Dạ Lai Hương
- Chi tiết
- Quỳnh Giao
- Lượt xem: 8489
Người viết ngẫm thấy vậy khi con gái qua miền Ðông mấy ngày dự đám cưới của em họ, một cô bé họ Dương.
Lớn lên tại vùng Virginia từ bé, vào đại học tại Maryland và lấy chồng xong mới qua sống bên California, cháu giật mình vì bốn lần bị muỗi đốt ngoài vườn dưới khí trời hâm hấp! Ðất cũ không khoảng khoát như tại California dù Cali chỉ có hai mùa, chứ miền Ðông mới có bốn mùa rõ rệt.
Cơ thể chúng ta hết quen với mùa Hè nóng bức và ẩm ướt bên Virginia. Nhưng khí hậu đó lại làm mình nhớ đến không gian của miền nhiệt đới.
Những người đi du lịch nhiều thường nghiệm thấy một điều là khi đặt chân vào vùng đất lạ, nếu bước ra khỏi phi cảng có điều hòa không khí, cảm giác đầu tiên của du khách là về khí hậu. Ngay sau đó, có người để ý đến tiếng động, người khác thì lại cảm bằng khứu giác, để ý đến cái mùi. Sống đã lâu trong một xứ tân tiến, khi trở về một vùng nhiệt đới, chúng ta cảm thấy ngay mùi thơm của hoa cỏ, hoặc cả mùi cống rãnh trong các nước nghèo.
Nếu cứ ở trong khách sạn có máy lạnh vù vù thì ai ai cũng chỉ thấy một không gian tân tiến mà đồng dạng, nơi nào cũng giống nơi nào. Ði chơi là phải đi ra ngoài, có khi bị muỗi đốt và đôi khi lại nhớ nhà nếu bắt gặp hương thơm của hoa đồng cỏ nội thời xưa.
Lúc ấy lòng người viết lại... nhớ Huế và một ca khúc diễm ảo xa xưa.
Chẳng là khí hậu mùa Hè miền Ðông gần với mùa Hè bên nhà hơn là mùa Hè rất khô của Cali. Tại miền Ðông, mùi hoa kim ngân (honey suckle) từ hàng xóm bay qua gây liên tưởng tới hoa dạ lý (night blooming jasmine) bên nhà, tỏa hương cùng với màn đêm. Từ đó lại nhớ đến "Dạ Lai Hương."
Mỗi khi nghe hay hát ca khúc này của Phạm Duy, Quỳnh Giao lại nhớ thuở nhỏ ở Huế.
Huế không đủ bốn mùa, dường như chỉ mùa Hè nóng bức oi ả và mùa Ðông ẩm ướt thôi. Mà gọi là Ðông cho oai, chứ chỉ là cái lạnh se se của hơi Thu. Chẳng thế mà nhạc sĩ đất Huế đều có tác phẩm cho cả hai mùa. Như Nguyễn Văn Thương với "Ðêm Ðông," Ưng Lang với "Mưa Rơi," Minh Kỳ lúc ở Huế soạn bài "Hè Xưa Tưởng Nhớ." Lê Hữu Mục với "Hẹn Một Ngày Về," và nhất là Văn Phụng cũng viết "Sương Thu" ở đất Thần Kinh...
Người viết riêng thích "Dạ Lai Hương" của Phạm Duy vì ông tả một đêm Hè thơm tho ở Huế, và gợi lên cảnh huyền ảo tuyệt vời nhất. Ông viết ca khúc này vào năm 1953 khi ở Huế và đề tặng hai người đẹp nổi tiếng thời đó là hai chị em Thu Vân và Dạ Thảo.
Ca khúc viết theo nhịp Boston trên âm giai La thứ. Ðây là bài hát mà các đồng nghiệp khó tính của ông như Vũ Thành, Hoàng Trọng đều ngợi ca và trân trọng viết hoà âm thật đẹp. Trong ca khúc, người nghệ sĩ chuyển cung rất nhiều. Và tài tình là chuyển từng câu chứ không từng đoạn, nếu chúng ta hát lại thì sẽ thấy.
