PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Chương 2

Hồi Ký — Thời Thơ Ấu - Vào Đời
Nhà tôi ở Phố Hàng Dầu
Số nhà 54, đứng đầu... du côn...
Phạm Duy Cẩn


Phố Mã Mây - Rue Des Pavillons Noirs - circa 1920

Ít lâu sau khi tôi ra đời, gia đình họ Phạm dọn từ phố Mã Mây (Rue Des Pavillons Noirs -- phố Cờ Đen, lại một cái tên có liên hệ tới gia đình tôi) xuống phố Hàng Dầu (rue Fellonneau), một con phố có chưa tới 30 căn nhà thấp bé nằm ôm lấy nhau.

Bên phải phố Hàng Dầu là phố Bờ Hồ nằm đối diện với một khu đất trên đó có Đền Bà Kiệu và rạp chiếu bóng Pathé. Hồ Gươm không xa nhà tôi mấy. Đứng trước cửa nhà, tôi có thể nhìn thấy mặt hồ lúc nào cũng lặng lẽ và xanh đục. Và thấy xe điện leng keng lọc cọc đi ngang. Trong 17 năm sống với thủ đô, tôi có tới 14 năm sống chung quanh hồ Gươm cho nên Hà Nội đối với tôi chỉ là Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc, Tháp Rùa, đền Bà Kiệu và khu vườn nhỏ bên bờ hồ là nơi tôi hay ra leo lên cây đa hoặc lúi húi hái hoa bắt dế. Trong 3 năm còn lại, tôi theo gia đình lên ở bên cạnh Hồ Trúc Bạch trước khi rời xa Hà Nội đi sinh sống ở Moncay, Hưng Yên, Kiến An, Bắc Giang. Thỉnh thoảng ghé về thăm mẹ, tôi không có đủ thời gian để yêu được tất cả Hà Nội 36 phố phường.

Các nhạc sĩ như Trần Văn Nhơn, Hoàng Dương (em họ của Thái Hằng, vợ tôi), Nguyễn Đình Thi... khi thương hay khi nhớ Hà Nội, họ đều có những bài hát nói tới đầy đủ các khu các phố. Văn Cao có bài Thăng Long Hành Khúc xưng tụng đủ cả Nhị Hà, Tháp Gươm, Văn Miếu, Cột Cờ, Tràng Thi... Tôi chỉ có một mối tình dành riêng cho hồ Hoàn Kiếm mà thôi. Qua bài Gươm Tráng Sĩ...

Đã có nhiều nhà văn cho chúng ta thấy cái thơ mộng của hồ Gươm. Anh bạn Nguyễn Đình Toàn nhìn nó như trái tim của Hà Nội rồi còn nghe được tiếng guốc thiếu nữ reo vang trên những lối đi quanh hồ... Ông còn ví hồ này, vào mùa thu, giống như con mắt buồn bã của người tình. Tôi cũng thấy như vậy. Nhưng vì quanh năm sống với hồ Gươm nên tôi còn thấy nó trong những hoàn cảnh ít nên thơ hơn, như ra coi những xác người treo cổ trên cây đa bên bờ hay trầm mình xuống hồ nước, vì thất tình hay vì lý do buồn bã hơn là sự túng quẫn.

Nói tới Hồ Gươm, người ta còn nói tới mùi nhang thơm trong đền Ngọc Sơn hay nói tới môi hôn ngọt của cặp tình nhân trên cầu Thê Húc. Tôi được sống lâu với chiếc cầu và ngôi đền nên còn nhìn thấy cả đám ăn mày ngồi la liệt trên lối ra vào với lũ ruồi bu đầy trên những đôi mắt toét đỏ lòm. Và cảnh nhà nho cuối cùng mặc áo bông rách, ngồi viết những chữ Phúc Lộc Thọ hay những câu đối trên giấy đỏ... chỉ làm tôi bùi ngùi hơn là bồi hồi. Hồ Gươm với tôi là giọt lệ, không phải lệ ngọc ngà mà là lệ buồn thương.


