22. Hát Cho Cuộc Ðời
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 3333
Hát Cho Cuộc Ðời
Nhạc tập HÁT VÀO ÐỜI do AN TIÊM xuất bản
Tóm tắt lại, trong khoảng thời gian trước và sau vụ Tết Mậu Thân, nghĩa là từ 1966 cho tới 1969, tôi sống trong buồn vui lẫn lộn với những bài hát nói thật như tâm ca, tâm phẫn ca, với những ca khúc xây dựng cho Quân Ðội, cho Xây Dựng Nông Thôn, với những câu ca vui tươi cho Phong Trào Du Ca... Hơn nữa tôi cũng đã khởi sự sàm sỡ và văng tục ra với một vài bài vỉa hè ca và tục ca rồi ! Tôi không chỉ soạn ra một loại ca mà thôi, hoặc chỉ đả phá, hoặc chỉ xưng tụng, hoặc chỉ phản chiến, hoặc chỉ hiếu chiến. Tôi không muốn chỉ có một thái độ riêng biệt nào đối với một vấn đề đặc biệt nào cả. Tôi chấp nhận hết ! Tôi muốn sống trọn vẹn cho cuộc đời trước mặt...
... Nhất là sau khi tôi đi vòng quanh thế giới vào năm 1966 và thấy đâu đâu cũng có khẩu hiệu Make Love Not War, tôi bèn soạn một bài hát chấp nhận cuộc đời, nghĩa là chấp nhận cả hai cuộc tình và cuộc chiến:
MỘT NGÀY MỘT ÐỜI
(Saigon-1969)
Một ngày cho người sống
Một ngày cho người chết
Một ngày cho người thương
Một ngày cho người ghét
Một ngày cho cuộc chiến
Một ngày cho lười biếng
Một ngày cho bình yên
Một ngày lại cho điên.
Hỡi, hỡi ôi !
Thân phận làm người !
Thân phận làm người !
Hỡi, hỡi ôi !
Thân phận làm người !
Thân phận làm người !
Một ngày cho khẩu súng
Một ngày cho ngòi viết
Một ngày đi mà giết
Một ngày đi mà hát
Một ngày đang cười ngất
Một ngày ôm mặt khóc
Một ngày bạn bè đông
Một ngày chợt cô đơn.
Hỡi, hỡi ôi !
Thân phận làm người !
Thân phận làm người !
Hỡi, hỡi ôi !
Thân phận làm người !
Thân phận làm người !
Một ngày cho Tổ Quốc
Một ngày quên nợ nước
Một ngày cho vợ con
Một ngày cho tình nhân
Một ngày đi làm lính
Một ngày đi đảo chính
Một ngày đi cầu kinh
Một ngày về quyên sinh.
Hỡi, hỡi ôi !
Thân phận làm người !
Thân phận làm người !
Hỡi, hỡi ôi !
Thân phận làm người !
Thân phận làm người !
Một đời mang phận sống
Một đời đeo cùm gông
Một đời đi ruổi rong
Một đời vẫn chờ mong
Một đời không còn mới
Một đời không từ chối
Một đời vẫn thường nói :
Một đời người, than ôi !
Hỡi, hỡi ôi !
Thân phận làm người !
Thân phận làm người !
Hỡi, hỡi ôi !
Thân phận làm người !
Thân phận làm người !
(Âm ư - Humming)
Bài này có phần Anh Ngữ do Steve Addiss soạn và Norm Burns hát:
ONE DAY ONE LIFE
One day is to laugh, one day is to cry
One day to be born, one day is to die
One day is for joy, one day is for pain
One day is for peace, one day is insane.
Hoi, hoi oi, hoi oi, this life we lead, this life we lead
Hoi, hoi oi, hoi oi, this life we lead, this life we lead
One day is for fear, one day to be brave
One day is to kill, one day is to save
One day undertood, one day is perplexed
A hero one day, the traitor the next.
