Chương 8
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 11405
Lạy Phật Trời, tôi lạy tổ tiên
Hãy cho tôi thấy đất liền
Hát Trên Đường Vượt Biển
Căn nhà Thị Trấn Giữa Đàng
Chúng tôi tới California một ngày hè 1977 với chiếc xe hơi méo mó và chiếc trailer sứt mẻ. Đã liên lạc từ trước, chúng tôi tới ở tạm nhà người quen ở đầu đường Hunter thuộc Midway City, cách Los Angeles khoảng 45 miles. Vợ tôi và các con ở một phòng trong nhà, tôi ở trong trailer có gắn máy lạnh.
Tới vùng Nam-Cali này, chúng tôi đi hát ngay ở trường Đại Học Long Beach. Rồi qua hát tại Denver ở tiểu bang Colorado do lời mời của anh bạn bác sĩ Trần Ngọc Ninh vừa vượt biển qua đây. Gặp nhau, chúng tôi mừng mừng tủi tủi, nhắc lại chuyện xưa, nhắc tới người bạn đã quá cố Nguyễn Đức Quỳnh với nhiều thương cảm. May mà anh Quỳnh mất trước 30-4, nếu còn sống thì hoặc bị Cộng Sản tóm được, hoặc phải sống lưu vong, chắc anh không có được cái chết bình thường như vào lúc anh trút hơi thở cuối cùng ở Saigon.
Phạm Duy và bác sĩ Trần Ngọc Ninh
Biết thêm cảnh vật Nam-Cali rồi, tôi còn có cơ hội leo lên miền Bắc Cali, trình diễn tại Sacramento (nữ sĩ Trùng Dương đi coi, nhưng có lẽ thấy tôi buồn nên không tới nói chuyện), Rồi tới San Francisco và San José, nơi được gọi là ''thung lũng hoa vàng'' đang có thêm cái tên ''thung lũng điện tử''. Người Việt tị nạn rất thành công khi đi vào nghề ráp máy điện toán ở đây. Tại San José, ban ca nhạc ba người đã được sự ủng hộ nhiệt tình của ông Vũ Văn Lộc, người sẽ tạo nên những tập san thông tin và chính trị đầu tiên của người tị nạn, dưới bút hiệu Giao Chỉ.
Có thêm tiền và không muốn kéo dài sự ở chung, tôi mua một căn nhà cũng ở đường Hunter (1). Đã có kinh nghiệm sống ở Hoa Kỳ qua mấy lần thăm viếng, tôi chọn mua nhà ở chỗ này vì nhà rất gần hai xa lộ 22 và 405. Nhà Bưu Điện, ngân hàng, chợ Mỹ chỉ cách nhà tôi khoảng một mile, hằng ngày tôi có thể đi bộ ra những nơi đó. Sống tại Hoa Kỳ, có hai điều quan trọng : Phải biết nhịn ăn và hà tiện tiền đổ xăng (2).
Thành phố mang tên Thị Trấn Giữa Đàng (Midway City) nằm ở ngay bìa của một ô vuông, bao bọc bởi bốn đại lộ Bolsa, Magnolia, Westminster và Brookhurst. Cái gọi là Khu BOLSA (trước khi được gọi là LITTLE SAIGON) nằm trong cái ô vuông này. Khi tôi vừa tới định cư tại đây, cái ô vuông đó còn là những vườn dâu xanh ngát, lác đác đây đó là vài ba khu tiểu thương mại Mỹ với khoảng một chục cửa hàng trong đó hoạ hoằn mới có một tiệm ăn Việt Nam.
Tôi không thể ngờ rằng chỉ trong một thời gian ngắn, khu Bolsa (3) trở thành Little Saigon với hàng ngàn cửa hiệu Việt Nam. Nhà tôi chỉ cách Tiểu Saigon một ngọn đèn đỏ, tôi có thể đi bộ giao hàng cho các tiệm bán sách, bán băng. Sự mọc lên của Thủ Đô Tị Nạn còn khiến cho giá nhà tăng lên rất nhanh. Mua căn nhà với giá 60.000 US$, nếu bán đi bây giờ, tôi sẽ được lãi 120.000.
Người Việt ở trên đất Mỹ ùn ùn kéo về vùng này mỗi ngày mỗi đông khiến cho khu Bolsa sẽ được gọi là khu bon chen. Giới làm dịch vụ địa ốc là giới thành công nhanh nhất. Rồi tới các chợ bán thực phẩm Á Đông. Dịch vụ này nằm trong tay người Tầu, hoặc Tầu Chợ Lớn, Tầu Đài Loan, Tầu Hồng Kông hay Tầu Los Angeles, con cháu của người Tầu tới Mỹ trong thế kỷ trước để làm đường hoả xa (4). Little Saigon ở không xa Los Angeles nên bị các lực lượng kinh tế kể trên chỉ huy. Nhưng nó chỉ là ''little money'' so với các khu chợ Tầu ở New York, San Francisco hay Los Angeles nên không xẩy ra những vụ thanh toán đổ máu như ở các nơi đó. Từ ngày khởi sự thành lập cho tới khi bành trướng, Little Saigon chỉ bị sách nhiễu bởi một số thiếu niên du đãng Việt Nam do vài ba cựu quân nhân học làm ''bố già'' giật dây nhưng được Cảnh Sát địa phương và Liên Bang (FBI) dẹp ngay tức khắc.
