Như là lòng tôi
- Chi tiết
- Quỳnh Giao
- Lượt xem: 3491
Một dòng sông hiền hòa, một con suối mơ mộng, một đồi cỏ xanh tươi, một con đê vắng, một lũy tre còm, một làn khói rơm tỏa màu lam trong tiếng sáo diều... đã được diễn bằng nhạc, hát bằng lời từ trong các ca khúc của chúng ta. Thiên nhiên này quá quen thuộc, hiền lành, ngọt ngào thân ái, vì chúng ta sinh ra và lớn lên ở những nơi đó.
Ðau đớn thay khi mình lại mất không gian và tâm cảm này vì phải rời bỏ quê hương ra đi.
Rồi đến một nơi chốn xa lạ, chúng ta lại gặp một thiên nhiên khác.
Từ một quê hương xinh xắn, nhỏ bé, có khi chúng ta đã vượt qua dăm ba ngả đại dương hay lục địa để tới một nơi gọi là tạm cư. Thật ra, bước chân thất thểu lạc loài của chúng ta mới chỉ đến một cõi tạm dung mà thôi, chứ khi ấy mình đã biết thế nào là hoàn cảnh định cư vĩnh viễn.
Bấy giờ, cũng thiên nhiên to lớn và lạ lùng ấy lại chế ngự và đè bẹp chúng ta. Trong lòng người nghệ sĩ chỉ còn dâng lên nỗi buồn như đại dương không đáy, như nét chơ vơ của đỉnh núi đơn côi, như nỗi lạnh lùng của thị thành, xa lộ ngút ngàn, cao ốc xi măng, cốt sắt khổng lồ.
Cách đây ít lâu, trong chương trình nhạc Xuân của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ, Quỳnh Giao chọn một tác phẩm để trình bày vì nhớ lại những cảnh đổi đời xa xưa và nhất là vì thầm mong rằng chúng ta không quên một ca khúc đẹp và buồn. Ðó là bài "Như Là Lòng Tôi".
Tác phẩm đã gần ba mươi tuổi mà vẫn còn xa lạ với nhiều người trong chúng ta. Một cách nào đó, nó là mặt bên kia của Nương Chiều, xuất hiện cách nay cũng đã 65 năm.
Phạm Duy viết "Như Là Lòng Tôi" vào năm 1983, tại thị trấn Giữa Ðàng, là cách ông gọi Midway City nằm thu nhỏ kín đáo trong thành phố Westminster tại tiểu bang California.
Trước đó, Phạm Duy, Thái Hằng và bốn con nhỏ gồm Thái Hiền, Thái Thảo, Duy Ðức và Thái Hạnh còn tạm cư ở vùng Tampa Bay, tiểu bang Florida, vì gia đình được đưa từ đảo Guam qua đến trại tị nạn vùng này. Từ ngày còn ở đảo Guam, người ta nghe ông kêu gọi trên máy phóng thanh PTA nhắn hỏi bốn con trai lớn còn kẹt lại nhà khi ông đi trước, là Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng và Duy Cường. Bốn đứa ở đâu có chạy được không?
Một chi tiết rất lạ và cũng khá riêng tư, là Phạm Duy hay viết về mẹ mà cũng lại rất lo cho bầy con. Hiểu ra điều ấy, mình cũng thông cảm với nhiều quyết định của ông sau này.
Năm xưa, khi đoàn người tỵ nạn mới định cư tại California thì khu phố Bolsa còn vắng vẻ, nghèo nàn lắm. Cả khu bây giờ là nơi Xe Ðò Hoàng đón khách thời ấy còn bỏ hoang, trống trải, đường còn trải đất bụi mù. Và Phạm Duy viết bài "Như Là Lòng Tôi", đầy tình cảm với thiên nhiên, một thứ tình cảm lạnh lùng băng giá vì nỗi nhớ nhà.
Trong lời giới thiệu, tác giả viết như sau:
"Vào năm 1983, tôi nhận được một lá thư Saigon của một người yêu nhạc, trong đó có dựa vào một câu hát cũ của tôi để đưa ra câu hỏi:
Năm năm rồi không gập,
Mười năm mất nhau không?"
