Chương 19 - Trả Nợ Máu Xương Đem Vinh Quang Tô Thắm Nước Nhà
- Details
- Written by Xuân Vũ
- Hits: 4011
Là con người, ai cũng yêu nước. Mỗi người yêu một cách, vì hoàn cảnh, vì trình độ, vì những điều kiện riêng sinh sống xã hội. Người thì cầm súng chống xâm lăng, bảo vệ đất nước, người thì làm thơ ca ngợi anh hùng, gây lòng căm thù đối với quân cướp nước, kẻ thì cày cấy nuôi quân v.v...Ở Phạm Duy, anh đã thực hiện được cả hai việc : vừa cầm súng vừa cầm đàn, anh đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp thực dân. Một trong những bài nhạc hùng đầu tiên của anh là:
Ta là gươm tráng sĩ thời xưa
Bên mình chàng hiên ngang một thuở
Xưa nhớ tới người trai chí lớn
Xếp bút nghiên từ chốn thư phòng
Bàn tay xinh ai nhuốm máu hồng
Và nhuốm mầu non sông
Gươm tung lên như gió như mưa
Như muôn nghìn đấng linh hồn xưa
Như bao năm lòng dân đợi chờ
Chuyển sức chàng trai tráng gươm đưa
Ôi nhớ tới hồi thanh kiếm múa
Sức oai linh trừ hết quân thù
Đầu rơi trong muôn tiếng réo hò
Ghi dấu cùng ngàn thu
Đến nay gươm thần chưa hết bén
Ta mong chờ ai người nâng kiếm lên ?
(Gươm Tráng Sĩ 1944)
Đó là một hình tượng về lòng ái quốc thời trước 1945 mà có lẽ các bạn trẻ bây giờ hơi khó hiểu bởi vì nó có vẻ phong kiến. Đúng vậy phong kiến đời Trần, đời Lê, đời Lý, nền phong kiến cứu non sông Việt Nam khỏi họa xâm lăng. Đọc lời ca trên, ta cứ tưởng nhạc sĩ là một ông già đi dự hội nghị Diên Hồng, nhưng không, lúc đó Phạm Duy chỉ mới có 23 tuổi đầu.Trong bài Chinh Phụ Ca sau đây, ta lại thấy một Phạm Duy khác trẻ hơn :
Từ chàng ra đi, lưng khoác chiến y
Và hồn nương bóng quốc kỳ
Nàng ngừng con thoi, có khi nhớ chàng
Có muốn gì đâu ? Lệ thấm tơ vàng
Chàng ngồi trên yên, mơ bóng dáng em
Mịt mù sau đám khói tên
Bâng khuâng mắt nhìn tay kiếm
Không sao dấu đôi lệ hiền
Từ hồi Thu đi, Đông tới, Xuân về
Lạnh lùng cơn gió đêm hè
Từng hồi canh tan thấy trăng xế tàn
Thao thức phòng loan, một tiếng tơ đàn
Nhạc ngoài biên cương nghe vắng khúc hoan
Bập bùng ba tiếng trống đêm
Không ngưng tiếng rừng xao xuyến
Vang trong tiếng ve kêu rền rền Ngày nào bao xa em thấy bay về
Một đàn chim én không nhà
Về làn du phong với mây ráng hồng
Có tiếng diều trong đậu trước khuê phòng...
Ở đây, tình yêu nước và tình yêu lứa đôi quyện lại thành một khối trong tim cặp tình nhân. Với Phạm Duy ta thấy tình yêu tổ quốc là một hạt kim cương có trăm mặt nhỏ ( chứ không phải chỉ có một hòn bi trơn tru láng bóng không có khía cạnh. Bài hát này đã làm rung động nhiều trái tim trẻ, nhất là sinh viên, tiểu trí thức. Tình yêu nước pha chút lãng mạn của họ đã được diễn tả rất đúng trong nhạc phẩm. Đã có rất nhiều học sinh kéo nhau ra bưng biền trong thời gian 1945-50. Chính tôi đã hát bài này và chép nó, chuyển về thành cho các bạn tôi để thúc giục họ ra đi chiến đấu cứu nước nhưng tôi không biết ai là tác giả. Mãi đến năm 1989, đọc cuốn Ngàn Lời Ca mới té ngửa ra.
