23. Hát Cho Cuộc Tình - Tình Ca Một Mình
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 9290
Hát Cho Cuộc Tình - Tình Ca Một Mình
1968. Trên con đường đời Việt Nam nói chung có biết bao nhiêu là khó khăn và trên con đường riêng của tôi có biết bao nhiêu là hệ lụy, sau mười năm gần gụi nhau, đã đến lúc mà tôi và Nàng Thơ của tôi phải chia tay nhau. Trước đây, nếu tôi soạn những tình khúc có thật, dành riêng cho một người tình, tạm gọi là những bài tình ca đôi lứa thì bây giờ, tôi soạn Tình Ca Một Mình. Bây giờ thì thực sự là chia phôi rồi! Có hứa hẹn đừng xa nhau thì cũng phải tới lúc có người qua cầu, và tôi nghĩ rằng cũng chẳng còn gì nữa đâu để mà gọi mãi nhau... Thế nhưng còn nhiều lắm, còn quá nhiều dư âm của cuộc tình, cho nên tôi sẽ khản tiếng kêu lên gọi hồn người bằng những tình khúc đầy ắp kỷ niệm xưa...
NGHÌN TRÙNG XA CÁCH
(Saigon-1969)
Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười
Mời người lên xe về miền quá khứ
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu
Ðứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt mầu
Sẽ có chẳng nhiều đớn đau
Nối gót người vào dĩ vãng nhiệm mầu
Có lũ kỷ niệm trước sau
Vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ
Rồi sẽ tan đi mịt mù
Vạt tóc nâu khô còn chút thơm tho
Thả gió bay đi mịt mù
Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà giữ cho người...
Trả hết về người chuyện cũ đẹp ngời
Chuyện đôi ta buồn ít hơn vui
Lời nói, lời cười
Chuyện ngắn chuyện dài
Trả hết cho người, cho người đi
Trả hết cho ai ngày tháng êm trôi
Ðường em đi trời đất yên vui
Rừng vắng ban mai, đường phố trăng soi
Trả hết cho người, cho người đi
Trả hết cho ai cả những chua cay
Ngày chia tay, lặng lẽ mưa rơi
Một tiếng thương ôi, gửi đến cho người
Trả nốt đôi môi gượng cười
Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi
Còn lời trăn trối gửi đến cho người...
Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời
Ðường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người.
Từ nay trở đi, tôi sống với kỷ niệm và không một lúc nào tôi ngưng soạn tình ca một mình, khi thì mượn lời thơ của các thi sĩ, khi thì do chính tôi soạn cả nhạc lẫn lời. Dù trong lòng đầy ắp kỷ niệm nhưng khi cất tiếng hát bài NGHÌN TRÙNG XA CÁCH tôi muốn trả hết cho người yêu những kỷ vật xưa như tập thơ tình hay xác bướm khô, hoặc mớ tóc nâu mà nàng đã dùng -- tôi tưởng tượng -- chiếc dao vàng của Ðoàn Phú Tứ để cắt ra tặng tôi trong một ngày sinh nhật. Hoặc xin được trả lại những vết chân trên con đường Duy Tân cây dài bóng mát là nơi tôi thường đưa nàng đi học, với bài TRẢ LẠI EM YÊU. Trong bài này, tôi cố ý mượn lời nói của người trai phải đi lính và xa người yêu để bắt toàn thể thanh niên lúc bấy giờ phải hát mối tình của tôi...
TRẢ LẠI EM YÊU
(Saigon-1971)
Trả lại em yêu, khung trời Ðại Học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt
Trả lại em yêu, khung trời mùa Hạ
Ngọn đèn hiu hiu nỗi buồn cư xá
Vài giọt mưa sa hôn mềm trên má
Tóc em thơm nồng, dáng em hiền hoà.
Anh sẽ ra đi về miền cát trắng
Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng
Anh sẽ ra đi về miền mênh mông
Cơn gió Cao Nguyên, từng đêm lạnh lùng
Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó
Ðem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ
Ðem nỗi thương yêu vào niềm thương nhớ
Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về.
Trả lại em yêu con đường học trò
Những ngày Thủ Ðô tưng bừng phố xá
Chủ nhật uyên ương, hẹn hò đây đó
Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt
Trả lại em yêu mối tình vời vợi
Ngôi trường thân yêu, bạn bè cũ mới
Ðường buồn anh đi bao giờ cho tới ?
