Ca Nhạc Sân Khấu
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 4836
Tuồng
Theo các sử liệu, Tuồng có mặt tại Việt Nam từ thời Lý, Trần (thế kỷ XII, XIII). Lúc đó nhiều hình thức ca diễn riêng lẻ đã tổng hợp thành hình thức sân khấu thô sơ gọi là Cảnh Tượng gồm các màn múa, hát, đánh võ, xiếc và những vở hát có cốt truyện do diễn viên có vẽ mặt biểu diễn...
Từ những cảnh tượng đó, Tuồng tiến lên và thành hình thức ca diễn rất hấp dẫn đến nỗi dưới thời Lê sơ, trong những buổi yến tiệc, tế lễ hay thiết triều, Tuồng đều được trình diễn cho vua, quan xem.
Dưới thời Lê Hiển Tông (1740-1786), Hát Tuồng rất được trọng vọng. Dân gian thì bày trò hát bội, còn vua thì bắt con hát chia ra ba phe Ngô, Thục, Nguỵ vừa hát vừa đâm chém nhau.
Trong khi Tuồng thịnh ở Ðàng Ngoài thì ở Ðàng Trong, dưới thời Nguyễn sơ, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765), ông nội của Gia Long, sai người vào tận Trấn Biên (Gia Ðịnh) để bắt con hát.
Trong giai đoạn thành lập và phát triển, trải qua mấy thế kỷ (XVII, XVIII), Hát Tuồng là nghệ thuật sân khấu ca ngợi tinh thần trung quân ái quốc, qua một số vở hát do nho sĩ soạn, gọi là tuồng thầy (hay là tuồng pho).
Tuồng Cổ hay là Hát Bội ở Miền Nam khi xưa
Vào thế kỷ XIX, ở Huế, Hát Bộ (hay Hát Bội) vẫn là bộ môn văn hóa của triều đình. Năm 1804, một nhà hát mang tên Duyệt Thị Ðường được xây cất ngay trong hoàng thành. Vua Tự Ðức (1847-1880) cho thành lập một ban hát bộ cung đình gồm 300 đào kép và các quan giỏi thi phú thì được tuyển vào cung để soạn tuồng. Vua Thành Thái (1889-1909) mê tuồng đến độ đóng một vai trong một vở hát.
Ðào Tấn (1845-1907) Một sáng lập viên của Hát Bộ Cung Ðình
Người có công nhất trong việc phát triển Hát Bộ Cung Ðình lúc đó là Ðào Tấn, làm quan dưới hai triều Tự Ðức, Thành Thái. Ông lập ra trường dạy hát gọi là HỌC BỘ ÐÌNH và soạn ra khoảng hai mươi vở hát rất có giá trị. Cùng với một số soạn giả khác, Ðào Tấn hoàn tất một vở tuồng lớn là Vạn Bửu Trình Tường gồm 100 hồi phải diễn liên tục 100 buổi mới hết. Một vở lớn nữa là Quần Phương Hiến Thụy gồm 40 hồi, diễn 40 đêm...
Mặt khác, trong giới bình dân cùng có một thứ sân khấu gọi là Tuồng Ðồ với hình thức nghèo hơn Tuồng Cung Ðình rất nhiều. Về nội dung, Tuồng Ðồ không đề cao chủ nghĩa anh hùng tận trung báo quốc (như các vở San Hậu, Cổ Thành...) mà chú trọng đến tình nghĩa vợ chồng, bè bạn và châm biếm xã hội (như các vở Nghêu Ốc Sò Hến, Trần Bồ, Trương Ngáo...)
Về phần ca diễn, Tuồng có những lối hát xướng như :
* NÓI LỐI gồm Nói Lối Tuồng (đào kép xưng tên), Nói Lối Bóp (hai tướng địch gặp nhau), Nói Lối Dặm (gần như nói thường)...
* THÁN, NGÂM cũng là hình thức XƯỚNG gồm : Thán Nhớ, Thán Sầu, Thán Chết, Thán Hận (diễn viên hay thán trước khi Hát Nam)...
