Hát Lý - Một Loại Ca Dễ Thương
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 12049
Hát Lý trước hết là một câu (hay một bài) hát chơi của nhi đồng hay người lớn, không do bàn tay nghệ sĩ tạo nên mà chỉ là một hình thức nghệ thuật tự phát của dân chúng. Hát lý sau đó du nhập vào những tổ chức âm nhạc nhà nghề như Hát Chèo, Hát Ả Ðào, Hát Cải Lương, Hát Sắc Buà, Ca Huế, Hát Quan Họ, Hát Bộ, Hát Chầu Văn vv...và do đó mà có trình độ nghệ thuật cao hơn hình thức hát lý sơ khai.
Theo tôi, nếu như trong những thể hát khác trong dân ca Việt Nam có một số bài không thuần túy là ca dao được hát lên, thì hình thức hát lý hoàn toàn là những câu ca dao được phổ nhạc.
Trước hết, tôi xin đưa ra danh sách của trên 80 bài hát lý mà tôi đã sưu tập và nghiên cứu trong vòng ba, bốn chục năm qua để cả quyết nói rằng tất cả đều là những câu ca dao được hát lên. Ðó là : Lý Con Sáo Huế, Lý Hoài Xuân, Lý Con Chuột Huế, Lý Con Quạ Huế, Lý Tình Tang, Lý Mười Thương, Lý Con Sáo Bắc, Lý Con Sáo Quảng, Lý Con Sáo Gò Công, Lý Con Sáo Sang Sông, Lý Con Sáo Cải Lương, Lý Giao Duyên, Lý Chàng Ôi, Lý Bốn Mùa, Lý Ru Con, Lý Vọng Phu, Lý Cây Ða, Lý Ðò Ðưa, Lý Toan Tính, Lý Con Cò, Lý Cũ Rũ, Lý Mèo Lành, Lý Qua Ðèo, Lý Chiều Chiều, Lý Hoài Nam, Lý Cửa Quyền, Lý Cảnh Chùa, Lý Tử Vi, Lý Tiểu Khúc, Lý Ngũ Luân, Lý Nam Sang, Lý Giang Nam, Lý Thiên Thai, Lý Triền Triện, Lý Mọi, Lý Ðá Rừng, Lý Chuột Chê, Lý Khỉ Ðột, Lý Ba Cô, Lý Ngô Ðồng, Lý Lá Sen, Lý Cây Bông, Lý Ba Tri, Lý Lu Là, Lý Cây Ổi, Lý Cái Phảng, Lý Nuôi Ong, Lý Ngựa Ô Huế, Lý Ngựa Ô Nam, Lý Ngựa Tây, Lý Ðường Trơn, Lý Quay Tơ, Lý Ðươn (Ðan) Ðệm, Lý Bình Vôi, Lý Quạ Kêu, Lý Chuột Kêu, Lý Kéo Chài, Lý Che Hường, Lý Chim Khuyên, Lý Bánh Bò, Lý Con Cua, Lý Lạch, Lý Hành Vân, Lý Hoa Thơm, Lý Thương Nhau, Lý Mong Chồng, Lý Vẽ Rồng, Lý Bắt Bướm, Lý Cây Duối, Lý Ông Hương, Lý Con Nhái, Lý Con Mèo, Lý Dừa Tơ, Lý Chim Chuyền, Lý Mạ Non, Lý Bánh Canh, Lý Con Cá...
Bốc ra bất cứ một bài hát lý nào, ta cũng thấy đó là một câu ca dao được trở thành dân ca, chẳng hạn bài (hay điệu) hát Lý Ngô Ðồng. Bài này thoát thai từ câu ca dao :
Chiều chiều ra đúng lầu Tây
Thấy cô gánh nước tưới cây ngô đồng.
