24. Cho Quê Hương Tồi Tệ
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 3341
Cho Quê Hương Tồi Tệ
Thương Ca Chiến Trường
Với ''tâm phẫn ca'', tôi đưa ra những lời phản kháng: Vạch mặt bọn cường đạo quốc tế đạo diễn vở BI HÀI KỊCH. Phẫn nộ trước trò NHÂN DANH chủ nghĩa, hoà bình, nhân loại để giết lẫn nhau. Mỉa mai trong CHUYỆN HAI NGƯỜI LÍNH. Thở dài với chuyện BÀ MẸ PHÙ SA. Thét lên rồi phát điên vì TÔI KHÔNG PHẢI LÀ GỖ ÐÁ. Cuối cùng tuyên bố Trời Phật Thánh Thần đều bất lực trước cái chết của NGƯỜI LÍNH TRẺ... Những tiếng nói thật về thân phận người lính Việt Nam như vậy cũng có những người khác nói lên, nhất là những thanh niên đang phục vụ trong Quân Ðội. Một bài thơ nhan đề TRẢ LỜI MỘT CÂU HỎI của một người lính chiến tên là Linh Phương, đăng trong góc nhỏ của một tờ báo hằng ngày được tôi thêm lời, thêm ý để thành bài:
KỶ VẬT CHO EM
theo thơ Linh Phương
(Saigon-1971)
Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại ?
Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về
Anh trở lại, có thể bằng chiến thắng Pleime
Hay Ðức Cơ, Ðồng Xoài, Bình Giã
Anh trở về, anh trở về, hàng cây nghiêng ngả
Anh trở về có khi là hòm gỗ cài hoa
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn mùi tang trắng.
Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại ?
Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn phủ kín hồn anh
Anh trở về, bờ tóc em xanh
Chít khăn sô trên đầu vội vã, em ơi !
Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại ?
Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về
Anh trở về, đây kỷ vật, viên đạn đồng đen
Em sang sông cho làm kỷ niệm
Anh trở về, anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, bại tướng cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá.
Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại ?
Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về
Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anh trở về dang dở đời em
Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen
Cố quên đi một lời trăn trối, em ơi !
Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại ?
Xin trả lời. xin trả lời. mai mốt anh về.
Ngoài những bài phản đối chiến tranh một cách trực tiếp như vậy, còn có những bài thơ phản đối chiến tranh một cách gián tiếp. Ðó là những bài thơ mong ước hoà bình mà bài KHI TÔI VỀ của Kim Tuấn -- một sĩ quan trong Quân Lực -- do tôi phổ nhạc vào 1968 là một ví dụ. Ðây cũng là lời lẽ của một người lính Việt Nam chứ không phải lời lẽ của một ngưòi dân thường.
KHI TÔI VỀ, KHI TÔI VỀ, KHI TÔI VỀ
theo thơ Kim Tuấn
(Saigon 1968)
Khi tôi về, con chim câu nằm trong tổ ấm
Dây thép gai đã hết rào quanh đồn phòng ngự
Và người lính đã trở về cày đám ruộng xưa
Khi tôi về, con diều bay, đùa bay trong gió
Chốn quê nhà trên thảm cỏ xanh
Có lũ trẻ để bụng lòi rốn đen, cười thanh bình.
Khi tôi về, có con trâu rung mõ xa xôi như trong giấc mộng
Khi tôi về, với hai tay tôi níu con tim tôi ôm lồng ngực
Khi tôi về, giọng hát ru nối lại dĩ vãng trầm trầm như chưa tắt thở
Có người rủ nhân loại đi xem địa ngục, mà không ai trả lời.
Khi tôi về, mẹ già vừa tóc bạc, đôi mắt nhìn xa xôi
Mẹ tôi ngóng tương lai và quên hết ưu phiền.
Con cò lại bay trên đồng ruộng xanh
Tre già bảo nhau cúi đầu trầm ngâm
Cùng mùi khói lam quen thuộc.
