ồn ào, làm mất trật tự. Giọng Huế của ông hơi khó nghe. Còn có cả sự phản ứng của nhiều thanh niên cho rằng việc hô hào của ông Tuyên là thừa, vì loại nhạc mà ông gọi là cải cách đó, ở ngoài Bắc đã có rồi. Buổi trình diễn ở Hải Phòng thành công hơn, nhưng chỉ có 20 người tới nghe. Ông Tuyên còn trình bày một lần nữa tại rạp chiếu bóng Palace nhân kỳ hội của Trường nữ học HOÀI ÐỨC ..." (trích trong bài viết về Tân Nhạc, in trong nhạc tập NhạcTiền Chiến -- nhà xuất bản KẺ SĨ, Saigon 1970)
Nguyễn Văn Tuyên có thể không thành công trong những buổi ''vận động cho âm nhạc cải cách'' ở Bắc Việt vì giọng nói khó nghe hay vì hai bài hát không được hấp dẫn lắm, nhưng theo tôi, hành động của ông thì không thể gọi là thừa. Bởi vì trước khi ông công khai ra mắt công chúng tại các thành phố lớn ở ba miền Trung Nam Bắc, chưa có một cá nhân hay một nhóm nhạc sĩ nào gây được sự chú ý của mọi người về sự thử thách của họ trong phạm vi âm nhạc mới, khả dĩ có thể thay thế được cái phong trào gọi là ''bài ta theo điệu tây''. Bây giờ việc làm của Nguyễn Văn Tuyên được báo chí tường thuật rồi được mọi người bàn ra tán vào. Tuần báo có thế lực nhất lúc đó là tờ NGÀY NAY thì hết lòng ủng hộ, cho đăng tải bài hát của Nguyễn Văn Tuyên trong số báo 122 ra ngày 7-8-1938. Từ đó, báo này luôn luôn đăng những bản nhạc mới của những nhà soạn nhạc mới. Một tờ báo chuyên về âm nhạc cũng sẽ ra đời để cổ võ cho loại nhạc mới. Ðó là tờ Nhạc Việt.
Lớp Người Tiền Phong
Như diều gặp gió, lớp người tiên phong của Tân Nhạc bấy lâu nay còn hoạt động một cách dụt dè, bây giờ họ đã góp gió thành bão và đã làm nên một phong trào âm nhạc lớn, phong trào nhạc mới mà Nguyễn Văn Tuyên vừa đi làm cuộc vận động vào tháng ba 1938 này.
Chắc chắn là trước khi Nguyễn Văn Tuyên đi hô hào nhạc cải cách vào tháng 3 năm 1938 đó, một số nhạc sĩ chuyên nghiệp hay mới chỉ là nhạc sĩ tài tử mà thôi, cũng đã có những thử thách về sáng tác và trình diễn những bài hát mà họ đã soạn ra từ những năm 1936-37. Cũng như Nguyễn Văn Tuyên, họ đang muốn làm một cuộc cải cách âm nhạc nhưng chưa ai gây được một phong trào nào lớn trong quần chúng cả.
Ở Hà Nội, đã khởi sự có những lớp dạy nhạc theo đường lối Tây Phương. Phạm Ðăng Hinh là người tốt nghiệp về violon ở ngoại quốc, mở lớp dạy đàn và đã soạn một bài hát kỷ niệm những ngày ông kéo đàn tại một hộp đêm ở Hồng Kông nhan đề Ðám Mây Hàng (sau này trở thành bài Cám Dỗ, được dùng trong một trong những cuốn phim đầu tiên của Việt Nam là Trận Phong Ba). Lớp nhạc Phạm Ðăng Hinh đã đào tạo ra Hoàng Gia Lịnh, người nay mai sẽ soạn ra một trong những bài ca yêu nước đầu tiên của thời đại là bài Việt Nam Bất Diệt.
Một ông thầy dạy nhạc khác ở Hà Nội là Trần Quang Ngọc thì đã viết ra một bài hát nhan đề Ðường Trường, có thể được coi như bài hành khúc đầu tiên của Tân Nhạc.
