Chương 7
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 4159
Bánh xe quay nhanh nhanh
Chiếc thân xe rung rinh chìm trong làn cát trắng.
BÁNH XE LÃNG TỬ - Trọng Khương
Vào cuối thập niên 30 tức là thời cực thịnh của lãng mạn, tại Hà Nội, chuyện hoạ sĩ Hoàng Lập Ngôn và chiếc xe MÊ LY làm thế hệ tôi mê mẩn. Chúng tôi mơ ước được như ông ''hoàng lập dị'' kia, đóng một chiếc xe ngựa rồi đánh xe đi trên đường thiên lý, tới nơi nào có phong cảnh đẹp thì dừng xe lại, đặt giá vẽ bên đường, hay lấy đàn ra đứng hát nghêu ngao. Chao ôi sao mà mê ly đến thế nhỉ !
Một số bài hát soạn ra mấy năm sau đó đều bị ảnh hưởng cái lãng mạn của họ Hoàng và chiếc xe MÊ LY như : Con Đường Vui của Lê Vy-Phạm Duy, Đoàn Lữ Nhạc của Đỗ Nhuận... Hợp cảnh nhất là bài Bánh Xe Lãng Tử của Trọng Khương soạn thời tiền chiến :
Ta luyến lưu một kiếp giang hồ
Dù rằng cuộc sống vô bờ
Tim hồng tràn máu vô tư
Ha ha ha ha !
Cũng lãng mạn và rất dễ thương là bài Nhạc Đường Xa của Phạm Duy Nhượng, anh tôi, soạn trong kháng chiến :
Kìa lóc cóc vó ngựa rung rinh
Trên nhịp cầu tre bên suối
Hoà tiếng hát với nhịp xe đưa
Ta cười đón gió say sưa...
Lãng mạn đó còn kéo dài đến độ vào cuối thập niên 50, nghĩa là 20 năm sau, một ca khúc của Văn Phụng còn nhắc tới MÊ LY :
Ô mê lý mê ly
Ô mê lý mê ly đời ta...
Tại Saigon, một năm trước ngày lịch sử 30 tháng Tư, tôi mua cho kỳ được chiếc xe trailer của một người Mỹ nhưng than ôi, vì chiến tranh đang tới hồi kịch liệt, tôi không được cùng xe nhịp nhàng quay bánh lướt, hình xe mờ khuất trong mênh mông... trên con đường cái quan đã bị cắt ra nhiều mảnh mất rồi.
Bây giờ, giữa 1977, thật là oái oăm, trong hoàn cảnh ''phân ly'' mà vẫn nhớ tới ''mê ly'', tôi dễ dàng thực hiện giấc mơ xưa. Để làm chuyến đi xuyên lục địa Hoa Kỳ, tôi có chiếc trailer nhỏ, chắc chắn có nhiều tiện nghi hơn xe MÊ LY của hoạ sĩ họ Hoàng. Trong xe có giường nằm, có tủ đựng nước đá, có bếp gas, có tank (thùng) đựng nước. Tới những trại dành riêng cho xe trailer ở dọc đường, tôi câu điện (1) để chạy máy điều hoà không khí và coi tivi. Mắc xe trailer vào xe Buick tám máy mới mua lại nơi cửa hàng bán xe hơi cũ, chúng tôi theo xa lộ số 10 đi từ tiểu bang Florida, qua Alabama, Louisiana, Texas, Arizona... vượt vài ngàn dặm để tới California.
Ăn, ngủ trong trailer... rất vui !
Thật là một cuộc du lịch thần tiên dù du khách là kẻ vừa bước vào đời sống lưu vong nghĩa là vẫn chưa thực sự ổn định. Xa lộ rộng rãi, xe chạy êm ái. Tôi làm chủ được thời gian và không gian. Muốn đi muốn nghỉ lúc nào, muốn rẽ ngang rẽ dọc vào đâu cũng được. Đi vào tiểu bang Alabama, Louisiana là đi vào miền Nam sâu thẳm (deep South) của Hoa Kỳ, nghe loại ''nhạc sầu xanh'' (blues), sống những chuyện khắc khoải của Tennessee Williams...