Con cò lại bay trên đồng ruộng xanh
Tre già bảo nhau cúi đầu trầm ngâm
Cùng mùi khói lam quen thuộc.
Khi tôi về, tôi đi thăm bờ sông thuở nhỏ
Tôi sẽ buồn vì chuyện ngày xưa
Tôi sẽ khóc vì chuyện quê hương
Bao lần đau khổ bao lần cay đắng.
Quê hương tôi là ở đó
Quê hương tôi ngày còn bé
Tôi lớn lên bằng lời ru
Và bằng tình thương bằng hờn căm và bằng tủi hờn.
Khi tôi về, con chim ca lời ca tình ái
Lũ thiếu nhi đã hát mừng cho đời thịnh trị
Dù còn yếu cũng nhoài mình vồ lấy tình yêu.
Khi tôi về, khi tôi về, cuộc đời xuôi chẩy
Bóng trăng xưa soi trên lối mòn
Có rừng cây ấm vì nhiều thương nhớ
Có người yêu cũ nằm chờ bên gối
Và khi thức dậy tôi tìm thấy tôi
Và khi thức dậy tôi tìm thấy tôi
Và khi thức dậy... tôi tìm... thấy... tôi.
Tôi gọi chung tình hình của Việt Nam trong khoảng 1968-1972 bằng bốn chữ ''quê hương tồi tệ'' và trong bối cảnh bi đát này tôi cho in một nhạc tập nhan đề THƯƠNG CA CHIẾN TRƯỜNG. Thi sĩ Ngô Ðình Vận có chung ý nghĩ nên gửi cho tôi hai bài thơ để phổ nhạc.
TÌNH KHÚC TRÊN CHIẾN TRƯỜNG TỒI TỆ
theo thơ Ngô Ðình Vận
(Saigon-1971)
Gửi tới em ! Gửi tới em ! Gửi tới em !
Một hạt mưa lẻ loi trong đêm tối, mưa bay dài
Gửi tới em ! Gửi tới em ! Gửi tới em !
Một giọt mưa, hạt nước mắt
Hạt nước mắt hiếm hoi trong đời này !
Gửi tới em ! Gửi tới em ! Gửi tới em !
Một đốm lửa lạc loài
Ðiếu thuốc trên môi, lập loè trong giông bão
Gửi tới em ! Gửi tới em ! Gửi tới em !
Hơi thở này nồng nàn, ta yêu nhau đắm say (ơ ơ ờ)
Gửi tới em ! Gửi tới em ! Gửi tới em !
Những gì còn sống sót trên đời
Như hơi ấm tuyệt vời
Như hơi ấm tuyệt vời
Ta ôm em và tan loãng trong không gian
Ta ôm em và tan loãng trong không gian lưu đầy.
Gửi tới em ! Gửi tới em ! Gửi tới em !
Em có nghe xào xạc ?
Tiếng lá bay xào xạc
Tiếng gió đêm buồn buồn
Lang thang trên muôn vàn đỉnh cây
Hạnh phúc nào không tả tơi không đắng cay ?
Hạnh phúc nào không tả tơi không đắng cay ?
THẦM GỌI TÊN NHAU TRÊN CHIẾN TRƯỜNG TỒI TỆ
theo thơ Ngô Ðình Vận
(Saigon-1971)
Thầm gọi tên mày !
Thầm gọi tên tao !
Thầm gọi tên nó !
Những thằng tốt đen trong cuộc đời
Thằng lính non hay già rồi
Gọi tên mày !
Gọi tên tao !
Gọi tên nó !
Gọi tên nhau, tên nhau...
Thầm gọi tên mày !
Thằng bạn của tao !
Mày vừa ngã xuống
Chiến trường núi cao nơi địa đầu
Thung lũng sâu nơi Hạ Lào
Gọi tên mày !
Gọi tên tao !
Gọi tên nó !
Gọi tên nhau, suốt đời !
Tao gọi tên mày !
Tao gọi tên tao !
Tao gọi tên nó !
