Chương 18 - Nhạc Tình Đượm Màu Sắc Tôn Giáo Tình Âm Dương Chan Chứa Xoay Trong Vòng Tử Sinh
- Details
- Written by Xuân Vũ
- Hits: 3337
Trong chương này tôi sẽ nói tới màu sắc tôn giáo trong Nhạc Tình của Phạm Duy. Không chỉ riêng trong nhạc tình mà trong nhạc nói chung của Phạm Duy, ta nhận thấy rải rác cái màu sắc ấy. Bạn thấy ở ngay những bài đầu tay của chàng nhạc sĩ trẻ, trong Nợ Xương Máu có hình tượng xác chết cụt đầu về trời, trongTiếng Đàn Tôi có bến Mê, trong Đường Chiều Lá Rụng có đầu thai, v.v... Càng về sau ta càng nhận thấy nhiều về tôn giáo, như ở các bài Hẹn Hò, Tìm Nhau, Thương Tình Ca, Giết Người Trong Mộng, Giọt Mưa Trên Lá, Nguyên Vẹn Hình Hài v.v... Sau đây là một vài đoạn trong bài nhạc tình Chỉ Chừng Đó Thôi:
Khi xưa em gầy gò
Đi ngang qua nhà thờ
Trông như con mèo khờ
Ta yêu em mù lòa
Như Adam khù khờ
Yêu Eva khù khờ
Cuộc tình trinh tiết đó
Nhưng thiên tai còn chờ
Đôi uyên ưươ ng dật dờ
Chia nhau xong tội đồ
Đày đọa lâu mới tha
Hoặc trong Một Bàn Tay:
Một đêm kêu lên hơi thở tuyệt vời!
Bàn tay êm ái, ôi bàn tay khoan khoái
Nhạc ru tiếng khóc trần ai
Bàn tay đưa anh đi gặp cuộc đời
Một Xuân bao dung ai cũng là người
Bàn tay vun sơi, ôi bàn tay đưa lối
Dọc đời thơ hát đầy vơi.
Bàn tay nào có phép thần vậy? Bàn tay ma dắt lối quỉ đưa đường (Lại tìm những lối đoạn trường mà đi) hay bàn tay thánh thần đưa anh đi gặp cuộc đời, không phải tay phàm.
Trong cơn mưa hè
Tay nào khô héo bắt anh về?
Bàn tay che mắt, ôi còn ngăn câu hát
Bàn tay ám khí u mê
Nhưng tay em về, thơm mùi gỗ quí gỡ anh ra.
Bàn tay nắng lóa, ôi bàn tay khơi gió
Tình trong năm ngón nõn nà.
Bàn tay ám khí u mê là tay quỉ. Bàn tay thơm mùi gỗ quí là tay nàng tiên Giáng Hương. Nhưng khi nàng phá then vàng xuống trần gian nếm mùi tục lụy thì tay nàng năm ngón nõn nà vuốt ve anh, gãi lưng anh, bắt chấy cho anh là bàn tay bằng xương bằng thịt của trần tục:
Bàn tay ôm anh trong cuộc tình đầy
Một Thu sang, tim anh nở tròn ngày
Bàn tay ấm áp, ôi bàn tay bão táp
Bàn tay son vẽ đời đôi
Một mai đưa anh thăm thẳm lìa đời
Mùa Đông khăn tang, mây bỏ đường dài
Bàn tay thương nhớ, ôi gặp anh băng giá
Lạ lùng, tay khép làn mi...
Đây là bàn tay hư hư thực thực. Ta có thể cầm lấy hôn được nhưng có khi ta lại ngỡ đó chỉ là nắng lóa, là nhạc ru. Bàn tay đã đưa anh ra khỏi lòng người cũng là bàn tay đưa anh thăm thẳm lìa đời và khép làn mi cho anh. Không thấy Chúa và Phật ở đây nhưng ta lại sống trong không khí huyền ảo thường trực của bàn tay Phạm Duy tạo nên.Màu sắc tôn giáo trội hẳn lên ở những bài nhạc tình trong vườn rong ca của anh vừa viết xong. Phạm Duy nói về Hóa Sinh, Cõi Hư Vô, Âm Dương trong năm bài liên tiếp: Người Tình Già Trên Đầu Non, Nắng Chiều Rực Rỡ, Vô Hư, Trăng Già, Rong Khúc...
Tại sao? Chẳng còn ai có thể cứu nổi ta ngoài Trời Phật, trong lúc đồng loại ta coi ta là kẻ thù, giết hại ta chưa đủ còn rước ngoại bang vào tàn sát ta, đày đọa ta chưa thỏa, còn đưa ta cho ngoại bang đày đọa. Chẳng còn ai cứu ta nổi ngoài Trời Phật trong lúc đồng minh phản bội ta mà coi đó như một việc hợp với lẽ Trời, nên họ dửng dưng như không hề biết, không nghĩ tới việc chuộc các tội tày trời ấy.
