Phạm Duy: “Đời nghệ sĩ là khóc cười cùng vận mệnh dân tộc”
- Details
- Written by Nguyễn Hoàng Linh - Đoan Trang
- Hits: 4143
28.01.2009
Phạm Duy đã đưa ra nhiều chia sẻ thú vị về sự nghiệp âm nhạc của ông, cũng như của người bạn thân thiết - cố nhạc sĩ Văn Cao. Nhưng, với sự thận trọng vốn có ở một nghệ sĩ từng trải, ông tránh đề cập trực tiếp tới những khía cạnh bất cập của nền âm nhạc Việt Nam hiện nay...
* Giáo sư Trần Văn Khê từng nhận xét: "Âm nhạc Việt Nam rất tinh vi, nó là âm thanh động mà mở, không phải tĩnh mà đóng... Nghe nhạc không phải nhìn thấy đá trong vách mà là nhìn thấy một bức họa, bức thêu...". Bản thân ông cũng nói rằng dân ca và nhạc cổ truyền là cái vốn cho mỗi người nghệ sĩ, là tiếng lòng của dân tộc, nơi thể hiện sâu sắc hồn dân tộc.
Trong khi đó, chúng tôi thấy ngay vào ngày Tết cổ truyền của dân tộc, người dân (qua truyền hình) vẫn nghe nhạc trẻ, nhạc quốc tế, sang trọng lắm thì nghe nhạc cổ điển phương Tây, những bản dễ nghe như Radetzky March (Strauss), Concerto Mùa xuân (Vivaldi)...
Nếu thật cổ nhạc Việt Nam có giá trị đến thế, vì sao số đông công chúng vẫn quay lưng với nó?
- Tôi nghĩ không một nền nhạc cổ truyền nào có thể tồn tại nếu không có sự cải cách liên tục. Bản thân dân ca và nhạc cổ truyền của Việt Nam, nếu không cải cách, sẽ vẫn ở yên vị trí "nguyên bản" của nó, không chết nhưng cũng không phát triển thêm nữa.
Tôi không quan niệm nặng nề về việc cải cách dân ca, tôi cho đó là xu hướng tất yếu để âm nhạc phát triển. Xin được nói hơi nặng lời, rằng chỉ kẻ ngốc mới thần thánh hóa cái cổ mà cho rằng mọi sự cải cách là phản bội, phá hoại.
Việc truyền hình phổ cập nhạc trẻ, nhạc phương Tây hiện đại, nhạc thính phòng - giao hưởng cũng có lý của họ, vì truyền hình là thương mại, là dành cho quảng đại quần chúng.
* Tân nhạc Việt Nam không thiếu những nhạc sĩ có dụng ý đưa âm hưởng dân ca vào nhạc của mình. Thế hệ đi trước ông như Nguyễn Xuân Khoát, hay cùng thời ông như Đỗ Nhuận (miền Bắc), hoặc Hoàng Thi Thơ... (miền Nam) đều am tường dân ca. Nhưng ông vẫn được đánh giá là người đưa "hồn Việt Nam" vào ca khúc nhiều nhất và dài hơi nhất. Vì sao vậy?
Không phải tự khen, nhưng tôi rất chịu khó học. Từ khi còn nhỏ xíu tôi đã mầy mò tập chơi nhạc cụ. Tuổi thanh niên, đi theo gánh hát rong từ Bắc vào Nam, tôi luôn để tâm nghiên cứu những làn điệu của nhạc cổ ở từng địa phương, tìm hiểu nét đặc trưng trong nội dung và hình thức âm nhạc của từng vùng miền, để từ đó phát triển lên. Quan họ, chèo, ả đào, hò Huế, nhạc Chàm, tuồng, cải lương, vọng cổ... nhiều lắm, phong phú lắm.
Tôi còn tạo được cho mình một cái vốn khác. Tôi từng có cơ hội du học tự túc tại Pháp, quãng năm 1954-1955. Tôi tìm hiểu rất kỹ lịch sử âm nhạc thế giới, quá trình âm nhạc Âu châu "cải cách" từ cổ điển lên hiện đại, sự xuất hiện của các trường phái âm nhạc... Đó cũng là vốn kiến thức quý mà nếu thiếu thì không thể có ý thức chọn lựa một đường đi cho riêng mình.
Nói một cách ngắn gọn thì âm nhạc cổ truyền giúp tôi khi sáng tác nhạc đơn điệu, âm nhạc phương Tây giúp tôi làm nhạc đa điệu.
Phạm Duy thời trẻ ở chiến khu Bình Trị Thiên. (Ảnh do nhạc sĩ cung cấp)
* Và rồi đến các nhạc sĩ Nguyễn Cường, Trần Tiến, trẻ hơn thì có Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Minh Sơn đưa âm hưởng dân tộc vào ca khúc. Ông thấy cách làm của họ thế nào?
- Đó cũng là một cách áp dụng dân ca vào tân nhạc. Làm mới dân ca thì cũng có nhiều hình thức mà.
* Nhạc Phạm Duy bây giờ có bị lãng quên không, theo ông?