Chiến tranh ơi ! Mỗi cuộc đời nắm trong chiếc thẻ bài
Mày ơi, vợ con mày đâu, bạn bè mày đâu ?
Tao gọi tên mày !
Tao gọi tên tao !
Tao gọi tên nó !
Lũ chúng ta biết du dương, mến quê hương, biết yêu thương
Có anh em, có con tim, biết đau thương, biết cả thù oán...
Thầm gọi tên mày !
Thầm gọi tên tao !
Thầm gọi tên nó !
Giữa làn gió đêm trong rừng già
Hay dưới mưa trên vỉa hè
Gọi tên mày !
Gọi tên tao !
Gọi tên nó !
Gọi tên nhau, tên nhau !
Thầm gọi tên mày !
Thằng bạn của tao !
Mày vừa ngã xuống
Hỡi mày chết đi cho người đời
Còn sống yên trong nụ cười
Gọi tên mày !
Gọi tên tao !
Gọi tên nó !
Gọi tên nhau, suốt đời !
Nhưng nếu cần phải đánh giá từng bài trong loại ca khúc được gọi là thương ca chiến trường hay là bài hát trên quê hương tồi tệ thì bài thơ TƯỞNG NHƯ CÒN NGƯỜI YÊU của Lê Thị Ý do tôi phổ nhạc vào năm 1971 phải là bài ca não nùng, đau thương và chua sót nhất. Bài này mô tả cảnh người goá phụ đi lĩnh xác chồng từ nơi chiến địa trở về.
TƯỞNG NHƯ CÒN NGƯỜI YÊU
theo thơ Lê Thị Ý
(Saigon-1971)
Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Ngày mai đi nhận xác anh
Cuồng si thuở ấy, hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi goá phụ nhạt mờ vết son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu.
......
Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều sót sa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen
Chao ôi thèm nụ hôn quen
Chong đèn hẹn sẽ đêm đêm đợi chờ
Chao ôi thèm nụ hôn quen
Chong đèn hẹn sẽ đêm đêm đợi chờ
Bây giờ anh phủ mầu cờ
Bây giờ anh phủ mầu cờ...
.........
Em không nhìn được xác chàng
Anh lên lon giữa hai hàng nến trong
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu !
Trong tập THƯƠNG CA CHIẾN TRƯỜNG được ấn hành lúc đó, có bài thơ MẦU TÍM HOA SIM của thi sĩ Hữu Loan, phản ánh sự chua sót của người bộ đội trong kháng chiến có vợ trẻ bị chết bom. Bài thơ được phổ nhạc với cái tên ÁO ANH SỨT CHỈ ÐƯỜNG TÀ, một ca khúc phải được coi như một thương ca chiến trường.
ÁO ANH SỨT CHỈ ÐƯỜNG TÀ
theo thơ Hữu Loan
(phổ nhạc từ lâu - phổ biến tại Saigon năm 1971)
Nàng có ba người anh đi bộ đội lâu rồi
Nàng có đôi người em có em chưa biết nói
Tóc nàng hãy còn xanh, tóc nàng hãy còn xanh...
Tôi là người chiến binh xa gia đình đi kháng chiến
Tôi yêu nàng như yêu người em gái tôi yêu
Người con gái tôi yêu, người em gái tôi yêu.
Ngày hợp hôn tôi mặc đồ hành quân
Bùn đồng quê bết đôi giầy chến sĩ
Tôi mới từ xa nơi đơn vị về
Tôi mới từ xa nơi đơn vị về
Nàng cười vui bên anh chồng kỳ khôi
Thời loạn ly có ai cần áo cưới
Cưới vừa xong là tôi đi.
Cưới vừa xong là tôi đi.
Từ chốn xa xôi nhớ về ái ngại
Lấy chồng chiến binh mấy người trở lại
Mà nhỡ khi mình không về
Thì thương người vợ, bé bỏng chiều quê.