Câu ca dao lục bát này, khi trở thành bài hát lý, thì nhạc điệu không còn thô sơ như lối đọc hay ngâm thơ nữa. Mỗi chữ trong câu thơ, tùy theo các dấu, không chỉ nằm trong một thanh nhất định mà đã có sự nhấn giọng trong vài chữ của câu ca dao.
Chiều chiều (ra a) (đứng ơ)
Hai chữ "ra" và "đứng" đều phải dùng 2 nốt nhạc. Bây giờ câu ca dao còn chịu thêm qui luật của âm nhạc. Nó có câu láy (répétition) hay câu mô phỏng (imitation) :
Tây lầu Tây, Tây lầu Tây
Nó đã có một câu nhạc chủ đạo nằm trong hệ thống ngũ cung Do Mi Fa Sol La và bây giờ thì nhạc đề đó được phát triển (développement du thème musical) với những chữ lót, chữ đệm :
Thấy cô tang tình gánh ý nước ơ
Tưới cây, tưới cây ngô đồng ơ.
Phổ nhạc xong câu ca dao có sẵn đó rồi, bây giờ muốn cho bài hát Lý có thêm ý nghĩa, người ta làm thêm ba câu hát nữa -- gọi là câu "phụ nghĩa" -- nét nhạc cũng lại là sự phát triển của câu nhạc chủ đạo :
Xui khiến xui trong lòng
Trong lòng tôi thương
Thương cô tưới cây ngô đồng a.
Ðặt Tên Bài
Ðặt Tên Ðiệu
Việc đặt tên cho các câu, các bài hay các điệu hát lý có vẻ hơi rắc rối. Người xưa, khi phổ ca dao thành hát lý, thường có nhiều cách để đặt tên. Trong các ví dụ sau đây, những chữ nằm trong ngoặc đơn là những tiếng đệm, tiếng lót, tiếng láy -- còn lại là nguyên văn câu ca dao lục bát.
* Ðặt Tên Theo Nội Dung
Lấy nội dung của câu ca dao để đặt tên, ví dụ :
Trồng hường phải khéo che hường
(Ù ù ơ, ơ rằng ơ, qua tu lới mà chè hương)
Nắng che mưa đậy cho hường
(Ù ù ơ, ơ rằng ơ, qua tu lới mà) trổ bông.
Nội dung là việc che nắng, che mưa cho hoa hường trổ bông. Vậy thì cái tên của câu này, bài này hay điệu này là Lý Che Hường (còn được nói lái là Lý Chè Hương).
Bài này có thêm hai lời ca do Phạm Duy soạn :
2. Trồng hường bẻ lá che hường
Nhớ em không quản bước đường, đường xa
3. Trồng hường giở nón che hường
Ngắt bông hoa đẹp cho nường đẹp hơn
* Ðặt Tên Theo Chữ Ðầu
Lấy mấy chữ đầu của câu ca dao :
Chim chuyền nhành ớt (cái) líu lo
(Rồi lại líu lo)
Sầu ai (nọ, sầu ai nọ) nên nỗi
(Ôi) ốm (cái) ho gầy mòn
(Ai ý y ôi !)
Dù nội dung của câu ca dao này là sự "sầu ai nên nỗi ốm ho gầy mòn" nhưng người ta lại dùng hai chữ đầu để đặt tên là Lý Chim Chuyền.
* Ðặt Tên Theo Tiếng Ðệm, Tiếng Lót
Lấy tiếng đệm, tiếng lót hay tiếng láy, tiếng đưa hơi ở trong bài hát như : "lu là, tình tang, hò khoan" vân vân... để đặt tên :
Ai ziề (mà) Giồng Dứa qua truông
Gió lay (lu là) bông sợi (ơi người ơi !)
Bỏ buồn (ơi là buồn mà) cho ai ?
Câu ca dao này, khi hát lên với tiếng đệm như vậy thì được gọi là Lý Lu Là. Ðiệu Lý Lu Là này còn được dùng để hát nhiều câu ca dao có nội dung khác nhau, miễn là trong bài hát có tiếng đệm, tiếng lót "lu là".