Sống tại một nơi được coi như ổn định nhất trong các cộng đồng người Việt tị nạn, tôi hoàn toàn bước ra khỏi cơn chấn động hoang mang, chỉ còn một nỗi nhớ thương các con mà tôi giải quyết bằng cách tiếp ngân đều đều để chúng có phương tiện vượt biên. Tôi còn phác ra kế hoạch cứu con qua hai giai đoạn. Trước hết đưa Duy Quang ra khỏi Việt Nam qua giải pháp đoàn tụ với Julie đang ở Pháp. Khi ngỏ ý kiến với con dâu cũ ở Paris thì Julie đồng ý ngay dù hai đứa đã ly thân từ lâu. Một khi Quang đi thoát, Minh, Hùng và Cường sẽ dễ dàng soay sở hơn.
Tại Midway City, ba đứa con nhỏ lớn dần, vùi đầu vào việc học hành hay vui chơi, tôi ít phải bận tâm đến chúng. Chúng chỉ thỉnh thoảng lâm vào cảnh sợ ma mỗi khi vợ chồng tôi và Thái Hiền phải đi hát xa. Để thưởng công coi nhà, tôi tặng chúng đồ chơi đủ thứ. Những ngày không đi lưu diễn, Thái Hiền tới làm việc tại một cửa hàng chuyên gửi quà về Việt Nam, một dịch vụ càng ngày càng phát triển, làm giầu cho ai biết khai thác. Tôi có nhiều thì giờ để gặp bạn cũ, có thêm bạn mới. Bạn cũ gặp nhau không còn ngượng ngùng như khi còn ở trại tị nạn.
Nguyễn Đức Quang và Phạm Duy
Các ca nhạc sĩ ở gần hay ở xa khu Bolsa là Nguyễn Đức Quang của Phong Trào Du Ca, Hoàng Thi Thơ của Trăng Rụng Xuống Cầu, Ngọc Bích của kháng chiến, Lữ Liên của AVT, Bùi Thiện, ca sĩ hồi chánh, Đỗ Đình Phương, chuyên về guitare classique... Nhưng ít người có thể hành nghề ca nhạc toàn phần như tôi, người làm việc cho USCC hay YMCA, kẻ đi học nghề hay làm trợ giáo trong các trường có học sinh người Việt. Bạn cũ trong giới cầm bút có thi sĩ Cao Tiêu vào ngồi trong Sở Mách Việc, nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên làm nghề địa ốc, Lê Tất Điều từ Bloomington (Illinois) di tản về San Diego để sửa tầu biển cùng Phan Lạc Tiếp...
Gặp lại họ hàng và bạn bè cũ tại Khu Bolsa - Hoài Trung, Đoàn Bính, Nguyễn Hiền, Minh Trang...
Sống đông đảo trong một địa phương, ngoài những định chế có sẵn, còn có thêm bối cảnh mang mầu sắc dân tộc như chợ búa, quán ăn, nhà thờ (người Công giáo làm lễ bằng tiếng Việt), chùa chiền (Phật tử sửa living room kiểu Mỹ thành nơi cúng Phật)... tôi cảm thấy xã hội Việt Nam bị tan vỡ sau ngày 30-4-75 đang dần dần thành hình. Sự kiện năng gặp gỡ nhau là điện nam châm làm cho các mảnh vụn xã hội hút lại nhau.
Trong số nghệ sĩ mới quen như Hoàng Quốc Bảo, Trần Quảng Nam... tôi hay tới gặp Đông Duy, con trai của anh bạn già Hoàng Nguyên, cựu công chức lớn của Bộ Thông Tin thuở chúng tôi là người đồng sở. Đông Duy vốn là ký giả, nay trở thành chủ nhân một nhà in nhỏ và lập một cơ sở ấn hành lấy tên là ĐÔNG PHƯƠNG. Anh là một trong những người đầu tiên tung ra sách báo Việt Nam ở Mỹ. Số ra mắt của tập san mang tên TIN VĂN với chủ đề Tháng Năm Đen có bài bình luận chính trị của Tô Văn, nhạc của Trần Quảng Nam, thơ của Hoàng Khởi Phong... làm tôi có cảm hứng để soạn ngay một bài hát có tính chất tuyên ngôn được dùng để đồng ca vào ngày dân tị nạn cũng gọi là Ngày Quốc Hận như ngày đất nước bị phân đôi vào năm 1954 :
Tháng Tư Đen ! Xin cúi đầu mình xuống
Khóc quê hương, trói trong tay bạo cường
Tháng Tư Đen ! Ba mươi năm quật cường
Tàn tanh vì lọt vào tay đế quốc...