Nỗi đau cao vời, nỗi đau còn dài
Trả lại em yêu ! Trả lại em yêu !
Mây trời xanh ngát...
Tiếp tục nói về con đường tình của mình, tôi có bài hát cho những mối tình của thư sinh, của nữ sinh...
CON ÐƯỜNG TÌNH TA ÐI
(Saigon 1970)
Con đường nào ta đi, với bàn chân nhỏ bé
Con đường chiều thủ đô, con đường bụi mờ
Con đường tuổi măng tre, nắng vàng tươi đẹp đẽ
Bóng người dài trên hè, con đường tình ta đi
Con đường trời mưa êm, chiếc dù che mầu tím
Môi tìm làn môi ngon, nhưng còn thẹn thùng
Con đường về ban trưa, tới nhà hay vào lớp
Con đường của đôi mình, ôi chuyện tình thư sinh.
Thế rồi cuộc đời là những cuộc tình chia xa
Ði lạc vào những phía không đường về
Ðứng ở ngoài đầu rừng, đứng ở đầu con sông
Nhớ về con đường cũ mênh mông, mênh mông
Hỡi người tình học trò hỡi người tình năm xưa
Bóng người từng in dấu trên đường mờ
Có thuộc vạn nẻo đường, có ngại ngùng nên quên
Nhớ hoài con đường cũ không tên.
Con đường mộng hoa xưa, vẫn từng đôi từng lứa
Con đường vào mộng mơ, con đường mặn mà
Hỡi người tình Văn Khoa, bóng người trên hè phố
Lá đổ để đưa đường hỡi người tình Trưng Vương
Hỡi người tình Gia Long, hỡi người trong cuộc sống
Con đường này xin dâng cho người bình thường
Hỡi người tình xa xăm, có buồn ra mà ngắm
Con đường thảnh thơi nằm nghe chuyện tình quanh năm.
Tình ca một mình là những bài hát của kỷ niệm. Kỷ niệm trên bãi cát bên bờ trùng dương như bài NHA TRANG NGÀY VỀ hay kỷ niệm trên đồi hồng Dalat trong bài CỎ HỒNG.
NHA TRANG NGÀY VỀ
(Nha Trang-1969)
Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya
Tôi đi vào thương nhớ, tôi xây lại mộng mơ năm nào
Bờ biển sâu, hai chúng tôi gần nhau
Ðêm xưa biển này, người yêu trong cánh tay
-êm nay còn cát trắng, đêm nay còn tiếng sóng
-êm nay còn trăng soi, nhưng rồi chỉ còn tôi
Trên bãi đêm khóc người tình.
Cát trắng thơm tho, lùa vào trong nắm tay
Nào ngờ cát úa tuôn ra dần dà chẳng có hay
Ân tình trong lúc đôi mươi
Bao giờ cũng vẫn mau phai
Cho ngàn thông réo tên ai, từ đó
Lớp sóng mơn man thịt mềm, da ngát hương
Nào ngờ sóng cuốn trôi đi lầu vàng trên bãi hoang
Khi tình tôi chít khăn tang
Ai gào ai giữa đêm trăng
Cho từng lớp sóng kêu than: 'i !
Nha Trang ngày về, ngồi đây tôi lắng nghe
Ðê mê lòng tôi khóc, như oan hồn trách móc
Ôi trăng vàng lẻ loi ! Ôi đời !
Trời biển ơi ! Không cố nuôi tình tôi
Nha Trang biển đầy, tình yêu không có đây
Tôi như là con ốc, bơ vơ nằm trên cát
Chui sâu vào thân xác lưu đầy
Dạ tràng ơi ! Sao lấp cho vơi sầu này ?
Với hai bài NHA TRANG NGÀY VỀ và CỎ HỒNG, có vẻ nhạc tình cảm tính đã hơi ngả qua nhạc tình dục tính rồi đó ! Ðó là dấu vết của thời đại hơn là dấu vết cuộc tình.