Rồi nhìn qua song em thấy trước sông
Ngựa hồng âu yếm bước sang
Trên lưng có chàng trai tráng
Mang theo biết bao nhiêu ngày vàng.
(Chinh Phụ Ca 1945)
Nhưng chàng chinh phu của Phạm Duy không chỉ cưỡi ngựa hồng mà trong cuộc kháng chiến cứu nước anh ta đã vụt biến ngay thành một chiến sĩ xung phong bừng bừng sát khí.
Ngày bao hùng binh tiến lên !
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến !
Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành
Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành
Đi là đi chiến đấu
Đi là đi chiến thắng
Đi là mang mối thù thiên thu.
Đi là đi chiến đấu
Đi là đi chiến thắng
Bước lên đây người Việt Nam
Kèn vang theo tiếng chân đang rồn rập xa xa
Tiếng gào thiết tha
Ngàn lời chính khí đưa
Ầm ầm tiếng thét hoà
Rầm rầm tiếng súng sa trường xa
Hồn say khi máu xương rơi tràn đầy, ngập biên khu
Oán thù khắp nơi
Từng bụi lốc cuốn rơi
Từng giọt máu sáng ngời
Một đường kiếm thép oai hùng đưa
(Xuất Quân 1945)
Và sau những cuộc chém giết tơi bời như vậy, chàng ta rã rời cả thân xác lẫn tâm hồn, ôm súng ngồi bên gốc cây, lắng nghe mùa Thu đang về trên chiến trường:
Chiều biên khu, vào mùa sang Thu
Không còn nghe tiếng oán thù
Rừng vi vu là lời thiên thu
Ru người chốn phiêu du
Như một nhà triết lý nhìn đời, nhìn chiến tranh từ một khu rừng, từ một góc độ khác với những chinh phu khác:
Ai chinh phu nghe mùa Thu tới
Âm vang trong trời, hồn quê đến với muôn đời
Hề Thu ơi ới
Hề Thu ơi ới
Nghe gió thu tơi bời trong góc trời chiến tranh
Nghe lá thu thương tình bao kiếp người mong manh.
Hề Thu ơi ới
Hề Thu ơi ới
Hương thắm xưa đã về với những người chiến chinh
Bao khúc ca thanh bình vang tới ngàn dâu xanh.
Ở đầu nguồn, dòng nhạc kháng chiến chảy theo dòng nhạc hùng kêu gọi toàn dân đứng lên tận diệt kẻ thù chung. Tôi không thấy có một tác giả nào có tư tưởng về mùa Thu cách mạng như Phạm Duy trên đây, một cái nhìn và một cảm nghĩ khác biệt, nếu không nói là ngược lại trào lưu chung, nếu kết tội nhẹ thì là tư tưởng tiêu cực. Kháng chiến chưa đầy một năm, đã mơ ''câu thái hòa, ngàn dâu xanh'' và ''không còn oán thù''.
Thu đã về với ta
Nhớ tiếc không oán thù
Ta nghe chăng một mùa ?
Thu bao la, vang tiếng bom cuối cùng
Còn đây mùa gươm súng
Khi lá hoa bừng sống với non sông
Nhớ tiếc không nát lòng
Ta nghe chăng một mùa ?
Thu muôn năm hoà bình
Hề Thu ơi ới
Hề Thu ơi ới
Thu ơi Thu ! Ta vỗ súng ca
Ca cho đời, cho Thu với ta
Nơi biên khu, mong nhớ khúc ca
Câu Thái Hoà cho muôn chúng ta
(Thu Chiến Trường 1946)
Dòng tư tưởng đảo ngược này còn được thấy rõ thêm lần nữa trong bài Chiến Sĩ Vô Danh:
Mờ trong bóng chiều
Một đoàn quân thấp thoáng
Núi cây rừng
Lắng tiếng nghe hình dáng
Của người anh hùng
Lạnh lùng theo trống rồn
Trên khu đồi nương
Im trong chiều buông
Ra biên khu trong một chiều sương âm u
Âm thầm chen khói mù
Bao oan khiên đang về đây hú với gió
Là hồn người Nam nhớ thù.
