Chương 21 - Con Đường Cái Quan
- Details
- Written by Xuân Vũ
- Hits: 3283
Khi Hiệp Định Geneve chia đôi nước Việt Nam vào năm 1954, Phạm Duy phản đối ngay lập tức sự chia cắt đó bằng âm thanh. Là một con người luôn luôn suy nghĩ tìm kiếm để sáng tạo cao hơn cái mình đã làm, Phạm Duy chẳng những là một nghệ sĩ cầu tiến mà còn là một người yêu nước. Thể hiện tình cảm của mình - cũng là của cả dân tộc - bằng lời ca tiếng nhạc, Phạm Duy đã đi tiên phong trong vấn đề thống nhất đất nước. Băng tình cảm, bằng thông cảm, bằng ''ngồi gần ngồi gần nhau'' (Tâm Ca số 3) và nếu cần phải dùng khí giới thì phải là ''khí giới Tình Yêu''.
Thống nhất những kẻ bất đồng ý kiến với nhau phải được giải quyết trên căn bản tình yêu đất nước. Yêu đất nước để có thể yêu nhau. Vì nếu đặt tình yêu đất nước thành cơ bản của mọi cuộc giàn xếp thì sẽ đi đến kết quả. Do sự trái ngược ý niệm cho nên đất nước ta đã bị chia cắt một lần dưới thời Trịnh Nguyễn phân tranh, rồi bị chia cắt lần nữa vì ý muốn của các cường quốc. Nước ta với hai miền chung sông liền núi mà phải chịu cảnh chồng Bắc vợ Nam, ngày trông đêm đợi. Và sau 75 thống nhất được về mặt địa dư lãnh thổ rồi, thì tình cảm càng tả tơi ly tán hơn bao giờ hết. Đất nước như vậy còn bị chia cắt hơn xưa. Cho nên ta chỉ có và chỉ còn giữ được sự thống nhất trong tình cảm, trong mơ ước, trong ý niệm mà thôi.
Hãy nghe tác giả giới thiệu Trường Ca Con Đường Cái Quan:
''... Trường ca đưa ra một lữ khách đi trên con đường xuyên Việt, đi từ Ải Nam Quan cho tới mũi Cà Mau, đi từ ngày lập quốc cho tới khi đã hoàn thành xứ sở, đi trong lịch sử và lòng dân, đi tới đâu cũng có tiếng dân chúng địa phương ca hát chúc tụng lữ khách đi nối liền được lòng người và đất nước...
Như vậy là ta khỏi phải đi tìm cái ý nghĩa hoặc cái thâm ý của tác giả. Như chúng ta đã biết, qua nhiều tác phẩm bất hủ, Phạm Duy đã từng biểu lộ tình yêu quê hương của mình một cách vô cùng sâu sắc. Nếu Trường Ca Mẹ Việt Nam là một bài thơ phong phú về vần điệu lẫn ý tứ và kiến trúc thì Con Đường Cái Quan là một thiên truyện có nhiều nhân vật, có tính chất kịch và có kết luận hẳn hoi. Nó là một nhạc kịch vậy.
Tôi nói nó có kịch tính là vì nó mang nhiều loại tình cảm, khi buồn thì giận ghét oán thương lẫn lộn, khi vui thì bốc lửa, sảng khoái đê mê, chứ không vui vui buồn buồn chung chung. Nó có quá nhiều nhân vật và cảnh trí.
Mở đầu, ta thấy một cô cắt cỏ than thở cùng lữ khách. Rồi lữ khách cùng đi với hằng trăm người con của Mẹ Âu Cơ và gặp Nàng Tô Thị. Trên đường tiễn lữ khách về xuôi thì có một đám người Thượng du. Sau đó, lữ khách gặp cô lái đò miền Trung du. Rồi dân chúng Thủ Đô Thăng Long hát chào lữ khách. Suốt đoạn này, tình cảm nổi bật là ý chí lên đường khai sơn phá thạch của tổ tiên. Cảnh trí hùng vĩ và rất cổ phong như: biên ải quan san, chiến công chiến sử, núi Vọng Phu, nhà sàn bên đường hoang, thác đổ, quán mới dưới chân đèo, bến sông Thương nước đục, trăng tơ trên năm cửa ô Thăng Long thành, Tháp Rùa, Hồ Gươm, phố cổ mái rêu...
