Phạm Duy, Đại Lực Sĩ
- Details
- Written by Nguyên Sa
- Hits: 3621
Nhà văn Nguyễn Tuân, tác giả những cuốn văn xuôi chất ngất mộng giang hồ THIẾU QUÊ HƯƠNG, MỘT CHUYẾN ĐI, thường thích viện dẫn Paul Morand, Khi tôi chết, xin hãy mang da tôi ra làm chiếc va ly. Để cho bộ da của người suốt đời say mộng phiêu bồng được tiếp tục di chuyển. Giả thuyết da của những người thường xuyên nay đây mai đó được tôi luyện bởi nắng gió trên khắp hoàn vũ mang sử dụng làm va li tốt hơn da của những cậu con nhà lành không bao giờ vượt thoát được ra khỏi thị trấn của mình trong suốt một đời người, những bộ da của Paul Morand, của Nguyễn Tuân sẽ được những người làm va li ưu tiên để thực hiện những chiếc va li hiếm quý. Ngay như trên căn bản của giả thuyết này, và nếu như làm nghề thuộc da làm va li, tôi cũng sẽ chỉ mua hai bộ da của Nguyễn Tuân và Paul Morand với ưu tiên hạng hai. Tôi biết có một bộ da còn hiếm quý gấp bội, không thể không dành ưu tiên một cho việc tạo mãi và chế biến nhằm hoàn thành chiếc va li hiếm quý. Đó là bộ da của Phạm Duy. Nếu như vị ác thần có trong tay ba bộ da một nhà văn Pháp, một nhà văn Việt Nam và một của nhạc sĩ Việt Nam vừa được nhắc tới, vị ác thần sẵn sàng cho tôi lấy da của ba người văn học nghệ thuật này để làm va li, nhưng chỉ được chọn một trong ba bộ da quý mà thôi, tôi sẽ không ngần ngại chọn bộ da Phạm Duy.
Phạm Duy di chuyển nhiều ở mức kỷ lục, không một nghệ sĩ Việt Nam nào ở trong cũng như ngoài nước có thể so sánh được, mà ngay cả Paul Morand và Nguyễn Tuân cộng lại cũng còn ở dưới cả mức kỷ lục đó rất xa.
Ba cuốn Hồi Ký Phạm Duy đã xuất bản của trọn bốn cuốn đã vẽ ra cho người yêu mến nhạc Phạm Duy và quan tâm đến cuộc đời tác giả những di chuyển liên tục của người nghệ sĩ. Những chuyến đi Hà Nội, Hải Phòng, Hòn Gai, Mông Cái, nhũng chuyến đi Hà Nội, Thanh Hoá, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài gòn, đi từ Bắc vào Nam, đi từ Nam ra Bắc. Đi cùng khắp những vùng kháng chiến các liên khu Một, Hai, Ba và Bốn. Đi từ Việt Nam sang Pháp, từ Pháp đi các nước Âu Châu. Đi bằng xe lửa, xe hơi, đi bộ, đi bằng máy bay, tầu biển.
Cuộc đời di chuyển của Phạm Duy trước tháng Tư 75 mô tả trong ba cuốn Hồi Ký đã xuất bản đã kinh khủng, cuộc đời của người nghệ sĩ tị nạn Phạm Duy kể từ 30 tháng Tư 75 còn kinh khủng hơn nữa. Tính đến ngày 13 tháng Bảy năm 1993, ngày tôi đến gặp Phạm Duy trước khi viết bài này, Phạm Duy đã lên đường tất cả 269 lần, gồm chung cả những chuyến đi trong nước Mỹ và những chuyến đi tới những vùng đất ngoài Mỹ quốc.
Hai trăm sáu mươi chín lần, nói theo Nguyễn Tuân, ''gió đã lên!'' Tác giả VANG BÓNG MỘT THỜI lâu lâu mới lên đường một lần, cho nên chuyến đi khi được khởi đầu có không khí trường đình ''gió đã lên'' đầy nghiêm trọng, với người nghệ sĩ Phạm Duy, chỉ mười tám năm ''gió đã lên'' tới 269 lần, có nhiều hy vọng ''gió đã lên'' có tiếng thở dài ''gió lại lên !'' Năm 1975, khi nhiều người tỵ nạn còn nằm trong trại, những người được người bảo trợ đón ra ngoài, phần lớn chưa có chuyến đi lớn nào khác hơn là đi từ trại đến nơi ở của người bảo trợ, không gian mênh mông còn hiện ra như một sức nặng đe dọa, Phạm Duy đã di chuyển tất cả 15 lần, trong khoảng thời gian kể từ tháng Sáu năm 1975 đến tháng Chạp cùng năm. Phạm Duy đi Pensacola ở Florida, anh đi Fort Walton Beach ở Florida, Phạm Duy đi Montgomery ở Alabama, rồi anh đi Petersburg, New York. Tháng Mười đi Pensylvania, Arkansas, Texas. Tháng Mười Một, đi Maine, New York, New Jersey, North Carolina, New York, Washington D.C., rồi lại trở về New York. Tháng Chạp anh trình diễn ở Masland, Pensylvania.
