Giáo sư ngôn ngữ học Eric Henry: Nhạc VN ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm hồn tôi
- Details
- Written by Quỳnh Lệ
- Hits: 4953
Giáo sư Ngôn ngữ học Eric Henry: Tôi rất yêu thích sự luyến láy trong các tác phẩm âm nhạc Việt Nam, ví dụ như các bài dân ca 3 miền, như lời ầu ơ ví dầu…
Ông ERIC HENRY là giáo sư của Đại học Chapel Hill - Bắc Carolina, Hoa Kỳ. Khoa Á Châu của trường có 15 giáo sư giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa của khá nhiều nước như Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Việt Nam… Ở đó, có 5 người dạy tiếng Trung Quốc, ông là 1 trong 5 người ấy. Ông cũng là giáo sư duy nhất dạy tiếng Việt. 75 % học sinh khoa Việt ngữ là sinh viên Việt Nam - Việt kiều thế hệ thứ 2. Mùa hè này ông chọn Việt Nam làm điểm đến. Ông sẽ đi thăm nhiều nơi, suốt từ Nam ra Bắc… Chúng tôi đã tình cờ gặp ông trong một buổi tối ở một quán café “hát với nhau”. Ông ngồi lắng nghe tiếng hát của các ca sĩ không chuyên và thỉnh thoảng gõ nhịp theo những bài hát. Khi biết chúng tôi muốn được phỏng vấn, ông vui vẻ nhận lời và đã tự chọn địa điểm là quán café góc đường Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Đình Chiểu vào 8 giờ 30 sáng hôm sau.Không gian trong trẻo, êm đềm của buổi sáng chủ nhật ở quán NIRVANA (Niết Bàn) dường như đã làm tăng thêm phần ý nhị cho cuộc trao đổi. Buổi trò chuyện thật thú vị vì ông đã trao đổi với chúng tôi hoàn toàn bằng tiếng Việt. Chúng tôi thật sự ngạc nhiên về sự am hiểu của ông về kho tàng âm nhạc Việt Nam.
- Thưa giáo sư, lý do nào, cơ duyên nào để ông chọn và trở thành một giáo sư ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam?
- Do chính quyền nước Mỹ trong thập niên 60. Lúc ấy tôi là sinh viên đang tuổi 20, tôi bị bắt buộc phải nhập ngũ. Tôi không thể tìm cách né tránh điều đó. Trong quân ngũ tôi vẫn có thể chọn trường học. Họ đưa ra danh mục rất nhiều ngôn ngữ nước ngoài để chúng tôi lựa chọn theo học (như theo nguyện vọng 1,2,3). Tôi đã chọn tiếng Nga đầu tiên, cuối cùng là Việt Nam. Họ đã cho tôi học tiếng Việt Nam. Tôi đã tình nguyện phục vụ trong quân ngũ 3 năm để có điều kiện đi học thời gian dài hơn.
- Giáo sư đã sang Việt Nam từ lúc nào?
- Năm 1970 tôi đã đến Việt Nam. Lúc ấy tôi đã nói được tiếng Việt, nên tôi hiểu và tiếp cận được nếp sống ở Việt Nam. Từ một sinh viên chỉ biết về văn hóa Tây phương, lần đầu tiên tôi đã được sống ở một xã hội có nền văn hóa và đạo đức kiểu Đông phương, tôi tiếp cận với phong tục tập quán, Lễ, Tết. Tôi muốn nói đến chữ Lễ trong đạo Khổng mà Khổng Tử đã nhấn mạnh. Hồi ấy tôi làm phiên dịch. Tôi đã đóng quân ở Củ Chi, Xuân Lộc, Quảng Trị, tôi đã nói chuyện với khá nhiều tù binh. Và tôi đã rời Việt Nam mùa hè năm 1971.
- Mùa hè năm 1971 ở Quảng Trị, tình hình chiến sự thật ác liệt, ông có còn nhớ không?