* Một Bài Nhiều Tên
Vấn đề đặt tên cho các câu, các bài, các điệu hát lý của người Việt Nam khi xưa dễ dãi như vậy, nhưng lại cũng dễ làm cho người ta lầm lẫn. Một bài hát lý, nguyên là câu ca dao :
Xăm xăm bước tới (mà) cây chanh (ạ)
Lăm le (a lu là) muốn bẻ (ý ôi nàng ôi !)
Sợ (ơ ơ ơ) nhành (ôi nàng ôi mà) gai châm.
Bài nầy có khi được gọi là Lý Xăm Xăm hay Lý Cây Chanh. Cũng có khi được gọi là Lý Cây Chanh, nhưng trong thực tế, bài này được hát bằng điệu Lý Lu Là kể trên.
* Chung Tên - Khác Lời - Khác Ðiệu
Ngoài ra, có một số bài có chung một cái tên nhưng lại khác hẳn nhau về lời và nhạc. Lý Con Chuột nghe ở Huế :
Một con chuột là một cái đuôi (ơ)
Hai (ý) tai (hai tai) hai mắt (ơi người ơi!)
Một (y y y) đầu (ơi người ơi) bốn chân
Lý nghe ở Quảng Ngãi :
Chuột chê (chuột chê tình mà) lúa lép
(Lúa lép lúa lép qua lối nọ) không ăn.
Chuột chê (tình mà) nhà rách (nhà rách)
(Chuột chê tình mà nhà rách qua lối nọ)
Ra nằm (tre) bụi tre.
Thêm hai lời ca hát với điệu này :
2. Vợ chê chồng dốt không hay
Chồng chê đọc sách đi cày khoẻ hơn
3. Chồng chê vợ xấu không ngoan
Vợ chê làm đẹp ? ? rảnh tay
* Chung Tên - Chung Lời - Khác Ðiệu
Cũng có khi có chung một lời ca nhưng khác hẳn nhau về giai điệu vì có thêm biến tấu như bài Lý Con Sáo nghe ở miền Bắc :
Ai đem (là đem) con sáo
(A la nhớ phải nhớ a la nhớ phải thương)
(Ơi người người ơi, a a a a a)
(Mà) để (ế) cho (sáo sang sông)
(Ờ mấy tình mà ai đem) con sáo (sang sông)
(Ðể cho sáo) xổ lồng
(Mà ai đem con sáo) bay xa (a a a a a)
Cùng là một câu ca dao quen thuộc, nhưng Lý Con Sáo Quảng hát ở miền Quảng Nam lại có một nhạc điệu khác, xây dựng trên một ngũ cung khác. Lý Con Sáo nghe ở Quảng Nam :
Ai đem ai đem con sáo (ư ư ư ư)
Sang sang sang sang sông
Con sáo sang sông
Tình bằng sang sông (ư ư ư ư)
vân vân...
Tại miền Nam, câu ca dao về con sáo "sang sông và xổ lồng" đó lại có một bố cục và một nhạc điệu khác. Lý Con Sáo Nam :
Ai đem ai đem bằng sáo (ư ư ư ư)
Sang sang sang sang sang sông
Con sáo sang sông
Tình bằng sang sông (ư ư ư ư ư ư)
Bố Cục Hát Lý
Không còn nghi ngờ gì nữa, hát lý là ca dao lục-bát được phổ nhạc. Ðể biến ca dao thành hát lý, người xưa có nhiều cách bố cục.
1) Một cặp lục-bát là một nhạc khúc
Thông thường là chỉ dùng một cặp lục bát. Cả hai câu 6 và 8, với tiếng đệm và tiếng láy, trở thành một bài hát và chỉ có một nhạc khúc mà thôi. Ví dụ Lý Con Sáo Huế, Lý Chim Chuyền và Lý Triền Triện :
Xem lên hòn núi (hòn núi ta lý nọ) Thiên Thai
Thấy (ư) đôi (á đôi con triền) triền triện
Thấy (ư) đôi (á đôi con triền) triền triện
(ta lý nọ) ăn xoài ( a ý a, ăn xoài) chín cây.