Những người cao niên xa xứ sống cũng buồn mà chết nơi xứ người lại còn buồn hơn, cho nên muốn sống lâu hoặc muốn tái sinh sống lại cuộc đời trước, cuộc tình trước, như Người Tình Già Trên Đầu Non. Đọc xong lời ca, tôi nghĩ đây là một truyện thần thoại. Truyện kể rằng ngày xửa ngày xưa có một chàng nhạc sĩ trẻ được Tiên ban cho một cây đàn thần, và bảo chàng rằng muốn ước gì được nấy: giàu sang phú quí, v.v.... nhưng chàng không ham. Chàng chỉ cầm đàn đi thẳng vào những nẻo đường trần để đàn cho người nghe. Chàng được mọi người yêu mến, được các cô gái ở trần gian lẫn những tiên cô Giáng Hương, Giáng Phượng, Giáng Thu và cả chị Hằng dâng tặng trái tim. Chàng dùng tiếng đàn như lời an ủi những mảnh đời đau buồn, u ám, bất hạnh. Khi đã về già, thành tiên lão, lên non cao để mai danh ẩn tích, nhưng bỗng một chiều, lão đứng trên đầu non, mái tóc bạc phơ ẩn hiện. Giữa đám mây xanh xao chập chờn, lão...
... nhìn mặt trời thoi thóp hoàng hôn
Muốn lãng quên trăm năm một đời
Nhưng thế gian mênh mông vời vợi
Người chợt nghe tiếng em chờ đợi
(gọi)
Người tình già trong lẻ loi
Có nhớ thương... ai.
Trái tim giá lạnh bỗng hồi sinh, người tình già bèn rời đỉnh non:
Lững thững đi trên con đường chiều
Xuống lũng sâu, leo qua ngọn đèo.
Về một miền phơn phớt cỏ nâu
Người tình còn nhớ tuổi son
Cúi xuống hôn bông hoa thật gần
Nghe suối vẫn reo trong hang rì rầm
Người tưởng nghe tiếng em thì thầm
Đợi người tình đã từ lâu
Vẫn khát khao nhau...
Tưởng đã chẳng còn nợ gì nhau nào dè đâu sợi tóc mai vẫn còn vướng vào tim. Người tình già nghe lời người yêu cũ, bỗng chốc hóa:
Thành người tình trẻ ngây
Sẽ đứng lên mê say từng ngày
(như)
Người từng là nắng mùa Xuân
Đã dắt em đi trên đường trần
Đã vuốt ve em trong Hạ mềm
Người tình già như:
Cành khô bỗng hoa nở tràn
(và)
Hẹn sẽ leo thế kỷ chơi.
Cuộc đời ngắn ngủi chỉ có hơn ba vạn ngày không chứa nổi mối tình của người già và nàng, cho nên:
Hẹn rằng sẽ về thăm
Lúc đã trăm năm
Sẽ từ khơi, xuống núi vui chơi
Rồi lại từng thế kỷ sau
Cứ hóa sinh theo.
Tư duy của Phạm Duy chống chọi hẳn với thuyết vô thần cho rằng cuộc đời sau cái chết là hết, và chẳng có Trời Phật và ơn trên thiêng liêng. Phạm Duy chẳng phải là tín đồ Phật Giáo hay Công Giáo nhưng sự suy nghĩ của anh đi vào nếp tôn giáo. Tôn giáo coi rất trọng cuộc sống tinh thần, trọng hơn cả cuộc đời hiện tại và cho rằng có cuộc sống sau cái chết.
Người tình già thật đáng yêu. Người đâu phải là một ông Tiên ông Thánh nào. Người là chúng ta, mỗi chúng ta. Đúng ra đó là nỗi ươc mơ tái sinh của con người, để sống tiếp cuộc sống trên thế gian. Thuyết nhà Phật là sống gửi thác về. Sống chỉ là cõi tạm, chết mới là thực sự... ''về quê''.
Phạm Duy nhìn đời bằng cặp kính vừa cận vừa viễn:
- Cận là: Cúi xống hôn bông hoa thật gần
- Viễn là: Về một miền phơn phớt cỏ nâu
Nửa thực nửa siêu thực:
- Thực là: Đầu cành khô bỗng hoa nở tràn
- Siêu thực là: Leo thế kỷ chơi...
Cặp kính đỏ là đôi mắt của Phạm Duy. Đôi mắt nhìn nắng chiều rực rỡ hơn nắng bình minh và nắng trưa. Đây lại cũng là một cách tư duy đặc biệt, thường thấy ở Phạm Duy
Nắng chiều hồng tươi hơn nắng trưa
Em có thấy không, nắng chiều rực rỡ
Nắng chiều đối với con người là tuổi già, là ngưỡng cửa của đêm, cũng như tuổi già là làn vạch khu phi quân sự giữa cuộc sống và cái chết:
Từng vạt nắng chói chan
Từng vạt nắng ấm êm
Nắng còn nắng bao la
... thì mình xin cứ coi
Là nghìn tia nắng rọi
Em có thấy không, nắng đẹp còn đó...
