Nghĩ về Thiền Ca 10 (Nhân Quả) của Phạm Duy
- Details
- Written by Phan Trang Hy
- Hits: 5421
Phạm Duy viết 10 bài thiền ca như là một cách trải nghiệm của ông về cuộc đời để kết nối mọi cung bậc với những duyên nợ, nhân quả của chúng sinh, làm rung động tâm hồn người yêu nhạc. Sự rung động ấy, theo tôi nghĩ là hình thành bởi sự giao thoa giữa giai điệu và ca từ. Và ở đây, trong bài viết này, tôi muốn nêu một vài suy nghĩ về ca từ bài thiền ca 10 (Nhân quả) của ông.
“Tròn như viên đạn đồng đen
Ðã khô vết máu quên miền chiến tranh
Tròn như trái đất yên lành
Muôn loài như một cõi sinh vẹn toàn.
Tròn anh tim trẻ miên man
Trái tim trăm tuổi mới hoàn cơ duyên.
Tròn em tung toé cánh tiên
Chim không mỏi cánh triền miên phận mình
Tròn như lời hứa chung tình
Chưa tròn nhân quả tái sinh còn nhiều."
Nghe ca từ, điều cảm nhận đầu tiên của tôi, bài ca như bài thơ lục bát, với ca từ chọn lọc mang hơi thở cuộc sống này. Bởi cuộc sống này, có biết bao điều trở trăn, biết bao đớn đau, hạnh phúc… được cất lên bằng giai điệu của cuộc đời.
Mở đầu bài ca, với ca từ: “Tròn như viên đạn đồng đen/ Ðã khô vết máu quên miền chiến tranh”, Phạm Duy đưa người nghe đến một nơi từng trải qua bom đạn, khói lửa, chết chóc, tang thương… Đó là “miền chiến tranh”. Bằng hình tượng “viên đạn đồng đen”, vũ khí của những cuộc chiến, tác giả như vẽ ra sự hủy diệt khôn lường. Không đưa ra nguyên nhân của chiến tranh, nhưng người nghe vẫn cảm nhận được là bất cứ cuộc chiến nào cũng gây ra khổ nạn cho muôn loài. Rồi cuộc chiến nào cũng phải kết thúc theo quy luật nhân quả. Đã là nhân quả, thì thôi ta cứ quên những khổ nạn (như “quên miền chiến tranh”) ở cuộc đời để mà vui sống, để mà trọn kiếp nhân sinh với bao an bình khi tâm hành thiện: “Tròn như trái đất yên lành/ Muôn loài như một cõi sinh vẹn toàn”. Khi nhân là “trái đất yên lành”, tất nhiên có quả “cõi sinh vẹn toàn” cho muôn loài. Thật là:
“Hành thiện gặt quả thiện
Hành ác gặt quả ác
Đã gieo hạt giống nào
Người phải gặt quả nấy”...
(Theo Tương Ưng Bộ kinh, Tỳ Kheo Pháp Thông dịch)
Rồi tác giả đưa người nghe đến nhân quả của kiếp nhân sinh: “Tròn anh tim trẻ miên man/ Trái tim trăm tuổi mới hoàn cơ duyên”. Đã là người, có trải qua muôn vàn mơ mộng, ước mong, trải “qua những cơn mê” của cuộc sống, mới ngộ rằng đời là vô thường như Nguyễn Gia Thiều từng viết: “Trăm năm còn có gì đâu? Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì”. Và giờ theo cái ngộ của Phạm Duy, đó là “Trái tim trăm tuổi mới hoàn cơ duyên”. Và người nghe như bị thôi miên, chợt ngộ được rằng: “Tròn em tung toé cánh tiên/ Chim không mỏi cánh triền miên phận mình/ Tròn như lời hứa chung tình/ Chưa tròn nhân quả tái sinh còn nhiều”.
Cả bài, tác giả đã sử dụng nhiều thủ thuật của thi ca, góp phần làm nên một bài hát với lời ca làm cho người nghe nhiều suy tưởng. Phép điệp từ “tròn” cùng với biện pháp so sánh “như” lặp lại nhiều lần trong từng câu đoạn, theo tôi quá đạt cho tên gọi bài ca là “Nhân quả”. Tôi hình dung trước mắt tôi là bức tranh đen trắng có một vòng tròn vẽ bằng mực nho, như vô ngôn mà diễn đạt được cái vòng luân hồi, nhân quả của cuộc đời này. Và tôi như nghe đâu đó tiếng vọng của Herman Melville trong cõi nhân gian: “Ta không thể chỉ sống vì mình. Hàng ngàn sợi chỉ kết nối ta với đồng loại; và giữa những sợi chỉ ấy, những sợi tình cảm, hành động của ta trở thành nguyên nhân, và chúng quay lại với ta là hệ quả”.
Bên cạnh đó, với thủ thuật dùng từ chắt lọc, với thi pháp không gian (miền chiến tranh, trái đất yên lành, một cõi sinh vẹn toàn…), thi pháp thời gian (trẻ miên man, trăm tuổi mới hoàn cơ duyên, triền miên phận mình…), Phạm Duy đã góp phần đưa nền âm nhạc Việt, không những đẹp về giai điệu mà còn đẹp về ca từ.
Bài thiền ca 10 (Nhân quả), theo tôi, toát được chất thiền trong ca từ. Hy vọng rằng, qua ca khúc này, các bạn sẽ bắt gặp một Phạm Duy đang cất lên giai điệu cõi thiền ở chốn thế gian.
Tháng 9/2019
Phan Trang Hy
Bài này đã in trong Quán Văn số 68 (tháng 10/2019)