2) Chia đôi cặp lục bát thành hai khúc
Chia đôi hai câu ca dao, câu 6 là khúc 1, câu 8 là khúc 2, nhưng cả hai đều chỉ được hát trên một nhạc khúc mà thôi. Ví dụ câu ca dao :
Chim khuyên ăn trái nhãn lồng
Thia lia quen chậu vợ chồng quen hơi.
Khi trở thành bài Lý Chim Khuyên (hay là Lý Chim Quyên) thì câu 6 được phổ bằng một nhạc khúc :
Chim khuyên (quầy) ăn trái (quây)
Nhãn (i i i lồng nhãn i i i) lồng
(ơ con bạn mình ơi)
Câu 8 cũng được hát trên nhạc khúc có sẵn đó :
Thia lia (quầy) quen chậu (quây)
Vợ ( i i i chồng vợ i i i ) chồng
(ơ con bạn) quện hơi.
Thêm hai lời ca :
2.- Chim khuyên nút mật bông qùy
Ba năm đợi được huống gì một năm
3.- Chim khuyên xuống suối tha mồi
Thấy em lao khổ đứng ngồi chẳng yên
3) Toàn vẹn câu lục bát được dùng
... với tiếng đệm, tiếng lót, nhưng lại có thêm câu ca để phụ thêm ý nghĩa cho bài hát.
Ví dụ câu ca dao lục bát sau đây :
Chiều chiều ra đứng (ơ mưa) ngoài mưa
(Mưa ngoài mưa)
Thấy ai (tang tình) khuấy nước (ơ)
Ðẩy đưa (đẩy đưa) con đò...
Khi được tăng cường và được hát trên điệu Lý Ngô Ðồng để trở thành một bài hát lý khác (mà ta có thể đặt tên là Lý Ngoài Mưa) thì nó có thêm một đoạn gọi là phụ nghĩa như sau :
Thương với thương trong lòng con đò sang sông
Mênh mông nước trôi suôi dòng ơ...
4) Dùng hai cặp lục bát
Một bài hát lý cũng có khi dùng hai cặp lục bát, nghĩa là 4 câu thơ. Sau mỗi cặp lục bát cũng có thêm một câu thơ phụ để cho câu thơ lục bát đó có thêm ý nghĩa. Chẳng hạn bài Lý Quay Tơ. Bài hát lý này được phân ra hai loại khúc với hai nhạc điệu khác nhau.
Khúc 1 là hai câu lục bát có thêm câu tăng cường :
Sáng trăng, sáng cả (tranh mà) vườn tranh
(có) Bên anh (anh ngồi) đọc sách
Bên nàng quay (mối) tơ...
Thêm câu phụ nghĩa :
Cứ đêm đêm khi đèn chưa tỏ
Em ngồi quay dưới bóng trăng...
Khúc 2, với nhạc điệu hơi khác khúc 1, là hai câu lục bát tăng cường :
Quay tơ, em giữ (tơ mà) mối tơ
(dẫu) Se năm (mà) bẩy mối
Vẫn chờ ai mối ai.
Thêm câu phụ nghĩa :
Cứ đêm đêm em ngồi em dệt
Bao vần thơ ôi mến yêu (2 lần)
5) Dùng bốn cặp lục bát
Ðặc biệt có bài dùng tới 4 cặp lục bát, tức là tám câu thơ. Ví dụ bài Lý Bình Vôi Nguyên văn :
Lỡ tay, rớt bể bình vôi.
Chủ ra bắt được bắt ngồi xướng ca.
Xướng ca là xứ của người
Biểu tôi không ở kêu trời nỗi chi?
