PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Cảm Nghĩ Khi Nghe Bầy Chim Bỏ Xứ

Hôm 21 tháng 6 vừa rồi Phạm Duy có lòng yêu đến thăm và cho nghe thử băng nhạc Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ. Thú vị quá, nghe xong Phạm Duy bảo viết vài câu giới thiệu. Tôi nghe bật cười trong bụng: mình có biết hát hỏng chi đâu mà dám giới thiệu ngọn Thái Sơn của nhạc Việt, nhưng cũng phải ưng, vì nhận ra kẽ hở tạm có thể chen chân chút ít là đưa ra vài cảm nghĩ về nội dung của tổ khúc, chính nó làm cho tôi rung động hết sức, vì có nghĩ suy theo đấy phần nào.

Mở đầu tổ khúc là lịch sử nước ta từ đầu thế kỷ này có thể tóm vào câu ca dao sau:


Phượng hoàng cắt cánh đuổi đi
Bắt con bìm bịp đem về mà nuôi.

Thế là:


Tuyết rơi lả tả là tà
Như chim lạc tổ như ma lạc mồ.


Trong thời tuyết rơi lả tả ấy tôi canh cánh bên lòng những chim là chim nên tôi mang bí danh là Âu Minh, nghĩa là đồng minh với chim hải âu, hàm ý là ẩn dật để suy nghĩ về ổ chim kỳ lạ là trống Ðông Sơn đầy những chim huyền sử.

Lâu lâu lại được vài con chim hải âu bay ngang vòm trời bên ngoài cửa sổ nhiều khi lượn qua lượn lại. Mỗi lần như thế thì nước mắt tôi tự nhiên trào ra không sao ngưng được. Khóc không vì buồn tủi, mà cũng không hẳn vì vui, hình như cả hai mà vui có phần lấn lướt, nhưng tất cả đều đến mãi tự tiềm thức cộng thông như tiếng nhắn nhủ của Âu Cơ tổ mẫu bảo con hãy cứ an tâm đợi chờ.

Tôi thấy trong các chim huyền sử có nhiều đức tính lạ lùng, như chim phượng tự thiêu trong lửa nhiệt tình, cháy ra tro, để rồi từ đống tro tàn phục sinh rực rỡ. Lại có những chim tám cánh một chân, và khi đáp xuống thì bao giờ cũng xếp cánh tả trước như chim Lạc Ðịch, Uyên Ương, Tất Phương... Ngoài chim Phượng thì đến một loạt chim nước chim Hồng, Hạc, Âu, Lộ, Vụ: tất cả đều bay trên trời và ở trên núi. Nhưng đến bữa thì lại xuống ăn dưới biển khơi và việc đó tính cách thâm sâu chỉ bằng có bồ dưới đáy biển, làm thành hai đối cực là tiên rồng, non nước, núi sông, nghĩa là những đức tính định tính chứ không là những phẩm tính tùy phụ, những điều đó làm tôi tin rằng vận số nước chắc chắn có ngày phải được hưng thịnh.

Cách đây dăm năm chi đó khi gặp Phạm Duy nói về Bầy Chim Bỏ Xứ thì chúng tôi tâm đầu ý hợp như một, và hai đàng có những dự án giống nhau, điểm quy hướng như nhau, nhưng cả hai đều vấp phải ụ: ''cái khó nó bó cái khôn''. Phạm Duy không tìm đâu ra phương tiện để nhốt bầy chim vào băng cassette.


-- Có thể cho nghe tốn phí bao nhiêu chăng?


-- Cũng phải vài chục là ít. Vì phải thuê ban nhạc Mỹ để hòa âm tiễn đưa chúng vào tổ xưa. Tôi nghĩ phải đến thế là ít vì đây là một biến cố văn hóa lớn, có tầm vóc quốc gia. Nhưng rồi bàn nhau mãi chẳng được gì đành tạm biệt nhau trên trang sách Ước mà thiếu gậy thần. Thôi đành phó cho Trời đất cả Bầy Chim Bỏ Xứ lẫn Thái Thất của Việt Linh.

Lâu lâu gặp lại nhau hỏi về đàn chim thì vẫn tưởng là còn dậm chân tại chỗ.

Ðột nhiên hôm vừa qua Phạm Duy đến thăm và cho tôi nghe băng tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ. Tôi ngạc nhiên một cách sung sướng vì tưởng rằng Phạm Duy đã qua được khó khăn. Nhưng khi hỏi lại mới biết cái khó mới khắc phục được có phần nhỏ. Thôi qua truyện đó để thưởng thức băng nhạc trước đã.

Các chim rủ nhau lục tục trở về tổ cũ. Ôi nó mới khoái tai làm sao khi bầy chim động ứng như mình mong ước.


Nhạn xanh và én
Thì đưa những tin êm
. . . . . . . . . . . . .
Bầy chim nghìn xứ
Còn đưa những tin thêm
. . . . . . . . . . . . .
Trên khắp dương gian
Xuân đã vươn lên
Nên chốn quê hương
Xuân cũng mon men
. . . . . . . . . . . . .
Một trời xuân đã bát ngát trên đường về
Tôi hiểu loài chim đã hót tiếng chim tràn trề
. . . . . . . . . . . . .
Tình nghĩa là lứa ý a chim uyên
Lên tiên thì tìm, thì tìm cánh hạc
Tấu nhạc là phượng, là phượng xuống non...
. . . . . . . . . . . . .
Sóng gió là bầy hải âu
Gọi nhau, gọi nhau cháu con chim Rồng
. . . . . . . . . . . . .
Bìm bịp dựa nước nhoi ra
Yến ơi! Khạc máu chẳng qua tin người
Giẻ cùi tốt mã dài hơi
Ăn gian uống bẩn ai nuôi làm gì?
. . . . . . . . . . . . .
Hỡi những cánh chim huyền sử xa vời
Những cánh chim là người cho thiên địa chung vui
. . . . . . . . . . . . .
Lặng nghe đây con chim Hồng, đây con chim Lạc
Hỡi những cánh chim của Tiên với Rồng
Những cánh chim ẩn ngữ Ðông Sơn, hoàn mỹ âm dương
Những cánh chim dẫn đường đưa lối
Những cánh chim sinh tử không rời
Vỗ cánh theo Cha về miền xuôi
Những cánh chim bay từ Mê Linh
Bát ngát trời Phù Ðổng oai linh
Những cánh chim khơi động Hoa Lư
Những cánh chim Lê, Lý, Trần xưa !

Cuối cùng là:


Vũ (Ðỗ Vũ) đi rồi Vũ lại về
Giặc đến Bồ Ðề thì giặc lại tan

Ôi những chim huyền sử. Ôi những chim tám cánh một chân. Mạnh dường nào. Thống nhất làm sao. Việt tộc nhất định phải là Việt thường.

 


Lm Kim Ðịnh