* HÁT NAM gồm Nam Xuân (sửa soạn lên đường), Nam Ai, Nam Thương (cho những vai buồn), Nam Thiên (dành riêng cho nhà sư), Nam Hồn (riêng cho hồn ma), Nam Ði, Nam Chạy (cảnh loạn lạc, hoạn nạn)...
* HÁT KHÁCH (thơ chữ Hán) gồm : Khách Thường (tướng ra trận hay đi tuần tiễu), Khách Phú (hát đối đáp, hàn huyên), Khách Tẩu (rượt giặc hay có chuyện cấp bách), Khách Tử (khi tướng tử trận, nhân vật sắp chết)...
Ngoài ra, một số điệu vặt được dùng trong Tuồng như điệu LÝ (dành cho vai người Thượng Du), điệu Giá Ban, điệu Quỳnh Tương...
Giàn nhạc dùng đủ các nhạc cụ đàn dây, ống thổi và rất chú trọng đến bộ gõ.
Qua tới đầu thế kỷ XX, Tuồng Cổ, Hát Bộ, Hát Bộ ở miền Trung (nhất là Hát Bộ cung đình) suy dần từ khi người Pháp tới cai trị Việt Nam. Ở một vài nơi, Tuồng Cổ còn sống sót và giữ được truyền thống cũ là nhờ ở sự bảo trợ của các Hội Khổng Giáo như Hát Bộ ở Bình Ðịnh chẳng hạn.
Ở miền Bắc, Tuồng Cổ đóng đô tại rạp Quảng Lạc Hà Nội và cần phải có sự cải cách để kéo khách tới coi. Chủ gánh hát kiêm nghệ sĩ và họa sĩ Trần Phềnh là người đem lại cho phần ca nhạc của Tuồng Cổ nhiều bài bản mới.
Ở trong Nam, Tuồng Cổ từng theo truyền thống Tuồng Cung Ðình hay Tuồng Ðồ của thế kỷ trước...
Rồi vào những năm 20-30, Tuồng Cổ dần dà bị thay thế bằng một nghệ thuật sân khấu mới là Tuồng Cải Lương Nam Kỳ, trong đó có hai loại Tuồng Tầu và Tuồng Tây.
Hát Chèo
Hình thức ca diễn ở miền quê Bắc Việt khi xưa, với trống, phách, đàn đáy, múa... con đẻ của phường chèo bội, và cũng là mẹ đẻ của Hát Ả Ðào, Hát Chèo...
Chèo là hình thức ca nhạc kịch của người bình dân Việt Nam miền Bắc. Ðược chuẩn bị từ thế kỷ XI, XII, Chèo thành hình vào cuối thế kỷ XVIII và phát triển cực thịnh ở thế kỷ XIX, phân hóa trong những năm đầu của thế kỷ XX và đã được phục hồi từ những năm 50 trở đi...
Tên Chèo có lẽ do chữ Trạo Phường gọi chệch đi. Theo Phạm Ðình Hổ (VŨ TRUNG TÙY BÚT), trạo phường là những tổ chức ca kỹ dưới thời nhà Lý, chuyên đi hát đám táng. Tổ chức này còn được gọi là PHƯỜNG CHÈO BỘI, ngoài việc đi hát đám ma, còn đi hát mua vui cho dân chúng xem.
Vào thời Cảnh Hưng (1740-1786), phường chèo bội đã có những điệu hát như hát huê tình với lời ca ngợi công đức vua, quan... Những điệu múa do đào nương đảm nhiệm là múa đèn, múa bông (hoa) và có cả đi dây (xiếc) nữa.
Cùng xuất xứ từ PHƯỜNG CHÈO BỘI nhưng trong khi HÁT Ả ÐÀO chuyên về hát thờ, hát khao, hát vọng... thì Chèo biết tìm về con đường kể truyện bằng ca hát và điệu bộ, nhất là biết tạo một đời sống thứ hai trên sân khấu đối diện với cuộc đời qua những vở hát đầy tính chất xã hội. Chèo phản ảnh rất trung thực con người Việt Nam ở nơi thôn ổ khi xưa.