Trong thời gian 18 năm, Phạm Duy trình diễn ở California 55 lần, ở Texas 11 lần, Illinois 13 lần, New York 10 lần. Những vùng đất như Hoa Thịnh Đốn, Louisiana, Pensylvania đều không dưới sáu lần. Những tiểu bang miền Đông nước Mỹ ngoài New York, Washington D.C. và Pensylvania như Maine, Florida, Virginia, Massachusette, Maryland, những tiểu bang miền Trung nước Mỹ từ Kansas tới Missouri, từ Wisconsin tới Georgia..., nhưng tiểu bang miền Tây, phía Bắc Cali, Oregon, và Washington đều hơn mộ lần nghênh đón nhạc sĩ họ Phạm. Hành trình của Phạm Duy không giới hạn trong biên giới của Hiệp Chủng Quốc, còn phóng lên Bắc Mỹ, trước sau 15 lần trình diễn ở Gia Nã Đại, phóng sang bên kia bờ Đại Tây Dương, Phạm Duy trình diễn ở Pháp 19 lần, Thụy Sĩ bảy lần, Đức 11 lần, Bỉ năm lần, Na Uy hai lần. Chưa hết. Có khi đi trình diễn Âu châu xong, Phạm Duy bay sang Úc châu ngay, có khi về nhà được vài ngày anh lại lên đường và Úc châu 18 buổi trình diễn, Nhật Bản bảy lần, những vùng đất Úc châu có Brisbane, Sydney, Melbourne, Adelaide, Perth, Nhật Bản thì trong số bảy nơi trình diễn có Tokyo và Osaka.
Bảng tổng kết số lần trình diễn của Phạm Duy trong những ngày tháng ở hải ngoại tính đến nay, năm nhạc sĩ 72 tuổi, lên tới 269 lần. Có chuyến anh đi gần, những chuyến đi miền Nam Cali chỉ năm mười miles nếu trong vùng quận Cam, năm chục miles khi đi lên Los Angeles, gần trăm nếu xuống San Diego. Nhưng cũng trong tiểu bang Cali, những chuyến đi lên miền Bắc Cali, như lên Cựu Kim Sơn, lên Thung Lũng Hoa Vàng San José, là thấy sáu bảy trăm dậm Anh. Mỗi miles gần hai cây số ngàn. Đi từ bờ biển bên này nước Mỹ, bờ biển miền Tây, sang bờ biển bên kia, bờ biển miền Đông để trình diễn ở những Boston, D.C., New York, St Paul là trên hai ngàn miles rồi, băng qua luôn Đại Tây Dương dù cho đi Luân Đôn, Paris, Brussells, Munchen, Berlin... năm ngàn có dư cho một lượt. Bảng tổng kết hành trình của Phạm Duy anh cung cấp cho tôi khi có ghi tháng năm và nơi chốn trình diễn, không tổng kết tổng số không gian đo lường, dù cho bằng đơn vị dậm Anh hay đơn vị cây số ngàn mà người nghệ sĩ đã băng qua. Tôi nhẩm tính, tôi thấy không phải một lần mà cả chục lần vòng quanh trái đất.