Nắng còn đó vì anh đã ngăn đêm về bằng bàn tay năm ngón nõn nà thơm mùi gỗ quý của em.
Trong chiều đời yêu nhau rất lâu
Đêm đã vì ước nguyện của chúng ta mà chưa đến vội. Hãy yêu nhau nữa. Ta còn yêu, ta cứ yêu. Đây là Thiên Đàng hay ven chín suối thì ta cứ yêu nhau. Ở buổi chiều đời, tình yêu đẹp hơn cả lúc đang trưa hay bình minh. Anh chỉ còn bên em giây phút thôi.
Nếu phải lià xa thế gian này
(dù chỉ) Còn một ngày (ta hãy) vui muôn nỗi vui
Chớ lịm người, nghe anh sắp qua đời
(dù chỉ) Còn giây phút thôi
(Anh vẫn) Muôn nỗi vui...
Cái khoảnh khắc âm dương giao hòa mong manh như làn tơ ấy, anh sẽ dùng bàn tay em kéo dài thành vô tận để:
Nghìn Thu, anh là suối trên ngàn
Thành sông anh đi xuống
Anh tuôn tràn biển mơ
Nghìn Thu, em là sóng xô bờ
Vào sông em đi mãi
Không bao giờ biển vơi...
Trong khoảnh khắc âm dương sắp giao hòa ấy:
Em là cõi trống
Cho tình đong vào
Anh là nơi vắng
Cho tình căng đầy
Em là cơn gió
Anh là mây dài.
Trong khoảnh khắc nghìn thu ấy:
Em lặng lẽ ươm mầm
Cành mai, không ai biết
Em âm thầm nở hoa.
Trong khoảnh khắc nghìn thu ấy:
Tình ta biến hóa
Trong từng sát na
Tình luôn lai vãng
Đi, về cõi chung
Tình hư vô đó
Nên gần với xa
Tình ra ánh sáng
Tình về tối đen
Nghìn Thu anh là đã em rồi
Và em trong muôn kiếp
Em đã ngồi ở anh
Nghìn Thu ta bù đắp không ngừng
Phạm Duy trong ba bài kể trên là một Phạm Duy khác với Phạm Duy trong giai đoạn nhạc tình 57-67 một Phạm Duy tái sinh. Ở đây Phạm Duy vẫn suy nghĩ về Tình Yêu nhưng bằng triết lý hay tôn giáo hoàn toàn, một thứ tình yêu chỉ có trong mơ ước trong hư vô, một thứ tình yêu đi vào cõi Thiên Thu, một thứ tình yêu biến hóa trong từng sát na, một thứ tình ra ánh sáng mà về thì tối đen, một thứ tình âm dương chan chứa và xoay trong vòng tử sinh, một thứ tình mà anh là nơi vắng còn em là cõi trống, một thứ tình già mà còn muốn trẻ lại, một thứ tình chiều mà lại đẹp hơn cả bình minh, một thứ tình không có ở thế gian này, chỉ có thể ở tư duy, trong kinh và trong HƯ VÔ.
Nhưng ở Người Tình Già, Nắng chiều, Hư Vô, bạn thấy chân những người tình còn dính một ít đất bụi của trần gian (đi trên con đường chiều, xuống lũng qua đèo) còn thấy giới hạn của thời gian (đời người trong tầm tay, ba vạn ngày), bạn còn thấy cảnh thiên nhiên (tre trúc lung lay, nắng trước hiên) bạn còn được nhìn cơn gió, mây dài, hoa nở, trăng sáng hay mờ, nghĩa là trần gian và vô hư còn ở bên nhau chưa bên nào thôn tính được bên nào, có lấn ranh nhau thì cũng chỉ qua lại, nhưng bên nào vẫn là bên ấy... rồi trở về cho hết cái đong đưa giữa âm và dương. Nhưng ở Rong Khúc, bài cuối cùng trong Mười Bản Rong Ca, ban thấy Người Tình Già chân đã phủi sạch bụi trần, người đã rong chơi những đâu đâu, người đến từ muôn vàn thế giới, không phải thế giới này, người tình già đã sống trên cuộc đời, ngoài cuộc đời, ngoài vòng sinh tử, ở ngoại càn khôn, vẫy tay:
Ta chào trái đất xinh xinh giữa trời...
Tất cả những gì có vẻ như là mọc lên từ mặt đất, có trên mặt đất trong khúc ca rong này - như tuyết, sa mạc, đường, rừng, lửa, mai, nẻo v.v... đều chỉ là trong thần thoại, vì Người Tình Già đến đây đã hóa sinh, không còn bằng xương thịt nữa.
