Nghe CD 10 Bài Đạo Ca Do Ca Sĩ Bích Liên Hát: Mười Phương Mây Nổi Như Cánh Hoa Trôi
- Details
- Written by Huỳnh Kim Quang
- Hits: 2533
Hình bìa CD Đạo Ca.
CD Đạo Ca này đã được giới thiệu trong buổi sinh hoạt văn nghệ cuối năm tại Hội Trường Việt Báo trên Đường Moran, thành phố Westminster, với chủ đề Tâm Xuân vào tối Thứ Bảy, ngày 14 tháng 1 năm 2017 với sự góp mặt của nhiều ca sĩ được mến mộ như Kim Tước, Bích Liên, Thương Linh, Phạm Hà, Trần Đại Phước, Lan Hương, Phạm Duy Hùng, Nhóm Cát Trắng và Ban Nhạc Hoàng Công Luận.
Rất tiếc, hôm đó người viết không thể có mặt để thưởng thức! Nhưng bù lại mấy ngày Tết năm nay được nghe đi nghe lại nhiều lần CD Mười Bài Đạo Ca do ca sĩ Bích Liên tặng thì đã “phê” và thỏa mãn lắm!
Cảm nhận đầu tiên mà người viết có được là sự ngạc nhiên đến thích thú khó tả về sự kỳ diệu khi thơ của thi sĩ Phạm Thiên Thư được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và được ca sĩ Bích Liên hát. Khi nghe những bài Đạo Ca này qua giai điệu của bài hát người viết có cảm nhận như là Phạm Duy đã chắp đôi cánh vào thơ Phạm Thiên Thư và ca sĩ Bích Liên thì dùng nội lực thinh âm để thổi đôi cánh của thơ bay bổng lên cao, cao vút, cao tận cõi trời không mênh mông bát ngát.
Nói như thế không phải là quá đáng vì người viết đã từng đọc và yêu thơ của thi sĩ Phạm Thiên Thư từ lâu lắm. Nhưng, cảm nhận lúc đọc thơ và lúc nghe nhạc đã phổ thơ của ông thì khác hẳn. Đó là hai cảm trạng, hai thế giới khác nhau.
Đọc thơ, tâm đắc và thấm ý thì người đọc cũng có những cảm nhận thật sâu lắng, vì trong thơ vốn có nhạc. Nhưng âm ba nhạc tính trong thơ đi từ đôi mắt vào tâm, vào lòng một cách lặng lẽ âm thầm. Còn nghe thơ qua bản nhạc được ca sĩ hát lên thì đi từ tai, và đôi khi cảm nhận cả toàn thân 6 căn, nên cảm xúc lan tỏa khắp thân tâm, rất tràn đầy, rất viên mãn. Đọc thơ đôi khi phải vận dụng đến tư duy để hiểu và thú vị. Nghe nhạc thì nhạc điệu, tiếng hát cất lên là đi thẳng vào lòng, vào hồn, vào tâm, không cần phải đắn đo suy nghĩ gì cả, mà cảm nhận ngay tức thì. Cũng ngay trong khoảng khắc tức thì đó người nghe bay bổng hay trầm mình theo giai điệu, theo lời nhạc.
Nói thật, đây là lần đầu tiên người viết nghe trọn vẹn tiếng hát của ca sĩ Bích Liên diễn đạt 10 Bài Đạo Ca. Càng nghe người viết càng thích. Người nữ ca sĩ này có chất giọng thật là mượt mà, cao vút mênh mông mà cũng trầm ấm sâu thẳm. Ca sĩ Bích Liên ngoài thiên phú chất giọng còn điêu luyện trong kỹ thuật diễn đạt bằng giọng hát để lột tả trọn vẹn tứ thơ của gã thi sĩ họ Phạm.
