Thời Kỳ Thành Lập (1938-45) - Những Xu Hướng
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3310
Muốn phân tích từng bài hát, từng chủ trương của từng nhóm, từng người đã làm nên Tân Nhạc từ cuối thập niên 30 tới giữa thập niên 40 này để tìm ra những xu hướng đầu tiên của Tân Nhạc, thì, vì tính cách lịch sử của nó, chúng ta phải khởi sự bằng hai trong ba bài hát của Nguyễn Văn Tuyên : Bông Cúc Vàng và Kiếp Hoa.
Nguyễn Văn Tuyên và Nguyễn Văn Cổn
Tôi không nghĩ rằng khi soạn hai bài hát này, Nguyễn Văn Tuyên có một chủ trương thật rõ rệt trong phạm vi hình thức, nội dung của những bài hát của ông như những người cùng thời với ông đã làm (hay sẽ làm) khi họ đưa một bản tuyên ngôn về âm nhạc (Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê, Nguyễn Tôn Hoàn) hay tuyên bố trên báo chí (Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh) về đường lối sáng tác của mình. Lúc đó Nguyễn Văn Tuyên mới chỉ có nhiệt tâm đối với việc cần phải có một loại nhạc thay thế cho nhạc cổ truyền đang đi dần vào cho tàn lụi. Cũng như những thanh niên yêu nhạc khác, ông thấy rằng cả một hệ thống âm nhạc cũ đã không còn phù hợp với tuổi trẻ Việt Nam đang hấp thụ một nền văn hoá mới, nói thẳng ra là văn hóa Tây phương. Nếu sân khấu cổ truyền cần phải được "cải lương" để tồn tại thì âm nhạc Việt Nam cần phải được "cải cách"...
Chủ trương, nếu có, thì rất là giản dị : cải cách ''nhạc cũ'', để có "nhạc mới''. Nhưng nghiên cứu hai bài hát kiểu mẫu Bông Cúc Vàng và Kiếp Hoa của Nguyễn Văn Tuyên, trước tiên tôi thấy, về phần căn bản của âm nhạc là âm giai (hay thang âm) ông đã dùng cả hai hệ thống "nhạc ngũ cung" (pentatonique) và "nhạc chủ thể" (musique tonale) của Tây phương. .
Bài Bông Cúc Vàng (thơ của Nguyễn Qúy Anh) dùng thang âm ngũ cung Việt Nam, nghe buồn lâng lâng :
Bông cúc nở, nở luôn ngày hớn hở
Một mùa Xuân thêm tưng bừng rực rỡ
Ngọn gió Xuân hiu hắt những mùi hương
Nhắc lại ta tình đầm ấm yêu đương
Bông cúc nở hương sắc đậm đà
Yêu vì hoa, say đắm vì hoa
Ta không muốn mưa dầu nắng dãi
Ðể cúc thơm, thơm hoài thơm mãi...
Bài Kiếp Hoa (thơ Nguyễn Văn Cổn) dùng âm giai thất cung (diatonique) giọng mineure, nghe rất buồn :
Rồi mỗi ngày sắc tươi thêm phai lạt
Rồi mỗi ngày cánh hoa thêm rời rạc
Trông thấy hoa mà lòng những lo thầm
Nghĩ kiếp hoa càng động mối thương tâm
Nhớ tới hoa một buổi mai tìm lại
Ôi! Trước cảnh tượng biết bao thương hại
Thấy thân hoa như giấc sơ mơ màng
Dưới thân cây cánh rời rụng ngổn ngang
Ngọn gió Ðông bỗng lạnh lùng thổi
Tới quét tan tành những cánh hoa vô tội
Ta tưởng đâu như những mảnh tình xưa
Ðang bị ngọn gió lôi cuốn xa đưa
Tàn tạ hoa ơi, biết vì đâu
Thấy hoa khôn giữ lệ âu sầu
Hoa tan tác, lòng ta tan tác
Một kiếp hoa, kiếp người đâu khác
Tàn tạ hoa ơi, biết vì đâu
Thấy hoa khôn giữ lệ âu sầu...
Ưu điểm của hai bài hát tiền phong này là ở chỗ đã có sự sáng tạo ở cả hai phần nhạc và lời. Không còn là sự vay mượn những điệu đã có sẵn dù là điệu Việt Nam cổ truyền hay điệu nhạc ngoại quốc. Nét nhạc dù nằm trong ngũ cung thuần túy Việt Nam hay được xây dựng bằng âm giai Tây phương cũng có một sức quyến rũ nào đó, tuy chưa có thể làm cho người nghe bị ám ảnh như những nét nhạc Lê Thương hay Văn Cao sau này.
Khuyết điểm của bài hát là có nhiều chữ hát lên nghe không ổn. Ví dụ, trong bài Bông Cúc Vàng, chữ nở hát lên nghe thành nớ. Toàn thể bài nhạc không có sự chuẩn bị cho người nghe đi từ lúc bình thường đến chỗ bị xúc động kịch liệt (anacrouse = chỗ tột đỉnh của ca khúc) rồi đi dần dần đến chỗ nguôi ngoai, như trong bất cứ một nhạc phẩm nào, từ một đoản khúc thường cho tới một bản hợp tấu vĩ đại.
