Chương 9
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 4381
Lạy Phật Trời, tôi lạy tổ tiên
Hãy cho tôi thấy đất liền
Hát Trên Đường Vượt Biển
Cũng là thuyền nhân như ai, chứ bộ...
Vào lúc giữa năm 77 này, bỗng xẩy ra hai biến động cực kỳ to lớn (sau biến cố 30-4). Hai biến động này làm thay đổi thái độ của người lưu vong.
Trước hết là Phong Trào BOAT PEOPLE. Hàng ngàn người Việt bỏ nước ra đi dù nước Việt Nam trên danh nghĩa đã hoàn toàn độc lập và thống nhất. Phong trào boat people là hồi chuông báo động về sự vi phạm nhân quyền của Hà Nội. Sau gần ba năm Cộng Sản chiếm được miền Nam và trị dân bằng một chính sách vô nhân đạo, dù toàn dân phản đối nhưng không có tin tức nào lọt ra thế giới để tố cáo những trại cải tạo ở Việt Nam. Phong trào boat people với sự hùng vĩ và thảm thương của nó làm rúng động thế giới. Nó xẩy ra đúng lúc Tổng Thống Hoa Kỳ Jimmy Carter đưa vấn đề nhân quyền lên hàng đầu trong quốc sách Hoa Kỳ. Thế là ở Mỹ, cả chính phủ (Dân Chủ) lẫn dân chúng (như Joan Baez, Ginette Sagan và nhiều danh nhân khác...) sau khi mang nhiều mặc cảm vì Hoa Kỳ nhẩy sổ vào Việt Nam một cách thiếu cương quyết rồi rút lui khỏi Việt Nam một cách nhục nhã và thiếu trách nhiệm, nay muốn chuộc lỗi xưa nên tất cả đều hăng hái giúp người vượt biển. Do sự vận động của Thượng Nghĩ Sĩ Kennedy, Tổng Thống Carter ký sắc lệnh cho phép 14.000 người vượt biển vào Hoa Kỳ trong mỗi tháng. Hoa Kỳ còn ra lệnh cấm vận (1) khi Việt Cộng xâm chiếm Căm Bốt. Với sự quan tâm tới nhân quyền ở Việt Nam, sự đón nhận rộng rãi thuyền nhân Việt Nam và với sự trừng phạt Việt Cộng của Hoa Kỳ, tôi thấy Nữ Thần Tự Do đã xoay nhìn về hướng Đông Phương như tôi từng van nài qua bài hát trên đường tạm dung rồi ! Ai dám bảo (nói phét chơi) tượng đá không biết nghe bài hát nhỏ bé của một kẻ du ca, di tản buồn cười là tôi ?
Đối với người Việt tị nạn, biến cố người vượt biển cho thấy một chiều hướng tất yếu. Đó là sự ưu thắng của chủ nghĩa Cộng Sản chỉ là nhất thời. Ưu thắng của cái gọi là yếu tố Việt Nam, nhất thời bị thua thiệt nhưng chung cuộc nó có triển vọng thắng lợi. Tôi không cần viết ra đây những hành động nhốt quân nhân, công chức, trí thức, văn nghệ sĩ vào trại cải tạo, vơ vét tiền bạc của người dân qua những đợt đánh tư sản, đổi tiền... mà ai cũng biết. Một chế độ mất lòng dân như thế sẽ không thể tồn tại. Người dân phản đối bằng cách vượt biển ra đi, bất chấp sự hiểm nguy. Ra tới thế giới tự do, một người vượt biển là một phòng Thông Tin tố cáo chế độ phi nhân của Việt Cộng. Liên Sô có một Soljenytsyne để nói về Gulag Archipelo, Việt Nam có hàng triệu Soljenytsynes để tố cáo quần đảo lao tù.
Đang cần có một chủ đề để hành động, tất cả người Việt tị nạn ở trên thế giới ào ào tổ chức những công tác cứu nguy người vượt biển và tố cáo sự vi phạm nhân quyền trầm trọng của Cộng Sản. Cần nói tới một hành động điển hình nhất là một đám đông người Việt đi biểu tình ở Hoa Thịnh Đốn, trong đó có nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh, bị đau chân nên bỏ giầy đi đất. Trong đêm tối, tay cầm nến, họ tới tụ tập trước Toà Bạch Ốc. Tổng Thống Carter đã viết trong Hồi Ký là : ''...Trong đêm đó, ở trong Phòng Bầu Dục (Oval Room) nhìn ra ngoài, tôi thấy những ngọn nến lung linh giống như những linh hồn của đám người chết trên biển ! Tôi rất cảm động và hôm sau ký ngay sắc lệnh giúp đỡ người vượt biển...''
Vượt biển ! Thật là đúng với sứ mệnh của dân mình, vì chữ việt luôn luôn mang ý nghĩa vượt. Tôi còn cho rằng bức tường Berlin bị đập tan vào năm 1989 cũng do có phong trào boat people của Việt Nam đứng bên cạnh những phong trào đòi nhân quyền ở Đông Âu như Công Đoàn Đoàn Kết Solidarnosc ở Ba Lan chẳng hạn.
