PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Chương 1

Hồi Ký — Thời Thơ Ấu - Vào Đời
Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui
Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về...
XUÂN CA 

Lên một, trong lòng mẹ

Tôi ra đời tại nhà hộ sinh ở số 40 Rue Takou (phố Hàng Cót) Hà Nội vào lúc 1 giờ 15 sáng ngày 05 tháng 10 năm 1921, theo âm lịch là ngày mùng 5 tháng 9 (nhuận) năm Tân Dậu. Trước đó vài giờ, mẹ tôi còn đang ôm bụng ngồi đánh tổ tôm với mấy bà bạn và với Bác Hàn Làng Vẽ (1).

Mẹ tôi vừa ù xong ván bài tổ tôm thì dở dạ và người nhà vội vàng đưa vào nhà đẻ. Do đó, khi tôi lớn lên, mỗi lần gặp Bác Hàn là bác nhắc tới chuyện ván bài tổ tôm và gọi tôi là thằng Tôm. Ai ngờ bây giờ về già, tôi cũng trở thành một thứ Uncle Tom.

Tuy luôn luôn đắc ý cho rằng mình ra đời trong một canh bạc thắng của mẹ, nhưng khi lớn lên thằng Tôm này lại khoái với cái tên tự do chính mình đặt ra là Mộng Vân. Vì sao ? Vì trong một lúc quá yêu Tôm, mẹ buột miệng nói rằng đã nằm mơ thấy những đám mây trong thời kỳ có mang... Lại cũng là một cái tên tiền định. Thằng Tôm sẽ như mây, lang thang suốt đời. Và khi du nhập vào nghề hát rong thì đụng ngay một đoàn hát Cải Lương mang tên Gánh Mộng Vân.

Ngoài hai tên hiệu đó, cái tên thật -- rất quan trọng vì là tên cúng cơm -- cha mẹ đặt cho khi tôi vừa chào đời, tuy nó chẳng ngộ nghĩnh hay thơ mộng gì cho lắm, nhưng khi tôi trở thành ca sĩ của một gánh hát rong và chỉ dùng chữ họ và chữ đệm để cho khán giả dễ nhớ tên thì... cái tên cúng cơm đó biến mất. Ngay chị ruột tôi, về sau, cũng chỉ gọi tôi bằng tên đệm mà thôi. Giống như là có một sự quên tên hay kiêng tên vậy. Có điều chắc chắn là tôi đã ra thoát được tục lệ từ xưa của người Việt là thường đặt những cái tên rất xấu xí cho con cái để ma quỷ không thèm bắt đi như : (xin lỗi) thằng Buồi, thằng Đít vân vân...

Bố tôi là Phạm Duy Tốn, được người đời biết như là một nhà báo, một nhà văn đã từng tiếp súc với văn hóa Âu Tây và đã không còn là một nhà nho thuần túy nữa, nhưng khi bố tôi đặt tên cho con cái thì đều dựa vào chữ nho cả. Tên của ông cũng như tên của các con đều là tên của những đức tính và nếu viết bằng chữ nho thì chữ nào cũng nằm trong bộ ngôn, nghĩa là bộ chữ thuộc vào những hạng người thích ăn to nói lớn.

Anh cả của tôi mang tên Khiêm, tới hai người chị là Thuận và Trinh, rồi tới người anh hơn tôi 2 tuổi là Nhượng. Hai người anh trong thực tế sẽ sống bằng nghề ăn nói, họ đều là những ông thầy dạy học. Nhưng họ đều giống tôi ở chỗ tính nết sẽ không như cái tên bố đã đặt cho. Ông Khiêm nhiều khi có vẻ thiếu khiêm cung. Ông Nhượng không hẳn lúc nào cũng nhường nhịn em nhỏ. Còn tôi, với cái tên Cẩn, nếu suốt đời đã sống nhờ chữ ''ngôn'' trong cái tên thì trái với điều mong muốn của bố tôi, chẳng bao giờ tôi thấy trong tôi có được một sự cẩn trọng tối thiểu ! Tuy vậy, về sau tôi cũng học mót bố tôi trong việc đặt tên cho tám đứa con. Chúng đều phải mang những cái tên tốt đẹp như : Quang, Minh, Hùng, Cường, Hiền, Thảo, Đức, Hạnh. Tôi đã thừa hưởng tinh thần hướng thượng của bố tôi vậy.


Cô tôi

Ông nội tôi là người đã từng giữ chức Thiên Hộ -- chef de quartier -- cai quản một khu phố trong nội thành Hà Nội. Ông bà tôi chỉ có hai người con, một trai là bố tôi và một gái (chúng tôi gọi là cô Án) lấy chồng làm Án Sát ở Bắc Ninh. Cô tôi có người con rể là hoạ sĩ Côn Sinh, chuyên vẽ hí hoạ cho báo LOA, người khuyến khích tôi vào học trường Mỹ Thuật sau này.

Tôi không biết mặt ông nội nhưng bà nội thì có ảnh chụp từ ngày xưa để lại. Trông bà thật là đẹp đẽ. Lúc còn bé, không nhớ đã có ai trong họ cho tôi biết rằng bà là một ca kỹ tài danh của một thuở xa xưa, lọt vào đôi mắt hào hoa của tay chơi Thiên Hộ Phạm Duy Đạt rồi được ông cưới về làm vợ. Các con, cháu và chắt của bà có trở thành những văn nhân, tài tử cũng nhờ ở huyết thống này. Trong bức ảnh cũ, thấy bà còn có vẻ phúc hậu nữa. Nhưng theo lời mẹ tôi kể thì bà không hiền lành lắm đâu, còn có thể nói là ác nghiệt nữa :

-- Không phải ác với tao mà ác với bố mày...