Về nội dung, hai bài ca cải cách đầu tiên của Tân Nhạc này đều là những bài hát buồn. Và đều mang thêm chất tình cảm thiên nhiên (sentiment de la nature) mà, đã là bài hát Việt Nam vào lúc đó, thì bài nào cũng đều vướng phải. Cũng giống như hầu hết những bài soạn ra trong giai đoạn thử thách này, cả hai bài Bông Cúc Vàng và Kiếp Hoa của Nguyễn văn Tuyên (với lời ca của của Nguyễn Qúy Anh và Nguyễn văn Cổn) đều nói đến sự ''yêu hoa, say đắm vì hoa'', sự ''thương hoa phai lạt, rời rạc...'' Trong những bài ca được tung ra ngay sau đó, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh cũng nói đến "hoa" trong bài Bên Ngàn Hoa Thắm, Văn Chung, Dzoãn Mẫn cũng làm như vậy trong Ðóa Hồng Nhung, Trên Thuyền Hoa, Sao Hoa Chóng Tàn ...
Nếu cần tìm hiểu những bài ca cải cách đầu tiên có một xu hướng nào thì ta có thể dựa vào hai bài của Nguyễn văn Tuyên và những bài của các nhạc sĩ khác trong khoảng những năm đầu của sự thành hình của nền Tân Nhạc để nói rằng, nó mang xu hướng nhạc tình nhưng nó chưa chứa đựng một thông điệp nào cả, nó chỉ mới là những lời than mây khóc gió, tỏ tình với cây cỏ, hoa lá, với thiên nhiên. Ngoài tính chất căn bản là duy nhiên đó, ở nhạc phẩm này thì nội dung nghiêng về lãng mạn tính vì tác giả chịu ảnh hưởng nặng nề của thi ca Pháp và của những bài thơ mới của Việt Nam, ở nhạc phẩm kia thì nội dung nghiêng về tính trữ tình, vốn là tính chất chính của nhạc cổ truyền Việt Nam (nhất là trong các loại dân ca, hát hội).
Nhưng xu hướng nhạc tình (duy nhiên/lãng mạn/trữ tình) không phải là xu hướng độc nhất trong giai đoạn thành lập này. Ta sẽ thấy một xu hướng khác được xuất hiện ngay sau đó, xu hướng nhạc vui đưa tới nhạc hùng, khởi sự từ nhạc hướng đạo, tiến tới nhạc thanh niên lịch sử, nhạc cách mạng rồi phát triển thành nhạc kháng chiến, nhạc tình ca quê hương, tình tự dân tộc v.v...
Nguyễn Văn Tuyên có công trong việc đề xướng phong trào âm nhạc cải cách nhưng tác phẩm của ông thì không có may mắn được sống trong lòng người Việt Nam. Rất ít người biết đến ông. Riêng tôi, vào khoảng 1945, được gặp ông tại Huế, khi đó Cách Mạng vừa thành công xong, tôi đi theo ''Ðoàn Cán Bộ 13'' trở lại miền Nam kháng chiến và trong khi dừng chân tại nơi cố đô này thì được nghe ông hát một bài soạn với " ngũ cung giọng Huế " nhan đề Cái Chăn Ðắp.
Nguyễn Văn Cổn thì vẫn tiếp tục làm công việc hỗ trợ cho loại nhạc mà chính ông đã đặt cho cái tên "âm nhạc cải cách". Với địa vị của một Giám Ðốc Chương Trình trong Ðài RADIO INDOCHINE, ông đã cho phát thanh mỗi tuần bốn chương trình nhạc mới trong đó ông là người đảm trách mục giới thiệu âm nhạc Âu Tây. Vào năm 1944, tôi vào tới Saigon trên con đường hát rong thì tôi thực hiện được cái mộng ''vĩ đại'' của tôi lúc đó là : hát trên đài phát thanh ở Saigon. Ông Cổn đã dành cho tôi ba chương trình trong một tuầnễ. Với cái tuổi 23 và với một vốn liếng đơn sơ là khoảng mười bài tân nhạc đầu tiên của Việt Nam, tôi đã nhờ ở làn sóng điện mởi mẻ này mà có được những cảm tình sâu đậm của thính giả trên ba miền đất nước. Vào mùa Thu 1982, tôi được vinh dự ngồi uống cà phê với Thạc Sĩ Nguyễn Văn Cổn tại một quán nhỏ trong khu Latin (Paris), ôn lại những ngày cũ, được nghe vài bài thơ về thời thế của ông... tôi rất tiếc cho một nước Việt Nam chưa bao giờ được an vi như cái thời xa xưa đó để có cơ hội cho tất cả những người trong làng âm nhạc Việt Nam hội họp với nhau, viết cho thật kỹ càng một bộ nhạc sử trong đó, địa vị lớn trong Ngành Nhạc Mới phải được dành cho Nguyễn Văn Cổn và Nguyễn Văn Tuyên.
Nguyễn Văn Cổn và Phạm Duy - (Paris 1982)
Phạm Duy