- Như tôi đã nói, âm nhạc, cũng như mọi bộ môn nghệ thuật khác, cần phải có một thời bình để được thưởng thức. Ở Việt Nam không có, thành thử đó cũng là một thiệt thòi cho tôi. Nhiều bài hát tôi làm cách đây 50-60 năm, bây giờ chưa được phổ biến. Công ty Phương Nam vẫn xin phép đấy nhưng mỗi năm cũng chỉ thêm vài bài được lưu hành.
Dù sao đó cũng là một nỗi buồn cho tôi, có người nghệ sĩ nào sáng tác mà lại không muốn đứa con tinh thần của mình đến với công chúng?
* Giả sử như được công nhận và lưu hành, thì theo ông, nhạc Phạm Duy sẽ thu hút người nghe tới mức nào?
- Tôi không biết, cái đó phải hỏi người nghe chứ (cười). Trước hết, cứ nghe nhạc tôi đi đã!
Nhưng tôi rất mừng là trong cả cuộc đời, tôi luôn có những ca sĩ hát nhạc tôi rất hay. Khi trước, có cô Thái Thanh, em vợ tôi. Sau này có thêm các con tôi: Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo... cùng một số ca sĩ khác như Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Khánh Ly. Đến giờ, khi tôi trở về Việt Nam, tiếp tục có những ca sĩ trẻ tuổi nhưng hát nhạc Phạm Duy thật là ngọt, như Đức Tuấn, Mỹ Linh, Quang Linh... Tôi rất cảm ơn họ.
* Nhắc đến Phạm Duy, không thể không nhớ tới Văn Cao. Hai ông đến giờ vẫn được coi như hai đại thụ trong làng âm nhạc Việt Nam xưa nay. Ông có thể nói gì về người bạn thân thiết của mình - cố nhạc sĩ Văn Cao - con người và sự nghiệp?
- Tôi không dám dùng từ "đánh giá" đối với sự nghiệp của Văn Cao. Đó là một nghệ sĩ tài năng, tài hơn tôi nhiều, về đủ phương diện nhạc, họa, thơ. Tiếc thay vì hoàn cảnh, Văn Cao sáng tác không nhiều, trên dưới 20 ca khúc.
Nhưng, giả sử Văn Cao vẫn sáng tác, thì bây giờ liệu các ca khúc hệt như Trương Chi, Thiên thai, Suối mơ ngày xưa có còn ai nghe? Tôi nghĩ là không, vì không có sự đổi mới. Mà NGHỆ THUẬT, NGHỆ SĨ LÀ PHẢI ĐỔI MỚI KHÔNG NGỪNG!
Con người Văn Cao hiền lành lắm, đứng đắn lắm chứ không như tôi về khoản tình ái (cười). Các sáng tác của ông ấy có viết về giai nhân thì cũng là những bóng hình giai nhân trong mơ thôi, tưởng tượng ra mà viết. Đúng là anh Trương Chi.
Nhưng đó là những nàng thiếu nữ tuyệt đẹp, phải không? Lộng lẫy, kiêu sa với "gót hài khai hoa", "mắt huyền lưu xuân", "dáng hồng thơm hương" (Cung đàn xưa).
* Ông có thể cho biết ngắn gọn, trên phương diện nhạc học, vì sao nhạc Văn Cao được coi là những tác phẩm kinh điển của âm nhạc Việt Nam?
Tôi muốn phân tích một số ca khúc Văn Cao, giờ đã trở thành kinh điển: Thu cô liêu, Cung đàn xưa, Suối mơ, Bến xuân...
Thời kỳ tân nhạc còn chập chững (quãng năm 1938 trở đi), chúng tôi - những chàng thanh niên mới lọ mọ tự soạn ca khúc Việt Nam (như Lê Thương, Đặng Thế Phong, Hoàng Quý ...) thường dùng một âm giai minor hơi giống như âm giai của điệu Sa mạc (re fa sol la do re), tức là đều có chung một hơi hướng Việt Nam và một phong cách buồn bã như nhau.
Duy chỉ có Văn Cao là muốn thay đổi phong cách, cho nên sau Buồn tàn thu thì ông buông cái re minor ra và dùng những âm giai major để diễn tả cái buồn. Không còn là ngũ cung re minor nữa, nhạc điệu trong Thu cô liêu, Cung đàn xưa là nhạc chủ thể Tây phương với những áp âm làm cho nét nhạc có nhiều cảm tính.
Sau đó, trong hai bài nhạc tình về mùa thu và mùa xuân là Suối mơ và Bến xuân, bao giờ nét nhạc minor mở đầu cũng rất lâng lâng rồi cũng sẽ chuyển qua một nét nhạc major ngắn để diễn tả một niềm vui thoáng qua. Ca từ cực đẹp, khiến hình ảnh người tình trong cả hai bài hát này đều rất lộng lẫy, cao sang. Tình cảm của cả hai bài nhạc tình đều không dìm con người vào cõi u tối, trái lại làm cho người nghe thấy một chút hạnh phúc.