Hành trình trình diễn là một kỷ lục của Phạm Duy. Mỗi lần di chuyển đi trình diễn là một lần mang lại tác phẩm mới, là một thành tích độc đáo khác của người nhạc sĩ. Giới nhạc sĩ sáng tác thường ít di chuyển. Những nghệ sĩ trình diễn, những ca sĩ, tôi nghĩ, di chuyển nhiều hơn Phạm Duy cũng khó lòng, nghiêng ngửa, có thể, nhưng mỗi lần đi là một lần trình diễn sáng tác mới, chắc chắn chỉ có một mình Phạm Duy. Năm 1987, Phạm Duy không đi trình diễn bất cứ một nơi nào và anh cho biết lý do rõ ràng ''không đi lưu diễn trong năm này vì không có sáng tác mới.'' Năm 79, có sáng tác mới, Tỵ Nạn Ca, năm 82, Ngục Ca, 84, 85, 86 Hoàng Cầm Ca, 89 Rong Ca. Thập niên chín mươi khởi đầu năm đầu tiên với Bầy Chim Bỏ Xứ, 92 đã bắt qua Con Đường Cái Quan. Ngay đầu năm 93, Con Đường Cái Quan đã nhường chỗ cho Thiền Ca. Lần trước tôi tới thăm Phạm Duy, anh cho tôi nghe Hoàng Cầm Ca vừa soạn xong. Lần này, giữa năm 1993, trong lúc Thiền Ca còn âm vang khắp nơi, Phạm Duy cho tôi nghe Hàn Mặc Tử Ca. Phạm Duy nói Trường Ca Hàn Mặc Tử phổ thơ Hàn Mặc Tử trình bày bởi hai giọng ca hàng đầu là Tuấn Ngọc Và Thái Hiền, nhưng tôi nghe thấy Lâu Quá Không Về Thăm Thôn Vỹ Thái Hiền trình bày, tôi hiểu những ngày tháng cuối năm 93 này và khởi đầu 94 kia là những ngày tháng của Hàn Mặc Tử Ca. Thái Hiền có uốn lưỡi đẩy vào âm nhạc những nhịp cầu Tràng Tiền nhưng Trường Ca Hàn Mặc Tử cũng như những sáng tác của Phạm Duy nơi hải ngoại đã rời bỏ cách xa khuôn khổ ngũ cung. Mười bài Rong Ca, Phạm Duy sang New Age, Bày Chim Bỏ Xứ là Mini Opéra, Con Đường Cái Quan sang Nhạc Giao Hưởng, Thiền Ca là thánh ca. Phạm Duy di chuyển quá nhanh, trong không gian của trái đất cũng như trong không gian của âm nhạc. Tưởng Phạm Duy đi Arizona trình diễn, anh đã qua tới New York, nghe tin Phạm Duy tới Pháp, chờ anh về trên chuyến bay Paris-Los Angeles để trò chuyện, anh trở về bằng chuyến Japan Air Lines khởi đi từ Tokyo. Người thưởng ngoạn còn đang say mê với nhạc kháng chiến của Phạm Duy, anh đã sang Tình Ca, tìm anh trong Ngậm Ngùi, Phạm Duy đã sang dân ca, sang đạo ca, sang tục ca, sang nhạc phản chiến. Có những khoảng thời gian, tôi thấy cùng lúc, nhạc Phạm Duy vút lên ở nhiều phía với nhiều thể loại khác biệt. Chỗ này người ta hát Phạm Duy mới nhất Mùa Thu Chết, chỗ kia Phạm Duy mới nhất lại là Huyền Thoại Một Người Mang Tên Quốc. Cơn say lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế chưa kịp nguôi ngoai đã tiếp nối bởi màu áo hồng đào rơi. Việt Nam Việt Nam còn trên những lồng ngực kiêu hãnh có một nền âm thanh giết người đi ta ở với ai. Nhạc Phạm Duy, những ngày tháng Việt Nam đó, từ 1945 đến 1975 là những ngọn sóng lớn khi thì đó là những ngọn sóng lớn tiếp nối ngọn sóng lớn, khi thì đó là những ngọn sóng lớn này chưa chạy tới bờ, chưa tan đi, ngọn sóng lớn kế tiếp đã xô tới ào ạt. Nhạc Phạm Duy những ngày tháng lưu vong sóng nhồi sóng không giảm sút, new age còn làm chới với, mini opera đã dồn dập tới, mini còn âm vang, nhạc giao hưởng đã kín một bầu trời, giao hưởng chưa tan đi, những ngọn gió thánh ca đã thổi tới. Phạm Duy nói với tôi thời kỳ tỵ nạn anh sáng tác mạnh gấp ba thời kỳ ở trong nước. Tôi có một chục người bạn yêu nhạc Phạm Duy. Long "broker" mê thơ phổ nhạc của Phạm Duy, Việt "kỹ sư bộ quốc phòng Pháp" sang Pháp từ năm 1949 sống vĩnh viễn trong thới giới nhạc kháng chiến, Đỗ Long Vân thích nhất Mùa Thu Chết, Trần Đình Hòa trước câu hỏi nếu lạc vào một hoang đảo anh chỉ mang được theo có một bản nhạc để nghe anh chọn bản nào, đã trả lời không ngần ngại Huyền Thoại Một Người Mang Tên Quốc. Hòa là một cựu Trung Tá Không Quân.