- Chiến tranh thật là phi lý và tôi không hay nghĩ đến chiến tranh. Thời gian ấy tôi rất say mê đọc tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất Linh… và đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du.
- Giáo sư đến Việt Nam lần này là lần thứ mấy?
- Đây là lần thứ năm kể từ sau mùa hè 1971. Lần thứ nhất vào mùa thu 2001.
- Vậy là sau 30 năm Giáo sư mới trở lại, ông thấy Việt Nam như thế nào? Cảm tưởng của ông ra sao?
- Thời chiến tranh quả là gay go, phức tạp và căng thẳng về tinh thần lẫn thân thể. 30 năm sau trở lại, tôi thấy người dân trong nước yêu đời hơn, vui vẻ hơn, cuộc sống thay đổi nhiều hơn… Tôi rất vui!
Giáo sư Eric Henry và nhạc sĩ Phạm Duy
- Giáo sư dành hết thời gian của mùa hè này ở Việt Nam?
- Tôi có một nguyên tắc của riêng tôi là không bao giờ đi dạy học trong mùa hè. Mục đích kỳ nghỉ hè của tôi lần này là vừa đi du lịch, vừa học hỏi và nghiên cứu thêm về văn hóa, ngôn ngữ và nhất là âm nhạc của Việt Nam. Tôi đã có một công trình nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam, có tựa đề là “Một vài ghi chú về lịch sử xã hội âm nhạc Việt Nam” - “Notes toward a social history of Vietnamese music michegan quarterly preview”. Trong sự nghiên cứu này, nhạc sĩ Phạm Duy đã giúp tôi phần nào. Tôi đã được đọc những quyển Hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy. Sau khi xin phép ông ấy, trong học kỳ vừa qua tôi đã dịch xong 4 quyển Hồi ký đó và sẽ xuất bản. Hy vọng là sinh viên của tôi sẽ hiểu thêm về lịch sử nền tân nhạc Việt Nam trong đời sống xã hội.
- Để tìm hiểu về nền tân nhạc Việt Nam một cách khách quan, ắt hẵn Giáo sư phải tiếp cận với nhiều nhạc sĩ?
- Tôi có làm quen với một số nhạc sĩ Việt Nam như nhạc sĩ Tô Vũ, giáo sư Phạm Minh Khang ở Nhạc viện Hà Nội.v.v. Tôi đã có một kho tàng văn bản về âm nhạc Việt Nam. Tôi nghe rất nhiều CD nhạc Việt. Nhưng cũng có quá nhiều CD chỉ ghi tác phẩm mà không ghi tên tác giả nên tôi không nhớ hết tên của các nhạc sĩ. Sắp tới đây tôi sẽ gặp lại ông Tô Vũ và Giáo sư Trần Văn Khê.
- Là một nhà nghiên cứu, Giáo sư nhận xét và đánh giá thế nào về nền âm nhạc Việt Nam?
- Nhạc Việt Nam nói chung nhiều chất "mineur". Nội dung phần lớn xoay quanh 3 đề tài chính, đó là thương nhớ đến một quê hương đã xa xôi, thương nhớ một cuộc tình đã qua, mong muốn được trở về một khoảng thời gian trong quá khứ mà mình yêu quí - thường là thời thơ ấu. Cả 3 đề tài đó hầu hết đều mang tâm trạng tiếc nuối, buồn đau. Khác hẵn với nhạc Trung Quốc. Nhạc Trung Quốc phần lớn là vui tươi, rộn ràng, có câu cú ngắn gọn và mang tính đối xứng – symmetry – 4 câu, 8 câu… Bài hát Tây phương cũng thường có từng 8 ô nhịp, 16 ô nhịp… Bài hát Việt Nam phong phú về tiết điệu và câu cú hơn, cách tổ chức mỗi câu nhạc thường không rập khuôn. Tôi thích nhạc Việt Nam và thích những nhạc sĩ sáng tác những ca khúc có những câu nhạc không đều. Đó như là một sự khám phá cái mới.
