Rong Ca
- Details
- Written by Thụy Khuê
- Hits: 5308
(Sổ Tay, Thông Luận, Paris - 1989)
''Với tập nhạc Ngàn Lời Ca được ra mắt độc giả vào mùa thu 87, tôi tưởng rằng từ nay, tôi có thể buông đàn bỏ bút để được sống cuộc đời rong chơi bốn mùa như tôi thường mơ ước. Thế nhưng...''
Thế nhưng anh chưa ngừng được. Thế nhưng cái duyên hay cái nợ đã xui anh tiếp tục sáng tác, sáng tác cho anh, cho tình yêu và cho cuộc đời. Mười bài trong cuốn Rong Ca soạn năm 1988 của Phạm Duy tới Paris vào đúng độ thu tàn, như những lời giã biệt cuộc đời:
''Thôi nhé! Cho anh giã từ trái đất!''
Anh muốn:
''Ta vứt sau ta những nẻo đường trần;
Ta vút bay theo những nẻo đường tiên''
Nhưng trời đâu cho phép. Tóc anh đã bạc trắng, nhưng nợ trần chưa trả hết. Ai đã cho đi. Tiếng nhạc Phạm Duy soạn cho thế hệ thứ hai - thế hệ trước sau gì cũng sẽ xoay lưng với nhạc Việt - mà dường như cho cả ba thế hệ: thế hệ của anh, của con anh và cháu anh. Cái ''người tình già'' ấy muốn rũ áo ra đi:
''Muốn lãng quên trăm năm một đời
Nhưng dưới thế gian mênh mông vời vợi
Người chợt nghe tiếng em chờ đợi''
Thế là nguồn hứng lại trở về, lại khát khao, lại dan díu với tình. Càng cao tuổi đời, tình yêu lại càng đắm say tha thiết:
''Ước nguyện thầm cho đôi lứa ân cần
Nuôi thật dài hoàng hôn ái ân
Ước nguyện rằng khi đêm chết chưa về
Nắng chiều hồng tươi hơn nắng trưa''
Ánh nắng chiều Phạm Duy đem lại cho chúng ta và cho thế hệ 2.000 vẫn hồng. Hẳn thế. Nhưng cái rực rỡ trong những tia nắng ấy chính là những lời tâm huyết của người nghệ sĩ: Phạm Duy muốn chôn đi những điệu buồn thế kỷ, xóa hết hận thù, muốn chôn đi Chủ Nghĩa, dập vùi cái hèn yếu trong mỗi cá nhân ta để làm ''phân bón'' cho thế hệ mai sau:
''Người phu trong chiều buông
Lòng hân hoan chôn mộ xong
Nghe mùa Xuân đang rộn rã tới gần''
Nhạc thuật và tư tưởng lạc quan của Phạm Duy có lây tới chúng ta không? Nhìn người nghệ sĩ tóc trắng, cả cuộc đời trầm mình theo ''vận nước nổi trôi'', ca tụng mùa Xuân, chôn vùi thù hận, tôi không khỏi ngượng ngùng nghĩ lại những tư tưởng bi quan - một lúc nào đó - đã đến với chính mình. Và trong thế hệ chúng ta đang sống còn bao nhiêu oán thù, chủ nghĩa... bao giờ mới được chôn vùi trong mộ tối để mai đây:
''Khi trên nấm mộ còn nở rộ bông hoa mới
- Hoa ơi, tên gì
- Hoa tình yêu đó em!''
Người thi nhạc sĩ vượt thời gian và không gian ấy, từ đâu đến?
''Từ cõi xa xôi, muôn ngàn thế giới
Anh đã đi theo nắng từ trời vui
Anh xuống nơi chơi lúc người mới tới''
Và lối anh đi, anh gieo rắc tình yêu trong ý nhạc, lời thơ khắp nẻo đường trần:
''Cho bớt mênh mông cõi sinh mệnh buồn
Ở nhịp trần gian... quay cuồng''
Tôi sinh ra đời đã có nhạc Phạm Duy. Tôi lớn lên trong tiếng hát truyền cảm nhiệm mầu của Thái Thanh và nay khi đời đã xế trưa tôi vẫn được nghe dư âm truyền cảm ấy qua tiếng hát Duy Quang - Thái Hiền. Sau này, khi đời chạng vạng, tiếng nhạc Phạm Duy sẽ theo tôi qua cầu để vào miền xa xăm nào khác.
Từ ngày ''Anh đã hân hoan ghé qua cuộc đời'' , xin cảm tạ đất trời, chúng ta đã có Phạm Duy.
Thụy Khuê
Paris - 1989