Trong giai đoạn thành hình, Chèo là nghệ thuật tự phát của người nông dân Bắc Việt, mang tên CHÈO SÂN ÐÌNH. Lúc đó sân khấu Chèo là chiếc chiếu trải giữa sân đình, khán giả ngồi bao quanh xem cả bốn mặt. Không có phông cảnh, bài trí. Phục trang là y phục hằng ngày. Hoá trang đơn giản, chỉ có vai Hề là vẽ mặt thôi.
Rồi Chèo mất dần tính chất tài tử để trở thành tổ chức nhà nghề. Diễn viên là nghệ sĩ chuyên nghiệp, học nghề theo lối cha truyền con nối...
Lúc đầu, Chèo tiếp tục làm công việc của lối Hát Rong, với nhiều phương tiện hơn là Hát Xẩm. Chèo kể truyện cổ tích có lớp lang hẳn hoi, với nhân vật sống động và có thêm múa để làm cho truyện thêm hấp dẫn. Rồi Chèo đưa lên sân khấu những truyện thơ nôm như LƯU BÌNH DƯƠNG LỄ, QUAN ÂM THỊ KÍNH, PHAN TRẦN, KIM VÂN KIỀU... với ít nhiều thêm bớt. Chèo cũng có những vở hát của mình là KIM NHAM, TRƯƠNG VIÊN, CHU MÃI THẦN... Nội dung của Chèo là phản ảnh nông thôn, đả phá cái xấu xa, đề cao cái tốt đẹp.
Sau một trăm năm phát triển, Chèo bắt đầu phân hóa sau khi Pháp tới cai trị Việt Nam. Trung tâm sinh hoạt của văn nghệ bây giờ là thị thành. Chèo rời thôn ổ ra tỉnh, trước hết biến đổi về hình thức. Từ sân khấu giữa trời, vòng tròn (theatre in round), Chèo lúc này đối diện với khán giả (italian theatre) và biểu diễn trong rạp có tranh cảnh, ánh sáng, bài trí... Ðể cạnh tranh với Tuồng, vào khoảng 1923, Chèo trở thành Chèo Văn Minh. Vở hát không được diễn liên miên như trước nữa mà chia ra từng hồi, có mở màn, kéo màn, có thời gian qui định, có pha trộn yếu tố mới của Tuồng...
Một người có công trong việc loại bỏ những yếu tố ngoại lai và đưa Chèo tới một bước mới, tuy vẫn phải chiều theo thị hiếu càng ngày càng phức tạp của khán giả, nhưng vẫn giữ được đặc tính của nó... là ông trùm Nguyễn Ðình Nghị với những vở Chèo diễn trên sân khấu Sán Nhiên Ðài hay Cải Lương Hí Viện ở Hà Nội gọi là Chèo Cải Lương.
Nguyễn Ðình Nghị (1886-1954) - Người canh tân nghệ thuật Chèo, đầu thế kỷ 20
Ngoài những vở cũ vẫn còn có giá trị, có thêm những vở mới với những nhân vật của xã hội thị thành như cô thông, dì phán, thầy ký, lính tập, me Tây, đội xếp, cô đầu, chú khách... Dưới thời Pháp thuộc, Chèo mang tính chất phản kháng tuy chỉ là phản kháng tiêu cực. Chèo Cải Lương mượn nhân vật say do Nguyễn Ðình Nghị đóng để phê phán xã hội.
Vở Chèo Cải Lương "Một Trận Cười" của Nguyễn Ðình Nghị - Ông Trùm Oai trong vai Lão Mốc
Diễn Viên Chèo Cải Lương nổi tiếng - Ông Trùm Thịnh (1883-1973) và Ðào Tam (1886-1971)
Âm nhạc của Chèo nói chung rất là phong phú. Chèo Cổ có đầy đủ các loại NÓI và HÁT.
NÓI ở đây phải được hiểu là thể điệu : Nói Vặt (cho mọi vai), Nói Vỉa (trước khi vào bài hát), Nói Lối Kể (học trò đi thi, vai khá giả), Nói Lửng (vai đanh đá, lẳng lơ), Nói Hạnh (vai nhà sư), Nói Sử (xưng danh) v.v...