Hôm nay, có những người thích Rong Ca, có những người mê Bầy Chim Bỏ Xứ, có những người ngất ngây với Hoàng Cầm Ca, có những tín đồ của Thiền Ca. Có những người yêu Phạm Duy của new age, của nhạc giao hưởng, của mini opera và của thánh ca hơn Phạm Duy của Tình ca, Phạm Duy của dân ca, Phạm Duy của Kháng chiến ca, Phạm Duy của thơ phổ nhạc. Và ngược lại, có những người, với họ, chỉ có Phạm Duy của Tình ca mới là Phạm Duy. Chỉ có Phạm Duy Kháng Chiến Ca. Chỉ có Phạm Duy thơ phổ nhạc. Chỉ có Phạm Duy, chỉ có Phạm Duy... Nhưng đó, bạn thích Phạm Duy nào, tùy bạn. Cũng vậy thôi. Viên kim cương có một ngàn mặt. Khác biệt với tấm gương chỉ có một mặt. Cho nên phải chọn lựa, phải bàn cãi, phải bất đồng, phải suối ngàn đầu, sông trăm nhánh chảy về vĩnh viễn một đại dương.
Nhạc Phạm Duy hay, đa dạng, dài hơi. Trong tác phẩm đã in thành sách của anh có cuốn Ngàn Lời Ca. Thật ra anh có ít nhất hai Ngàn Lời Ca. Từ hôm Ngàn Lời Ca đến nay đã có thêm gần ngàn. Ngàn Lời Ca chỉ gồm ngàn lời nhạc Việt của Phạm Duy, còn ngàn nhạc ngoại quốc lời Việt cũng Phạm Duy. Ngàn Lời Ca sao được, số bản nhạc đã tới con số trên ngàn, chưa kể những trường ca lúc sau này, một trường ca Bầy Chim Bỏ Xứ là cả chục bài, một trường ca Con Đường Cái Quan, một Hoàng Cầm Ca đều có kích thước của một chục bài tình ca thời kỳ thập niên bảy mươi trở về trước.
Hãy tưởng tượng sân khấu là một vận động trường, âm nhạc có một thế nhạc hội tương tự như thế vận hội, trên đài cao tưởng thưởng, Phạm Duy phải được mời lên cả chục lần, lãnh nhận đủ thứ huy chương vàng. Huy chương vàng kháng chiến ca cho Tiếng Hát Trên Sông Lô, cho Bà Mẹ Gio Linh... Huy chương vàng cho Tình Ca. Không ai quên được Con đường Duy Tân cây dài bóng mát. Huy chương vàng dân ca. Huy chương vàng thơ phổ nhạc. Huy Cận. Vũ Hữu Định. Cung Trầm Tưởng, Phạm Thiên Thư... Huy chương vàng đạo ca. Huy chương vàng, huy chương vàng, huy chương vàng Rong ca. Ngục ca. Thiền ca... Huy chương vàng, huy chương vàng, huy chương vàng... Người lực sĩ âm nhạc di chuyển nhiều nhất, Phạm Duy. Gia đình âm nhạc, huy chương vàng Phạm Duy. Thái Hằng lẫy lừng. Duy Quang, Duy Cường, Thái Hiền, Thái Thảo, Thái Hạnh đều là những tên tuổi sáng chói. Số lượng sáng tác phẩm nhiều nhất, Phạm Duy. Số lượng lời Việt cho những bản nhạc ngoại quốc, Phạm Duy. Huy chương vàng cho chạy tốc độ, Phạm Duy, chạy đường trường, Phạm Duy, chạy tiếp sức, Phạm Duy, ném lao, ném sào, nhảy cao, nhảy xà, giải thưởng hồi ký, huy chương vàng, huy chương vàng, huy chương vàng... Phạm Duy là một đại lực sĩ.
