PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Phạm Duy với Bầy Chim Bỏ Xứ

Con đường đi của âm nhạc Việt Nam cho đến năm nay 1990 kể như đã được 55 năm, nếu lấy cái mốc khởi hành từ 1935 với sự xuất hiện lần đầu tiên của những ca khúc do các nhà soạn nhạc Việt Nam sáng tác. Trong lớp người đi tiên phong ấy có Nguyễn Xuân Khoát, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Lê Yên, Dzoãn Mẫn, Hoàng Quý, Ðặng Thế Phong, được xem như những nhà soạn nhạc có công đầu trong việc sáng tác nhạc Việt Nam.

Nhưng thời kỳ đáng kể nhất, đánh dấu sự vươn mình mạnh mẽ của âm nhạc nước nhà, phải kể từ những năm thập niên 40 của thế kỷ, ăn nhịp với những biến chuyển dồn dập trên đất nước. Vận hội giành lại nền độc lập với cuộc kháng chiến của toàn dân đã là chất men kỳ diệu thúc đẩy ý hướng sáng tác của lớp người soạn nhạc thế hệ 1945, trong đó có sự đóng góp của Phạm Duy như một khuôn mặt nổi bật nhất.

Thật vậy, từ hơn nửa thế kỷ ấy, Phạm Duy đã là người nhạc sĩ của những biến cố lớn trong lịch sử. ''Con Ðường Vui'', hợp soạn với Lê Vy, ''Về Ðồng Quê'', ''Quê Nghèo'', ''Mùa Ðông Binh Sĩ'', ''Bà Mẹ Gio Linh''... Một thời xuất hiện trong mùa khói lửa chiến chinh như những tiếng hát quen thuộc của mọi người thanh niên Việt. Bởi Phạm Duy đã là người có công lao đầu tiên trong lịch sử âm nhạc, đem những làn điệu dân ca vào trong sáng tác của mình, khiến người nghe cảm nhận thấy gần gũi với họ, như chính tiếng lòng của đa số người dân Việt thầm lặng được sinh ra và lớn lên trên giải đất quê hương thân thương. Những làn điệu mà mọi người đều rung động như nghe tiếng ru mẹ hiền từ khi mới nằm nôi.


Trong những bài hát Phạm Duy, hình tượng của ''Ðàn Chim Việt'' luôn luôn được ông nhắc nhở như một ám ảnh trong đầu đời sáng tác. Hình ảnh một loài chim ấy tượng trưng cho dòng giống dân tộc Việt còn được ông ghi lại trong nhiều ca khúc sau đó như ''Chim lồng'', một kiếp chim bị tước đoạt hết mọi sự tự do mỗi khi hoài vọng về những khung trời bao la, bát ngát của thuở nào còn vỗ cánh bay cao - hoặc trong một huyền sử ca, của một loài chim mang tên ''Quốc'' với tiếng kêu khắc khoải nhắn nhủ trở về nguồn cội. Còn nữa, còn nhiều lần con chim Việt ấy lại bàn bạc thể hiện trong những ca khúc miền Thượng khi vào những năm thập niên 60 ông đi sâu vào âm nhạc Cao nguyên để ghi lại những nét nhạc đơn sơ, mộc mạc của các sắc tộc anh em. Giờ đây, Phạm Duy vừa hoàn thành xong tổ khúc ''Bầy Chim Bỏ Xứ'', một công trình sáng tác gồm nhiều ca khúc do ông khởi soạn từ năm 1975, khi ông cùng làn sóng người Việt phải dời bỏ đi ra hải ngoại vì vận nước nổi trôi. Ðây là một thể loại sáng tác rất thích hợp với những đề tài mang một tầm vóc lớn, quy tụ nhiều tiểu khúc liên kết với nhau. Nhưng riêng tôi vẫn thích nó mang tên liên khúc, vì có lẽ diễn đạt được đầy đủ ý nghĩa nguyên thủy của một suite hơn là tổ khúc. Cũng không phải lần đầu Phạm Duy viết về thể loại này, vì ngay từ thập niên 60, ông đã soạn bản trường ca ''Con Ðường Cái Quan'', đánh dấu một suy tư khắc khoải của người dân Việt khi đất nước bị chia cắt đôi miền. Biến cố lịch sử 1954 đã khiến ông phải viết bản trường ca ấy như một nhắc nhở đến công lao mở mang bờ cõi của người xưa để hoàn thành cuộc Nam tiến vĩ đại trong lịch sử, mà giờ đây tất cả mọi người dân Việt phải gìn giữ như một gia tài quý báu của dân tộc. Rồi đến trường ca ''Mẹ Việt Nam'' viết xong năm 1964 khi chiến trường miền Nam nước Việt bước vào giai đoạn khốc liệt, đã mang một thông điệp nhắn nhủ mọi tham vọng đang xâu xé trên quê hương hãy nghĩ đến mẹ Việt Nam đang đau khổ trước cảnh hoang tàn, chết chóc, thê lương và chia cách. Bản trường ca ấy ra đời cũng đúng vào lúc miền Nam ban hành chính sách chiêu hồi mở rộng vòng tay đón nhận những cánh chim lạc loài mau trở về trong lòng dân tộc. Kẻ viết những dòng này đã cùng Phạm Duy và Trần Dạ Từ có mặt trong chuyến đi công tác Bến Hải để có dịp phổ biến trong đêm 20 tháng 7 tại địa đầu giới tuyến.

Sau mười mấy năm xa cách, gặp lại Phạm Duy tại hải ngoại tay bắt, mặt mừng kể lại cho nhau kẻ còn, người mất, bao đổi thay đến với thân phận con người nhược tiểu bị vùi dập trước cơn lốc phũ phàng thời đại. Dù ở chân trời nào cũng vậy, thân phận người nghệ sĩ muôn đời vẫn chỉ là kiếp bèo bọt của con tằm nhả tơ. Phạm Duy vẫn có phong độ như ngày nào, chả có gì thay đổi, vẫn niềm say mê kỳ lạ cho dù ông đang vào tuổi ''Bóng xế đầu non''. NGƯỜI HÁT RONG, danh từ ông tự gán cho mình một cách khiêm tốn, khiến tôi liên tưởng đến một Béranger, người nhạc sĩ soạn ca khúc thời cách mạng Pháp, cũng chỉ là kẻ hát rong như ông, vậy mà tên tuổi đã đi vào lịch sử văn học.

Với ánh sáng bắt đầu le lói ở cuối đường hầm, dòng lịch sử đang bước vào một giai đoạn mới người Việt đều tràn trề hy vọng ở ngày mai dân tộc, Phạm Duy hoàn thành liên khúc ''Bầy Chim Bỏ Xứ''. Một thông điệp khác báo tin đàn chim Việt sắp tung cánh tìm về tổ ấm sau những năm tháng tan tác bốn phương trời. Vẫn những nét nhạc, những âm hưởng quê hương tha thiết mời gọi, có khác chăng lần này tiếng chim mang sắc thái hiền hòa, nhân ái giữa đồng loại và cũng ngẫu nhiên có tiếng hát Kim Tước và Vũ Anh, hai loài chim quý cùng cất tiếng gọi đàn.



Nguyễn Hiền

Bình luận