Bài hát mang tên Tháng Tư Đen muốn ghi lại xúc động chung của người Việt tị nạn. Tên bài hát nhắc tới tên một tổ chức chống đối của người Palestine : BLACK SEPTEMBER. Nó có cái mạnh của một tổ chức tranh đấu cũng mang phận lưu vong như Việt Nam này. Tuy nó nói tới sự đen đủi của số mệnh quốc gia, sự đen tối trong đầu óc mọi người, nhưng nó có thêm cái bóng bẩy, cái đa dạng vì nó đưa ra những hình ảnh như :
Tháng Tư Đen ! Xin cúi đầu một phút
Nhớ anh em, sống trong ngục trong tù
Tháng Tư Đen ! Nuôi cho sâu hận thù...
. . . . . . . . .
Tháng Tư Đen ! Xin ngước mặt nhìn tới
Tới tương lai, tới quê hương vời vợi
Tháng Tư ơi ! Hơn năm mươi triệu người
Như một người, phải thành công mới thôi !
Nó không hẳn là cảm thức của một người, nó là chữ mới, ý niệm mới trước đây không có (ngày quốc hận năm 1954 không có thêm cái tên Tháng Bẩy Đen, chẳng hạn) bây giờ được đám đông cùng nghĩ, cùng chia sẻ. Nó là một thứ truyền cảm, một thứ keo sơn muốn thắt lại sự rời rã trước đây của cái trở nên Cộng Đồng Việt Nam :
Này người Việt ở trên thế giới
Nào cùng nhau họp chung khí giới
Cất tiếng đòi tự do cho triệu đồng bào ta.
Hãy đoàn kết lại !
Tháng Tư ơi ! Hơn năm mươi triệu người
Như một người, phải thành công mới thôi !
Sau khi soạn ra vài bài hát phản ảnh những bước đi đầu tiên của tôi trên con đường tạm dung (hay con đường tự do cũng thế) tôi nhận được tin anh Vũ Hoàng Chương qua đời. Tôi sực nhớ tới những câu thơ anh viết ra từ ngày mới rời Bắc vào Nam :
Lũ chúng ta lạc loài dăm bẩy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh.
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương
Ngày còn ở Fort Walton Beach, cũng như mọi người tị nạn, tôi đang bị tê liệt sau cơn chấn động. Đời sống riêng của tôi là sự hoang mang, đời sống chung của đồng hương là một môi trường không có gì giao thoa với nhau được cả. Ai cũng sống trong cảnh xa lạ, nhiễu nhương, tan tác. Nói tới chuyện lưu vong hay di tản, mọi người đều chưa thấy chiều hướng rõ rệt của nó. Chưa ai tìm ra và nói lên ý nghĩa của cuộc ra đi vừa vĩ đại vừa bi thương này. Lúc đó ai cũng chỉ có ý nghĩ trốn thoát Cộng Sản, chưa ai xác định cuộc ra đi là chống Cộng. Trong tôi, có cả ngàn mặc cảm. Tôi còn lẩm cẩm cho rằng có lẽ Cộng Sản đúng (vì chiến thắng), mình sai (vì phải bỏ nước ra đi). Câu thơ của họ Vũ sống lại trong tôi khi nghe tin anh chết. Trong hoang mang, tôi đặt dấu hỏi vào câu tự thán của nhà thơ :
Có phải tôi là người quê hương ruồng bỏ ?
Có phải tôi là người giống nòi khinh ?
Có phải tôi là người quê hương nguyền rủa ?
Có phải tôi là người giống nòi xua ?
Tôi khẳng định ngay rằng quê hương và giống nòi không ruồng bỏ, khinh khi, nguyền rủa, xua đuổi tôi đâu :
Quê hương tôi ơi ! Tôi sinh ra ở đấy
Tôi lớn lên cùng với phận cỏ cây
Vững chắc như tre, đam mê như ngọn lúa
Tôi bám rễ vào nước mặn đồng chua.
Tôi phải bước đi vì những quyền làm dân đã chết trong tay quân gian tham độc đoán và tôi hẹn sẽ về giải phóng quê tôi...
... Mai này tôi về cùng quê hương rạng rỡ
Mai này tôi về cùng với Tự Do
Mai này tôi về cùng quê hương đổi mới (5)
Mai này tôi về cùng giống nòi tôi.
Phạm Duy
(1) Nếu đừng quá vội vàng, mua nhà ở đường Newland (bên cạnh Hunter) thì rất phù hợp với cảnh mình : đường Đất Mới trong Thị Trấn Giữa Đàng.
(2) Tham ăn là dễ bị cholesterol làm nghẽn mạch máu. Ít đi xe hơi, đi bộ nhiều nhiều thì tránh được chết non.
(3) Bolsa tiếng Mễ là buôn bán.
(4) Chưa kể Tầu Trung Cộng cũng có mặt trong các hoạt động thương mại, văn hoá...
(5) Vào năm 1978 mà tôi đã nói đến quê hương cần phải đổi mới !