Hoi, hoi oi, hoi oi, this life we lead, this life we lead
Hoi, hoi oi, hoi oi, this life we lead, this life we lead
One lifetime of love, one lifetime of hate
One life we must choose, one life for our fate
A hope that we've lost, a hope that we keft
One life that we curse, one life we accept
Hoi, hoi oi, hoi oi, this life we lead, this life we lead
Hoi, hoi oi, hoi oi, this life we lead, this life we lead
(Humming)
Lúc này, 1969, tại Việt Nam, chiến tranh đang leo thang tới tột đỉnh, tất cả những giá trị tinh thần, đạo đức đều bị nghiêng ngửa. Chiến tranh cần chiến sĩ và tuổi trẻ Việt Nam đành chấp nhận bước theo định mệnh đó thì ta chỉ nên chúc cho họ sống một cách tuyệt vời với niềm đau của phận người trong thời đại. Xin đừng gọi họ là lính đa tình! Thi sĩ Thanh Hữu viết một câu thơ ngắn:
Vì yêu anh không là lính đa tình
Bước tuyệt vời trong mùa Xuân định mệnh
Nên từ đó dân tộc ta vẫn hoà bình.
Nếu miền Nam đừng xưng tụng chiến sĩ một cách lố lăng, nếu miền Bắc đừng khoác lên vai tuổi trẻ Việt Nam sứ mệnh thực hiện chủ nghĩa Mác-Lê và gọi họ bằng danh từ mỹ miều là giải phóng quân, là sinh Bắc, tử Nam thì trong nước ta không có chiến tranh giữa bên này bên nọ hay giữa dân ta và dân tộc nào khác cả. Trong chiều hướng đó và tiếp nối lời thơ của Thanh Hữu, tôi soạn bài CUNG CHÚC VIỆT NAM để tặng những cô gái thích làm hoa khôi, hoa hậu, các em bé thích làm siêu nhân (superman) và những người thích làm thiên thần !
CUNG CHÚC VIỆT NAM
theo một câu thơ của Thanh Hữu
(Saigon-1969)
Vì yêu anh không là lính đa tình
Vì yêu anh không là lính đa tình
Bước tuyệt vời trong mùa Xuân định mệnh
Nên từ đó dân tộc ta vẫn hoà bình.
Vì yêu em không đảo nước khuynh thành
Vì yêu em không đảo nước khuynh thành
Sống tuyệt vời trong chiều hoa khổn hạnh
Nên từ đó dân tộc ta đỡ nhục hình.
Vì yêu em không là bé siêu phàm
Vì yêu em không là bé siêu phàm
Sống tuyệt vời trong đồng trinh mộc mạc
Nên từ đó dân tộc ta đỡ lầm lạc.
Vì thương nhau không là những thiên thần
Vì thương nhau không là những thiên thần
Sống tuyệt vời trong niềm đau một phận
Nên từ đó nhân loại kia vẫn vẹn toàn.
Trong thập niên trước, tôi có cho ấn hành một nhạc tập nhan đề HÁT VÀO ÐỜI với những bài như TÌM NHAU, LỮ HÀNH, XUÂN HÀNH, MỘT BÀN TAY, XUÂN CA... là những bài hát siêu hình. Bây giờ, sau bài MỘT NGÀY MỘT ÐỜI, những bài hát vào đời của tôi thực tế hơn, phũ phàng hơn.
NHỮNG ÐIỀU TÔI BIẾT TRONG ÐỜI TÔI
(Saigon-1969)
Ai biết heo may về lúc đầu mùa
Tôi biết ai hay chờ đón chiều tà
Ai biết trăng non mọc sớm đầu nhà
Tôi biết ai mong lời nói mặn mà
Ai trong mây qua, ai đi trong mưa
Ai mong người về
Ai biết thương hoa đời chóng nhạt mờ
Tôi biết ai mang phận số ngặt nghèo
Ai biết nghe chim lồng hót buồn rầu
Tôi biết ai trong ngục tối nguyện cầu
Ai trong đêm thâu, ai đi không mau
Ai đang gục đầu
Ôi là biết, là tôi... biết nhiều
Ôi là biết, là tôi... biết nhiều
Nhưng không bao nhiêu !
Nên tôi đăm chiêu, xin ai cho tôi theo.
Ai biết ai thương người suốt một đời
Tôi biết cớ sao người ghét người hoài
Ai biết ai mang một đống lòng đầy
Tôi biết cớ sao người giết người hoài
Không ai yêu ai, nên không ai vui
(cho nên) Tôi hát câu ca, câu ca yêu đời
Tôi hát câu ca, câu ca yêu đời...
Trong thời gian này, có hai biến cố khiến cho tôi soạn ra hai bài hát, đối với tôi, được coi như là những bài dữ dội nhất trong loại ''hát vào đời''.
