Ca Nhạc Phòng
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3404
Hát Ả Ðào (Ca Trù)
Khởi sự là loại hát thờ, hát khao, hát đám ra đời từ thế kỷ XV và dưới quyền chỉ huy của các ông trùm trong nghề hát, Hát Ả Ðào được thuê diễn trong những cuộc lễ thần (hát cửa đình), hay tiệc nhà quan (hát cửa quyền). Vào lúc thịnh hành nhất, Hát Ả Ðào gồm đủ mọi hình thức ca nhạc và ca vũ :
* Ca Nhạc có tính chất lễ giáo với những bài như Giáo Trống, Giáo Hương, Dâng Hương, Thiết Nhạc...
* Ca Vũ dùng trong buổi lễ và giúp vui thì có Múa Bỏ Bộ, Múa Bài Bông, Múa Tứ Linh... Cùng có luôn cả những trò xiếc như đội mâm mà múa hay đi trên dây.
Rồi về sau, khi bị các hình thức sân khấu điêu luyện hơn là Tuồng, Chèo thay thế thì vào cuối thế kỷ XIX, Hát Ả Ðào thoát ra khỏi trò vui trong các đám lễ hay khao vọng, trở thành thú chơi tao nhã của nho sĩ. Các thi nhân thường gặp nhau ở nhà hát ả đào để nhờ đào nương ngâm lên (hát lên) những bài thơ mà thi nhân vừa soạn ra để tặng nhau. Ðào nương miệng hát, tay đánh phách với tiếng đệm của chiếc đàn đáy. Quan viên nghe hát và khen hay chê qua những tiếng trống đế... Tất cả mọi việc sáng tác, biểu diễn và thưởng ngoạn như vậy cho ta thấy Hát Ả Ðào là một nghệ thuật rất công phu.
Hát Ả Ðào, tài liệu của Phạm Duy (chụp năm 1952)
Dường như tất cả thi nhân thời Nguyễn đều dùng Hát Ả Ðào để nói lên tâm trạng của mình qua một số điệu hát như Hát Nói, Gửi Thư, Ngâm Vọng, Thét Nhạc (do cái tên của điệu cổ xưa Thiết Nhạc mà ra), Bắc Phản v.v... Hát Ả Ðào hiện nay đang được phục hồi và được gọi là Ca Trù.
Ca Huế
Nếu người bình dân ở miền Trung có khá nhiều các điệu dân ca như Hò Mái Nhì, Hò Mái Ðẩy, Hò Thai, Hò Giã Gạo... để hát thì, ngoài loại Nhạc Triều có tính chất nhạc lễ nghi của vua chúa, giới quyền quý ở chốn kinh đô nhà Nguyễn có Ca Huế là thú chơi tao nhã của các hoàng thân và quan chức trong triều.
từ trái qua phải : Ưng Dung, Tôn Thất Văn, Ưng Biều, Ngô Phò, Trần Quang Soạn, Hoàng Yến
Mang tính chất ca nhạc phòng (chamber music), dưới thời Tự Ðức (1847-1883) Ca Huế có ít nhất là 25 bản đờn trong số đó có 10 bản có lời ca (9 bằng chữ Hán, 1 bằng chữ Nôm). Ðó là những bản : Lưu Thủy, Hồ Quảng, Kim Tiên (Tiên = không có dấu huyền), Xuân Phong, Xuân Tình, Ðiểu Ngữ, Nam Xuân, Tư Mã Tương Như, Tiên Nữ Tống Lưu Nguyễn, Bá Nha Khấp Tử Kỳ, Tự Trào, Tự Thán, Trường Thán... Cùng như Hát Ả Ðào ở miền Bắc, Ca Huế có trình độ nghệ thuật rất cao vì đã có nhiều bàn tay nghệ sĩ góp công xây dựng mà trong thế kỷ trước ta biết đích danh là ai, chẳng hạn Vua Tự Ðức, Tuy Lý Vương, Ông Cả Soạn, Nguyễn Quang Tồn v.v...
Hai ông Bửu Lộc và Vĩnh Trân, thuộc hoàng phái danh cầm về mọi thứ đàn tỳ bà, đàn tranh, đàn nguyệt...
Ca Huế vào đầu thế kỷ 20 còn giữ lại một số bài cổ như Lưu Thuỷ, Kim Tiền (Tiền = với dấu huyền), Nam Xuân... và có thêm một số điệu khác như Nam Ai, Nam Bình, Bình Bán, Cổ Bản, Tứ Ðại Cảnh v.v...
Danh cầm thường là người trong hoàng tộc như Vĩnh Trân (con vua Thành Thái), Vĩnh Phan và Bửu Lộc... Những bài ca Huế thường do các bực văn nhân nổi tiếng soạn như Ông Hoàng Nam Sách, Thúc Giạ Thị Ưng Bình... Cụ Phan Bội Châu cũng là tác giả của nhiều bài ca Huế có giá trị...
Thúc Giạ Thị Ưng Bình, người soạn nhiều lời ca cho CA HUẾ -- Cô Nhơn, ngôi sao chói lọi của Ca Huế hồi 1934
Nhạc Tài Tử Miền Nam
Ca nhạc phòng Huế phát triển về phía Nam và ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, vì những bài như Lưu Thủy, Phú Lục ở Thừa Thiên bây giờ mang thêm hơi điệu mới cho nên được gọi là Lưu Thủy Quảng, Phú Lục Quảng.
Vào tới miền Tiền Giang, Hậu Giang Nam Việt, ca nhạc phòng với bài bản của Ca Huế nay mang tên Nhạc Tài Tử Miền Nam, với ít nhiều thay đổi như Bình Bán miền ngoài nay thành ra Bình Bán Chấn(tức là chấn hưng) và được bổ sung bằng những bài bản mới như Tứ Ðại Oán, Bình Xa Lạc Nhạn, Thanh Dạ Ðề Quyền...
Trong những bài bản mới của Nhạc Tài Tử Miền Nam có bài Dạ Cổ Hoài Lang soạn ra năm 1917 bởi ông Sáu Lầu, nhờ ở sự thành lập và phát triển của sân khấu Cải Lương Nam Kỳ mà trở thành bài Vọng Cổ.
Phạm Duy