Trong kháng chiến, Trường ca sông Lô của Văn Cao là bài trường ca đầu tiên của chúng ta, là một tuyệt phẩm mà những người đi sau Văn Cao, như tôi chẳng hạn, đã học hỏi được rất nhiều ở ông để tiếp tục làm giàu cho âm nhạc Việt Nam.
* Hiện nay nhạc trẻ Việt Nam đang bị kêu ca là xuống chất lượng, dễ dãi... Có nhạc sĩ lý giải nguyên nhân, nói rằng cả nền âm nhạc thế giới đều bế tắc chứ riêng gì Việt Nam. Nói một cách ngắn gọn thì thế này: Phương tiện biểu đạt của âm nhạc quá hẹp so với các hình thức nghệ thuật khác, quanh đi quẩn lại chỉ có từng ấy nốt nhạc. Rất khó đổi mới. Ông nghĩ sao về điều đó?
- Vậy à? Bản thân tôi thì không thấy bế tắc. Âm nhạc là sự phản ánh cuộc sống. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, nghĩa là vẫn còn tồn tại âm nhạc. Âm nhạc phản ánh cái đẹp của cuộc sống thì nó hay, phản ánh cái dở, cái tệ thì nó thành dở, thành tệ. Có lẽ bởi quan niệm của tôi rất đơn giản: Người nghệ sĩ là PHẢI KHÓC CƯỜI CÙNG VẬN MỆNH DÂN TỘC.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng với sự trợ lực của kinh tế phát triển, văn hóa nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, của phương Tây đang rất có ảnh hưởng ở nhiều nước trên thế giới. Một nước đi sau về kinh tế như Việt Nam càng dễ bị ảnh hưởng.
Tôi biết có những loại nhạc rẻ tiền, và nền âm nhạc Việt Nam đang phát triển hơi lệch lạc, nghĩa là những thứ hạ cấp nhiều khi lại được tôn vinh. Trong tình hình đó, chúng ta cần có thái độ và hành động thích hợp. Nhạc sĩ cần phát triển những sáng tác phản ánh cái đẹp của cuộc sống. Các cơ quan có trách nhiệm về văn hóa phải tìm cách nâng cao trình độ thẩm mỹ, thẩm âm của công chúng.
* Nói vậy thì ông có lời khuyên gì cho các nhạc sĩ bây giờ?
- Phải học, học không ngừng nghỉ! Như tôi đã nói, tôi may mắn là vừa tiếp thu được vốn âm nhạc cổ truyền của dân tộc, vừa có cơ hội du học và tiếp xúc với các nền âm nhạc trên thế giới để làm giàu kiến thức.
Đến giờ, tôi vẫn học. Tôi là một ông già "hi-tech" (cười). Tôi sử dụng máy vi tính, vào mạng, ghi âm, thu đĩa... thành thạo. Ngay từ khi Việt Nam còn chưa có khái niệm về font chữ cho máy tính, tôi đã tự tạo ra một font tiếng Việt để dùng riêng. Khi còn rất ít người Việt được tiếp xúc với máy vi tính, tôi đã sáng tác trên máy và tận dụng được nhiều tiện ích của nó. Tôi là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên ra đĩa CD-ROM nhạc của mình, với đĩa CD Con đường cái quan.
Người nhạc sĩ Việt nếu coi thường âm nhạc cổ truyền của dân tộc thì mọi sáng tác của anh ta sẽ chỉ là bắt chước "Tây". Nhưng nếu "đóng cửa" thì cũng không ổn, phải liên tục cập nhật và tiếp cận được với cái mới, chẳng hạn như những dòng nhạc Rap, New Wave...
* Ngần ấy năm cống hiến cho tân nhạc Việt Nam, nhạc sĩ có tâm nguyện gì khi sắp ở ngưỡng 90?
Xong được buổi giới thiệu Kiều ca trước các đại diện của giới trí thức, văn nghệ sĩ Hà thành, tôi như trút được một món nợ, và cảm thấy mãn nguyện. Tuy nhiên, tôi rất ước ao được sự hỗ trợ của các tổ chức, cơ quan chức trách, để có thể giới thiệu rộng rãi các CD Kiều ca cho các cháu học sinh trong nhà trường, như một cố gắng nhỏ nhoi trước văn tài của thi hào vĩ đại Nguyễn Du.
Tôi cũng còn một mong muốn thầm kín nữa, là có dịp giới thiệu Hàn Mạc Tử ca nhân kỷ niệm ngày sinh của nhà thơ, có ai giúp đỡ được tôi không?
Khởi sự đời mình bằng dân ca kháng chiến, kết thúc đời mình bằng việc xưng tụng tác phẩm muôn đời của nền thi ca dân tộc là Truyện Kiều, chân lý của tôi là: Dù thế này hay thế nọ, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, dù được ca ngợi hay chỉ trích, dù được yêu mến hay bị nguyền rủa..., tôi chỉ muốn làm một nhạc sĩ Việt Nam!
Nguyễn Hoàng Linh - Đoan Trang thực hiện
Nguồn http://tuanvietnam.vietnamnet.vn