Khi ra đi đã quyết chí nuôi căm hờn
Muôn lời thiêng còn vang
Hồn quật cường còn mang đến phút chiến thắng
Sầu hận đời lấp tan
Gươm anh linh đã bao lần vấy máu
Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình
Rừng trầm phai sắc
Thấp thoáng tàn canh
Ôi người chiến sĩ vô danh!
Ở đây, chàng trai 24 tuổi Phạm Duy có trái tim và cặp mắt của một ông già suy tư về cuộc chiến và về người chiến sĩ. Phạm Duy đã thấy cái số phận của những người bị khoác cho cái lốt anh hùng và bị đem ra làm vật hy sinh cho ''những làn kiếm thép oai hùng đưa''... Để trở thành những viên gạch xây thành cho các ông tướng ngất nghểnh ngồi nhậu rượu Mao Đài gặm sườn chó và đùi mỹ nhân trong trướng gấm ''mà thời gian luống vô tình''!
Cũng nên nhắc lại lúc đó nhạc hùng kêu gọi toàn dân vùng lên giành độc lập nở rộ như một vườn hoa lửa đỏ rực. Chiến sĩ Việt Nam của Văn Cao, Thượng Lộ Tiểu Khúc, Lên Đàng của Lưu Hữu Phước, Cách Mạng Tháng Tám của Việt Lang, Đời Sống Mới của Nguyễn Đức Toàn, Xuất Quân của Phạm Duy... Từ Nam Quan đến Cà Mau, lòng người là một biển lửa có thể thiêu rụi quân thù tức khắc. Không có gì khác ngoài tiến lên, phục thù, súng nổ vang, kiếm thép đưa... Phạm Duy đi lẫn trong đội ngũ nhạc sĩ yêu nước đó với điệu kèn đồng Xuất Quân, tay vung gươm tráng sĩ.
Nhưng phía sau một Phạm Duy đó, còn một Phạm Duy khác, một Phạm Duy của Thu Chiến Trường và của Chiến Sĩ Vô Danh. Cái hùng tráng của Văn Cao, của Lưu Hữu Phước, Phạm Duy có, nhưng cái bi ai của Phạm Duy, Văn Cao và Lưu Hữu Phước không có. Điều này làm cho Phạm Duy khác người, đó là tính chất triết học trong tác phẩm Phạm Duy. Anh chàng nhạc sĩ sớm mang kiếng cận thị này đã nhìn sự vật sâu hơn những đồng nghiệp không mang kiếng.
Đằng sau những cuộc chiến đấu cực kỳ say máu kia là gì? Là tro than, là xác xây thành, là những con người vô danh rồi đây đã chắc có ai buồn nhớ tới. Một chàng thanh niên ngồi ôm súng nhìn trời đất, mong thái bình, ước mơ một mùa thu nào khác.
Trong một tâm sự lạ lùng, vào thời đại của nhạc hùng đó, Phạm Duy còn vẽ nên một bức tranh hãi hùng Nợ Xương Máu chưa từng thấy trong văn học nghệ thuật Việt Nam. Và đây cũng là một ''mặt nhỏ'' khác của tình yêu Tổ Quốc:
Giờ đây xương máu đã phơi đầy đồng
Giờ đây máu hồng đã nhuốm non sông
Ai nghe không sa trường lên tiếng hú ?
Tiếng lầm than, những tiếng người đời quên
Đi lang thang, tiếng cười vang rú
Xác không đầu nào kia ?
Cười lên tiếng máu xé tan canh trường :
Nợ nần máu xương, ai đã trả xong ?
Lá rụng tơi bời
Đoàn quân tiến qua làng
Từng thanh kiếm đứt ngang
Từng lớp áo rách mướp
Từng cánh tay rụng rời.
Qua làn mây trắng
Đoàn quân tiến về trời
Ầm rung tiếng sa trường
Như nhắn nhủ người trai mài kiếm dưới trăng
Ai nghe không tiếng cười vang the thé ?
Tiếng người la, những tiếng rồn rập ca
Ai lang thang, tiếng cười lên chới với ?
Xác không đầu mà vui
Người đi chiến đấu, xác rơi ngoài đồng.