Hồ Gươm, thời tôi còn nhỏ

Hồ Gươm còn có những buổi chiều mùa lạnh với sương mù toả xuống mặt hồ, cảnh vật mờ ảo làm tôi tưởng tượng như đang sống trong một truyện Liêu Trai. Tôi vừa sợ, vừa thèm gặp con ma hồ Gươm mà người trong khu phố cho rằng nó thường hay ra đây dụ dỗ người ta tự tử. Hình như con ma này đẹp lắm !
Đối diện với Hồ Gươm là rạp chiếu bóng Pathé. Phía sau rạp có bãi đất rộng, thỉnh thoảng người Tầu tới dựng lều làm trò múa rối. Những màn múa rối này tinh vi hơn múa rối Việt Nam tôi được coi ở Hội Chùa Thầy. Chỉ mất có mấy đồng trinh mà tôi được biết nhiều màn ca kịch rất linh động của truyện Tầu trước khi biết chữ để đọc tiểu thuyết. Tại đây còn có Ông Hai Tây hay tới làm trò đóng đinh lỗ mũi và trò quỷ thuật. Ông Hai Tây còn thổi kèn bằng mu bàn tay và bằng ống đu đủ. Có thêm những người Tầu bán thuốc Sơn Đông và đánh võ. Họ dán thuốc cao vào những vết dao mà họ chém trên ngực để cho chúng tôi thấy công hiệu của thuốc cao. Nếu là ngày hội 14 Juillet (lễ Quốc Khánh của Pháp) thì tại đây có các cuộc vui như leo cột mỡ, đập nồi, bịt mắt bắt vịt. Nhất là có những đám hát xẩm...

Tất cả những biến cố nghệ thuật và những trò chơi bình dân này đã gây nên giấc mộng giang hồ và cái thú biểu diễn nơi cậu bé họ Phạm. Rồi đã có lần tôi bỏ nhà đi theo một anh làm trò quỷ thuật sau khi bị mê hoặc thêm bởi cuốn tiểu thuyết Vô Gia Đình (Sans Famille) của nhà văn Pháp Hector Malot. Nhà văn này đưa ra nhân vật tiểu thuyết là một ca sĩ nổi danh một thời rồi chẳng may bị mất giọng. Muốn giữ mãi hình ảnh tuyệt vời của mình trong lòng người, anh thay tên đổi họ và sống cuộc đời lang thang trong một gánh xiếc nhỏ. Cuối cùng anh chết vì đói rét trong khi tên tuổi anh vẫn còn vang lừng khắp Âu Châu.

Bên trái phố Hàng Dầu là phố Hàng Tre thông ra bờ đê sông Hồng. Vào mùa nước cạn, tuy cho chuồn chuồn cắn rốn nhiều lần mà vẫn chưa biết bơi nên tôi hay chạy chơi trên bãi cát rộng. Nhưng vào mùa nước lớn, dù trong đêm tối, tôi cũng ra bờ đê để coi mọi người trong khu phố phấp phỏng ngồi canh mực nước, chuẩn bị đề phòng nạn lụt. Dòng sông Cái (nghĩa là sông Mẹ ?) bình thường êm ả nay bỗng trở thành bà mẹ hung dữ khiến tôi sợ lắm ! Đứng nhìn dòng nước phóng đi như điên cuồng, tôi thấy con sông lúc thường đỏ thắm vui tươi, trong mùa lụt, sông Hồng giận dữ và đỏ ngầu như máu đục.

Phía sau phố tôi là phố Hàng Bè, nơi vú già hay giắt tôi đi chợ và phố Hàng Thùng, nơi có lớp mẫu giáo để tôi đi vào chữ nghĩa khi tôi lên 6. Phố nào cũng ngắn với dãy nhà tí hon. Riêng phố Hàng Bè có thêm ngôi nhà ba tầng -- gọi là nhà Tây -- của Bác Sĩ Lê Văn Chỉnh, người gốc miền Nam, có người con trai không hiểu vì sao mà tự tử (bằng súng lục). Cái chết của con Bác Sĩ Chỉnh và của những người tự vẫn ở Hồ Gươm ám ảnh tôi rất lâu.

