Phỏng Vấn Phạm Duy - 24.7.2011
- Details
- Written by Vi Thùy Linh
- Hits: 4028
26.7.2011
LTS. Đây là cuộc phỏng vấn nhân dịp Phạm Duy ra Hà Nội dự chương trình nhạc "Phạm Duy - Người phiêu lãng thành công" được tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 22-23.7.2011.
...
Vóc dáng cao lớn 1m75, tóc trắng như cước, Phạm Duy vẫn toát lên vẻ phong lưu, dù cử chỉ chậm nhiều. Ông phải ngồi xe đẩy tại sân bay, cẩu lên khoang hạng C, mỗi lần ra Bắc.
Tại tầng 4 khách sạn 3 sao Hà Nội số 1 Cầu Gỗ, nhạc sĩ Phạm Duy dành cuộc trò chuyện với TT&VH trước khi rời Hà Nội sáng 24/7.
Thái Thanh hát Bà mẹ Gio Linh lần nào cũng khóc
* Ông từng ưng ý nhất hai ca sĩ Thái Thanh và Duy Quang hát nhạc Phạm Duy. Đức Tuấn là thế hệ kế tiếp, làm khán giả cảm động và bất ngờ khi hát Bà mẹ Gio Linh trong nước mắt...
- Thái Thanh (em gái bà Thái Hằng - vợ Phạm Duy - 78 tuổi, hiện đang sống tại California, có con gái là ca sĩ Ý Lan) trước đây hát bài này lần nào cũng khóc. Mỗi ca sĩ có một nét đặc biệt riêng. Các cháu trẻ hát nhạc tôi, tôi thấy vui và trân trọng.
Nhạc sĩ Phạm Duy đang giao lưu tại Nhà hát Lớn. Ảnh: Vũ Hoàng
* Ông đã trao quyền tác giả cho Công ty Phương Nam, đổi lại họ giao cho ông ngôi nhà trong hẻm đường Lê Đại Hành, phường 13, quận 11, TP.HCM. Hồi hương từ 2005, ông thực sự an cư?
- Tôi ở ngôi nhà ấy từ 2005, khi về nước, có quốc tịch VN. Đến nay, tôi vẫn chưa chính thức có sổ đỏ sở hữu. Phương Nam có quyền khai thác tác phẩm Phạm Duy 10 năm, khi nào hết thời gian đó, nhà mới thuộc về tôi. Nếu có rủi ro trước 2015, thì con trai Duy Minh là đại diện pháp luật và bản quyền. Phương Nam lo xin phép phát hành, giờ mới được hơn 80 bài. Tôi không thể sống lâu đến được ngày công bố được 1/5 gia tài âm nhạc, một ước mơ dữ dội.
* Xin được hỏi về cuộc sống và sức khoẻ hiện nay của ông?
- Vẫn mang quốc tịch Mỹ, đã rời khỏi Mỹ nên tôi không còn bảo hiểm, bị cắt hết chế độ thuốc, chỉ còn lương người già 500 USD/tháng.
Mỗi ngày, tôi phải uống 11 viên thuốc cho các bệnh huyết áp cao, tiểu đường, tim đập nhanh (đã qua hai lần đại phẫu). Hiện tôi không có bảo hiểm gì, thuốc thì con cái mang về hoặc mua tại đây.
* Gia đình ông đã 3 đời nổi tiếng. Ông có lo khi đàn cháu chưa thấy ai ham nghệ thuật?
- Ba đời là đủ.
Chưa tìm thấy mộ bố mẹ mình
* Gần như không mặc cảm quá khứ rời Hà Nội từ 1950, ông vẫn luôn yêu Hà Nội một cách đặc biệt. Nơi đây còn chất chứa day dứt lớn của ông?
- Đúng, một sự mất mát khủng khiếp. Khi trở lại đây, bạn bè ấu thơ không còn, nhiều điểm đổi thay. Chọn ở Khách sạn Salut phố Hàng Dầu để sống với ký ức phố nhà. Lần này Salut sửa chữa nên phải đổi chỗ khác. Chợ Hàng Bè không còn như xưa, hồ Gươm nhỏ lại. Xưa đường Cổ Ngư vắng lặng êm đềm, giờ chỉ toàn người và người chen lấn. Tôi nhớ những lần đạp xe qua cầu Long Biên, đổ dế, trèo cây, đá bóng, khoét lỗ coi "cọp" phim câm tại Cinéma Pathé, rạp gần đền Bà Kiệu. Và những thứ đã mất vĩnh viến khiến tôi xa xót.