"Tôi đã trả lời bằng bài hát sau đây. Trong bài có nhiều tên bài hát cũ."
Quỳnh Giao nghĩ rằng trong cách "vội vã trả lời" như ông viết, Phạm Duy đã trút vào nhạc những tâm sự chất chứa của mình kể từ khi di tản đến lúc bơ vơ trên đảo rồi trôi dạt về Florida cho đến ngày dừng chân ở California. Và ông viết cho rất nhiều người khác.
Về nhạc thuật, ca khúc được Phạm Duy soạn trên cung Do Trưởng, loại âm giai trong sáng, bình dị như trong các ca khúc ông viết cho quê hương ngày xưa, như là "Tình Ca", "Chiều Về Trên Sông", "Viễn Du", hay "Tình Hoài Hương", v.v.
Câu nhạc dạo đầu bằng 4 trường canh gồm 14 phách toàn bằng nốt liên ba móc (triolet) tả tâm tư như sóng nước rạt rào, và bắt đầu cũng bằng liên ba móc:
Chiều nay ra đứng bên bờ đại dương
Biển âm u, vắng ngắt
Biển bao la một mầu tím ngắt muộn phiền.
Biển mênh mang niềm nhớ tiếc
Biển run lên từng đợt sóng biếc ngỡ ngàng
Rủ nhau tới chết bên bờ biển hoang. (chuyển cung Sol7 )
Trở lại nét nhạc đầu:
Mặt trời cũng chết trong lòng biển sâu
Biển thương đau mấy kiếp
Biển đơn côi biển còn tiếp nối cuộc sầu
Biển mông lung gào với gió
Biển hung hăng và làm bão tố nghiêng trời
Biển khơi nhức nhối như là lòng tôi...
Qua điệp khúc, Phạm Duy đưa câu nhạc lên cao hơn, với một chuỗi nốt Do, diễn tả niềm thao thức nhức buốt trong lòng, như chỉ muốn lấp biển cả, lấp đại dương để trở về làm con sông hay dòng suối nhỏ nơi quê nhà:
Hãy lấp kín lại trùng dương!
Cho tôi thôi buồn đại dương.
Tái sinh làm con suối vắng.
Cho tôi xin làm dòng sông
Nơi quê hương sạch và trong
Uốn quanh ngoài cánh đồng...
Qua lời 2, tác giả dẫn chúng ta rời biển mà lên núi. Khi ra biển, ông chọn lúc hoàng hôn, nhưng khi lên núi, ông đứng dậy từ lúc tinh mơ của buổi bình minh:
Bình minh lên núi tuyết phủ đầy vai
Vùi thân trong buốt giá
Nằm chơ vơ một hàng núi đá chập chùng.
Rừng xanh xao và chết cóng
Trời không cao và trời vắng bóng mây ngời,
Mặt hồ băng kín như là lòng tôi!
Rồi đi xuống phố không một người quen
Nhà xi măng cốt sắt
Mọc chênh vênh và làm khuất mắt người tình.
Ðường tuy đông mà quá trống
Ngày đi qua chỉ là những bóng không lời
Ðời nghe xa vắng như là lòng tôi!
Và đây mới là điệp khúc, như tiếng gào, tiếng than và lời hẹn hò...
Hãy quét tuyết sạch mùa Ðông
Cho non cao khỏi lạnh băng.
Hãy về gặp nhau trên đất khách.
Ta ôm nhau mà hỏi han
Ta gây lại tình thương
Sẽ thấy vui ở cuối đường...
Với niềm lạc quan mới, tin tưởng ở tương lai, Phạm Duy viết câu Coda như sau:
Biển xanh, núi biếc, hay vỉa hè kia
Rồi đây thắm thiết như là lòng ta...
Dĩ nhiên là thời thế đã thay đổi, như thiên nhiên bốn mùa vậy. Nhưng nếu nghe lại, chúng ta mới hồi tưởng tâm tư ngày cũ và cái ước nguyện vẫn còn vằng vặc: "Quê hương sạch và trong". Bỗng lòng mình thấy xót xa.
Quỳnh Giao
6.4.2012
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=146957&zoneid=194#.UXHcK1f_lAY