Khái Quát Về Tân Nhạc Việt Nam - Lời Nói Ðầu
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 4207
May mắn thay, gần đây tôi có cơ hội tiếp súc với những người đã thành lập nên nền Tân Nhạc, ví dụ: Nguyễn Văn Tuyên 86 tuổi, Lê Thương 83 tuổi, vào năm 1996 này, đang còn sống ở Saigon... Ðó là chưa kể trong những năm tháng trước đó, tôi đã xin được khá nhiều tài liệu bực một (de première source) ở nơi những vị kỳ cựu trong làng Tân Nhạc hoặc sống lâu năm bên Pháp như Nguyễn Văn Cổn, hoặc di tản qua Hoa Kỳ như các nhạc sĩ Vũ Thành, Hải Linh, Thẩm Oánh... trước khi các vị đó qua đời. Tôi cũng đã gặp nhạc sĩ Văn Giảng ở Australia, các bạn đồng nghiệp khác hiện ở rất gần tôi như Nguyễn Hiền, Ngọc Bích v.v... để trao đổi ý kiến về lịch sử Tân Nhạc. Tôi chỉ có một điều buồn là chưa tiếp súc được với ông tổ của Tân Nhạc là Nguyễn Xuân Khoát ở Hà Nội để hỏi thêm về giai đoạn đầu thì ông mất.
Hôm nay, trước khi có thêm thời giờ, cơ hội và nhất là có phương tiện đi du khảo xa gần để viết về những giai đoạn sau, tôi xin cống hiến cho bạn đọc và cho những người đang hay sẽ viết lịch sử âm nhạc Việt Nam, một bài sơ khảo về thời kỳ đầu của Tân Nhạc. Tôi không dám nuôi và thực hiện một tham vọng quá lớn lao là viết một lược sử âm nhạc đương thời (contemporary) trong 50 hay 60 năm chuẩn bị, thành lập và phát triển. Tôi chỉ xin đóng khung sự thành hình của Tân Nhạc trong khoảng một giai đoạn trên dưới 10 năm, nghĩa là từ 1935 cho tới 1945, một giai đoạn mà tình hình đất nước đang chuyển mình rồi về sau sẽ luôn luôn bị phân chia cho nên lòng người bị phân tán, sự thật về một ngành nghệ thuật có thể bị che lấp bởi chiến cuộc liên miên và nhất là bởi chính trị hẹp hòi.
Cám ơn bạn đã tìm đến những trang khái quát về Tân Nhạc Việt Nam, Những Ngày Ðầu này. Hi vọng nhận được những ý kiếm để có thể sửa sai hay thêm bớt.
Phạm Duy
Mùa Thu 1996