Đoạn giữa là lũ trẻ tung tăng, là mẹ ôm con ru ngủ, là dân làng giã gạo ngày xưa, là cô gái Huế, là chúa Trịnh dắt lính vào đàng trong... Sự xuất hiện của Công Chúa Huyền Trân là một kịch lớn vì nó gánh vác cả một thảm kịch tình yêu. Tình cảm của cả đoạn giữa này là tình yêu nước nhưng pha thêm mầu xót xa ai oán. Cảnh trí phù hợp với tình cảm: Truông nhà Hồ, Phá Tam Giang, đường xa sông rộng, Tháp Hời, canh khuya chùa Thiên Mụ, sông Hương lờ đờ, ruộng nghèo bên cồn cát dưới đèo Hải Vân, đèo Cù Mông...
Đoạn ba, đoạn chót của Trường Ca, có cô gái miền Nam mái tóc xuề xòa và hàm răng xít xa, có dân chúng Tiền Giang, Hậu Giang. Cuối cùng, có toàn thể nhân dân ba miền sum họp. Phù hợp với tình cảm hạnh phúc chan hòa, cảnh trí rực rỡ với nắng chói trong vườn cây trái chín, xóm chuối xóm dừa... Thôn ấp rộn ràng bên kênh đào có cá lội thướt tha, có tiếng chày giã gạo bên bờ ao ấm cúng. Ta có thể hình dung thêm đám cưới của lữ khách với cô gái miền Nam nữa.
Tuần tự từ đầu tới cuối, nhân vật mới, cảnh trí mới, sự việc mới... hiện dần ra như trong một đại nhạc kịch. Chúng ta phải vừa nghe, vừa xem lời trường ca thì mới thấy thích thú hơn. Tôi còn thấy ở trong trường ca này một bài học về lịch sử, học mãi không thấy chán, càng học càng thêm yêu đất nước, càng tự hào về dân tộc ta... Người già nghe để ngẫm nghĩ thêm, lớp trẻ nghe để nuôi chí tiến thủ, trẻ con nghe để biết quá trình chiến đấu sinh tồn của dân tộc, người ngoại quốc nghe để hiểu rõ lịch sử chúng ta. Đây là một công trình nghệ thuật lớn lao được hun đúc bằng tâm hồn dân tộc và sẽ còn sống mãi cho tới khi người Việt Nam thống nhất đươc đất nước bằng cả phương diện: tâm hồn.
Xin hãy theo chân lữ khách, đi lại bước đầu của con đường thống nhất con tim này. Ta thấy cô thôn nữ ngừng tay cắt cỏ, hát ví:
Hỡi anh đi đường Cái Quan
Dừng chân đứng lại
Cho em đây than đôi lời
Đi đâu vội mấy anh ơi ?
Lữ Khách trả lời:
Tôi đi từ ải Nam Quan sau vài ngàn năm lẻ
Chia đôi một họ trăm con đã lên đường
Khi ta học bài học lịch sử đầu tiên, thầy giáo dạy ta rằng Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, sinh ra 100 trứng nở ra 100 con. 50 con theo Cha lên núi, 50 con theo Mẹ xuống biển. Thầy dạy truyện thần thoại ta là dòng giống Tiên Rồng. Phạm Duy đã thuộc truyện thần tiên đó nhưng khi đưa vào trường ca thì không phải chỉ làm chuyện sao chép:
Năm mươi người ngược núi rừng
Đã dựng vòng biên ải
Năm mươi người trẩy theo sông tới khơi chừng
Chữ ''biên ải'' mà Phạm Duy dùng, nghe có vẻ xa thăm thẳm, mờ mờ lớp khói sương của rừng, nhưng lại mang tính chất khai phá, lập quốc, dựng biên cương. Chữ ''khơi chừng'' thì không chỉ mang ý nghĩa sông nước chật hẹp, mà là vươn ra biển khơi, mở rộng biên cương.
Tôi theo người vượt quan san
Ơi người ơi ! Ơi người ơi !
Vẽ lối mòn gìn giữ quê hương ngăn dường giặc Hán
Tôi chưa về Ải Chi Lăng
Ơi người ơi ! Ơi người ơi !
Dưới chiến bào người thấy băn khoăn thương ai đầu nguồn.