Tới thành phố New Orleans là nhớ tới cô gái mắc bệnh tâm thần trong cuốn sách Chiếc Xe Điện Mang Tên Khát Tình (A Streetcar Named Desire) của văn sĩ ''lại cái'' (homosexual) đó... Đến Texas, Arizona, gặp sa mạc và những dẫy núi đá như bị lở sơn, tôi tưởng mình là John Wayne, đóng phim cao bồi, phi ngựa lóc cóc, đuổi theo dân da đỏ, bắn súng đoàng đoàng...
Dừng xe tại vùng sa mạc Texas
Ngừng lại những thành phố Mobile, New Orleans, Houston, El Paso, Phoenix... chúng tôi được người Việt tị nạn đón tiếp niềm nở. Dù chỉ là ban hát xẩm ba người mà cũng gây được biến cố (!) văn nghệ tại những cộng đồng Việt Nam nho nhỏ vừa được thành lập sau khi người tị nạn đã hoàn hồn. Đi tới đâu, tôi cũng thấy đồng hương đã nhanh chóng ổn định cuộc sống mới. Dường như ai cũng đã có việc làm. Những hội đoàn chính trị, tôn giáo, xã hội đã khởi sự thành lập. Chợ Việt Nam đã ra đời ở mỗi nơi có người Đông Dương tị nạn và nghiễm nhiên trở thành cơ quan phổ biến văn hoá Việt Nam hải ngoại, sách báo, băng nhạc được bày bán bên cạnh nước mắm, sì dầu, tương ớt...
Chuyến đi dài mười ngày này không phải lúc nào cũng bình an vô sự. Tại vùng ngoại ô của một thị trấn trong tiểu bang Texas, vào một hoàng hôn tím đỏ, có lẽ vì tài xế này quá mệt mỏi nên vừa đi vào một ngã tư thì bị một xe (do một phụ nữ Mễ lái) tông vào xe mình. Cửa xe bẹp dí, kiếng xe vỡ tan, bà Mễ gẫy chân mà không ai trong gia đình tôi bị một vết thương nhỏ nào cả. Hú vía !
Thế là sau chuyến đi năm trước bằng đường bay và biết cái lạnh cóng của miền biển hồ, cái xô bồ của hai thành phố khổng lồ New York và Chicago, bây giờ chúng tôi làm cuộc du ngoạn bằng đường bộ, đi sâu vào nước Mỹ để biết thêm cái ẩm ướt của rừng nước Louisiana, cái mênh mông của Texas, cái khô nóng của Arizona, cái mượt mà của California. Tôi tha hồ thu nhận cảnh vật Mỹ Quốc vào lòng để viết ra một bài ca sau khi định cư ở California, nhan đề Hát Trên Đường Tạm Dung :
Ta đi trên đường tạm dung
Vùng Ca Li quanh năm nắng ấm
Mà lòng người lưu vong vẫn thấy lạnh lùng...
Nói về chữ ''tạm dung''. Đối với người tị nạn, đó là một danh từ không ổn. Nó còn làm cho người mang danh từ đó thấy mình bị nhục mạ là khác, vì tiếng Anh parolee có ý nghĩa ''phạm nhân được tạm tha''. Lần đầu tiên tỏ tình với nước ''mẹ ghẻ'' qua một ca khúc, tôi dùng chữ ''tạm dung'' để đáp lễ Mỹ Quốc. A, bà tạm dung tôi thì, OK, tôi tạm dung bà. Nghĩa là tạm dung hai chiều, isnt'it ?
Ca khúc Hát trên Đường Tạm Dung đưa ra hình ảnh một người Việt Nam đi khắp Hoa Kỳ, từ vùng Ca Li quanh năm nắng ấm tới...
