Chương 20 - Mật Ngọt Quê Hương Một Bản Tình Ca
- Details
- Written by Xuân Vũ
- Hits: 3434
Tôi yêu tiếng nước tôi nhưng không đợi tới tuổi trưởng thành mà ngay từ lúc oa oa khóc chào đời kia. Từ khi chưa biết gì mà đã yêu rồi. Tiếng khóc đó chính là biểu hiện một tình yêu, một tấm lòng yêu nước hồn nhiên của con người vừa sinh ra đã có. Tiếng khóc đó chính là một ngôn ngữ thiêng liêng của dân tộc.
Mẹ hiền ru những câu xa vời nghe man mác tình quê, nghe thổn thức gan vàng, nghe xốn xang tấc dạ.
Tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi, tiếng ru muôn đời... Có tiếng nào, có tiếng của ai sống muôn đời. Chỉ có tiếng ru của mẹ, tiếng nói của nước tôi là muôn đời thôi! Mở đầu chương này, tôi xin được nêu ra một hai ý tưởng về bài Tình Ca bất hủ của nhạc sĩ như trên.
Câu chuyện trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư Lớp Đồng „u kể lại rằng: Một du khách đi xa lâu lắm mới về làng. Bà con xúm lại thăm. Có người hỏi: ''Bác đi khắp nơi, xem cảnh, xem người theo Bác ở đâu đẹp hơn cả?'' Du khách đáp ngay: ''Cảnh đẹp tôi ngắm đã nhiều, nhưng không nơi nào bằng quê hương ta cả.'' Giờ đây sống trong cảnh nước mất nhà tan, phải thất thế ly hương, ta mới thấy câu truyện trên đây vô cùng thấm thía.
Câu chuyện đó làm cho ta nghĩ tới Phạm Duy. Hơn bất cứ ai, Phạm Duy đã rót vào lòng ta những giọt mật ngọt ngào của quê hương. Phạm Duy làm cho ta nhìn quê hương rõ hơn, làm cho ta yêu quê hương hơn lên. Phạm Duy đã tiêm những liều thuốc quê hương vào mạch máu của chúng ta. Lắm khi ta yêu nhưng ta không hiểu rõ vì sao, yêu bằng bản năng tự nhiên không có phân tích, như ta đói ta tìm ăn, ta khát ta tìm uống. Và cũng lắm khi ta thấy cái đẹp nhưng ta không mô tả được nó: tiếng sáo diều, câu hát nhỏ, đôi má xinh, làn môi hồng, tà áo trắng... Phạm Duy đã mô tả hoặc lý giải giùm cho ta. Nhờ thế mà ta yêu, ta gắn bó, ta sống chết với quê hương ta hơn. Và cũng vì thế mà khi ta mất quê hương, ta đau khổ không nguôi, ta không thiết sống nữa bởi ta không thấy đâu đẹp cho bằng quê hương ta!
Yêu quê hương là chuyện dễ. Ai mà chẳng yêu quê hương mình? Nhưng nói lên được tình yêu quê hương là chuyện không dễ. Và chỉ có nghệ sĩ mới làm được việc đó mà thôi. Những nghệ sĩ vô danh đã để lại cho ta vô số tác phẩm như tranh cổ, ca dao, truyện dân gian. Nào quan họ Bắc Ninh, hát cò lả, hát trống quân, hò mái nhì, hò mái đẩy, vọng cổ, kim tiền... Nào là tượng Phật trăm tay, chùa Hương, Tháp Rùa, chùa Thiên Mụ...
Ta kế thừa cái vốn cổ mênh mông và vô giá đó có khi có ý thức, có khi rất hồn nhiên như tiếng khóc chào đời, như nước trong suối, máu trong tim.
Người Việt Nam thường tự hào có bốn ngàn năm lịch sử, điều đó rất chính đáng. Mặc dù quê hương ta nghèo nàn và nhỏ bé, ta vẫn yêu quê hương nhỏ bé của ta, ta vẫn yêu cái đời sống nghèo nàn đó. Vì sao? Vì nó phong phú vô cùng. Đó là đất nước quê hương của ta. Nơi công dân nào cũng làm thơ (Nguyên Vẹn Hình Hài). Và vì chúng ta biết yêu câu hát truyện Kiều, lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta (Tình Ca).
Đôi khi, trong đời sống của chúng ta, phần tinh thần nâng đỡ phần vật chất rất nhiều. Khi lao động vất vả, bà con ta ngồi nghỉ dưới gốc đa, nói chuyện tiếu lâm hay đánh một ván cờ, cảm thấy mệt nhọc tiêu tan. Đêm khuya tát nước, thanh niên nam nữ hát đối đáp nhau, yêu nhau qua câu hò tình tứ, cho nên đôi chân đạp nước như vượt ngàn dặm không biết mỏi. Chính nhờ vào nền văn hóa lâu đời đó mà dân tộc ta sống hùng cuờng và bất khuất. Lịch sử nước ta là một lịch sử oanh liệt hào hùng, nhưng cũng là một lịch sử chất chứa đau thương.
Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi. (Tình Ca)
Ta tự hào về quê hương. Phạm Duy, bằng những tác phẩm của mình đã tô điểm cho quê hương thêm phần đẹp đẽ. Một phần lớn tác phẩm của anh dành cho quê hương. Nhưng Phạm Duy không chỉ đưa ta đi tới những gì hùng vĩ nhất của quê hương, anh dắt ta vào luôn những nét nhỏ bé nhất, cơ hồ không ai nhìn thấy.