Đại gia đình

Bố tôi là một trong những người Việt Nam đầu tiên cắt búi tó và mặc âu phục. Không biết lúc chuẩn bị cắt tóc bố tôi có sai vợ lập ban thờ để làm lễ xin tổ tiên tha cho cái tội tày trời như những người cùng cảnh ngộ hay không ? Nhưng sau khi bố tôi cắt tóc, bà tôi buồn rầu và căm giận đến độ từ đó trở đi, mỗi một buổi sáng vừa mở mắt dậy là bà tôi ngồi chửi con. Bà cứ ngồi ở đầu giường, không thèm đi xúc miệng vì muốn làm tăng ác độ của câu chửi... Kèm theo câu chửi là câu rủa... Đệm vào câu rủa là một cái bát đàn -- loại bát bằng đất nung, rẻ tiền nhất -- được bà tôi đập xuống đất vỡ tan. Rủa cho bố tôi chết. Lời rủa có vẻ hiệu nghiệm. Bố tôi chết trước bà tôi hai năm.

Mẹ tôi là con dâu nên coi thái độ đó của mẹ chồng là nghiệt ngã nhưng tôi không nghĩ rằng bà tôi là người ác tâm. Bà là đại diện của một nền văn minh cũ, mang trong lòng tất cả những tín ngưỡng rất lâu đời và khó bỏ. Việc cắt tóc của bố tôi không chỉ là một hành động chống lại mẹ, nó còn là sự đả phá một kỷ luật đã có hằng mấy trăm năm, nếu không dám nói là cả nghìn năm. Có cái gap generation nào mà không làm đau lòng những người trong cả hai thế hệ ?

Ông ngoại tôi lúc sinh thời -- được gọi là cụ Tú Hàng Gai -- có nhiều học trò lắm, mỗi lần tới ngày kỵ của ông thì có rất đông học trò cũ từ miền quê lên Hà Nội và tới phố Hàng Gai để cúng giỗ. Ông ngoại tôi có hai vợ, do đó họ ngoại của tôi đông hơn bên họ nội. Không biết mặt ông bà ngoại nhưng bà trẻ -- nàng hầu của ông ngoại -- thì tôi biết. Bà trẻ hiền lành lắm. Không đẹp đẽ và oai phong như bà nội ở trong bức ảnh cũ, bà trẻ là hình ảnh của sự chịu đựng nơi những người sinh ra để làm vợ thứ. Dù con cái của bà -- cậu Khuê và dì bé lấy chồng làm Tham Tá tên là Nhữ -- đều là những người có địa vị trong xã hội nhưng lúc nào bà cũng sống như một chiếc bóng nhạt mầu.

Mẹ tôi là con gái của một ông thầy đồ và trước khi lấy chồng, mẹ tôi là cô hàng bán sách ở phố hàng Gai. Tôi không biết tên họ của ông bà ngoại nhưng một hôm gặp bà dì ruột ở Saigon vào khoảng 1970 thì dì nói :

-- Mày có biết bà họ gì không ? Họ Lưu, dòng dõi Lưu Vĩnh Phúc đó !

Thế ra trong tôi có dòng máu nổi loạn à ? Người Pháp gọi Lưu Vĩnh Phúc là giặc -- Giặc Cờ Đen -- nhưng đối với tôi, ông là người làm Cách Mạng.


Ba chị em : Bác Hai, Mẹ và Dì Năm...

Tôi có khá nhiều các bác, các dì, các cậu và có rất đông các anh em, chị em họ cùng với một rừng các cháu gọi tôi bằng chú và bằng cậu. Một trong những người anh họ của tôi là Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, con của Bác Hai Hàng Đường. Tôi thường được ngồi ngắm tác giả Cổ Học Tinh Hoa, Tục Ngữ Phong Giao... nằm hút thuốc phiện.


Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, tác giả Tục Ngữ Phong Dao

Trong đại gia đình tôi, không phải chỉ có anh Ngọc mới là bạn của Nàng Tiên Nâu. Tôi có bao nhiêu ông chú, ông cậu, có bao nhiêu ông anh hay em họ là có bấy nhiêu ông tiên. Thậm chí sau này, con của cậu tôi, tên là Bá, còn mở hẳn một tiệm hút ở phố Hàng Dầu, không có một nhà văn Hà Nội nào hằng đêm là không tới đó để gặp nhau. — đây, tôi hay gập Đồ Phồn, Lan Sơn, Đàm Quang Thiện...

Nói tới đại gia đình là nhớ tới nhưng ngày đại giỗ. Gia đình càng lớn thì hằng năm càng có nhiều ngày giỗ. Vào những ngày này, tôi mới được gặp gỡ tất cả mọi người và tôi có nhận xét là các bác, các cậu và các anh họ tôi ai cũng có giọng nói rất lớn. Nói chuyện trong nhà mà như người ta cãi nhau khi mổ bò. Ngược lại, các mợ, các dì, các cháu gái lại nói năng rất khẽ như bị đàn ông ăn hiếp vậy. Ít khi tôi được ăn cơm với người lớn. Tôi và lũ cháu trai -- gần bằng tuổi nhau nên toàn xưng hô mày, tao -- tranh nhau từng miếng gan gà hay mảnh trứng muối. Mấy thằng cháu này hơn tôi ở chỗ chúng nó uống rượu như uống nước lã. Trong ngày giỗ, chỉ có con trai được cho vào ăn chung một mâm và ăn trước. Con gái đều phải chui xuống bếp để giúp việc rồi ăn sau. Tinh thần trọng nam giới của gia đình tôi vào đoạn đầu của thế kỷ 20 này dường như vẫn còn đeo đẳng tôi cho tới tận bây giờ.


Phạm Duy

_________________
(1) Bác Hàn là họ bên nội.