CỎ HỒNG
(Dalat-1970)
Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối
Rước em lên đồi, hẹn với bình minh
Ðôi chân xinh xinh như tình thôi khép nép
Hãy vứt chiếc dép, bước đi ôm cỏ mềm
Ðồi êm êm, cỏ im im, ngủ yên yên, mộng rất hiền
Giọt sương đêm còn trinh nguyên
Nằm mê man chờ nắng sớm lên, rước em lên đồi tiên
-ồi nghiêng nghiêng, cỏ lóng lánh,
Rồi rung rinh, bừng thoát giấc lành
Trời mông mênh, đồi thênh thênh
Cỏ chênh vênh chờ đôi nhân tình
Rước em lên đồi xanh ! Rước em lên đồi trinh.
Mời em lên núi cao thanh bình
Cỏ non phơn phớt ôm chân mình
Mời em rũ áo nơi đô thành
Cùng ta lên núi cao thanh thanh
Em ơi ! Ðây con đồi dài, như bao nhiêu mộng đời
Nghiêng nghiêng nghe mặt trời yêu đương.
Níu em trên đồi, cỏ thơm mùi sữa
Níu em yêu ngồi trên bãi cỏ non
Giương đôi tay ôm thân tròn ơn mưa móc
Hãy xoã mái tóc, rũ trên vai anh mòn
Ðồi quen quen, cỏ ngoan ngoan, tưởng mơn man làn tóc rối mềm
Rồi nghe thêm lời van xin
Từ trong tim hoặc dưới suối tiên, ngã êm trên cỏ hoang
Trời trong em, đồi choáng váng, rồi run lên cùng gió bốn miền.
Cỏ không tên nằm thênh thang, rồi vươn lên vì ta yêu nàng
Hỡi ôi con đồi ngoan ! Hỡi ôi cỏ hồng hoang !
Cỏ xanh đổi sắc theo nhân tình
Mặt trời cũng đang soi tia lành
Cỏ hoang xao xuyến trên ngọn ngành
Ðỏ như trong giấc mơ lung linh
Em ngoan như tình nồng, em bao la mịt mùng
Em thơm như cỏ hồng em ơi !
Người bạn tình của tôi là một người rất yêu thơ và đã viết tới 300 bài thơ để tặng tôi. Tiếc thay, tôi không đem theo được với tôi trên bước đường lưu vong này. Trước khi xa nhau, nếu chúng tôi gặp nhau thì thường thường là để nói chuyện về thơ hay về nhạc. Cũng vì Nàng yêu thơ cho nên nếu có những bài thơ hay của thời trước hay của thời đó là tôi phổ nhạc để tặng Nàng. Bài TÓC MAI SỢI VẮN SỢI DÀI là sự phát triển của một câu ca dao miền Nam mà Nàng đọc cho tôi nghe lúc đó.
TÓC MAI SỢI VẮN SỢI DÀI
(Saigon-1969)
Thuở ấy em vừa thôi kẹp tóc
Thuở ấy anh vừa thôi học xong
Yêu anh, yêu anh em làm thơ
Yêu em, yêu em anh soạn nhạc
Thuở ấy thơ còn non mùi sữa
Thuở ấy tiếng đàn nghe vụng quá
Cho nên không khoe nhau bài thơ
Cho nên không khoe nhau bài nhạc
Ở nhà mẹ dạy câu ca
Mang ra cho nhau nghe nhé
Ở nhà mẹ dạy câu ru
Mang ra cho nhau ghi nhớ.
A à ! Lan Huệ sầu ai Lan Huệ héo
Lan Huệ sầu đời trong héo ngoài tươi.
Từ đó ta thành đôi tình nhân
Từ đó ta cùng vui tình xuân
Yêu nhau, yêu nhau theo thời gian
Xa nhau, xa nhau theo mộng tàn
Từ đó em làm dâu người ta
Từ đó anh thành anh nghệ sĩ
Em thôi, em thôi không làm thơ
Em yên, em yên vui chuyện nhà
Còn đời người bạn năm nao
Trôi theo, trôi theo cơm áo
Cười đùa đàn địch xôn xao
Nhưng không quên câu hoa héo.
A à ! Lan Huệ sầu ai Lan Huệ héo
Lan Huệ sầu đời trong héo ngoài tươi.