Chẳng hạn, trong Bài Đạo Ca số 1 có tên Pháp Thân, ca sĩ Bích Liên thổi nội lực thinh âm vào lời bản nhạc để đẩy người nghe thâm nhập thật sâu vào cõi Pháp Thân, cõi nhất thể của ngã và pháp, của chủ và khách, của ta và người, bằng cách phát âm tròn, nhanh, lấy lực âm thanh thật sâu mạnh chữ “a ha,” để diễn tả cảm thức bùng vỡ khi giác ngộ tính vô ngã giữa ta và người qua câu hát:
“A ha, ta tuy hai mà một! A ha, ta tuy một mà hai!
A ha, ta tuy hai mà một! A ha, ta tuy một mà hai!”
“Pháp thân” là thuật ngữ nhà Phật, tiếng Sanskrit (Phạn) là “Dharmakaya”. Dharma là pháp. Kaya là thân. Chữ Pháp bao gồm nhiều nghĩa: về lý nó chỉ lý tánh, pháp tánh, phép tắc, nguyên lý; về sự nó chỉ tất cả mọi sự mọi vật, từ hữu hình đến siêu hình, từ tâm đến cảnh. Pháp thân là bản thể của tất cả các pháp, là chân thân của pháp. Nó vô tướng vô hình. Trong Phật Giáo Đại Thừa, Pháp thân chỉ cho một trong ba thân của Phật: Pháp thân, báo thân và ứng thân. Vì là bản thể của tất cả pháp cho nên Pháp thân vượt qua mọi giới hạn, không phân biệt ta người, chủ khách. Diệu nghĩa này được chàng thi sĩ họ Phạm đưa lên tới tột đỉnh qua đạo lý tánh không hay vô ngã trong Bài Đạo Ca Số 9 ở câu hát:
“Tôi không là tôi, Người không là người,” vì tất cả các pháp là:
“Mười phương mây nổi như cánh hoa trôi
Như sóng ra khơi, như hơi gió thổi
Như mây xa vời, như bóng hạc trời”
Chỗ này giống hệt như ý trong Kinh Kim Cang Bát Nhã:
“Tất cả các pháp có tạo tác đều như giấc mộng, huyễn hóa, ảo ảnh, bọt nước, sương mai, điện chớp.”
Có lẽ vì thế, nhạc sĩ Phạm Duy đã dẫn người nghe vào Đạo Ca qua cánh cửa Pháp thân. Nhưng đó là cánh cửa không cửa (vô môn), là cửa Không vậy! Không là triết lý tánh không của nhà Phật. Không không phải là chẳng có gì, hay đối nghịch với có. Không là vì bản chất của mọi sự vật đều không có tự tánh cố định, là vô ngã. Không tựu thành mọi pháp và nằm ngay trong mọi hiện hữu.
Bước vào cửa Không của nhà Phật thì thấy ngay Đại Nguyện, là nguyện lớn cầu thành Phật và cứu khổ chúng sinh.
“Thương người như thương thân! Thương người như thương mình!”
Lời nhạc của Bài Đạo Ca Số 2 Đại Nguyện đã được ca sĩ Bích Liên cất cao lên như thế. Và cứ lập đi lập lại mấy lần để nhắc người nghe rằng Đại Nguyện là phải luôn luôn ghi nhớ và thực hành.
Đại nguyện của nhà Phật không phải chỉ là lời nguyện ước suông, nói rồi để đó mà không làm, hay làm những việc dễ làm cho qua loa mà thành được Đạo. Đại Nguyện đôi khi được thể hiện qua hình ảnh của Chàng Dũng Sĩ như Đạo Ca Số 3 đã chuyên chở qua giọng hát lảnh lót, hùng tráng, cao vút và sắt như gươm báu vừa tuốt ra nơi sa trường. Lời và nhạc ở đây theo nhịp quân hành, mạnh, hùng, bi tráng, dũng mãnh.