... Trời Si-át-Tơn mưa rơi chẳng dứt,
Cỏ hoa đua nhau khoe mầu sắc...
Rồi tới :
Mi-ni-sô-ta ! Một đời băng giá...
Mit-sip-si-pi ! Trường giang lượn khúc...
Người tạm dung còn đi vào vùng mênh mông Tếch-Xát,qua miền bông bay Lu-sia-na... xuống miền cam đong đưa ở Fờ-lo-ri-đa... theo cơn phong ba trên hồ Mi-chi-găng... rồi đi vào lịch sử người xưa ở Viêc-gi-nia... đi đâu cũng thấy cảnh đẹp người sang, nhưng sao lòng mình vẫn thấy lạnh lùng, vết thương trong tim vẫn còn rạn nứt, ngọn lửa thù vẫn còn ngùn ngụt trong đôi mắt đen... Cho tới khi tới bến Nữu Ước, gặp Nữ Thần Tự Do, người tạm dung bèn cất tiếng hỏi :
Này Thần Tự Do ơi !
Muốn hỏi Nàng mấy tiếng vu vơ
Có phải Nàng, mắt đá ngu ngơ ?
Khiến Nàng nhìn Thế Giới không xa...
... nên Nàng chỉ đấu tranh cho nhân quyền ở nước Nga, mặc cho các nước Đông Dương đang khóc ròng vì bao cảnh lầm than dưới chế độ Cộng Sản. Người tạm dung mong Nữ Thần Tự Do chuyển hướng nhìn về phía Đông, đấu tranh cho Tự Do Dân Chủ ở ba xứ Đông Dương, khi đó người tạm dung có thể :
Trời Ca-Li ta yêu nó đấy
Gần bằng tình ta yêu nắng cháy Saigon
Vùng Si-át-tơn mưa rơi lả lướt
Lòng lưu vong nghe như dịu mát
Đà Lạt ơi ! Đâu đây phảng phất khói sương...
... Người tạm dung sẽ chấp nhận Mỹ Quốc như quê hương thứ hai của mình và sẽ leo lên tặng tượng Nữ Thần Tự Do một nụ hôn thắm thiết. Với bài hát này, tôi phản ứng danh từ ''tạm dung'' bằng cách sinh động hoá cảnh sống của người tạm dung. Đó là một tiến trình, một con đường. Và đã là con đường tất nhiên nó phải dẫn tới một cái gì đó. Như Con Đường Cái Quan khi xưa của lữ khách dẫn tới cuộc thống nhất đất nước, lòng người.
Bài Hát Trên Đường Tạm Dung bây giờ dẫn tới nhiều con đường :
* Con đường tự do ở hải ngoại trên đó người tị nạn đang cất bước đi với tất cả buồn vui và ước vọng ngày trở về quê cũ.
* Con đường mất tự do ở trong nước, có người gục ngã nơi tù đầy, có thiếu phụ đi thăm chồng ở trại giam, có kẻ tìm cách vượt biên, có người mưu đồ phục quốc.
* Con đường hoài hương, con đường dĩ vãng đầy nhớ thương.
* Kể cả con đường sáng lạn dẫn tới thế kỷ 21 nữa !
Một số ca khúc nằm trong các loại gọi là tị nạn ca, ngục ca, hoàng cầm ca, rong ca... sẽ tuần tự ra đời để phản ảnh những con đường càng ngày càng thêm sinh động đó. Cho tới khi tất cả tiến trình đều dẫn tới ngày chỉ còn lại một con đường mà thôi : con đường Việt Nam thực sự hoà bình, thống nhất, tự do, dân chủ. Nghĩa là phải phân tán tới cực điểm rồi mới qui về một mối, đúng như định mạng của người Việt Nam.
Phạm Duy
(1) Phải trả tiền, không câu điện lậu như khi tôi còn ở Việt Nam đâu !