Ðời sống trôi hoài không nghỉ ngơi
Ðời sống kéo dài cõi trần ai
Con tim, con tim gieo ngàn nơi
Anh yêu, anh yêu cũng nhiều rồi
Lòng vẫn thương người em tuổi thơ
Lòng vẫn nhớ tình duyên ngày xưa
Bao nhiêu, bao nhiêu thiên Trường Ca
Không qua, không qua câu Mẹ hò
Ngày nào Mẹ dạy câu ca
Ðôi ta ru nhau trong gió
Ngày rày đọc lại câu thơ
Mưa rơi, mưa rơi trên má.
A à ! Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm.
Sau khi soạn những bài réo gọi kỷ niệm nhẹ nhàng, tôi còn réo gọi kỷ niệm với những nói chua sót, tang thương. Tôi mượn bài thơ tình đầy chết chóc của thi sĩ Pháp Guillaume Apollinaire để soạn ca khúc:
MÙA THU CHẾT
theo thơ Guillaume Apollinaire
(Saigon-1970)
Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi !
Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
Mùa Thu đã chết, đã chết rồi
Em nhớ cho, em nhớ cho
Ðôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa
Trên cõi đời này, trên cõi đời này
Từ nay mãi mãi không thấy nhau
Từ nay mãi mãi không thấy nhau
Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi !
Ôi ngát hương thời gian mùi th'ch thảo
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.
Vẫn chờ em, vẫn chờ em
Vẫn chờ....
Vẫn chờ... đợi em !
Bài thơ này đã từng ám ảnh tôi hồi thập niên 50 khi tôi còn là sinh viên học nhạc tại Pháp. Ðược phổ nhạc thành một ca khúc Việt Nam, mang ngữ thuật nhạc trẻ, vào năm 1970 này, bài khúc MÙA THU CHẾT nối lại truyền thống soạn nhạc mùa Thu của các nhạc sĩ lãng mạn trước đây, lần này thì ở một xúc cảm cao độ nhất. Vì nó khóc một cuộc tình có thật. Từ nay trở đi, hoặc tôi phổ nhạc những bài thơ chết chóc của các thi sĩ Việt Nam như ÐỪNG BỎ EM MỘT MÌNH, thơ của Hoài Trinh:
ÐỪNG BỎ EM MỘT MÌNH
Theo thơ Hoài Trinh - Phạm Duy phổ nhạc
(Saigon-1970)
Ðừng bỏ em một mình
Ðừng bỏ em một mình
Ðường về nghĩa trang mông mênh
Ðừng bỏ em
Ðừng bỏ em một mình
Ðừng bỏ em một mình
Ðường về nghĩa trang lênh đênh
Ðừng bỏ em
Ðừng bỏ em một mình
Ðừng bỏ em một mình
Cùng một lũ
Cùng một lũ côn trùng rỉa rúc thân hình
Ðừng bỏ em một mình
Ðừng bỏ em một mình
Một mồ trinh, một mồ trinh
Chênh vênh chờ cỏ xanh
Ðừng bỏ em một mình
Ðừng bỏ em một mình
Vài ngàn đời sau nữa
Vài ngàn đời sau nữa
Vài ngàn đời sau nữa
Ai mái tóc còn xanh ?
... TÌNH HỜ (Khuyết Danh), CHUYệN TÌNH BUỒN (Phạm Văn Bình)... hoặc tôi dựa vào một câu thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử để soạn bài:
GIẾT NGƯỜI TRONG MỘNG
(Saigon-1970)
Làm sao giết được người trong mộng
Ðể trả thù duyên kiếp phũ phàng.
Giết người đi ! Giết người đi !
Giết người trong mộng đã bội thề
Giết người đi ! Giết người đi !
Giết người quên tình nghĩa phu thê
Giết người đi ! Giết người đi !
Giết người trong mộng đã đi về
Giết người đi ! Giết người đi !
Giết người như loài bướm đong đưa
Giết người đi ! Giết người mơ !
Giết tình thơ ! Giết người trong mộng mơ.
Làm sao giết được người trong mộng
Ðể trả thù duyên kiếp phũ phàng.
Nhưng người ơi ! Nhưng người ơi !
Sao người trong mộng vẫn hiện về ?
Nhưng người ơi ! Nhưng người ơi !
Sao người trong mộng vẫn say mê ?
Ơi người ơi ! Ơi người ơi !
Sao tình trong mộng vẫn ê chề ?
