Giới hạn của âm nhạc tình dục
- Details
- Written by Minh Chánh
- Hits: 3883
Từ giữa thập niên 80, nhạc sĩ Phạm Duy đã khai thác đề tài này khi ông đang sống ở Mỹ, nơi đời sống tình dục vừa qua cuộc giải phóng thoát khỏi vòng cương tỏa của truyền thống. Được một chương trình phát thanh đặt hàng, ông bắt tay sáng tác cũng như viết lời Việt cho nhiều bài hát nhục tình nổi tiếng của Pháp và Mỹ. Kết quả là những "Tình tự ca", "Đêm hôm đó", "Emmanulle", "Nô lệ ái tình", "Người tình bên gối"...
Đó là chưa kể tới "tục ca" với nhưng ca khúc tục về ý lẫn từ ngữ như "Gái lội qua khe", "Nhìn L..."...được Phạm Duy cho ra đời vào thập niên 70 như cách thể hiện thái độ sống đối với thời cuộc. Những ca khúc của ông vào thời điểm này đã khởi đi nhiều đề tài tranh cãi về âm nhạc, qua lại trên đường biên của cấm kỵ và cởi mở, trói buộc và tự do, nghệ thuật và dung tục...
Trước khi bàn tới những tranh cãi ầm ĩ bên ngoài xã hội, có lẽ người ta cần nhìn nhận hiện tượng này trước hết như một nhu cầu tự thân và có thật của những nhà sáng tạo, muốn được giải phóng và chắp cánh cho cá tính sáng tạo thoát khỏi sự cũ mòn về nghệ thuật lẫn nội dung đề tài.
Người nhạc sĩ thấy mình thăng hoa trong niềm giao cảm giữa âm nhạc và nhục tình. Tự do tuyệt đối là điều mà người ta có thể cảm nhận được khi nghe những câu hát như "Em quấn chân anh, anh gác chân em, ta khóa nhau trên giường tình..." (Tự tình ca – Phạm Duy), hay những ca khúc sử dụng những từ ngữ không tránh né như giao hợp hay phóng tinh...trong "Thằng mõ" của Ngọc Đại.
Tuy nhiên, dưới góc độ tâm lý tiếp nhận, việc nghe những câu hát về tình dục có tác động lên cảm xúc và ý thức của người nghe rất khác so với việc xem một cảnh nóng trên phim, hay đọc một tiểu thuyết khiêu dâm. Cũng như, khác với chuyện người ta đùa cợt bằng cách chế lời tục tĩu cho những giai điệu phổ biến, hoặc nghe thứ âm nhạc kích động dục tính trong hơi men vũ trường.
Bởi với âm nhạc đích thực, việc tiếp nhận của người nghe luôn xảy ra cùng lúc với mong đợi được khơi lên những xúc cảm thẩm mỹ đẹp đẽ và thuần khiết bên trong họ, mà không nghệ thuật nào có được. Đây quả thật là giới hạn mà âm nhạc ca ngợi nhục tình, vốn gắn liền với xác thịt hơn là tinh thần, không dễ gì vượt qua.
Do vậy, sự phản ứng đối với ca khúc về tình dục thời gian qua là điều tự nhiên và dễ hiểu. Ngay cả khi người ta chỉ nghe nói về chúng, mà chưa hề nghe thực sự, cũng có thể vì cơ chế "phòng vệ" trước cái tục mà quyết định lên tiếng phản đối, đòi ngăn chặn. Nó cho thấy khả năng và mức độ tương thích của thể loại ca khúc này đối với đời sống hiện nay tại VN.
Ngay chính Phạm Duy cũng từng trả lời trong một bài phỏng vấn: "Cá nhân tôi là nghệ sĩ, tôi tham lam sáng tác và tôi không thể chỉ sáng tác một đề tài. Nhưng đề tài này tế nhị quá, cho nên tôi đã không phổ biến, các con tôi cũng bảo đừng nên đưa ra quần chúng". Từ tục ca tới nhục tình ca, ông chỉ thu âm để cho ông nghe, dành tặng một số bạn bè chứ không phát hành hay mua bán.
Riêng với "Thằng mõ", nhạc sĩ Ngọc Đại tìm đủ mọi cách để thu âm, in ấn, bán hoặc tặng cả ngàn đĩa nhạc cho bất cứ ai ngỏ ý muốn mua, muốn nghe hay muốn ủng hộ. Câu chuyện không chỉ cho thấy ở ông có nhu cầu được người khác chia sẻ, mà còn có những ức chế đối với hệ thống kiểm duyệt và cấp giấy phép từng bắt ông "đục bỏ" nhiều từ ngữ trong album "Nhật thực". Ở góc độ này, nhiều nghệ sĩ và công chúng bày tỏ sự thông cảm dành cho ông, chứ không phải cho những sáng tác của ông.
Nhưng mặt khác, việc làm của ông không khỏi khiến các nhà quản lý lúng túng khi không biết "vịn" vào đâu, để nhân danh lợi ích cộng đồng và kỷ cương pháp luật, mà xử lý ông. Bởi hành động phổ biến đĩa của ông trộn lẫn giữa cho, tặng, biếu, bán... rất khó bị kết vào hoạt động phát hành băng đĩa theo như cách hiểu truyền thống. Còn để kết luận ông đang phát tán "văn hóa phẩm đồi trụy", vi phạm thuần phong mỹ tục lại rất khó thuyết phục được dư luận.
Nói đi cũng phải nói lại, có phải truyền thông và nhà quản lý đang làm "to chuyện" lên quá mức, khiến vụ việc mang một tính chất khác đi so với lúc ban đầu hay không? Nhìn lại, những bài nhục tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy từ 30 năm nay vẫn cứ chảy trong một mạch ngầm, như bản thân nó tự quyết định cho mình một đời sống như vậy. Cũng như, chính bản thân cuộc sống đã sàng lọc, đặt để nó ở vị trí chỉ những ai muốn tìm và muốn nghe thì mới thấy.
Minh Chánh
9.5.2013
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/120387/gioi-han-cua-am-nhac-tinh-duc.html