Bài thứ nhất là bài KỂ CHUYỆN ÐI XA tôi soạn ra khi tôi đứng trong phòng của một hotel chọc trời New York, nhìn qua cửa sổ thấy thiên hạ đang náo nhiệt đi trong mưa tuyết để mua quà Christmas tặng nhau. Rồi nhìn thấy trên giường ngủ có tờ báo Mỹ với ảnh mầu vụ thảm sát Mỹ Lai. Tôi liên tưởng tới chuyện Quân Ðội Pháp và bà mẹ Gio Linh, tới bọn buôn súng đạn, buôn tin tức, làm giầu trên đầu người dân Việt Nam. Bài hát là lời hỏi của lũ con và sự trả lời của người cha vừa đi xa về. Bài này được thu vào băng nhạc Jo Marcel trong năm 1970.
KỂ CHUYỆN ÐI XA
(New York 1970)
Cha ơi ! Cha ơi !
Cha đã đi nhiều ! Ði những nơi nào ?
Cha biết những gì ? Kể chuyện con nghe
Cha biết những gì ? Kể chuyện con nghe.
Con ơi ! Con ơi !
Cha đã đi từ ruộng đồng quê ta
Lê gót trên hè của nhiều kinh đô
Châu Á đông người, ở rồi ra đi
Âu, Mỹ xa vời, tạt về Châu Phi
Nhưng con ơi !
Cha đã đi nhiều mà chẳng bao nhiêu
Cha đã la cà mà chẳng đi xa
Con muốn nghe, thì kể chuyện cho nghe
Con ới ! Con ơi ! Con ơi ! Con ời !
Cha ơi ! Cha ơi !
Cha đã đi nhiều ! Ði những nơi nào ?
Nghe thấy những gì ? Kể lại con nghe
Nghe thấy những gì ? Kể lại con nghe.
Con ơi ! Con ơi !
Cha đã nghe toàn là lời cao sang
Nhân Ái, Nhân Quần ngập Ðại Tây Dương
Cha đã soi mình vào dòng sông Seine
Ôm ấp nhân tình ở ngọn Effel
Nhưng con ơi !
Trong lúc xuân tình vừa bừng hơi men
Cha bỗng se mình vì chợt nghe lên
Tiếng khóc la rền của Mẹ Gio Linh
Chen tiếng vô tình của bọn yêu tinh
Buôn súng buôn tiền, làm giầu lên trên
Thân xác dân hiền. Cuộc đời như điên
Nghe súng bom liền, nổ từ hai bên
Nghe tiếng dân mình chửi bọn lưu manh
Nghe thuế điên cuồng (cùng) thịt gạo leo thang
Con ới ! Con ơi ! Con ơi ! Con ời !
Cha ơi ! Cha ơi !
Cha đã đi nhiều ! Ði những nơi nào ?
Trông thấy những gì ? Thuật lại con nghe
Trông thấy những gì ? Thuật lại con nghe.
Con ơi ! Con ơi !
Ðêm Giáng Sinh nào ở miền Tân Châu (1)
Cha đứng trên lầu chọc trời trông theo
Dân chúng ra vào, quà tặng khen nhau,
Chơi tuyết bên cầu, trẻ đùa xôn xao
Nhưng con ơi !
Trên những hoa đèn chập chờn công viên
Bỗng thấy in hình một miền tre xanh
Ðôi bé quê mình quỳ gục trên mương
Anh lớn tay choàng chịu đạn cho em
Vết máu trên đường, một tràng liên thanh
Ôi ! Mỹ Lai thành quà tặng No-en
Cho những thiên đường của từng con em
Trong những gia đình gọi là văn minh
Con ới ! Con ơi ! Con ơi ! Con ời !
Cha ơi ! Cha ơi !
Cha đã đi nhiều ! Cha đã đi nhiều
Cha nhắn nhe gì ? Ðể tụi con nghe
Cha nhắn nhe gì ? Ðể tụi con nghe.
Con ơi ! Con ơi !
Cha muốn thưa rằng: Ðịa cầu xoay nhanh
Kiếp sống thanh bình, người người mưu sinh
Sao nước non mình còn nhiều điêu linh
Ai đã cố tình đẩy cuộc đua tranh
Ðem cháu con mình làm vật hi sinh
Ðất nước hai miền chật chội oan khiên.
Ôi con ơi !