Bạn thấy sau đây, người tình già không còn từ đỉnh núi leo qua đèo để đến với người yêu đang đợi nữa, chỉ biết là người đi nhưng không phải đi bằng chân vì người đi từ nắng trời vui, đi từ muôn ngàn thế giới, đi gặp bình minh, kia mà! Và còn đi thăm những thái dương nữa.
Người Tình Già đã không đi lại đường em đi, có nở những đoá hoa dị kỳ, không đi lên chín tầng mây khói nữa.
Ta sẽ quên như có mình nơi đó
Ta sẽ quên như có ta nơi này...
Nơi này là nơi nào? Chẳng ai biết được ngoài người tình già. Đó là đỉnh tình yêu hay cõi sinh mệnh buồn? Là ngàn mai hay ngàn xưa? Là nẻo hồng hay nẻo xanh?
Trong Vô Hư, bạn thấy có hai danh từ lạ : ''đong đưa'' và ''sát na''. Tôi đã đọc hết lời ca của Phạm Duy để hiểu xem cái đong đưa là cái gì thì thấy được hai ''cái'' đong đưa:
Chỉ một chiều lê thê
Ngồi co mình trên ghế
Nghe mất đi tuổi thơ
Chỉ một chiều bơ vơ
Chỉ là chuyện đong đưa
Đời luôn là cơn gió
Thay áo cho tình ta
Cái đong đưa này có thể hiểu được là chuyện tình chỉ là chuyện gió thoảng không có gì chắc chắn nay đổi mai thay như thay áo mơi, áo rách, áo đẹp, áo xấu cho ta. Tất cả như đều có thật, nhưng lại rất mơ hồ. Mơ hồ như lửa hoàng hôn đưa đón chân anh, như miền an tĩnh anh dẫn em vươn tơi, như buổi bình minh anh đã theo em đi gặp...
Cuộc rong chơi của Người Tình Già, tạm dừng ở khóm tre trúc này, cho người giã từ trái đất vì
Người đã nghe vang tiếng gọi càn khôn
Người sẽ quên như có người nơi đó
Người vứt sau lưng những nẻo đường trần
Người vút bay theo những nẻo đường tiên.
Nhưng - một chữ NHƯNG lớn
Nếu mai sau ai gọi người tình (già)
(Anh) sẽ quay lưng bước về nẻo xanh...
Nếu từ
Thế gian mông mênh vời vợi
Vang lên tiếng em gọi, thì
Anh sẽ quay lưng (bỏ đường tiên)
Bước về nẻo xanh (để cho)
Tình âm dương chan chứa
Xoay trong vùng tử sinh
(ở) nhịp trần gian
Quay cuồng.
Một cái ''đong đưa'' khác tìm được thấy trong bài Bên Bờ Sông Seine:
Nước chảy đôi dòng nhưng lòng ta vui
Ta hát say sưa tiếng hát đong đưa
Tiếng ''đong đưa'' đây cũng dễ hiểu. Có thể là khi hát, tác giả nhìn thấy buồm trên sông lắc lư nhè nhẹ mà ngỡ tiếng hát mình cũng bay ra theo nhịp đó, hoặc tiếng hát vờn trong gió, hoặc khi hát tác giả nhớ quê hương mà tưởng tượng ngày còn bé nằm trên võng mẹ ru v.v....
Lại thấy một sự ''đong đưa'' khác ở trong giấc mộng giết người:
Giết người trong mộng đã đi về
Giết người đi, giết người đi!
Giết người như loài bướm đong đưa.
Ở đây, đong đưa có thể được hiểu dễ dàng nhất vì nó đi với bướm. Nhưng trong Vô Hư thì cái đong đưa là cái gì?
Em là cơn gió
Đi về bên nớ
Đi về bên này
Rồi trở về cho hết cái đong đưa
Bên nớ là bên nào, bên này là bên nào, mà đi đi về về? Và sau khi đi, trở về là hết cái... đong đưa? Làm sao cắt nghĩa? Cũng như làm sao cắt nghĩa được tình yêu? Thôi thì xin cứ hiểu cái đong đưa là cái đong đưa. Cái gì đong đưa là cái đong đưa! Nhưng khi nó hết đong đưa, nó vẫn là cái đong đưa.
Còn một danh từ nữa, SÁT NA. Tôi có viết thư hỏi anh? Anh bảo đó là tiếng trong Kinh Phật. Có nghĩa là một thời gian ngắn bằng một phần tỷ tỷ của một giây. Anh đã đưa Kinh Phật vào Tình Yêu hoặc đem tình yêu nhuộm hương khói Niết Bàn. Không biết anh có phạm tội hay không?
Xuân Vũ