Người mở lòng cho tôi trong lớp mẫu giáo ở phố Hàng Thùng là một thầy giáo mặc áo the thâm, đầu đội khăn xếp, với bộ râu nằm ngang trên cái miệng răng đen, trông thầy giống như một bức tranh hí hoạ. Lớp học trong cái phố chuyên môn làm thùng gánh nước bằng sắt tây, cậu bé hỉ mũi chưa sạch là tôi thường ê a đọc bài với nhịp điệu văng vẳng của tiếng đập thùng nghe giống như tiếng trống nhạc jazz vậy.

Đầu phố Hàng Dầu và xế nhà tôi là một cửa hàng tạp hoá với những món hàng rất sơ sài. Bà chủ cũng góa chồng như mẹ tôi nhưng không có con nên bà yêu tôi lắm, thường cho ăn ô mai không lấy tiền. Bên cạnh cửa hàng của bà là nhà làm nước đá, có nước nóng để tôi được tắm táp trong những ngày đông giá. Khu phố tôi chưa có ống dẫn nước, vú già phải đi gánh nước về, ít khi có chuyện đun nước để tôi tắm.

Gọi là phố Hàng Dầu nhưng tôi chỉ thấy có một cửa hàng bán dầu ở xế cửa. Vào thời tôi mới sinh ra, Hà Nội không còn dùng dầu lạc để đốt đèn nữa vì đã có đèn điện và có loại đèn Hoa Kỳ dùng dầu lửa (pétrole) tiện lợi và sạch sẽ hơn dầu lạc. Hoa Kỳ láu cá lắm, biếu không cho người Việt Nam hàng vạn cái đèn để khi có đèn rồi thì phải mua dầu của họ. Cạnh nhà tôi là nhà Ông Ký Hải, ông lang nổi tiếng. Các cháu bé của ông là những bạn thân thiết nhất của tôi thời thơ ấu. Trong thời gian ở phố Hàng Dầu, tôi không thấy hàng xóm cũ dọn đi hay láng giềng mới dọn tới. Chỉ gia đình tôi là sẽ rời bỏ con phố này khi anh Khiêm từ Pháp về sau 7 năm du học.

Nhà của chúng tôi ở giữa phố và cũng thấp bé như những nhà trong phố nhưng lại rộng hơn nhà Bác Hai phố Hàng Đường hay nhà cậu Trưởng phố Hàng Gai. Trong nhà có xây sáu cái giường quây chung quanh một cái sân nhỏ lộ thiên nằm giữa nhà. Tôi thường nằm trên giường để nhìn nước mưa buồn buồn chẩy xuống những chậu hoa trên sân. Hoặc ra sân để tắm mưa.

Dưới gầm của những giường ngủ có chôn những cái vại bằng sành rất lớn để đựng dầu. Mua lại căn nhà là một cửa hàng bán dầu nhưng bố mẹ tôi không sinh sống bằng nghề bán dầu, những vại dầu trống không này chỉ là một thứ đồ chơi của tôi khi còn bé. Chơi đi trốn với anh chị hay với bạn bè, tôi thường hay nhẩy vào một trong những vại dầu cao hơn đầu tôi này. Vì trong nhà có tới 12 cái vại cho nên bắt được tôi rất khó, tôi đã phải nằm trong đó rất lâu để tưởng tượng mình là Ali Baba của truyện thần thoại Ả Rập.