Nợ nần máu xương, ai nấy trả xong !
Một đoàn quân dị thường (toàn những chiến sĩ không đầu) trong một cuộc chiến đấu dị thường (tiến quân về trời) được nhìn và vẽ ra bằng đôi mắt đôi tay dị thường. Có thể nói Phạm Duy nhìn đời và diễn đạt lòng yêu nước từ mọi góc độ, không cứng ngắc, cố định, không theo lối mòn, không giống bất cứ ai. Bất cứ sự vật nào cũng có nội tâm, nếu chỉ diễn tả bên ngoài thì không thể tránh khỏi sai lầm.
Phạm Duy nhìn được sự đau khổ của chinh chiến núp ở đằng sau sự vinh quang của chiến đấu. Phạm Duy biết rõ hơn người khác những niềm vui nỗi khổ của nhân dân, vì đã từng biết từ sự ấm áp của ổ rơm, sự ngọt bùi của củ khoai vùi tro bếp, từ bông lúa, con trâu trở lên tiếng đàn của công chúa ở lầu vàng.
Triết học là từ dân gian. Tự nó đã có, người tinh mắt thì nhặt lấy và đúc thành chữ, người không tinh mắt thì cho nó qua. Thế thôi. Phạm Duy tinh mắt, đã đành. Phạm Duy còn có cả mắt nhìn xa ngàn dặm, nhìn thấu suốt lòng người. Do đó lắm khi ta thấy, như ở trên, Phạm Duy có những suy tư khác người, có khi còn ngược lại, nhưng cái ngược lại của Phạm Duy lại là cái xuôi, cái nghịch lý lại là thuận lý.
Một đoàn người trai hiên ngang
Đeo trên vai nợ máu xương
Một trời Việt yêu dấu
Một nền vinh quang bằng máu
. . . .
Ngày nào phơi xác nhớ không?
Thây rơi mênh mông trên khắp phố phường
Thân ôm tường đầu gục đâu
Thây rơi trong đêm khuya lấp chiến hào
(Khởi Hành 1947)
Để thấy sự khác biệt của Phạm Duy và các nhạc sĩ khác thời bấy giờ, tôi xin ghi lại mấy câu hát Mặc Niệm (không nhớ tác giả):
Đêm hôm nay người chiến sĩ thở hơi tàn
Trời u ám trăng mơ màng
Ngoài đồng vắng dế thở than
Chiến sĩ ơi, buồn khôn xiết
Người gọi lòng, ta mến tiếc...
Rằng hay thì cũng thật hay, nhưng tình cảm đó rất thường, còn nói về nghệ thuật thì nó hiền. Cho nên hôm nay chắc không mấy ai còn nhớ bài hát này nữa. Dưới mắt Phạm Duy, người chiến sĩ ''đeo trên vai nợ xương máu'' chứ không phải đeo cái ba lô và súng đạn! Và cái chết của chiến sĩ là ''về trời'', là hóa thành ''bụi hồng tỏa khắp không gian''. Không có một nhạc sĩ nào mô tả cảnh chiến trường, người chiến sĩ, cuộc chiến đấu như Phạm Duy kể từ 1945 cho tới ngày nay.
Ở trên kia bạn thấy chàng chinh phu, chiến sĩ xung phong, chiến binh ở góc rừng... Đó là những ''mặt nhỏ'' của viên hột xoàn yêu nước. Bây giờ thì xin nêu lên một ''mặt nhỏ'' khác. Những bạn cùng lứa tuổi tôi hoặc cao niên hơn có đi kháng chiến, ai cũng biết bài hát bất hủ này:
Một mùa thu năm qua cách mạng tiến ra đất Việt
Từng ngàn tiếng thanh niên tung gông phá xiềng...
Hào hùng oai võ biết bao nhiêu. Ta thấy lòng yêu nước bừng như lửa thiêng.
Đoàn người trai ra đi miệng hô lớn
Quyết chiến! Quyết chiến!
Chân oai nghiêm đều tiến
Một ngày qua thanh niên giã từ giấc mơ
Phất cờ hồng nhuộm máu đấu tranh cho muôn kiếp sầu
. . . . . . . . .