Biểu tượng cao cả của sự thành tựu đại nguyện chính là hình ảnh bồ tát Quán Thế Âm. Bài Đạo Ca Số 4 làm động lòng người qua câu chuyện tấm lòng yêu thương bao la vô tận của người Mẹ. Người Mẹ đó là bồ tát Quán Thế Âm. Trong truyền thống Đại Thừa Phật Giáo, bồ tát Quán Thế Âm tượng trưng cho lòng từ bi vô lượng của chư Phật và bồ tát. Vì thế, ngài thường thị hiện thân nữ nhân, thân người mẹ để cứu khổ chúng sinh. Ngài xem chúng sinh như con. Lời thơ của thi sĩ Phạm Thiên Thư vừa đẹp, thơ mộng và đầy cảm xúc.
“Có bà mẹ đi tìm con trên đỉnh đồi lan trắng
Có bà mẹ đi tìm con trong động hang lan vàng
Có bà mẹ đi tìm con trong thung lũng cỏ hoang…”
Lúc nghe Bài Đạo Ca này người viết đắm mình trong lời ca như đang nghe ca sĩ Bích Liên thuật lại câu chuyện mà thi sĩ Phạm Thiên Thư đã viết và nhạc sĩ Phạm Duy kể lại. Nó sâu lắng và thấm đẫm tình người, một tình yêu cao thượng đáng tôn kính.
CD Mười Bài Đạo Ca khép lại ở Bài Đạo Ca Số 10 Tâm Xuân, mà thực ra là mở ra khung trời mới lạ khác. Đó là khung trời ngập tràn hương sắc thiên nhiên. Nhưng lại không ở đâu xa mà nằm ngay trong tâm mình.
“Mùa xuân có không? Hay là cõi Tâm?
Mùa xuân có không? Hay là cõi không?
Về nguồn về cội! Về nguồn về cội!
Để rồi vươn tới, với lòng mênh mông…”
Ca khúc chấm dứt với âm vận bằng nguyên âm “ô”, tròn trịa, viên mãn, bao la và bát ngát!
Từ “cõi không” làm duyên khởi cho mùa xuân hiện hữu. Mà cũng từ cõi này mùa xuân mang vóc dáng của nàng xuân diễm ảo, thơ mộng!
Người viết yêu thích cõi thơ của thi sĩ Phạm Thiên Thư vì dù ông làm thơ Đạo rất thâm sâu và cao siêu, nhưng ông hiếm khi sử dụng thuật ngữ nhà Phật có thể khiến người đọc không quen khó hiểu. Vì thế nhạc phổ thơ ông rất dễ thấm sâu vào lòng người nghe. Và chắc chắn dư âm của Mười Bài Đạo Ca sẽ còn đọng lại sâu trong tâm người nghe cũng nhờ tiếng hát sung mãn của ca sĩ Bích Liên.
Cũng không thể không tán thưởng tài hòa âm phối khí của nhạc sĩ Hoàng Công Luận cho CD này. Người viết thích nhất là cách hòa âm với giai điệu đúng cách, lúc trầm, lúc bổng, lúc sâu lắng, lúc sôi trào tùy theo ý thơ và lời nhạc. Nói chung, nhạc sĩ họ Hoàng nắm bắt được giai điệu của nhạc thiền, lắng dịu, thênh thang...
CD Đạo Ca gồm 10 ca khúc, nhưng ở đây người viết chỉ xin được giới thiệu sơ qua một vài bài, nên chắc chắn không làm sao nói hết được những điều đặc sắc của toàn bộ CD Đạo Ca này. Người đọc tốt nhất là nên có một CD để tự mình thưởng thức thì sẽ cảm nhận được hết cái hay cái đẹp của tập CD.
Xin cảm ơn thi sĩ Phạm Thiên Thư, nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Bích Liên.
Huỳnh Kim Quang
1/2/2017
CD Mười Bài Đạo Ca do ca sĩ Bích Liên thực hiện do Thúy Nga đại diện phát hành, 9295 Bolsa Avenue, Westminster, CA 92683 USA, (714) 894-5811.
Nguồn: https://vietbao.com/a263522/nghe-cd-10-bai-dao-ca-do-ca-si-bich-lien-hat-muoi-phuong-may-noi-nhu-cach-hoa-troi