Biến cố boat people đến cùng lúc với biến cố chia rẽ trong nội bộ Cộng Sản Á Đông qua hai cuộc chiến tranh giữa Hà Nội và Bắc Kinh, giữa Việt Nam Đỏ và Khờ Me Đỏ. Đã có mâu thuẫn trầm trọng giữa Liên Sô và Trung Cộng rồi, nay có thêm hai vụ đổ máu Việt/Trung và Việt/Miên, tôi nghĩ rằng ngày tận số của khối Cộng Sản không xa lắm đâu. Quả nhiên, giờ khai tử của chủ nghĩa Cộng Sản sẽ điểm vào đầu thập niên 90. Đối với thời gian của lịch sử, từ 1977 tới 1992, 15 năm có là bao ?
Làm sao mà một nhạc sĩ đang đói đề tài như tôi lại có thể dửng dưng trước phong trào boat people được ? Trong lòng đầy kính phục và thương cảm, tôi soạn bài Hát Trên Đường Vượt Biển hay là Hát Cho Người Vượt Biển :
Này đoàn người đang vượt biển Đông
Bé li ti như chiếc lá trong rừng
Người liều mạng đang vượt trùng dương
Như hạt cát giữa sa mạc nóng
Đoàn người hùng đang vượt biển rộng
Mũi kim khâu ở đống rơm khô
Này đoàn người đi tìm tự do
Muốn tìm người, thật là khó !
. . . . . . . . .
Này đoàn người đang vượt biển Đông
Kiếp mong manh như áng mây hồng
Người gửi mình trong lòng đại dương
Treo đời sống giữa hai sợi tóc
Người chập chờn giữa trời biển rộng
Đã bao lâu thành đám thây khô
Này đoàn người đi tìm tự do
Cứu được người, thực chẳng khó...
Trong khi tôi đang lạy Trời Phật, lạy Thần Biển, lạy loài người, lạy tổ tiên trong bài hát để xin tất cả ra tay cứu giúp bé ngây thơ trong bão tơi bời, giúp ông bà lão nghiến răng cầm lái, đoái thương đôi trẻ mới se duyên, phù hộ cho họ mau mau thấy đất liền... thì TRỜI ĐẤT ƠI ! Các con tôi cũng đang lênh đênh trên biển cả !
Giấy bút đã không đủ để viết ra sự thống khổ ngày xa con thì bây giờ tôi cũng không tìm đủ chữ để diễn tả niềm vui sướng tột độ của vợ chồng tôi khi nghe giọng reo mừng của các con trong máy điện thoại : sau ba ngày vật vờ trên biển Đông, Minh, Hùng, Cường đã tới Pulau Tenga !
Nhờ trổ tài ''nhạc trẻ'' để giải trí cho người tị nạn ở hòn đảo thuộc Mã Lai này, chúng được Cha truyền giáo ở trong trại cho ra thành phố và vào nhà thờ gọi phone cho bố mẹ.
Các cụ có câu phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí, nhưng vào hoàn cảnh gia đình tôi, cái phúc tới hai lần trong một lúc : Duy Quang cũng vừa tới Paris ! Làm sao tôi không khỏi quỳ lạy ngoài đời từ Trời Phật, tổ tiên tới loài người như đã quỳ lạy trong bài hát cho người vượt biển.
Cũng phải mất từ 4 tháng tới 8 tháng mới hoàn tất mọi thủ tục đoàn tụ để mọi người trong gia đình tôi ôm nhau trong tiếng khóc tiếng cười...
Đi đón các con
Duy Quang tới Cali từ Paris
Nhưng ngay từ cuối 77 qua đầu 78, tôi như rồng lại gặp mây, diều lại gặp gió, tiếp tục đi trên những con đường đã phác hoạ :
- con đường tự do ở hải ngoại với tị nạn ca,
- con đường mất tự do ở trong nước với những ngục ca.
- Rồi tôi còn thong dong đi trên con đường dẫn tới những năm 2000 với mười bài rong ca.
- Và cuối cùng, chắc chắn sẽ phải có ngày được hát trên con đường về với những đạo khúc thiền ca...
Tóm tắt lại, biến cố boat people và vụ xua quân xâm chiếm Cao Miên khiến cho thế giới chán ghét Việt Nam Cộng Sản, chính phủ Hà Nội bị cô lập hoàn toàn về chính trị và kinh tế khiến tôi hoàn toàn hết bi quan về thời thế. Sự đoàn tụ với các con khiến lòng tôi không còn một sợi tơ buồn khổ. Tôi là chim Quyên đã cấu cổ quyên sinh hay thổ huyết chết, nay tái sinh từ đống xương tro của mình, cất tiếng hát to như ngày nào hát trong mười bài tâm ca.
Tiếng hát có được nhiều người nghe hay không, đó là chuyện khác.
Phạm Duy
(1) Cho tới khi tôi viết những dòng này lệnh cấm vận đã được bãi bỏ.