Nơi quan trọng thứ nhất của nhà tôi là bàn thờ tổ tiên, chiếm hết một phần sáu của diện tích căn nhà. Trước bàn thờ là hai bức tường có gắn những tượng người bằng sành rất đẹp. Vào ngày Tết Nguyên Đán, bàn thờ được mẹ tôi làm cho lộng lẫy từ ngày ông Táo về trời và được duy trì cho tới sau ngày 21 tháng giêng, nghĩa là sau hai cái giỗ của bà nội tôi và của bố tôi, rồi mới được buông mành che đi. Tôi được ăn Tết lâu hơn các trẻ con khác trong phố.

Nơi quan trọng thứ hai là cái giường gỗ lim nơi mẹ con tôi nằm ngủ, kê sát tủ chè có tranh ảnh nạm bằng sà cừ rất tinh vi. Ở chân giường, trước mặt cái sân nhỏ, là hai chiếc ghế gụ để khách tới ngồi chơi trong khi chủ nhân ngồi xếp chân bằng tròn trên giường tiếp chuyện. Nếu có đánh chắn hay tổ tôm thì canh bạc cũng xẩy ra ở chỗ này. Cuộc chơi bao giờ cũng kéo dài tới đêm khuya, tôi đi ngủ sớm thì phải nằm cạnh những canh bài đỏ đen, tai nghe thoang thoảng những tiếng reo được thua trong cơn mộng mị.

Nơi không được coi là quan trọng trong căn nhà là cái chồ. Địa điểm phải được gọi là phòng vệ sinh này bé bằng cái hộp, to béo như tôi bây giờ thì không thể nào chui vào ngồi xổm trong đó một cách dễ dàng được. Không có hầm phân mà chỉ có thùng phân. Vài ba ngày, có người của ông nhà thầu Năm Diệm đem thùng khác tới đổi thùng đựng đầy phân. Đổi thùng thường làm vào nửa đêm về sáng. Lúc đó, tiếng phu đổi thùng gõ cửa ầm ầm trong đêm thanh vắng thường làm thằng bé này giật mình thon thót. Chắc tiếng gõ cửa bắt người ban đêm cũng chỉ hãi hùng đến thế mà thôi.

Hoài niệm thời thơ ấu, ai cũng có kỷ vật, nhân vật hay một chuyện nào đó để bâng khuâng nhớ. Tôi nhớ nhất cái đồng hồ cũ kỹ đặt trên mặt tủ chè. Nó là chứng tích rõ ràng nhất của thời gian. Mỗi một tích tắc hay một hồi chuông của nó ghi lại một li ti hay một khoảng ngắn của thời tôi còn thơ. So với những đồ vật khác trong nhà, chỉ có nó có sự sống.

Bà con hàng xóm trong khu phố tôi là những người dân hiền lành sống cuộc đời âm thầm nhưng cũng có một nhân vật dị thường khiến tôi để ý. Tên anh là Hùng, nhưng ai cũng gọi là Khùng. Hằng ngày, anh bắc ghế đẩu ra ngồi ở ngã tư, thấy ai đi qua cũng chào. Chào bằng đủ mọi thứ tiếng. Mọi người đều cho anh là thằng hoá dại. Trẻ con thường quây chung quanh anh để chọc ghẹo. Riêng tôi, lúc nào cũng ngẩn ngơ đứng nhìn con người kính chào không mỏi mệt này. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ gương mặt hiền hoà của một người lịch sự nhất phố Hàng Dầu.

Hà Nội có những buổi trời mưa thật to, mưa nặng nề như mưa đá vậy. Có thêm những tia chớp lớn. Những hạt mưa cục đập xuống mặt đường chưa trải nhựa, làm thành những bong bóng to. Ngồi trên bậc cửa nhìn qua nhà trước mặt, thằng bé này biết nhớ nhung da diết một con bé tên là Nguyệt. Nó thấy được nỗi buồn của một câu ca dao để rồi sẽ đưa vào một bản trường ca :

Đêm qua chớp bể mưa nguồn
Hỏi người bên đó có buồn hay không ?


...50 năm sau, tôi trở về ngôi nhà cũ ở 54 Phố Hàng Dầu (bây giờ đổi tên là Phố Lò Sũ) với con trai thứ...


Phạm Duy