Vì nhà cầm quyền Pháp không mở lại trường dạy nhạc là CONSERVATOIRE FRANCAIS d'EXTREME-ORIENT nữa cho nên, trước sự nẩy nở của phong trào âm nhạc cải cách, có hai tổ chức đào tạo nhạc sĩ ra đời. Ðó là Hội Khuyến Nhạc mà người đứng đầu là Nguyễn Văn Giệp và Nhạc Ðường Học Xá của Lưu Quang Duyệt.
Hội Khuyến Nhạc được thành lập với những hội viên như vĩ cầm gia Nguyễn Văn Giệp, dương cầm gia Nguyễn Hữu Hiếu và những người rất yêu nhạc như Nguyễn Xuân Tống, Nguyễn Văn Long v.v... Có khá nhiều thanh niên tới học nhạc. Theo Thẩm Oánh, số tiền học nhạc là một hào một bài. Nguyễn Ðức Toàn, về sau là tác giả của nhiều bài hát nổi tiếng, đã học nhạc tại Hội Khuyến Nhạc này.
Nhạc Ðường Học Xá của Lưu Quang Duyệt là một ngôi trường nhạc nho nhỏ ở đường Mongrand, Hà Nội. Ông Duyệt là một vị tu xuất từ nhà dòng (nên được gọi ''Bộ'' Duyệt) dạy violon và nhạc lý cho học sinh. Xuất thân từ học xá này là một nhạc sĩ trẻ tuổi tên là Tu Mi, tác giả của một bài hát sau này khá phổ thông là bài Tan Tác. Thẩm Oánh là người cộng tác chặt chẽ với cả hai tổ chức Khuyến Nhạc và Nhạc Ðường Học Xá.
Mặt khác, có những người trẻ, tự học nhạc Tây Phương, rồi khởi sự soạn nhạc và thường hội họp với nhau để hoà đàn, để thảo luận về âm nhạc và đưa ra những thử thách của mình. Ngoài những sinh hoạt có tính chất ''salon'' ra, họ cũng thỉnh thoảng ra mắt khán giả trong phạm vi hội hè ở nhà trường hay trong những buổi phụ diễn chiếu bóng để làm việc nghĩa. Ngay từ 1937, ho cũng đã thành lập nhóm hẳn hòi rồi, dù tổ chức còn lỏng lẻo. Ðó là nhóm MYOSOTIS (Hoa Lưu Ly) gồm có Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Vũ Khánh, Trần Dư, Phạm Văn Nhường... và nhóm TRICEA gồm có Văn Chung, Lê Yên, Dzoãn Mẫn, Phạm Ngữ...
Cũng còn phải kể tới những nhạc sĩ trẻ ở Hà Nội và không thuộc nhóm nào cả, nhưng tác phẩm sẽ đi vào nhạc sử Việt Nam, chẳng hạn Lương Ngọc Châu, người chơi vỹ cầm nổi tiếng. Vào cuối thập niên 30, anh hãy còn là một sinh viên trường Bưởi. Trong những ngày hội cuối năm của trường này, thường có tổ chức nhạc hội. Lương Ngọc Châu soạn ra một số bài hát để dùng trong những Ca Cảnh, đó là những ca khúc có tính chất dã sử như Một Ra Ði Là Không Trở Về, Bóng Người Núi Lam, Huyền Công Chúa...
Nguyễn Xuân Khoát thì đã hành nghề nhạc công tại một nhà hàng sang trọng và đã phổ nhạc những bài thơ của Thế Lữ như Hồn Xuân, Chờ Ðợi Bình Minh , hai bài hát này cũng đã được đăng trên báo NGÀY NAY vào cuối năm 1938, nghĩa là được soạn ra trước hay đồng thời với những nhạc phẩm của Nguyễn Văn Tuyên.
Ở Hải Phòng, trước khi Nguyễn Văn Tuyên bắn phát súng đầu tiên để mở màn cho âm nhạc cải cách thì Lê Thương, Hoàng Quý, Phạm Ngữ, Hoàng Phú (sau này đổi tên là Tô Vũ), Canh Thân (tức Tino Thân), Văn Trang, Văn Cao... cũng đã có những sinh hoạt về nhạc mới rồi. Ðã có sáng tác, đã có trình diễn, những vẫn chỉ là những sinh hoạt lẻ tẻ, chưa thành phong trào lớn.