Cha có đi tìm một niềm vui riêng
Cũng thấy thẹn thùng vì tội gom chung
Thế giới lẫy lừng để một quê hương
Chua sót vô vàn ! Thật là vô lương
Cha muốn thưa rằng: Người Việt đau thương
Thế giới âm thầm, thủ phạm lâu năm
Con ới ! Con ơi ! Con ơi ! Con ời !
CODA
Con ơi ! Con ơi !
Thế giới bên ngoài, cha đã đi nhiều
Nhưng cha có đi hoài, chỉ buồn thêm thôi
Cha có đi hoài, chỉ buồn thêm thôi
Chỉ buồn thêm thôi
Chỉ buồn... thêm... thôi !
(1) New Continent = USA
Bài ''hát vào đời'' thứ hai được soạn ra khi có biến cố người hùng trong trắng Hà Thúc Nhơn, dám đứng lên chống bọn tham nhũng rồi bị chúng giết đi. Ðó là bài Dạ HÀNH, một trong bộ ba LỮ HÀNH-XUÂN HÀNH-DẠ HÀNH.
Nếu LỮ HÀNH là cuộc lên đường bất tận, XUÂN HÀNH là cuộc đi trong chật hẹp một đời người thì Dạ HÀNH là cuộc đi trên đường Việt Nam có bạo tàn và tham nhũng vây quanh người đi..
DẠ HÀNH
(Saigon-1970)
Người đi trong đêm tối, trong đêm thâu,
Trong đêm vắng, trong đêm sâu
Trong đêm dầy, trong đêm dài Việt Nam, hự ! (1)
Người đi giương đôi mắt, khua đôi tay,
Ðưa chân bước trên chông gai,
Trên đất gầy, trên vũng lầy bùn nhơ, hự !
Người đi không ai dắt, không ai đưa
Như đui mắt, đi bơ vơ
Ði trong vòng vây quanh của bầy ma, hự !
Bầy ma chuyên uống máu nơi dân đen
Moi tim óc bao thanh niên
Ăn linh hồn, ăn da thịt Việt Nam, hự !
Bầy ma giơ tay níu, giơ tay mua
Giơ tay đón, giơ tay đưa
Giơ tay dọa không cho người vượt qua, hự !
Bầy ma giơ tay kéo, giơ tay ôm
Lôi ta cúi, lôi ta khom
Như con vật cong lưng bò trong đêm, hự !
Thế nhưng người là NGƯỜI nên không chịu làm thú
Thế nhưng người là NGƯỜI nên không sợ loài ma
Người đi, đi đi lên ! Người đi, đi đi lên
Người đi tìm ánh sáng mặt trời
Thế nhưng người là NGƯỜI nên không chịu làm thú
Thế nhưng người là NGƯỜI nên không sợ loài ma
Người đi, đi đi lên ! Người đi, đi đi lên
Người đi tìm ánh sáng trời lên.
Người đi trong đêm súng, trong đêm bom,
Trong đêm máu, trong đêm sương,
Trong đêm buồn, trong đêm hận thù vương, hự !
Người đi mang nước mắt, đeo khăn tang
Nhưng la hét, nhưng kêu vang
Trong ô nhục, trong muôn vàn hờn căm, hự !
Người đi trong kinh hãi, trong cô đơn
Nhưng đi tới, nhưng đi vươn
Ði ra ngoài, đi ra ngoài màn đêm, hự !
Bầy ma thêm hung dữ, thêm hung hăng
Thêm ngoan cố, thêm nhe răng
Thêm điên cuồng, thêm căm người hùng anh, hự !
Bầy ma giơ tay đánh, giơ tay phang,
Vung cây súng, vung thanh gươm
Không cho người, không cho người vùng lên, hự !
Bầy ma vung tay giết anh thanh niên
Trong đêm trắng, trong đêm đen,
Trong đêm tàn, nhưng soi bật niềm Tin, hự !
Thế nhưng người là NGƯỜI nên không chịu làm thú
Thế nhưng người là NGƯỜI nên không sợ loài ma
Người đi, đi đi lên ! Người đi, đi đi lên
Người đi tìm ánh sáng mặt trời
Thế nhưng người là NGƯỜI nên không chịu làm thú
Thế nhưng người là NGƯỜI nên không sợ loài ma
Người đi, đi đi lên ! Người đi, đi đi lên
Người đi tìm ánh sáng trời lên.
(1) sau mỗi câu hát, có tiếng "hự", tức là tiếng đấm vào lưng.
Phạm Duy