Ơi người ơi ! Ơi người ơi !
Sao mình trong mộng vẫn ngu si ?
Ơi người ơi ! Ơi người ơi !
Thôi đành thôi, thôi đành thôi
Giết người trong mộng mơ.
Làm sao giữ được người trong mộng
Ðể được tình yêu, dẫu bẽ bàng.
Giết người trong mộng ?
Hay giữ người trong mộng ?
Giết người trong mộng ?
Hay giữ người mộng mơ ?
Ðây là lúc ca sĩ Lệ Thu nổi tiếng qua những bài như NGẬM NGÙI, MÙA THU CHẾT... Tôi dùng tên nàng để soạn một bài hát khóc mối tình của tôi.
NƯỚC MẮT MÙA THU
(Saigon 1970)
Nước mắt mùa Thu khóc ai trong chiều
Hàng cây trút lá nghĩa trang điù hiu
Từng chiếc từng chiếc lệ khô vàng héo
Buồn thương từng kiếp nằm trong mộ réo tên người đời quên
Nước mắt mùa Thu khóc than triền miên.
Nước mắt mùa Thu khóc trong đêm dài
Mùa mưa chới với tiếng mưa buồn rơi
Người xây ngục tối tình yêu lừa dối
Giọt mưa tìm tới để chia lầm lỗi với người hoài trinh
Nước mắt mùa Thu khóc cho cuộc tình.
Nước mắt mùa Thu khóc cho hạnh phúc
Mỏng manh vụt đến rồi tan tàn, như trăng thanh
Nước mắt nào nguôi khóc cho đời mất thần linh
Rồi, người xa người (tôi xa tôi).
Nước mắt mùa Thu khóc than một mình
Một đời ca sĩ hát trong buồn tênh
Giọng ca buồn bã vào trong đời úa
Thời gian còn đó còn thương còn nhớ hoài
Trời ơi nước mắt mùa Thu khóc thân phận mình.
Tình Ca Mùa Hạ
Cũng thuộc trong dòng nhạc tình chết chóc như vậy, tôi còn soạn những bài không được phổ thông lắm như YÊU LÀ CHẾT Ở TRONG LÒNG, NỖI BUỒN CÓ TÊN... Và vì có lúc hát lên những bài tình ca mùa Xuân, tình ca mùa Thu, tình ca mùa Ðông rồi, bây giờ tôi soạn tình ca mùa Hạ trong đó, cũng giống như trong bài CỎ HỒNG, dục tính có nhiều hơn là ở trong những tình ca của những mùa yêu đương khác.
Mùa Hạ là mùa hoa phượng. Vào lúc trời đất ấm áp nhưng lòng mình thì giá lạnh, tôi soạn
PHƯỢNG YÊU, cũng là để kể lại cuộc tình vừa qua của tôi.
PHƯỢNG YÊU
(Saigon-1970)
Yêu người như lá đổ chiều đông
Như mây hồng chưa tím
Như con chim khóc trong lồng
Như cơn giông đêm hè
Tình ta nức nở canh khuya
Yêu người như suối cuộn rừng sâu
Như con tầu say gió
Như con giun ngước lên trời
Yêu trăng sao vời vợi
Làm sao sao nói được tình tôi.
Yêu người ! Yêu Phượng !
Yêu hoa đầu mùa
Yêu mầu rực rỡ, yêu em mù loà
Yêu bằng tiếng nói đơn sơ
Yêu người, yêu cả cơn mơ dụt dè
Yêu bằng gió núi qua khe gập gềnh
Yêu bằng tiếng hát yêu tinh
Yêu người xong, chết được ngày mai
Yêu như loài ma quái
Ði theo ai tới chân trời
Ði không ngơi kêu gào
Làm sao tránh được tình yêu.
Yêu người, yêu có một lần thôi.
Xin yêu, dù gian dối
Xin yêu tôi, dẫu nghi ngờ
Khi bơ vơ còn nhiều
Thì đâu chối bỏ tình yêu.
Trong ba bài tình ca mùa Hạ sau đây thì có bài nhàn nhã và lười biếng, có bài nồng nực và cháy bỏng hơn bài PHƯỢNG YÊU. Bài NGÀY THÁNG HẠ còn đôi chút lãng mạn tính nhưng hai bài HẠ HỒNG, GIÓ THOẢNG ÐÊM HÈ đã ra khỏi loại nhạc tình cảm tính của tôi để mang khá nhiều nhục tính.