Quyết chiến, quyết chiến lúc chưa phai tuổi xanh
Tuổi xanh như lúa mai, đời thanh niên sáng tươi
. . . . . . . . . . .
Đường ta, ta cứ đi, nhà ta, ta cứ xây
Ruộng ta, ta cứ cày đợi ngày
Ngày mai bao ấm no, diệt tan quên Pháp kia
Cười vang ta hát câu Tự DO
(Nhạc Tuổi Xanh 1946)
Biết bao ý tưởng cao đẹp trong tim nguời thanh niên bật ra thành lời ca vừa hùng tráng vừa trữ tình, vừa thực lại vừa mộng tương lai. Người hát vừa ngẩng mặt vừa thét vang trời mây mà không lạc giọng và tưởng mình mọc cánh thành thiên thần.
Bạn đã từng hát nhạc tuổi xanh khi tuổi bạn còn xanh, bây giờ chắc tóc đã bạc, hãy hát lên, tóc bạn sẽ xanh trở lại, bản nhạc hay nhất thời kháng chiến chống Pháp. Nếu bạn chưa từng biết cuộc kháng chiến này, xin vẫn hát nó, bạn sẽ hiểu vì sao hồi ấy ta cướp được chính quyền bằng tay không? Bạn còn trẻ quá, càng khó hiểu kháng chiến chống Pháp, hãy hát nó, bạn sẽ thấy lớp cha chú hy sinh không phải là phí uổng. Phạm Duy đã sống với những ý tưởng cao đẹp, với tình yêu tổ quốc vô song của thời niên thiếu và đã diễn đạt nó ra để hiến dâng lại cho dân tộc.Mỗi một bài hát của Phạm Duy như một cột số trên con đường chiến đấu vinh quang giành độc lập cho tổ quốc. Phạm Duy đã đem vinh quang tô thấm nước nhà. Phạm Duy đã nung nấu lòng yêu nước và chí căm thù giặc cho chúng ta.
Nếu anh chết bởi quân thù
Súng kia hoen máu đợi chờ tay em
Nếu cha chết bởi quân thù
Súng kia hoen máu đợi chờ tay con
Nếu tôi chết bởi quân thù
Súng kia hoen máu đợi chờ tay anh
Ra chiến trường kia
Rửa thù, là rửa thù
(Dặn Dò 1947)
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời giặc Pháp có thương dân mình
Trách ai uốn lưỡi cầu vinh
Bán quê hương nỡ quên tình nước non
(Ru Con 1947)
Bạn đã thấy Phạm Duy diễn đạt Tình Yêu Tổ Quốc qua nhiều ''mặt nhỏ'', bây giờ lại xin nêu lên một ''mặt nhỏ'' khác nữa :
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người mẹ già
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người vợ hiền
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương đàn trẻ nhỏ
(Nhớ Người Ra Đi 1947)
Tình yêu Tổ Quốc nằm trong tình yêu gia đình. Và trong cả tình cảm đối với những ai không cùng chiến tuyến.
Bên tê là phía sầu u
Có người dân Việt gục đầu trên đất tù
. . . .
Anh ơi quay súng về đây
Máu người dân Việt còn cần cho luống cày
Tôi mong từng phút từng giây
Sống chẳng oán thù, để chờ anh tới đây
(Gọi Người Bên Kia 1947)
Nhà nghệ sĩ nhân danh luống cày, nhân danh tự do để gọi người bên kia (Phạm Duy đã không dùng chữ ''lầm đường'' như người bên kia vẫn thường dùng cho người bên này). Phải chăng đó là tiếng gọi của đất nước qua trái tim rung động của Phạm Duy mà thành nhạc? Phạm Duy chỉ khẽ gọi, nhưng tiếng khẽ ấy mạnh hơn súng đạn và cùm gông.
Sức người dân Việt còn cần cho luống cày
. . . . .
Bên kia là đất tù
Bên ni là phía Tự Do
Sống chẳng oán thù
Cái ý tưởng ''sống chẳng oán thù'' đã xảy ra từ Thu Chiến Trường để bùng nổ như mùa hoa bát ngát về sau. Đối với đất nước, Phạm Duy luôn luôn cầu nguyện một câu ''thái hòa'' và ''xóa bỏ hận thù'', ''sống như anh em một nhà, biết thương nhau''.