Mở đầu ông kể chuyện như sau:
Ðêm thơm như một dòng sữa
Lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà
Hiu hiu hương tự ngàn xa, bỗng quay về
Dạt dào trên hè, ngoài trời khuya
Cái gì "bỗng quay về" thì chúng ta sẽ biết sau. Chứ nghe lại, Quỳnh Giao đặc biệt thích cách ông dùng dòng sữa để tả đêm Hè. Vì màn đêm trắng đục nhẹ tan trong không gian, hay vì hương thơm như vị ngọt của sữa mẹ? Người lớn chúng ta chắc không ai quên cảm giác êm ấm hạnh phúc khi "hít" mùi sữa thơm từ miệng đứa bé nằm nôi. Không có thứ nước hoa nào trên đời này sánh được!
Ðoạn tiếp nối, Phạm Duy chuyển từng câu một. Mỗi câu lại lên cao như tình cảm dâng tràn và làm rõ dần cái hương thơm lâng lâng, bỗng quay về như người bạn cũ của lũ con gái xứ Huế. Hương thơm khiến tuổi dậy thì chợt nghĩ đến tình yêu. Ðấy là thủ phạm, nhưng là một thủ phạm đáng yêu vô cùng! Hãy nghe lại mà xem:
Ðường đêm sao yên vui, người đi quen lối
Tình trai nở bốn phương trời
(lên cao hơn)
Ðàn em trong cơ ngơi nhờ đêm đưa tới
Những ai làm ngát hoa đời...
Nhẹ bàn chân hương đêm ơi
Và ở câu này, ông xuống một octave:
Nhẹ bàn tay hương yêu ơi...
Qua điệp khúc, Phạm Duy hư ảo chuyển hẳn câu nhạc khiến hương thơm lan tỏa như sương đêm và thành một làn mây thái hòa:
Lung linh trăng lại về nữa
Cánh gió đưa hương ngả đầu mây phất phơ
(câu nhạc lại từ từ hạ xuống)
Ðêm thơm không phải từ Hoa
Mà bởi vì ta thiết tha tình yêu thái hòa.
(lập lại ý nhạc của đoạn chuyển đầu)
Ðời ngon như men say tình lên phơi phới
Ðẹp duyên người sống cho người
(lên cao hơn)
Ðời vui như ong bay, ngọt lên cây trái
Góp chung mật sống lâu dài
Nhịp bàn chân nhân gian ơi...
Tác giả nhắc lại câu này, nhưng xuống một bát cung:
Nhịp bàn tay nhân gian ơi
Nghe kỹ, chúng ta cảm thấy hương thơm như làn khói nhẹ màu trắng, la đà bay trên cây lá rồi sà xuống mặt đất. Nhưng lời ca mới diễn tả sự hòa nhập của tâm hồn giữa cảnh và ý.
Ðêm thơm chẳng phải vì mùi hoa mà vì tình yêu. Mà tình yêu cũng ra khỏi tâm cảnh của đôi lứa để vươn thành tình yêu nhân loại trong cõi thái hòa. Hương thơm của hoa gợi lên niềm vui của cuộc đời, nhưng nửa đêm nào có ong bay đâu? Niềm vui đó chính là mật ngọt cho đời sống. Ca khúc không là bản tình ca bình thường, nó dẫn đến sự giác ngộ mà ta bắt gặp trong câu "cười tuôn nước mắt cho Xuân tình dấy men" ở bài "Xuân Thì" được sáng tác trong cùng giai đoạn.
"Xuân Thì" được viết khi hy vọng thanh bình vừa chớm nở trên núi rừng Việt Bắc, "Dạ Lai Hương" xuất hiện sau đó trong cảnh thanh bình của đất Huế. Trong tâm cảm của người nghệ sĩ, tình yêu thường khởi đi từ cái rất riêng rồi hòa vào cái rất chung của nhân thế. Sau này, Phạm Duy có viết đạo ca, chúng ta không nên ngạc nhiên.
Câu kết của ông trong ca khúc tràn đầy chất Huế, vì kết hợp cả hương đêm và con người.
Huế là đất có nhiều chùa chiền và đa số người dân theo đạo Phật. Chẳng vậy mà hương thơm của dàn dạ lý lại dẫn ta vào giấc ngủ êm ả. Nhưng trước khi lui gót vào cõi êm đềm, lũ con gái lại có khúc nguyện cầu...
Ðêm đêm trước khi ngủ kỹ
Lũ chúng em ân cần cầu hương lúc tân kỳ
Ðêm thơm thêm một lần nữa
Rồi hẹn nhau thương nhớ...
Rất đa tình mà cũng rất thánh thiện! Không phải là Huế hay sao?
Quỳnh Giao
8.6.2011
Nguồn:
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=132239&zoneid=97#.UXHjt1f_lAY