Hồi Ký Phạm Duy gồm bốn cuốn, ba cuốn đã in ra, cuốn bốn đã viết xong nhưng chưa in. Ba cuốn đầu, tính tròn, một ngàn hai trăm trang, hơn bù kém, bốn trăm trang một cuốn. Cuốn bốn có một chiều dầy tương tự làm thành bộ sách một ngàn sáu trăm trang. Hồi Ký Phạm Duy là một cuốn sách kỷ lục. Xét về chiều dầy, Hồi Ký Phạm Duy là cuốn sách dầy nhất trong số những cuốn Hồi Ký của văn chương Việt Nam. Hồi Ký Đỗ Mậu trước đây dầy nhất, nhưng Hồi Ký Phạm Duy, khi in xong hết, sẽ vượt Việt Nam Máu Lửa, Hồi Ký Đỗ Mậu, trên nửa vòng bánh xe. Hồi Ký Phạm Duy bỏ xa những Hai Mươi Năm Hai Mươi Ngày, những Hồi Ký của tướng Kỳ, tướng Đôn, những Hồi Ký Bảo Đại, những Hồi Ký dỏm Ông Cố Vấn của Vũ Ngọc Nhạ, xét về mặt kích thước.
Hồi Ký Phạm Duy so với Hồi Ký De Gaulle và Hồi Ký Churchill có phần nhẹ hơn, Hồi Ký De Gaulle hai ngàn năm trăm trang, năm cuốn trên dưới năm trăm trang, Hồi Ký Phạm Duy có phần nhẹ hơn, nhưng trong làng Hồi Ký Việt ngữ, rộ nở nhiều những năm gần đây, Phạm Duy lãnh huy chương vàng.
Tôi thì tôi muốn tặng luôn cho Hồi Ký Phạm Duy huy chương vàng về cả lượng và phẩm. Hồi Ký Phạm Duy là cuốn Hồi Ký viết bằng Việt ngữ làm tôi khoái trá nhất. Hồi Ký Bảo Đại đẹp như làn sương mù trên núi đồi Hoàng triều cương thổ. Có phần trầm lặng, xa xôi. Hồi Ký Vũ Ngọc Nhạ dỏm, một cuốn Hồi Ký nói dối, nhắm mục đích tuyên truyền. Hồi Ký Nguyễn Cao Kỳ ngắn gọn, ngập ngừng. Hồi Ký Đỗ Mậu có lửa, nhưng ngọn lửa phẫn nộ không nguôi ngoai làm lôi cuốn, làm trọng nể, không làm khoái trá. Hồi Ký Phạm Duy gần gũi, sống động, đọc khoái như điên vì tác giả viết với một tâm hồn đầy sảng khoái. Những chuyện nhỏ anh ném sang một bên, những chuyện buồn nhìn lại anh thấy cũng đẹp như nhạc như thơ, những chuyện tình anh kể ra đầy thống khoái. Phạm Duy là người của nghệ thuật, cái gì anh có to lớn nhất là tác phẩm của anh, đã phơi bày thanh thiên bạch nhật, viết Hồi Ký để chơi vui, không viết để chơi ai, để đánh ai, để trả một mối cựu thù, những hòn đá nhỏ anh ném xuống ao, tay anh chỉ để cầm bông hoa cho người ở Móng Cáy, người ở Hà Nội, ở Nha Trang, ở Sài gòn... Tôi đếm trong ba cuốn Hồi Ký đầu của Phạm Duy được bốn chục mối tình. Và tình yêu của Phạm Duy không phải là tình yêu áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, không phải là yêu mà chẳng nói, có nói cũng không cùng. Phạm Duy nói ngay, cầm tay, trao đổi nụ hôn, những nụ hôn dịu dàng rồi những nụ hôn bốc lửa, lửa của những ổ rơm to, lửa của dọc đường gió bụi, của căn phòng hò hẹn. Mỗi chặng dừng chân dọc đường đi từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, một chặng dừng chân dọc những con đường đất nước của những liên khu một, hai, ba, bốn, là một kỷ niệm trùng trùng, một cuộc tình bốc lửa.
Tôi hỏi Tạ Tỵ, con số ba chục, năm chục, sáu chục những mối tình của Phạm Duy, trong ba cuốn Hồi Ký đã in, có chính xác không. Nếu không thì nhiều hơn hay ít hơn. Nhiều hơn là bao nhiêu, ít hơn là bao nhiêu.
Tạ Tỵ trả lời:
-- Theo moa ba chục thì hơi ít!... Tôi hỏi:
-- Năm chục?
Tạ Tỵ:
-- Phạm Duy không thể chỉ có năm chục đào...