HÁT : Hát Cách (vinh qui bái tổ), Hát Sa Lệch (tỏ tình, giao duyên), Hát Sắp Cổ Phong (gặp nhau, nói chuyện đứng đắn), Hát Nhịp Ðuổi (vai lính thú), Hát Làn Thảm (vai buồn), Hát Ðiên, Hát Say (cho những vai trò điên dại hay say rượu) v.v... Chèo Cổ còn có thêm những điệu khác như Cấm Giá, Bình Thảo, Ðào Liễu, Hát Luyện v.v...
Chèo Cải Lương có thêm nhiều điệu mới như Lưu Thủy, Hành Vân... thậm chí có cả bài hát theo điệu Tây giống như trong Cải Lương Nam Kỳ vậy.
Chèo hiện nay đã được phục hồi với toàn vẹn đặc tính cũ, có thêm những vở mới cùng với phần nhạc điệu, vũ điệu mới hơn xưa.
Chèo Mới : Ai Mua Hành Tỏi - Ðoàn Chèo Hà Nội
Cải Lương Nam Kỳ
Trước năm 1917, trong khi Thế Chiến Một đang diễn ra ở Âu Châu, người Pháp ở Ðông Pháp tổ chức quyên tiền để gửi về "mẫu quốc". Các công chức làm việc cho người Pháp được khuyến khích để dựng những vở kịch Pháp dịch ra tiếng Việt cho dân chúng mua vé vào xem. Tại các đô thị cũng như tại các quận, các làng trong miền Nam, công chức họp nhau diễn trò Người Hà Tiện (L'Avare) của Molière dịch tiếng Việt. Truyện Những Kẻ Khốn Nạn (Les Misérables) của Victor Hugo cũng được diễn thành kịch nói.
Dân chúng Nam Việt trước đó chỉ được coi HÁT BỘ. Khi Kịch Nói ra mắt qua những vở kịch Pháp dịch thì hình thức sân khấu mới lạ này được khán giả hoan nghênh. Một số người nhận thấy có thể đưa ra một lối ca diễn mới, dung hoà sân khấu tượng trưng của Hát Bộ và sân khấu tả thực của Kịch Nói.
Tại Vĩnh Long, cũng trong ngày bán quốc trái để giúp "mẫu quốc" đang lâm nguy, các ông Trần Văn Thiệt (cha của nghệ sĩ Duy Lân), Tống Hữu Ðịnh, Trần Văn Hườn, Trần Văn Diệm (ông nội của giáo sư Trần Văn Khê và nghệ sĩ Trần Văn Trạch)... tổ chức một đêm hát trong đó, sau những màn Ca Tài Tử, có một màn Ca Ra Bộ. Các nghệ sĩ tài tử này diễn một màn có ca hát và làm điệu bộ, diễn cảnh Bùi Kiệm trêu ghẹo Nguyệt Nga (và bị Bùi Ông mắng) theo truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Ðồ Chiểu. Bài ca được dùng trong màn này là bài Tứ Ðại Oán, một bài nằm trong nhạc mục của Nhạc Tài Tử Miền Nam thoát thai từ ca nhạc phòng Huế...
Hai trong những người sáng lập ra nền Nhạc Tài Tử Miền Nam : Tài tử Nguyễn Tống Triều và ông Trần Văn Diệm (ông nội của G.S. Trần Văn Khê)
Ca Ra Bộ thành công ngay trong buổi đầu. Một vở hát mới là Ông Bá Hộ Gòn Cho Vay được soạn ra ngay, được cho trình diễn ngay để cổ động cho việc mua quốc trái. Nó là tiền thân của Cải Lương Nam Kỳ vậy.
Gánh hát đầu tiên biết xử dụng lối Ca Ra Bộ này là gánh THẦY THẬN của ông Cò André Thận ở Sadec. Gánh này do một số hội viên của SADEC-AMIS thành lập vào năm 1917, nửa nhà nghề, nửa tài tử, đã có sẵn những màn Ca Tài Tử, Xiệc và bây giờ là màn Ca Ra Bộ kể trên.
Năm 1918, gánh ÐỒNG BÀO NAM đổi danh từ Ca Ra Bộ thành Hát Kim Thời tuy vẫn giữ lối ca diễn đó, với những vở hát ngắn như Kiều, Ơn Ðền Oán Trả, Cô Ba Lưu Lạc...