Nhưng không chết người trai chiến sĩ
Mà chết người gái nhỏ miền suôi
Nhưng không chết người trai chiến sĩ
Mà chết người gái nhỏ miền suôi
Nhưng không chết người trai chiến sĩ
Mà chết người gái nhỏ miền suôi
Hỡi ôi ! Hỡi ôi !
Tôi về không gặp nàng
Má ngồi bên mộ vàng
Chiếc bình hoa ngày cưới
Ðã thành chiếc bình hương
Nhớ xưa em hiền hoà
Áo anh em viền tà
Nhớ người yêu mầu tím
Nhớ người yêu mầu sim.
Giờ phút lìa đời
Chẳng được nói một lời
Chẳng được ngó mặt người...
Nàng có ba người anh đi bộ đội lâu rồi
Nàng có đôi người em, những em thơ sẽ lớn
Tóc nàng hãy còn xanh, tóc nàng hãy còn xanh
Ôi một chiều mưa rừng trên chiến trường Ðông Bắc
Ba người anh được tin người em gái thương đau
Và tin dữ đi mau, rồi tin cưới đi sau.
Chiều hành quân qua những đồi sim
Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt
Rồi mùa Thu trên những dòng sông
Những dòng sông, những dòng sông làn gió Thu sang
Gió rờn rợn trên mộ vàng
Chiều hành quân qua những đồi sim
Những đoàn quân, những đoàn quân và tiếng quân ca
Có lời nào ru ời ời :
À ơi ! À ơi ! Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu
Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim
Ðồi tím hoa sim, đồi tím hoa sim
Ðồi tím hoa sim, đồi tím hoa sim
Ðồi tím hoa sim...
Chiến Ca
Sau thời gian soạn thương ca chiến trường thì xẩy ra mùa hẻ đỏ lửa 1972. Tôi tạm quên những bài hát cho quê hương tồi tệ để soạn cho Không Lực Việt Nam những bài tích cực hơn như: ÐIỆP KHÚC TRẦN THẾ VINH, VÙNG TRỜI MANG TÊN TA, LÊN TRỜI, TRONG BÃO CÁT MƯA RỪNG v.v...
ÐIỆP KHÚC TRẦN THẾ VINH
Này mặt trời nhỏ bé phương Nam
Mặt trời từng sưởi ấm cô đơn
Cho ta bay ngang qua lửa đạn
Cho quê hương yên vui ngày loạn
Này mặt trời hãy khóc đi thôi
Vì người tình của nắng lên ngôi
Con chim xanh bao la tình người
Thành vị thần : TRẦN THẾ VINH ơi !
Này Thần Ðất giữ dùm thân tôi
Ngăn xâm lăng dưới đất trên trời
Này Thần Gió giữ hồn cho tôi
Xin dâng cho Tổ Quốc muôn đời.
Này bầu trời, này ánh trăng xanh
Này cả rừng sao sáng lung linh
Nghe anh VINH đêm đêm hiện hình
Trên quê hương trong cơn chuyển mình
Này cả dòng sông nước chia ngăn
Một người hùng gẫy cánh cho dân
Xin nhân danh yêu thương vẹn toàn
Hẹn một ngày thống nhất quê hương.
Này Thần Ðất giữ dùm thân tôi
Ngăn xâm lăng dưới đất trên trời
Này Thần Gió giữ hồn cho tôi
Xin dâng cho Tổ Quốc muôn đời.
Này người tình yêu dấu không tên
Phận đàn bà cuộc chiến trao duyên
Quân xâm lăng gây nên sự tình
Không ai mang khăn tang một mình
Này người tình hãy nín đau thương
Vì người dù xa vắng giai nhân
Nhưng quê hương ta thêm thần tượng :
Một người hùng trần thế vinh quang.
Này Thần Ðất giữ dùm thân tôi
Ngăn xâm lăng dưới đất trên trời
Này Thần Gió giữ hồn cho tôi
Xin dâng cho Tổ Quốc muôn đời.