Muốn mô tả tình yêu, trước hết phải yêu thực sự, yêu ghê gớm, yêu nốc cả máu tim, yêu từ lúc nằm nôi cho đến khi lìa đời, từ ải Nam Quan cho tới mũi Cà Mâu. Cũng như máy điện cao thế, muốn truyền điện mạnh cho các nơi, trước hết phải có điện cực mạnh. Điện là Tình Yêu. Biến nó mạnh hơn là sáng tác. Rồi trả nó lại cho cuộc đời. Quê hương ta là nhà máy điện. Phạm Duy bắt điện từ đó chuyển thành luồng điện cao thế, phát trả lại cho quê hương, điện mạnh gấp trăm, ngàn lần. Nói đến sông nước Việt Nam, trong bài Tình Ca bất hủ, Phạm Duy có những câu này:
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong
Biết ái tình ở dòng sông Hương
Sống no đầy là nhờ Cửu Long...
Mỗi con sông tượng trưng cho một miền. Sông Hồng quanh năm nước từ nguồn đổ xuống đỏ ngầu. Đã có thi sĩ mô tả nước sông Hồng đỏ nặng phù sa. Hay đấy, nhưng Phạm Duy còn cho màu đỏ đó một tình cảm. Tình cảm chờ mong. Dữ dội hơn nhiều. Sông Hồng chờ mong người về, chờ mong lâu quá nên đỏ lên. Như ta thường nói: mẹ mong con, vợ mong chồng ''đỏ'' con mắt.
Sông Hương mà các vị khác như Nguyễn Văn Thương (Trên Sông Hương), Lưu Hữu Phước (Hương Giang Dạ Khúc), Dương Thiệu Tước (Đêm Tàn Bến Ngự) đã mô tả bằng cả một ca khúc, đến Phạm Duy thì chỉ cần một câu: Biết ái tình ở dòng sông Hương. Là đủ rồi.
Trong bài Tình Ca, ở đoạn giữa, Phạm Duy hát:
Những câu hò giận hờn không nguôi
Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi...
Chúng ta hiểu những câu hò giận hờn không nguôi đó là gì? Có thể là:
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay
Hay là:
Khăn bàng lông cắc mốt, nó tốt như sồng
Anh muốn mua cho em đội, lại sợ chồng em ghen...
Những mối tình không thành nhưng không tan, cho nên ''nhớ nhung hoài'' không nguôi. Chữ ngoại quốc chắc không có chữ để dịch tiếng ''hờn'' và tiếng ''nguôi''. Còn tiếng ''hoài'' là tiếng người miền Nam hay dùng, người miền Bắc dùng chữ ''luôn'', nhưng ở đây Phạm Duy dùng chữ ''hoài'' hay vô tả. Nếu viết nhớ nhung luôn, hay nhớ nhung mãi (không kể chuyện ăn theo với dấu nhạc) thì không thể sánh với nhớ nhung hoài.
Trong một Điệp Khúc, anh hát:
Một yêu câu hát truyện Kiều
Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta.
Nối liền câu hát truyện Kiều vào tiếng sáo diều, còn cho cả hai thứ đó đều lẳng lơ như nhau. Nghe mãi cũng chẳng thể mòn, nói theo kiểu ca dao:
Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn
Chính chuyên cũng chẳng sơn son thếp vàng.
Xin tiếp tục hát điệp khúc của bài Tình Ca:
Và yêu cô gái bên nhà
Miệng xinh ăn nói mặn mà có duyên.
Ca dao Việt Nam có bài Mười Thương (hay Mười Yêu cũng thế):
Một yêu tóc bỏ đuôi gà
Hai yêu ăn nói mặn mà có duyên
Ba yêu má lúm đồng tiền
Bốn yêu răng lánh hạt huyền kém thua.
Trong mười nét đáng yêu đó, Phạm Duy chỉ yêu lấy một, lại là nét chính yếu. Thế cũng đủ rồi. Vì miệng đã xinh, ăn nói lại có duyên, và nói lên tiếng mẹ đẻ yêu quý... thì những nét còn lại cũng không quan trọng lắm.
Tôi đã mê mải đưa các bạn cùng đi vào quê hương (tên một ca khúc khác của Phạm Duy) không phải bằng xe traction chở mìn Claymore (lời ca trong bài đó) mà bằng bánh xe của trái tim. Chỉ bằng một bài hát nhỏ (so với hai bản Trường Ca) là bài Tình Ca, ta đã thấy tất cả Việt Nam nằm trọn trong đó, không sót một nét nào. Từ con sông, tiếng hát, giọng hò đến dãy núi, từ chiếc nôi đến lịch sử trôi, ròng rã tiếng cười tiếng khóc, từ tiếng sáo diều đến truyện Kiều, đến cô gái bên nhà, từ tấm áo nâu của em bé, của mẹ già đến bác nông phu, từ rừng cao đến mũi Cà Mau, từ những anh hùng Lý, Lê, Trần đến những anh hùng của mai sau v.v... Đất Nước, Con Người, Tiếng Mẹ của Việt Nam đã được Phạm Duy thể hiện với đỉnh cao nhất của tình cảm quê hương.
Tác phẩm của anh, do đó không chỉ là để làm ngọt lỗ tai chúng ta. Lời ca, nét nhạc như là những giọt mật ứa ra từ lòng Tổ Quốc và Phạm Duy đã hứng lấy để âu yếm rót vào lòng ta, những khi chúng ta phải mang trong lòng một con tim khô héo.
Ca ngợi quê hương, không có gì hơn nhạc Phạm Duy.
Xuân Vũ