Trong giai đoạn dự bị này, ngành ca diễn của người miền Nam là do nho sĩ gần với nông dân sáng lập. Nội dung mượn truyện cổ bình dân với khuynh hướng phổ biến đạo đức. Kỹ thuật biểu diễn thô sơ, gần tự nhiên tính. Cho tới 1920, có khá nhiều gánh hát ra đời với những vở hát cũng rút từ cổ truyện như Ông Trương Tiến Bửu, Bá Ngộ Mai, Kỳ Duyên Phố, Thằng Lãnh Bán Heo... Bài bản của sân khấu vẫn là của loại ca nhạc phòng (Nhạc Tài Tử), gồm sáu bản Bắc, ba bản Nam, năm bản Oán trong đó bài Tứ Ðại Oán là bài cột trụ. Và có thêm lối Bình Kiều nghĩa là Ngâm, Nói Thơ.
Danh từ CẢI LƯƠNG xuất hiện lần đầu tiên với sự ra đời trong năm 1920 của một gánh hát lớn, Gánh TÂN THINH của ông Trương Văn Thông ở Chợ Lớn (Saigon). Gánh này mạnh hơn các gánh khác ở chỗ có hai thầy tuồng để soạn vở mới, có đào kép hát hay, diễn hay, có nhiều kỹ thuật sân khấu hơn... Vở hát lúc này phản ảnh xã hội một cách sâu sắc hơn, như vở Bạch Tuyết Kiên Trinh chẳng hạn. Bài ca bây giờ có thêm bài Madelon là nhạc Pháp với lời Việt để hát chào khán giả trước khi mở màn.
Rồi các gánh hát đua nhau thành lập : Gánh VĂN HÍ BAN ở Chợ Lớn, gánh TẬP HÍ BAN ở Thốt Nốt, gánh TÁI ÐỒNG BAN ở Mỹ Tho, gánh THẦY THUỐC MINH ở Sóc Trăng..., cùng với gánh TÂN THINH, đóng góp vào việc phát triển Cải Lương Nam Kỳ.
Ðã có một tập thể lớn gồm hàng trăm nghệ sĩ có tài, dưới quyền điều khiển của những ông bầu có nhiều sáng kiến, sân khấu Cải Lương đưa ra bộ mặt nghệ thuật hấp dẫn của mình, trước hết là loại Tuồng TẦU với những yếu tố tuồng tích, hóa trang, phục trang xuất xứ từ sân khấu Hát Bộ bây giờ đã được "cải lương hóa". Tuồng là những vở cũ Phụng Nghi Ðình, Tiết Ðinh San Cầu Phàn Lê Huê, Xử Án Bàng Qúy Phi, Trả Trịnh Ân... bây giờ được trình diễn một cách tả thực hơn, với phần ca nhạc êm ái hơn v.v... Sân khấu cải lương không còn do Nho sĩ điều khiển nữa, mà do các đại thương gia hay các đại điền chủ có Tây học (được gọi là Công Tử Bặc Liêu như Bạch Công Tử hay Hắc Công Tử) bảo trợ.
Khi những gánh TRẦN ÐẮT, PHƯỚC CƯƠNG ra đời vào khoảng 1928 thì Cải Lương có thêm loại Tuồng TÂY bởi vì vở hát thường rút từ truyện kịch Pháp, diễn viên mặc quốc phục hay Âu phục, nói năng trên sân khấu như nói thường, ca hát những bài mới, có khi là bài hát Pháp với lời Việt. Hai nghệ sĩ Tư Chơi và Năm Châu của những gánh TRẦN ÐẮT, PHƯỚC CƯƠNG cùng với những đào hát như Năm Phỉ, Kim Thoa là những người tạo ra loại bài ta theo điệu Tây để dùng trong loại Tuồng Tây trên sân khấu Cải Lương. Ðó là mầm mống để sau này âm nhạc cải cách sẽ ra đời, tạo nên nền Tân Nhạc ngày nay. Nghệ sĩ Tư Chơi là soạn giả của những vở tuồng ngắn có ca vũ mà ông gọi là hoạt kê hài hước, soạn theo kiểu opérette của Pháp.