NGÀY THÁNG HẠ
(Saigon-1971)
Ngày tháng Hạ, mênh mông buồn
Lòng vắng vẻ như sân trường
Hàng phượng vĩ cũng khác thường
Nhỏ tia máu trên con đường
Ngày tháng Hạ, lê thê dài
Lòng nín lặng như khung trời
Trời cao ngất vươn lên hoài
Nhà nghiêng xuống muốn khóc ai.
Ngày tháng Hạ, trưa ngủ kỹ
Theo tiếng nhạc ve sầu đưa
Cây lá già trong tuổi thơ
Bờ dốc mòn theo tưởng nhớ
Ngày tháng Hạ, nơi rừng rú
Trên cánh đồng hay Thủ -ô
Buồn kéo dài như đường tơ
Vạt nắng chiều vẫn còn chờ.
Ngày tháng Hạ, loanh quanh về
Nơi góc vườn hay trên hè
Bờ sông vắng, neo con thuyền
Dòng nước đứng trong êm đềm
Ngày tháng Hạ, mưa gieo buồn
Nơi phố nhỏ hai linh hồn
Nằm nghe tiếng tương lai rồn
Rồi bỗng thấy biết tiếc thương.
HẠ HỒNG
(Saigon-1972)
Mùa hè đi qua như làn gió
Mùa hè trong ta đã đỏ hoe
Mùa hè đôi ta bốc lửa cháy
Lửa thiêu trái đất này
Mùa hè con tim đã toả nắng
Mặt trời trong ta đã ngồi cao
Mùa hè mưa rơi cũng đỏ máu
Và nhuộm hồng trăng sao.
Ðôi ta chỉ có một mùa Hè thôi
Ðôi ta chỉ có một cuộc tình thôi
Mùa Hè vừa tới nơi rồi
Mùa Hè vừa tới rồi đi
Ðôi ta chỉ có một mùa mà thôi
Ðôi ta chỉ có một lần đời vui
Mùa hè nhuộm sắc đêm hồng
Mùa hè làm sáng tim đen.
Mùa hè cho khô những giọt nước
Lệ buồn trong đôi mắt ngủ yên
Tình nồng như hoa ngát nửa đêm
Dù rằng sẽ chóng tàn
Mùa hè thiên nhiên như tỉnh giấc
Mùa hè đưa ta tới hồng hoang
Trần truồng yêu nhau trong trời đất
Mùa hè của uyên ương.
Ðôi ta chỉ có một mùa Hè thôi
Ðôi ta chỉ có một cuộc tình thôi
Mùa Hè sưởi ấm ta rồi
Dù rằng lửa tắt ngày mai
Ðôi ta chỉ có một mùa mà thôi
Ðôi ta chỉ có một lần đời vui
Mùa hè ngày tháng chưa già
Mùa hè h'nh phúc đôi ta.
GIÓ THOẢNG ÐÊM HÈ
(Saigon-1970)
Gió thoảng đêm hè, gió thoảng về khuya
Gió gập cô bé lúc tuổi xuân thì, giấc ngủ không mơ
Cô bé học trò, đến tuổi học trò
Gió thổi căng tròn dưới lồng ngực son
Gió rồn tim xuống, gió lạnh tâm hồn
Gió là nụ hôn làm cho cô bé nức nở nhiều hơn.
Gió thoảng đêm hè thương nhớ người đi
Nhớ người tình tơ, nhớ người tình thơ
Nhớ cuộc tình xa
Ngày tháng hè là những ngày thương nhớ
Gió để cho đời man mác buồn tênh
Những cuộc tình trinh sẽ còn mỏng manh
Hỡi cô em, lúc xuân xanh đa tình
Gió thoảng đêm hè, gió càng về khuya
Gió càng thương nhớ
Gió chỉ vô tình, gió gợi buồn thương
Cô bé một mình sẽ ngủ một mình.
Gió thoảng đêm dài muốn là niềm vui, muốn là ân ái
Gió chẳng nên lời, gió chẳng là ai
Ðể ru cô bé giấc ngủ không vui.
Phạm Duy