Lỡ tay rớt bể bình vôi.
Bắt suôi bắt ngược bắt ngồi với nhau.
Có cau lại có cả trầu
Có dâu có rể ăn trầu bởi ai ?
Hai câu lục bát đầu được chia ra 2 phần, phần I gồm hai nhạc khúc khác nhau :
Phần I - Nhạc khúc 1 (câu lục bát thứ nhất) :
Lỡ (bằng) tay, rớt (bằng) bể
(rơi bằng) bình (vôi bằng) vôi.
Chủ (bằng) ra bắt (bằng) được
Bắt (bằng) ngồi xướng (bằng) ca.
(Cái mà xướng ca)
Nhạc khúc 2 (câu lục bát thứ hai) :
Xướng ca là xứ của người
Biểu (tình) tôi không ở
Kêu trời (tình bằng chi cái) nỗi chi?
(Có đây rồi, tình bằng chi cái nỗi chi?)
Phần II cũng có hai nhạc khúc, mỗi nhạc khúc là một câu thơ lục bát :
Nhạc khúc 1 : (câu lục bát thứ ba) :
Lỡ (bằng) tay rớt (bằng) bể
(rơi bằng) bình (vôi bằng) vôi.
Bắt (bằng) suôi bắt (bằng) ngược (bắt ta)
Bắt (ta) ngồi (nhau bằng nhau cái mà) với nhau.
Nhạc khúc 2 : (câu lục bát thứ tư) :
Có cau lại có cả trầu
Có (nàng) dâu có rể
Ăn trầu (tình bằng ai đó) bởi ai?
(Có ăn trầu tình bằng ai đó hởi ai?)
6) Dùng bảy cặp lục bát
Chỉ thấy ở Lý Cửa Quyền ở vùng Huế, Thừa Thiên. Ðây là một bài thơ dài, có tới bảy cặp lục bát hát liên tục. Lý Cửa Quyền đặc biệt là ở chỗ câu đầu gồm một cặp lục-bát rưỡi, nhưng từ câu thứ hai trở đi thì câu hát khởi sự từ "câu bát" và kết bằng "câu lục" (của cặp lục-bát sau) :
Bốn) Cửa Quyền chạm bốn con dơi
Hai con (tình như) dơi cái ( y y y y)
Hai (hai ý) con đầu xà ( ta la)
(Bốn) Cửa Quyền chạm bốn bình ba (bình ba = bình hoa)
Hai bình (tình như) ba sứ (y y y y)
Hai (ỳ hai ý) bình (là bình) ba sen (ta la)
(Bốn) Cửa Quyền chạm bốn cây đèn.
Hai cây (tình như) đọc sách ( y y y y)
Hai (hai cây đèn là) đèn quay tơ (ta la)
(Bốn) Cửa Quyền chạm bốn bài thơ.
Bài lý này tiếp tục với những câu bát lục sau đây, và vẫn được hát theo điệu công thức đã dùng để hát những câu đầu :
Hai bài thơ phú hai bài thơ ngâm
Cửa quyền chạm bốn con rồng
Hai con lấy nước hai rồng phun mây
Cửa quyền chạm bốn ông thầy
Hai ông đọc sách hay thầy tụng kinh
Bốn cửa quyền chạm bốn tứ linh
Long, Lân, Qui, Phượng như sinh một nhà
Cửa quyền chạm trổ tài hoa.
7) Phá khuôn lục bát
Trên đây, chúng tôi đã đưa ra nhận xét về sự có mặt của hát lý trong nhiều thể loại dân ca Việt Nam, từ hình thức giản dị của một bài hát chơi, một nhi đồng ca (Lý Con Sáo) qua hình thức hát tình tự (Lý Quay Tơ) tới một loại hát trên sân khấu. Bất cứ ở trong một khu vực dân ca nhạc Việt Nam nào cũng đều có sự hiện diện của hát lý.