Rồi tôi phổ thơ của Phạm Lê Phan thành 16 chiến khúc của Trường Ca CHIẾN CA MÙA HÈ. Tôi còn đem bài thơ MƯỜI HAI THÁNG ANH ÐI của Phạm văn Bình làm thành bài hát HÀNH TRÌNH ANH THỦY QUÂN LỤC CHIẾN. Tôi gọi tất cả là chiến ca.
HÀNH TRÌNH ANH THỦY QUÂN LỤC CHIẾN
hay là
MƯỜI HAI THÁNG ANH ÐI
theo thơ Phạm Văn Bình
Tháng giêng suôi quân ra Huế
Cố đô hoang vu điêu tàn
Bãi học chiều, em vắng bóng
Tóc thề đã quấn khăn tang
Tháng hai về trấn ven đô
Chong mắt hoả châu, giữ cầu
Gió thoảng vào hơi rượu mạnh
Qua làn sương ánh đèn mầu
.........
Ba lô lên vai, tới miền Tây Ðô
Quê hương em xanh, xanh ngợp bóng dừa
Ðêm ngủ bìa rừng, thèm làn môi ấm
Ngọt trái sầu riêng, này lúc sang mùa...
.........
Bây giờ trời mây vào hạ
Mẹ em bận đi lễ chùa
Em cầu nguyện cho chiến sĩ
Trên đường nắng sớm, chiều mưa
Tháng năm theo vì sao biếc
Hoa phượng nở quanh sân trường
Ngày xưa những tờ lưu bút
Bây giờ phong thư gói quà
Tháng sáu anh vẫn miệt mài
Hành quân chưa về thăm em
Ðừng khóc ve sầu mùa hạ
Xa thì xa vẫn chưa quên...
.........
Sang Thu mưa ngâu, nước mù bay mau
Ô hay ta sao trong lòng dâng sầu
Tráng sĩ xưa hề vượt cầu sông ấy
Người đứng đầu sông, người cuối sông này
.........
Bây giờ còn đâu huyền thoại
Hằng Nga của em bé thơ
Tất cả bầu trời thơ ấu
Ai làm tháng Tám cằn khô
Tháng Chín ta về Cửu Long
Vú sữa căng của mẹ hiền
Anh đi cho đồng tươi thắm
Tặng em này chiến công vang...
.........
Về Cà Mâu, một phong thư
Gửi cho em, lời gió thương mây, lời chim nhớ rừng,
Lời gió thương mây, lời chim nhớ rừng
Lời gió thương mây, lời chim nhớ rừng, lời ta chờ nhau
......
Cuối năm mùa Ðông đan áo
Cuối năm trời đã lạnh rồi
Thiên hạ đua áo cưới, ta thì hẹn tới mai sau.
.......
Hoa mai nở đầy, em đang chờ đợi
Mười hai tháng rồi, dài ước mơ say
Nhớ má cho hồng, nhớ môi em ngọt
Anh về cùng em, vui đón giao thừa.
CHIẾN CA MÙA HÈ, thơ của Phạm Lê Phan do tôi phổ nhạc là một trường ca gồm 16 đoản khúc.
CHIẾN CA MÙA HÈ
theo thơ Phạm Lê Phan
PHẦN I : TRỊ THIÊN
1.- Qua Cầu Ái Tử
2.- Bên Giòng Thạch Hãn
3.- Lời Dặn Dò
PHẦN II : TAM BIÊN
4.- Suối Trăng Hờn
5.- Ðêm Hội Máu
6.- Một Tình Thiêng
PHẦN III : BÌNH LONG
7.- Ðêm Hội Pháo
8.- Bất Khuất
PHẦN IV : CHIẾN THẮNG SAU CÙNG
9.- Ðưa Mẹ Về
10.- Trị-Thiên Yêu Dấu
11.- Ðưa Mẹ Về
12.- Hội Gió Trường Sơn
13.- Ðưa Mẹ Về
14.- Sữa Trắng Rừng Xanh
PHẦN KẾT : MẶC NIỆM
15.- Mặc Niệm
16.- Xin Tha Thứ
Phạm Duy