PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Tác Phẩm Tác Phẩm

Phạm Duy: Ngày xưa… Dân ca

Nhà sử học Lê Văn Lan kể rằng trong một lần đi công tác ở huyện Thanh Trì - Hà Nội, ông tình cờ gặp được một cụ bà là bà mẹ Việt Nam anh hùng, có con là liệt sĩ. Cụ bà đã hơn trăm tuổi tuy không biết chữ nhưng vẫn thuộc và hát gần như trọn vẹn ca khúc Nhớ Người Ra Đi của Phạm Duy. Ai có nghe tiếng hát hành quân xa… mà không nhớ thương người mẹ già… chờ con lúc đêm khuya, người con đã ra đi vì nước… nhớ thương con, oán thù loại thực dân… lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng… bóng dáng người hùng anh, về ấm lũy tre xanh…

Cũng một chiều bên bờ sông xứ Huế, có người đàn ông bán vé số dạo. Khi biết người vừa mua cho mình mấy tấm vé số là nhạc sĩ Phạm Duy, ông sẵn sàng hát luôn mấy ca khúc thời kháng chiến ca cho Phạm Duy nghe. Trong đời mình Phạm Duy hẳn từng đã nghe nhiều thế hệ ca sĩ, danh ca hát nhạc của mình nhưng bà mẹ trăm tuổi, người bán vé số dạo có lẽ là trường hợp bất ngờ, gần gũi và giản dị nhất đủ làm xúc động tâm hồn ông, một nghệ sĩ.

Xem tiếp...

Trường Ca Hàn Mặc Tử: Hành Trình Của Người Nghệ Sĩ Về Cái Ðẹp

(đăng trong Thế Kỷ 21, tháng 6, 1994)


Trường ca Hàn Mặc Tử (TcHMT) là tác phẩm mới của Phạm Duy vừa ra mắt quần chúng vào những ngày cuối năm 93. Về hình thức thì đây là một tổ hợp những bài thơ Hàn Mặc Tử do Phạm Duy phổ nhạc. Nhưng người nghe có thể hình dung được chủ đích của tác giả tổ khúc này không phải chỉ là phổ nhạc một số bài thơ lẻ của một nhà thơ; TcHMT có thể xem là một bản diễn giải bằng nhạc những hành trình nghệ thuật của tâm hồn Hàn Mặc Tử (HMT).

Kể từ khi nhà thơ qua đời đến nay đã hơn 50 năm, không biết bao nhiêu sách và bài báo nỗ lực phân tích tâm sự nhà thơ bằng nhiều ngả. Nhiều người đã dựa vào căn bệnh hiểm nghèo của thi sĩ mà nói nhiều về tâm trạng điên loạn bất thường của HMT để dẫn đến sự nương náu tâm hồn trong ánh sáng tôn giáo; có người đã dùng con mắt của nhà phân tâm để diễn dịch tâm hồn HMT qua những biểu hiện phức tạp của một người chịu đựng những ẩn ức tâm lý triền miên từ lúc trẻ đến khi phát bệnh nan y.

Xem tiếp...

Truyện Kiều Và Tôi - Vài Lời Về Nhạc Phẩm Cuối Đời

Chẳng còn bao lâu là tới năm 2000. Tôi sẽ bước vào tuổi 80 và bước tới thế kỷ mới... Lúc đó, để ăn mừng tuổi thọ và ăn mừng một thiên niên mới cũng như để kết thúc cuộc đời ca nhân khá lâu và khá dài của mình, tôi sẽ hoàn tất một nhạc phẩm lớn, mang cao vọng thăng hoa được con đường dân ca tôi đã chọn từ khi mới nhập cuộc đàn ca. Nhạc phẩm đó là Minh Họa Truyện Kiều mà tôi đang từ từ biên soạn. Tôi chọn Truyện Kiều của Nguyễn Du để làm tác phẩm cuối đời vì thi phẩm này tiêu biểu cho tâm thức Việt Nam trong khi tôi đã giã từ loại nhạc thế tục để đi vào loại nhạc tâm linh. Tôi còn muốn trung thành với lý tưởng điều hợp xã hội bằng âm nhạc cho nên tôi muốn dùng lời thơ vĩ đại của Tố Như và nét nhạc nhỏ nhoi của tôi để làm nơi tự tình cho những ai đã chót lìa nhau, đã chót xa nhau hơn nửa thế kỷ.