Chúng tôi cũng đưa ra những cách bố cục của hát lý, hoàn toàn dựa vào thể thơ lục bát, hoặc là biến một cặp hay nhiều cặp lục bát thành một bài hát, không thêm chữ, không bớt chữ (ngoài chữ đệm, chữ lót) hoặc là cho thêm một vài câu thơ ngắn gọi là câu phụ nghĩa vào từng đoạn của bài hát để nhấn mạnh cho ý nghĩa của bài hát.
Nghệ thuật biến ca dao lục bát thành hát lý còn lên cao với những bài như Lý Ngựa Tây, Lý Quạ Kêu... trong đó câu thơ lục bát chỉ là một điểm tựa cho một bài hát có tính cách hát với bộ điệu (nói tắt là hát bộ).
Lý Ngựa Tây khởi sự từ một câu ca dao lục bát :
Ngựa Tây khó tính lăng loàn
Ta gò cương lại, lên đàng thậm hay.
Trở thành một bài lý, người xưa đã thêm thắt vào cặp lục bát đó những câu thơ ngắn, hát lên với một "hành điệu" (tôi muốn nói tới cả giai điệu và tiết điệu) nhanh nhẹn, hình dung được cảnh tượng một người leo lên lưng con ngựa nóng tính, bị hất ngã lại còn bị ngưạ đá nữa, nhưng vẫn thấy lên mình ngưạ, một tay quất ngọn roi, một tay gò cương lại và cuối cùng trị được con ngựa bất kham :
Con ngựa ơ ngựa Tây
Con ngựa ơ ngựa Tây
Mà là Tây khó tánh,
Mà là nỗi lăng loàn.
Hỡi bạn chung tình ơi!
Mà là nỗi lăng loàn.
Yếng yểng lên
Yếng yểng lên
Yêng ta lên một cái
Nó lại đá một cái!
Yêng ta đau cha chả
Yêng ta lên cái nữa,
Yêng ta quất một roi,
Yêng ta gò cương lại,
Ngưạ thôi nóng tánh,
Tính tang tính tình, lên đàng
Hỡi bạn chung tình ơi !
Lên đàng thậm hay.
Hí hi hì hí hi (bắt chước tiếng ngưạ hí)
Bài Lý Quạ Kêu cũng là câu lục bát :
Quạ kêu nam đáo nữ phòng
Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương
... trở thành bài hát lý với những câu thơ thêm thắt và với một hành điệu ngộ nghĩnh làm cho câu ca dao có tính chất trữ tình trở thành một bài ca hài hước :
Kêu cái mà quạ kêu
Kêu cái mà quạ kêu
Quạ kêu nam đáo,
Ðắc đáo nữ phòng,
Người dân khác họ
Chẳng nọ thời kia
Nay ziề mai ở
Bằng ngày thì mắc cở
Tối ở ơ ở quên ziề
Rằng a ý a ta ziề
Tình thương nhớ thương.
Rằng a ý a ta ziề
Tình thương nhớ thương.
Một bài lý khác, Lý Chuột Kêu là câu ca dao :
Chuột kêu rút rít trong rương
Chàng zô bước nhẹ, đụng giường, má hay...
... cũng có thể được hát với nguyên điệu của Lý Quạ Kêu và cũng với những câu thơ thêm vào để cho bài hát thêm phần ngộ nghĩnh :
Kêu cái mà chuột kêu
Kêu cái mà chuột kêu
Chuột kêu rút rít
Rút rít ở trong rương.
Chàng zô đây bước nhẹ
Chẳng lẹ làm chi
Ði thì đi cho nhẹ
Trèo zào thì cho khẽ
Chớ để đụng giường
Rằng a ý a đụng giường
Thì ba má hay !
Rằng a ý a đụng giường
Thì ba má hay !
8) Thêm tiếng giả thanh
Cũng có nhiều khi, vì ý nghiã của bài hát hát lý mà những tiếng đệm, tiếng lót trở thành tiếng giả thanh như tiếng mèo kêu, tiếng hít bánh chẳng hạn...