- Trong “kho tàng âm nhạc Việt Nam” mà ông đã từng nghe, ông yêu thích những tác phẩm nào?
- Tôi thích nhiều bài hát Việt, ví dụ như bài “Tình quê hương” của nhạc sĩ Việt Lang, bài “Ngày đá đơm bông” có một không khí rất thôn quê, bài "Dạ lai hương" của Phạm Duy rất lãng mạn… Khi nghe bài “Lòng Mẹ” của Ngọc Sơn cũng có thể so sánh như “Lòng Mẹ” của Y Vân, tuy lời ca không hay bằng nhưng âm điệu rất đáng nghe. Tôi thấy các ca sĩ Việt Nam có những luyến láy không giống như Trung Quốc. Sự luyến láy này thật hấp dẫn. Tôi rất yêu thích sự luyến láy trong các tác phẩm âm nhạc Việt Nam, ví dụ như các bài dân ca 3 miền, như lời ầu ơ ví dầu… Đôi khi không cần tiết tấu, không có nhạc đệm, chỉ có âm thanh của tiếng hát với những luyến láy trầm bổng của ca sĩ. Tôi thích giọng ca của ca sĩ Bạch Yến (Nhìn tôi tròn mắt ngạc nhiên – Bạch Yến nào nhỉ? ông liền giải thích: Bạch Yến là vợ của Giáo sư Trần Quang Hải, con trai Giáo sư Trần Văn Khê). Có những ca sĩ tôi rất thích nghe, nhưng có người nói đó là một giọng ca quần chúng. Tôi không thích cái cũ, chỉ thích cái mới. Có lẽ sở thích của tôi không giống như mọi người.
- Có thời người ta gọi những bài hát đó là “nhạc vàng”. Giáo sư có nghe “nhạc đỏ” - nhạc cách mạng Việt Nam không?
- Có. Tôi có biết các tác giả như Phạm Tuyên, Hoàng Việt, Hoàng Hiệp.v.v. Tôi thấy dòng nhạc vàng ở miền Nam trước 1975 có chủ đề phong phú hơn. Dòng nhạc đỏ này có nhiều bài hay, nhưng chủ đề chính yếu vẫn là “quyết chiến quyết thắng, đã đảo đế quốc Mỹ” (ông cười thật hiền lành cởi mở). Tôi cảm thấy những người tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ đã luôn nghe dòng nhạc Trường Sơn. Chính dòng nhạc đó đã tạo không khí hưng phấn trong trí óc người lính. - Giáo sư đã lắng nghe rất nhiều tác phẩm và nhiều tác giả, ông quan tâm tới tác giả nào?- Những nhạc sĩ viết bài hay có quá nhiều, không thể kể hết. Ví dụ Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Nhật Ngân... Trong số đó Lam Phương là một trường hợp hơi lạ. Ông ta viết nhiều nhạc thương mại, nhưng cũng có một số bài “chất lượng cao”. Ví dụ như bài “Cho em quên tuổi ngọc” là một bài hát hay và buồn.
- Ông đang nói đến các nhạc sĩ Việt Nam đang sống ở các nước?
- Vâng! Phần lớn họ đang sống ở Mỹ. Nhìn chung các tác giả này hiện nay vẫn tiếp tục soạn nhạc nhưng tác phẩm của họ không có những diễn tiến rõ rệt, không thay đổi nhiều. Còn nhạc sĩ Phạm Duy thì khác! Ca khúc của ông rất phong phú. Có thể chia làm nhiều thời kỳ khác nhau: Thời kháng chiến, thời ở Nam bộ, thời hải ngoại. Riêng thời hải ngoại cũng có thể phân thành nhiếu giai đoạn. Nhạc Phạm Duy không có những tiếc nuối đau buồn như phần đông các nhạc sĩ khác. Có khi cũng có khóc lóc nhưng không quá sầu não. Thường thường, ông ấy hay viết theo một lối nói như là kể chuyện. Chủ đề trong nhạc Phạm Duy rất đa dạng và nhiều sắc độ, gần như không có giới hạn nào cả. Ví dụ như với chủ đề Mẹ thì mỗi bài là một sắc thái, một yếu tố riêng biệt. Như bài “Bà Mẹ Gio Linh”, “Mẹ quê”…
- Ông quan tâm nhiều đến nhạc sĩ Phạm Duy?