Tôi không dám cả gan phổ nhạc tất cả trên 3000 câu thơ của cụ Tiên Điền mà chỉ dùng một số câu thơ trong Đoạn Trường Tân Thanh để đưa ra bốn cảnh ngộ của Nàng Kiều. Nhạc phẩm mang tên Minh Họa Truyện Kiều. Minh họa ở đây -- xin dịch là illustration -- có nghĩa là hiển dương, là làm tăng thêm vẻ đẹp sẵn có của thi phẩm, là làm cho thơ có thêm mầu sắc, có thêm tầm vóc... Một ví dụ nhỏ là trong thơ, cụ Nguyễn Du chỉ có 6 chữ (hay 8 chữ) để tả cảnh hay tả tình như : Cỏ non xanh ngát chân trời hay Buồn trông cửa bể chiều hôm... thì bây giờ trong nhạc, tôi và con tôi là Duy Cường phải dùng giai điệu và hoà điệu để mô tả cái cánh đồng cỏ non của ngày Xuân ấy... hay tả nỗi buồn của Nàng Kiều trước lầu Ngưng Bích...

Xem tiếp...

Sương Mù London và Âm Thanh Phạm Duy

Bầu trời vào buổi chiều thứ ba 13 tháng 12 năm 1994 như rắc những lớp bông xám xịt che phủ mặt trời, gần tối bắt đầu có mưa nhẹ, bay bay như những dòng nhạc. Tối đó là một buổi sinh hoạt của Câu Lạc Bộ Việt Nam với chủ đề Nhạc Thoại Phạm Duy - Nói về Hàn Mặc Tử nhân một chuyến đi giới thiệu các tác phẩm mới của nhạc sĩ ở Châu Âu.


Tổ chức buổi gặp gỡ vào một ngày không phải cuối tuần, đồng thời là ngày mưa lạnh, thế mà những bạn bè thân hữu, những người ái mộ đã đến dự buổi nói chuyện đó. Thật hoàn toàn bất ngờ và tôi nhận được giấy mời rất gấp nhưng cũng chuẩn bị sẵn một số câu hỏi để có dịp thì sẽ nói chuyện với Nhạc sĩ Phạm Duy. Vì đó là một địa chỉ lạ, muốn đến đó phải đổi xe bus hai lần cho nên tôi đã đến sớm hơn giờ qui định 20 phút.

Mưa vẫn mưa rơi... lời của một bài hát được soạn ra như để diễn tả thời tiết London tối hôm đó. Ðịa điểm là một ngôi trường cổ, phải đi qua một dãy hành lang dài rồi lên tầng trên. Trong khi chờ đợi, tôi ra chỗ canteen mua một tách cafe rồi uống. Chợt mười phút sau thì cánh cửa rộng mở. Một người đầu đội chiếc mũ dạ, khoác một chiếc mantel mầu đen bước vào. Khi ngả mũ tôi mới để ý thấy mái tóc bạc như cước và khuôn mặt một người châu Á. Theo sau là mấy người nữa, trong đó có một người trung niên tay bê một cái ampli và có hỏi tôi: '' Sao đến sớm thế '' ?

Xem tiếp...

Phạm Duy với Bầy Chim Bỏ Xứ

Con đường đi của âm nhạc Việt Nam cho đến năm nay 1990 kể như đã được 55 năm, nếu lấy cái mốc khởi hành từ 1935 với sự xuất hiện lần đầu tiên của những ca khúc do các nhà soạn nhạc Việt Nam sáng tác. Trong lớp người đi tiên phong ấy có Nguyễn Xuân Khoát, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Lê Yên, Dzoãn Mẫn, Hoàng Quý, Ðặng Thế Phong, được xem như những nhà soạn nhạc có công đầu trong việc sáng tác nhạc Việt Nam.

Nhưng thời kỳ đáng kể nhất, đánh dấu sự vươn mình mạnh mẽ của âm nhạc nước nhà, phải kể từ những năm thập niên 40 của thế kỷ, ăn nhịp với những biến chuyển dồn dập trên đất nước. Vận hội giành lại nền độc lập với cuộc kháng chiến của toàn dân đã là chất men kỳ diệu thúc đẩy ý hướng sáng tác của lớp người soạn nhạc thế hệ 1945, trong đó có sự đóng góp của Phạm Duy như một khuôn mặt nổi bật nhất.

Thật vậy, từ hơn nửa thế kỷ ấy, Phạm Duy đã là người nhạc sĩ của những biến cố lớn trong lịch sử. ''Con Ðường Vui'', hợp soạn với Lê Vy, ''Về Ðồng Quê'', ''Quê Nghèo'', ''Mùa Ðông Binh Sĩ'', ''Bà Mẹ Gio Linh''... Một thời xuất hiện trong mùa khói lửa chiến chinh như những tiếng hát quen thuộc của mọi người thanh niên Việt. Bởi Phạm Duy đã là người có công lao đầu tiên trong lịch sử âm nhạc, đem những làn điệu dân ca vào trong sáng tác của mình, khiến người nghe cảm nhận thấy gần gũi với họ, như chính tiếng lòng của đa số người dân Việt thầm lặng được sinh ra và lớn lên trên giải đất quê hương thân thương. Những làn điệu mà mọi người đều rung động như nghe tiếng ru mẹ hiền từ khi mới nằm nôi.

Xem tiếp...