Vua Cải Lương Năm Châu
Tuồng Tây còn là những tuồng gọi là Tuồng XÃ HỘI rút từ tiểu thuyết thời đại của Việt Nam.
Năm Châu, Phùng Há, Tư Út trong màn tuồng xã hội KHÚC OAN VÔ LƯỢNG (1927)
Trải qua gần một thế kỷ sinh hoạt, Sân Khấu Cải Lương lúc thịnh, lúc suy, lúc nào cũng có thêm những yếu tố mới. Ngoài Tuồng Tầu, Tuồng Tây của thời thành lập (khoảng 1930), Cải Lương phát triển với Tuồng Phật, Tuồng Tiên của gánh TÂN THINH (khoảng 1938), Tuồng Kiếm Hiệp La Mã của gánh MỘNG VÂN và gánh Nhạn Trắng (khoảng 1940), Tuồng Chiến Tranh của các gánh HẬU TẤN, HOA SEN (khoảng 1950), rồi loạn phát khi bị ảnh hưởng phim ảnh ngoại quốc với Tuồng Nhật của gánh THÚY NGA... Ðó là chưa kể loại Tuồng Ấn Ðộ,Mông Cổ, Ai Cập, Sơn Cước v.v...
Ba Vân và Phùng Há
Nhưng cũng có lúc Cải Lương quay về tinh thần dân tộc với ban Việt Kịch của Năm Châu và những vở Tây Thi Gái Nước Việt, Tấm Cám, với ban PHƯỚC CHUNG với những vở tuồng yêu nước. Ðó là thời toàn dân đoàn kết chống thực dân Pháp muốn tái xâm lăng nước Việt Nam.
Sau này, tuồng Cải Lương luôn luôn đi theo sát với thỡi cuộc, như trong thời Phật Giáo đấu tranh chống chính quyền Ngô Ðình Diệm, đã có vở tuồng DƯỚI BÓNG TỪ BI, của gánh Thanh Minh Thanh Nga. Về phần âm nhạc, luôn luôn có những bài bản mới trên sân khấu Cải Lương. Trong giai đoạn thành lập, nhạc mục gồm sáu bản Bắc, ba bản Nam, năm bản Oán trong đó bài Tứ Ðại Oán là bài cột trụ, rồi lại có thêm vài điệu nữa như Xuân Phong, Hành Vân... Vì Chợ Lớn là nơi có nhiều gánh hát Quảng Ðông bên Tầu tới diễn cho nên loại Tuồng Tầu của Cải Lương Nam Kỳ tiếp thu luôn một số điệu Tầu để soạn lời Việt và gọi chung là Ðiệu Quảng, gồm những bài như Khổng Minh Tọa Lầu, Tô Vũ Mục Dương, Cao San, Tam Pháp Nhập Môn, Khốc Hoàng Thiên, Mẫu Tầm Tử, Vài Tạ, Ngũ ÐIểm, Xái Phỉ, Màn Pẳng, Chúng Pẳng...
Tới giai đoạn phát triển, có thêm một bài Oán (gần giống điệu Hành Vân) là Dạ Cổ Hoài Lang gồm 20 câu hát do Ông Sáu Lầu soạn.
Bài này sẽ được đổi tên là Vọng Cổ, trở thành bài hát chính của Cải Lương rồi dần dà phát triển từ Vọng Cổ nhịp 2 lên tới nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32... Càng thêm nhịp thì bài hát càng dài ra khiến cho phải thu ngắn lại thành bài Vọng Cổ 6 câu.
Khi ông bầu Mộng Vân tung ra loại tuồng kiếm hiệp La Mã thì ông cũng soạn ra nhiều điệu mới (gọi là nhạc canh tân) như Giang Tô, Thủ Phong, Nguyệt San, Sơn Ðông Hướng Mã, Tân Xái Phỉ, Tấn Phong, Vạn Thọ...
Sân Khấu Cải Lương ngày nay còn dùng thêm rất nhiều những bài ca cải cách hay Tân Nhạc nữa.
Phạm Duy