Như vậy là lữ khách đã đồng hóa với người áo vải anh hùng đất Lam Sơn, xua đuổi giặc Hán xâm lăng và con đường ngắn ngủi từ Ải Nam Quan tới Ải Chi Lăng đã được xây bằng biết bao nhiêu xương máu rơi. Mới ra đi mà đã nhớ thương người đầu nguồn, là đồng bào ruột thịt cùng ta vừa dựng nước, là người chinh phụ Việt Nam thủy chung sắt đá, ở nơi địa đầu nước Việt Nam, tên gọi Đồng Đăng, Kỳ Lừa có chùa Tam Thanh. Tô Thị trong trường ca khuyến khích người chinh phụ ra đi, để mình được thành đá (ý này hay vô cùng):
Và khuyên người chẳng tái hồi
Cho (nàng) ngàn năm được sống đời vọng phu
Chinh phu hay lữ khách không còn bận tâm vì Nàng Tô Thị, nên rảo bước về miền xuôi (đoạn này thật bi tráng và trữ tình):
Người về miền suôi đem theo tình người miền núi
Nhà sàn lả lơi đứng bên đường hoang vắng soi
Đưa chân anh qua đồi
Cơm lam đem theo người Lên cao anh ôm trời
Để dòng suối lẻ loi...
Ta lại chợt nhớ tới ''dòng suối tương tư'' của bản Nương Chiều. Phạm Duy đã dùng những câu ca ngắn và nét nhạc đi lên từng cấp, từng cấp... để diễn tả con đường núi quanh co, ngập ngừng, khúc khuỷu để rồi khi lên tới đỉnh cao nhất, nhìn thấy bao la vùng xuôi thì bước chân lữ khách thong dong dễ dàng hơn với lời ca nét nhạc mở rộng.
Đường về ruộng dưới ngát hương củi rừng gạo núi
Vượt tầm đèo khơi thấy con đường lúa tươi cười.
Đường về miền xuôi biết bao đò bao quán mới
Đường dài mà vui hÀơi người bạn đường nặng vai...
Khi lênh đênh trên tàu để sang Paris du học, Phạm Duy được tin Hiệp Định Genève được ký kết. Phạm Duy vừa vui vừa buồn. Vui vì chiến tranh chấm dứt, dân tộc thoát khỏi cảnh chết chóc của đao binh, buồn là vì đất nước chia đôi, nhát dao chém ngang thân mình.
Phạm Duy phản đối việc chia cắt đất nước bằng Trường Ca Con Đường Cái Quan. Chúng ta thấy sự phản đối ấy còn tồn tại đến bây giờ trong lòng mỗi chúng ta: âm thanh của bản nhạc. Âm thanh không sờ mó được, nhưng nó dội vào tâm não con người, đánh thức nó dậy để nó nhận ra điều phải quấy hoặc làm cho nó nguội đi nếu nó đang bốc cháy, bốc đồng, hoặc làm cho nó ấm lên nếu nó đang lạnh lẽo.
Thật vậy, ta có thể tìm thấy Phạm Duy ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, hoàn cảnh nào, từ Nam Quan tới Cà Mâu, trong nắng sớm mưa chiều, trong chớp bể mưa nguồn, khi chiến thắng lúc chiến bại, trong niềm vui nỗi buồn. Phạm Duy tới với ta, trao cho ta ''vũ khí tình yêu quê hương'' để an ủi, thúc giục ta cùng tiến bước.
Trường Ca Con Đường Cái Quan là một mảng nhỏ trong sự nghiệp vĩ đại của Phạm Duy nhưng lại là tác phẩm lớn của Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam trong đề tài ca ngợi Tổ Quốc. Phạm Duy thuộc truyện truyền kỳ lịch sử Việt Nam từ ngày còn đi học trường Nguyễn Du, truyện bố Rồng mẹ Tiên, truyện đẻ ra trăm trứng... những truyện ấy đã thấm sâu vào tâm hồn, có thể nói biến thành tế bào trong cơ thể của nhạc sĩ. Thêm vào đó những hoạt động nghệ thuật từ 21 tuổi tới giờ, nhạc sĩ có dịp đi khắp đất nước Việt Nam, trong hành trình lưu diễn của gánh hát Đức Huy (1943-44) rồi trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khởi đầu từ 1945. Phạm Duy Nam Tiến. Phạm Duy trở ra Bắc rồi lại Nam Tiến lần thứ hai. Kháng chiến toàn quốc, Phạm Duy đi khắp vùng thượng du, trung du và đồng bằng Bắc Việt, rồi lại Nam Tiến lần thứ ba khi từ vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh vượt Trường Sơn vào tới Bình-Trị-Thiên. Chưa một nhạc sĩ nào nhìn thấy rừng núi sông biển, sống với đồng quê thành thị Việt Nam như Phạm Duy cả. Sự kết đọng đó đã đưa thành Con Đường Cái Quan. một con đường trên mặt đất và trong tâm hồn dân tộc Việt Nam. Người Bắc chưa từng vô Nam coi mặt trời khi nghe Con Đường Cái Quan cũng có thể hình dung ra miền Nam với cảnh:
Về Cần Thơ khơi kinh, khơi nước ngòi
Về Hà Tiên ta tiễn Chúa ra đảo khơi
Về Cà Mâu ta đốt biết bao lửa vui
Về miền Nam ta theo cơn gió đưa
Về miền quê ta theo cơn gió về
Về miền sông ăn cá nướng thơm ngày mưa.