Tôi bỏ bao tâm sức đến giờ vẫn chưa tìm thấy mộ bố mẹ mình. Bố mất năm 46 tuổi hồi tôi mới lên 2. Người ta bảo mộ mẹ tôi ở chùa Liên Phái, tôi tìm mà bất lực. Lẽ nào bố mẹ đã hoà vào đất Hà thành? Không muốn không dám tin, tôi và con cháu mất vĩnh viễn xương cốt người ruột thịt không tìm được. Tôi nhớ mẹ cha mà viết những bài ca gan ruột: Cho tôi lại ngày nào/ Trăng lên đầu ngọn cau/Mẹ tôi ngồi khâu áo/Bên cây đèn dầu hao/Cha tôi ngồi xem báo/Phố xá vắng hiu hiu.
Bí mật mối tình 10 năm
* Ông có tiếng là vô cùng đào hoa. Bởi vậy ông viết tình ca hay đến thế?
- Tôi yêu nhiều vì cũng được/bị yêu nhiều, đa tình quá thì sao "chống đỡ" được các nàng? Mà chỉ 1 vợ, 1 dòng con, chưa lần nào ruồng rẫy vợ con. Tôi không "tu" được đường tình (cười).
* Ông có nhiều cuộc tình, bà Thái Hằng vợ ông biết cả mà không ghen?
- Thái Hằng ghen âm thầm mà khiến tôi nể lắm. Không bao giờ căn vặn, cãi vã, ồn ào. Đi đâu tôi cũng về nhà, không ngủ đêm bên ngoài.
Tôi có mối tình với một cô gái Sài Gòn suốt 10 năm, khi ấy tôi đã lấy vợ. Cô ấy thích gì, ghét gì, tôi đều đồng cảm. Đó là tình yêu chỉ có ôm hôn, không gì hơn, hoàn toàn thơ mộng theo khía cạnh tinh thần, hợp nhau lắm. Nàng đã viết gần 300 bài thơ và thư cho tôi. Một lần sinh nhật Phạm Duy, nàng cắt 1 lọn tóc tặng, giờ tôi vẫn giữ. Khi yêu nàng, tôi viết Tôi đang mơ giấc mộng dài, phổ thơ nàng đấy.
* Nàng là nguyên cớ của bài Nghìn trùng xa cách mà Mỹ Linh thể hiện thật xuất sắc trong live show vừa rồi: "Mời người lên xe, về miền quá khứ". Ông tiễn người yêu và mối tình 10 năm lý tính thế sao?
- Bài này Thu Phương từng hát thật hay. Mỹ Linh hát rất khắc khoải, tha thiết. Sau 10 năm yêu tôi, nàng lấy chồng, hai bên có gia đình riêng, phải dứt khoát chia tay. Còn gì đâu nữa/Mà khóc với cười/Còn gì đâu nữa/Mà giữ cho người.
Kể từ khi nàng xuất giá, thì tình yêu nơi tôi không còn tiếp tục nữa, dù tôi vẫn giữ lọn tóc đến giờ. Sau này gặp lại cô ấy có 3 con, chồng cô ghen lắm, dù chẳng có gì xảy ra, tình xưa không nối lại được, tôi lại viết bài Chỉ chừng đó thôi. Sau đó biết bà ấy sống cùng một thành phố bên Mỹ cũng chẳng thiết gặp. Già rồi, làm sao như xưa được.
Có "lương" Việt Nam
* Từ khi về nước, ông đã viết tác phẩm mới nào?
- Tôi tâm đắc với thanh xướng kịch Minh hoạ Kiều (1997) từ tuyệt tác của Nguyễn Du, tiếc là nó chưa được diễn rộng rãi ở VN. Tôi có viết 10 bài phổ thơ Bích Khê. Tôi bận rộn với việc biên tập, biên soạn tác phẩm để Phương Nam in ấn sách, đĩa, lo biểu diễn, phát hành. Tiền tác quyền từ đấy, là "lương" Việt Nam của tôi.
* "Kiếp nào có yêu nhau/Thì xin đừng đến thương đau/Hoa xanh khi chưa nở/Tình xanh khi chưa lo sợ", câu hát ám ảnh quá. Chẳng lẽ với ái tình, không nên yêu tin hết mình, hiến dâng tột độ?
- Hoa nở hết sẽ tàn, ái tình bạo liệt vì người khác đến cùng, sẽ tới lúc mệt, có thể tàn phai hoặc bị phụ. Như Mẹ, quê hương không bao giờ chối bỏ, phản bội những đứa con. Chỉ có tình quê hương, tình tự dân tộc là tình xanh mãi mãi. Đó là tình yêu cao nhất, nguyên uỷ và vĩnh cửu. Tôi mong trở lại Hà Nội bằng đêm nhạc sinh nhật ngày 5/10.
Vi Thùy Linh
Trích từ: http://www.thethaovanhoa.vn/297N20110726082552343T133/nhac-si-pham-duy-moi-tinh-10-nam-chi-co-om-hon.htm