Lý Con Mèo nguyên văn là câu lục bát :
Mèo nằm bồ lúa vểnh râu
Thấy con chuột chạy, ngóc đầu kêu ngoao.
Trở thành bài hát, tiếng giả thanh được tận dụng :
Mèo nằm bồ lúa (ta lới lới) vểnh râu
(à lới vênh tình rồi lới vênh râu ở)
Thấy con chuột chạy (không bắt)
Ngóc đầu (ta lới) kêu ngoao!
(Kêu ngoao ngoao ! Tình rồi kêu ngoao ngoao ớ)
Lý Bánh Ít có tiếng giả thanh ngửi và hít hương thơm của cái bánh :
Ai mua bánh ít (á lu hội y) bán cho
(Hít hít bán cho)
Nhưn tôm, nhưn thịt, nhưn dừa
(Hít hít) ngọt ngon.
Hát Lý
Với Các Thể Thơ Khác
Thể song thất/lục bát cũng dễ dàng trở thành hát lý, với bố cục giữ nguyên vẹn câu thơ và chỉ thêm tiếng đệm, tiếng lót. Ví dụ bài Lý Kéo Chài :
Gió lên rồi căng buồm cho xướng
Gác chèo lên, ta nướng khô khoai.
(Hò ơ...)
Nhậu cho tiêu hết mấy chai
(Khoan hỡi khoan hò)
Kẻo ghe (mà) nghiêng ngửa
(Khoan hỡi khoan hò)
Không ai chống chèo!
(ơ ơ hờ, là hò ơ...)
Thơ bốn-chữ cũng được dùng trong thể loại dân ca này, ví dụ Lý Cây Ða, Lý Ðò Ðưa, Lý Khỉ Ðột, Lý Ba Cô... Bố cục giản dị, dùng nguyên vẹn câu thơ có tính chất "vè" và có thêm vào những tiếng hát phụ Lý Cây Ða
Trèo lên quán giốc
Ngồi gốc (ối a) cây đa
(Rằng tôi y y lý ối a cây đa) (2 lần)
Ai (ý) xui (ôi a tính tang ư tình rằng)
(cho đôi) mình gặp
Xem hội (cái đêm) trăng rằm
(Rằng tôi y y lý ối a cây đa (2 lần)
cũng là thơ bốn chữ được hát lên :
Gió đánh (ố mấy đưa a) đò đưa
Gió đập (ố mấy đưa a) đò đưa
Sao cô (là cô) mình mãi
Lửng lơ (mà) chưa (có) chồng ? (2 lần)
Thơ bốn chữ cũng là lời của bài Lý Khỉ Ðột :
Ngó (ngó) lên chót vót
(Bân rồi lại cầy bân)
Thấy (thấy) con khỉ đột
Nó ăn (nó ăn) trái bần.
(Bân rồi lại cầy bân)
Cũng với điệu Lý Khỉ Ðột này, ta có thể hát những câu thơ bình dân bốn chữ nói tới chuyện ba cô con gái chưa chồng, và đặt tên bài là Lý Ba Cô:
Ngó (ngó) lên hòn đá
(lá) Có lá tía tô
Ngó (ngó) lên xóm bụt
(có) Ba cô chưa chồng
(Bông ứ bập bồng bông) (2 lần)
Qua bài tiểu luận này, chúng ta đã thấy rõ thể dân ca hát lý thoát thai từ ca dao mà ra, trong đó các loại thơ 4 chữ, lục-bát, song thất/lục bát đều có nhiều bố cục khác nhau để đi từ thi ca tới âm nhạc. Ðồng thời chúng ta cũng biết lối đặt tên của các câu, các bài hay các điệu hát lý.
Tôi mong rằng chúng ta sẽ còn tiếp tục hát lý.
Phạm Duy