Về đồng dưa ta tắm nắng vui đời ta...
Con Đường Cái Quan là kết tinh của ý chí thống nhất sơn hà về mặt lãnh thổ và là kết tinh của dân ca Việt Nam. Phạm Duy dùng ca dao và truyện dân gian một phần lớn cho tác phẩm này. Nét nhạc rất giản dị nhưng rất sâu sắc. Hơi điệu bị ảnh hưởng dân ca quan họ, cò lả, trống quân nên dễ đi vào lòng người. Đặc biệt khi lữ khách vào tới miền Nam thì nét nhạc khoẻ hơn lên. Bài Nhờ Gió Đưa Về mô tả một miền Nam cường tráng, dồi dào tình cảm qua những hình tượng tuy hoang dã nhưng rất đẹp :
Chiến đấu với sình lầy
Với thú dữ ư tràn đầy
VẲới lũ muỗi đặc dầy như đám mây
Chiến đấu với rừng tràm
Ta như ong từng đàn
Lập cuộc đời trên đất rừng hoang.
Lữ khách cảm thấy một niềm vui lớn khi đến đất miền Nam :
Vào tới xóm dừa
Vào vườn chuối la đà
Ôi là mát lòng ta
Bầu vú sữa tròn
Và mảnh trái thơm ròn
Hương sầu riêng ngọt ngon.
Ngồi trước bài hát, những dòng nhạc hiện lên trước mắt, tôi nghe như cơn gió mát của Cưủ Long Giang, của sông rạch miền Nam, tôi thấy như những hạt phù sa ửng lên lấp lánh từ bờ sông Hồng, từ bến sông Hương, tới bãi sông Cửu Long. Quê hương mà nay đối với mình bỗng trở thành Cố Hương !
Năm 1949 Phạm Duy 28 tuổi, tôi 19 tuổi, cả hai đều đi kháng chiến chống Pháp. Kẻ ở Việt Bắc, người ở miền Tây. Thời đó, Phạm Duy đã là cột trụ của âm nhạc rồi. Tôi mới tập tễnh làm thơ. Nay ngồi viết những dòng này bỗng nhớ lại ''cố'' hương thời khói lửa :
Đây quê hương, đó quê hương
Đồng quê lúa chín, cây vườn trổ bông
Tre mành mấy ngọn uốn cong
Sông đầy uốn khúc chảy ôm đường làng
Cheo leo cầu khỉ ai sang
Lơ mơ giọng hát nhịp nhàng võng đưa
Não nùng một tiếng gà trưa
Trâu nằm tư lự, hàng dừa trầm ngâm
Bỗng đâu xuất hiện ''Con đầm'' (1)
Rồi còng cọc đến ầm ầm thả bom
Ngang Dừa (Rạch Giá) 1948
Bây giờ, sau gần 40 năm (2) lặn lội từ Ải Nam Quan, lữ khách đã tới mũi Cà Mau. Đứng ở chót mũi đất nhọn mọc nhô ra biển, nơi nhạc sĩ bị Pháp bỏ tù năm 45, lữ khách nhìn suốt con đường xuyên Việt như một cuộc vạn lý vân trình :
Đường đi đã tới !
Lòng dân đã nối !
Người tạm dừng bước chân vui, người ơi !
Người mơ ước tới
Đường tan ranh giới
Để người được mãi đi trong một duyên tình dài.
Đó là tiếng lòng của nhạc sĩ. Cũng là của toàn dân Việt Nam. Đó là ý chí Việt Nam đời đời bất diệt.
Xuân Vũ
(1) ''đầm già '' là loại máy bay thám thính
(2) Phạm Duy khởi soạn trường ca này năm 1954 và hoàn thành năm 1960