Ở Nam Ðịnh, các nhạc sĩ trẻ như Ðặng Thế Phong, Bùi Công Kỳ, Hoàng Trọng, Ðan Thọ... cũng vô hình trung trở thành một nhóm tài tử và sẽ cung cấp cho nhạc sử Việt Nam nhiều nhạc phẩm bất hủ.
Bùi Công Kỳ và Phạm Duy (Hình chụp năm 1945 tại Huế)
Ở Huế, Tourane (Ðà Năng) và Faifoo (Hội An) thì đã có những nhạc sĩ tài tử như Nguyễn Văn Thương, Phan Huỳnh Ðiểu, La Hối... đang chuẩn bị để đẩy mạnh phong trào âm nhạc cải cách do Nguyễn Văn Tuyên vừa đề xướng.
Ở Quảng Ngãi thì có Vân Ðông và Trình (chỉ nhớ tên, không nhớ họ)...
Vân Ðông
Còn ở Saigon, ngoài Nguyễn Văn Tuyên và Nguyễn Văn Cổn ra, có thêm nhạc sĩ violin Jean Tịnh, cũng là nhân viên của Ðài Phát Thanh RADIO INDOCHINE và là nhạc trưởng của ban nhạc lấy tên là BÌNH MINH, trong đó có Paul Báu, bạn đồng nghiệp của tôi trong gánh hát Cải Lương ÐỨC HUY và là người dạy tôi đánh đàn guitare.
Jean Tịnh (Hình chụp năm 1995 tại Saigon)
Cũng có thêm vài người trong Hội SAMIPIC (Hội Nam Kỳ Ðức Trí Thể Dục) muốn sáng tạo một nền âm nhạc Việt Nam mới, theo nhạc lý Tây Phương... Ðó là Thái Thị Liên, người đầu tiên dùng những khúc điệu cổ như để soạn thành những cầm tấu khúc cho piano... Ðó là Võ Ðức Thu với cái tên Charles Thu, cũng soạn nhạc cho piano với bản Việt Nam Tân Ðiệu... Ðó còn là Phạm Công Nhiều với bản Tình Hận rất phổ thông trong các vũ trường... Trên sân khấu lưu diễn MINH TINH CA VŨ ÐOÀN của Antoine Ðạm cũng đã có sự ra mắt của những bài ca cải cách... Lưu Hữu Phước cùng với Mai Văn Bộ cũng đã soạn cho Câu Lạc Bộ Học Sinh (nằm trong Hội SAMIPIC kể trên) một bài ca chính thức nhan đề Hành Khúc Của Thanh Niên Nam Kỳ (Marche De La Jeunesse Cochinchinoise), nhạc của Lưu Hữu Phước, lời ca của Mai Văn Bộ, bằng tiếng Pháp (*)... Còn có thêm những học sinh, sinh viên từ Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long lên Saigon theo học tại trường Pétrus Ký như Nguyễn Mỹ Ca, Trần Văn Khê v.v... và đã hoạt động ráo riết cho một nền âm nhạc mới, dù có khi họ chỉ soạn ra những bài hát Việt với lời ca tiếng Pháp. Sau này, họ còn cho ra một Tuyên Ngôn Về Âm Nhạc để cổ xúy cho nền Tân Nhạc do Trần Văn Khê, Hành Khúc Của Thanh Niên Nam Kỳ , Nguyễn Tôn Hoàn đồng ký tên.
Tôi, Phạm Duy, vào lúc khởi sự có âm nhạc cải cách, đã tự học nhạc lý, tự học đàn mandolin, đàn guitar và đã khá nổi danh là ca sĩ hát hay ở tỉnh nhỏ Hưng Yên, đã đem những bài thơ của Huy Cận, Nguyễn Bính v.v... ra phổ nhạc, trước khi bỏ nhà đi theo một gánh hát rong, đi lưu diễn trong gần ba năm trời tại nhiều tỉnh trong khắp ba miền Trung, Nam, Bắc... vô tình trở thành một kẻ du ca chuyên nghiệp (không phải là amateur như hầu hết các nhạc sĩ trẻ thời bấy giờ) đi phát huy Tân Nhạc Việt Nam một cách đắc lực nhất.
Phạm Duy
(*) Theo Mai Văn Bộ, trong cuốn Lưu Hữu Phước, Con Người Và Sự Nghiệp, nhà xuất bản TRẺ 1989.