Tôi hỏi bảy chục, Tạ Tỵ lắc đầu. Họa sĩ trầm ngâm:
-- Theo moa...
. . .
-- Theo moa, Phạm Duy phải có ít nhất hai trăm mối tình...
Hai trăm đào. Hai trăm người, đủ loại tuổi, đủ mọi loại thành phần, có khi hai người là hai mẹ con, hai chị em, đã cùng Phạm Duy đi vào những cơn đam mê tình ái bốc lửa, không cùng.
Tôi hỏi thẳng Phạm Duy:
-- Ông Tạ Tỵ nói ông có đến hai trăm mối tình, ông không thể kể ra hết được vì kể hết thì hồi ký phải cả chục cuốn...
Phạm Duy gật đầu:
-- Tạ Tỵ bạn thân của moa, Tạ Tỵ biết rõ moa...
Tôi hỏi về một khuôn mặt nữ đã là xúc tác cho một số bài ca nổi danh của Phạm Duy, trong Hồi Ký, Phạm Duy bảo là không có gì cả, Tạ Tỵ thì lại nói là có, Tạ Tỵ bảo không thể có em nào đi qua cuộc đời Phạm Duy lại có thể đi qua khơi khơi như xe lửa đi qua ga không dừng lại như thế được. Người mang lại nguồn cảm hứngtrong một khoảng đời người hồi đó, có hay không? Phạm Duy không trả lời bằng âm thanh. Anh cầm tay tôi dắt vào gian phòng làm việc của anh. Phạm Duy bật máy cho tôi nghe Hàn Mặc Tử Ca. Tiếng Thái Hiền vang vọng tuyệt vời:
Lâu quá không về thăm thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên...
Bản nhạc dứt, Phạm Duy mang cho tôi coi cuốn sách, anh lật bìa sau, hiện ra hai tấm hình người thiếu nữ dán ở mặt trong bìa sau cuốn sách. Tôi nhìn Phạm Duy, Phạm Duy gật đầu. Anh nói:
-- Cách đây mấy năm có gặp lại, có chồng con hiện ở đây, thành ra moa không viết lên sách. Vẫn đẹp...
Tôi hỏi:
-- Vẫn đẹp?
Phạm Duy gật đầu:
-- Vẫn đẹp!...
Phạm Duy nói gặp moa khóc như mưa. Tôi không hỏi chuyện gì ở đâu, bây giờ làm gì, chồng là ai... Hỏi làm gì? Khóc như mưa, được rồi. Đủ rồi.
Tôi vẫn tưởng tôi là một điệp viên thượng thặng, cất giấu cuộc đời riêng tư của mình trong những khu rừng mật mã của tế bào óc não, trong những tủ sách riêng tư, một cách vô địch. Tôi vẫn tưởng chỉ có mình tôi biết dán lá thư tình cũ lẩn trong cuốn tự điển, gắn tấm hình Áo Lụa Hà Đông trong mặt bìa sau của cuốn Lịch Sử Triết Học. Phạm Duy còn điệp viên hàng đầu nghề hơn tôi nhiều. Anh thâm niên công vụ trong ngành nghề điệp viên cũng hơn tôi. Anh trên bảy mươi hai, tôi mới sáu mươi hai thời điểm chúng tôi gặp nhau.
Tôi đi về với hình ảnh đó. Tôi không biết người ta sẽ giữ lại hình ảnh nào của Phạm Duy cho tương xứng với kích thước của cuộc đời đại lực sĩ. Tôi thì tôi có hình ảnh đó. Hình ảnh một thanh niên mắt mộng mơ lấy ra trong tủ sách tấm hình người yêu cất giấu nơi mặt bìa trong cuốn sách cho người bạn tuổi hai mươi coi trong bầu không khí huyền hoặc của giấy phong kỹ mang thầm trong túi áo, mãi ngàn lần viết lại mới đưa đi...
Tôi nói:
-- Đẹp!
Phạm Duy ngất ngây:
-- Đẹp!
Tôi nói:
-- Đẹp tuyệt vời! Phạm Duy gật đầu lặng lẽ.
Tôi biết con người thật của Phạm Duy là con người đó. Hình ảnh của Phạm Duy chính là hình ảnh đó. Hình ảnh một người thanh niên ngàn năm hai mươi tuổi.
Nguyên Sa
(Trích Nghệ Sĩ Việt Nam ở Hải Ngoại)