- Vâng! Qua sự nghiên cứu của tôi, tôi thấy rằng nhạc Việt Nam là một môn học, mà trong đó nhạc Phạm Duy là một môn học nữa. Nói về số lượng tác phẩm, sự đa dạng và phẩm chất thì nhạc Phạm Duy chiếm tỉ trọng gần phân nửa. Do vậy, nếu như tác phẩm của ông không được phổ biến thì nền âm nhạc Việt Nam sẽ chịu một sự hụt hẫng nhất định nào đó. Tôi nghĩ ông ấy là một trong những người nghệ sĩ yêu nước. Mà phần đông những người Việt Nam sống ở nước ngoài cũng rất yêu nước. Nếu tính về lịch sử thì những người theo Quốc dân Đảng cũng là người yêu nước, chứ không chỉ riêng Việt Minh. Những năm gần đây, Nhà nước Việt Nam đã có những chính sách rất cởi mở thông thoáng đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Tôi nghĩ là chính quyền Việt Nam sẽ cho phép phổ biến các ca khúc hay của nhạc sĩ Phạm Duy.
- Ông có quan tâm đến nhạc Việt Nam trong nước hiện nay không, thưa Giáo sư?
- Tôi chưa có điều kiện để nghe nhiều. Nhưng tôi biết nhạc trong nước bây giờ có nhiều loại khác nhau. Có một số tác giả tiếp thu nhạc Jazz và viết khá tốt. Tôi thích nghe. Tôi không thích nghe nhạc kích động. Ở thành phố Huế có có một quán café nhạc mà người ta chỉ chơi violon, piano va guitar, không có trống. Có khi nhạc công chơi độc tấu. Ca sĩ ở đây phần đông là sinh viên của trường Âm nhạc Huế. Lần này đến Huế, nhất định tôi sẽ lại đến đó để nghe nhạc.
- Qua sự giảng dạy của Giáo sư ở Đại học Chapel Hill, các sinh viên có thích nghe nhạc Việt Nam không ạ?
- 75% sinh viên khoa Việt Ngữ là sinh viên Việt Nam, họ là Việt kiều thế hệ thứ hai. Mỗi người có một cách tiếp thu. Một số chỉ thích nhạc trẻ. Một số bảo thủ hơn tôi, chỉ thích nghe cải lương. Có một vài sinh viên thích nhạc kích động. Họ là những người thông minh. Trong số sinh viên có 2 em là người Mỹ rất chăm chỉ. Có một số sinh viên mong muốn sẽ đến Việt Nam để đi học và nghiên cứu thêm. Kỳ nghỉ hè này của tôi cũng là để học hỏi và nghiên cứu thêm về văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam, nhất là về âm nhạc. Tôi sẽ tìm hiểu thêm về dân ca và cải lương. Thời thơ ấu, tôi đã được đào tạo về nhạc cổ điển Tây Phương. Tôi đã rất yêu nó. Giờ thì nhạc Việt Nam đang hứa hẹn sẽ trở thành một loại nhạc cổ điển thứ hai trong tôi. Nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm hồn tôi.
- Xin cảm ơn những nhận xét trân trọng của Giáo sư. Chúc Giáo sư có một kỳ nghỉ hè thoải mái, vui tươi và bổ ích.
QUỲNH LỆ thực hiện
17/07/2005 (GMT+7)