Các bài hát Hội Nghị Diên Hồng, Ải Chi Lăng, Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước là những nhạc phẩm biểu hiện tuyệt vời lòng yêu nước Việt Nam. Những bài Việt Nam Việt Nam, Tình Ca của Phạm Duy cũng là sự biểu hiệu tuyệt vời đó, nhưng ngoài ra, Phạm Duy còn vô số ''mặt nhỏ'' khác mà có lẽ tôi không thể kể ra hết nổi. Trong chương này chỉ đề xuất một ít.
Tôi xin nhảy vọt một bước thời gian 20 năm để thấy rằng Phạm Duy diễn đạt Tình Yêu Tổ Quốc bằng một ngày hình tượng và tình cảm tinh vi. Phải chăng đây là sự đau đớn dằng dặc của Phạm Duy khi nói với các con các cháu sau một chuyến đi xa:
. . . . . . .
Cha muốn thưa rằng địa cầu xoay nhanh
Sao nước non mình còn nhiều điêu linh?
Ai đã cố tình gây cuộc đua tranh
Đem cháu con mình làm vật hy sinh
Đất nước hai miền, chật chội oan khiên
Người Việt, nước Việt đau thương
Thế giới là thủ phạm lâu năm.
(Kể Chuyện Đi Xa - 1970)
Đó là một sự tổng kết về một hiện tượng, hiện tượng Việt Nam lầm than Phạm Duy đã cảnh tỉnh cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc (xúi giục, kiếm chác) nhưng người ngoài không nghe đã đành vì họ có bao giờ vì nước vì dân mình, còn người trong cuộc lại cũng không nghe, đó mới lạ.
Họ chỉ thấy vinh quang trước mặt (đã chắc là vinh quang?) Họ không chịu nhìn tro than sau lưng (chắc chắn là tro than). Bây giờ thì càng rõ. Đã rõ, không có vinh quang, chỉ có lầm than.
Trong khi lửa bừng bừng, trong tiếng bom rung đất và đằng sau ánh lửa liên hoan mừng chiến thắng, Phạm Duy ngưng tiếng đàn, Phạm Duy nghiêng tai nghe trong màn đêm thôn xóm.
Cũng như trước kia,vào thời tiền chiến, sau những cuộc truy hoan, Phạm Duy nghe được tiếng chân lầm than trên đường khuya Hà Nội thì bây giờ Phạm Duy nghe ra :
Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai
Có tiếng o nghèo thở dài
... ở nơi
Quê cũ đã nghèo lắm rồi
Thêm đói thêm sầu mà thôi
(Quê Nghèo 1947)
Phạm Duy nhìn sâu vào khía cạnh tàn nhẫn của chiến chinh, dù đó là cuộc chiến chinh gì đi nữa thì tro than vẫn cứ là tro than chứ không là lúa gạo. Phạm Duy nâng đàn lên, nước mắt rưng rưng khi em bé mồ côi (cha bị giặc chặt đầu) giật mình trong giấc ngủ trẻ thơ, thấy được cảnh khăn tang cũng hoen tiếng cười trong buổi... chiều khô nước mắt rưng sầuTan thân thiếu phụ nát đầu hài nhi Phạm Duy nước mắt tràn đầy khi thấy người mẹ có con trai bị giặc chặt đầu bêu cao giữa chợ, tìm nguồn vui ở những chàng trai trẻ khác, trong đó có Phạm Duy:
Mẹ già đi nấu nồi khoai
Bưng lên khói hương mờ bay....
(Bà Mẹ Gio Linh 1948)
Và giữa cuộc chinh chiến mù trời, Phạm Duy chỉ mong mỏi sớm có ngày
Về đây với lúa với nàng
Thay bao nỗi khổ tiếng đàn tôi mừng reo!
(Về Miền Trung - 1948)
Đó là của tấm lòng một người yêu nước. Xin được trả nợ máu xương, đem vinh quang tô thắm nước nhà... nhưng không bao giờ chỉ cười đắc thắng trong vinh quang mà quên khóc ròng vì những nỗi khổ của người dân.
Xuân Vũ