“Hương Trinh đã tan rồi!”
- Details
- Written by Lê Hữu
- Hits: 3681
9/9/2017
Em không đi nữa
Em về ôm quê hương mình
Em về ôm quê hương mình
(thơ Minh Đức Hoài Trinh)
“Hương trinh đã tan rồi!” câu hát ấy ở trong bài hát “Kiếp nào có yêu nhau” (1958) của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ từ bài thơ cùng tên của Minh Đức Hoài Trinh. Câu hát nghe thật buồn. Có điều là, trong bài thơ được phổ nhạc không hề có câu ấy, không hề có “hương trinh” nào cả.
“Hương trinh đã tan rồi!” là một trong những câu người nhạc sĩ tự ý thêm vào, một cách cố ý, khi phổ nhạc bài thơ ấy.
Sao gọi là “một cách cố ý?”
Trên những tờ nhạc xưa cũ, bên dưới cái tựa bài hát ấy, người ta đọc thấy: “Thơ: Hoài Trinh, nhạc: Phạm Duy”, hoặc “Thơ: Hoài Trinh, Phạm Duy soạn thành ca khúc”.
Một bài thơ khác cùng tác giả cũng được Phạm Duy phổ nhạc, người ta nghe được:
Ðừng bỏ em một mình
một mồ trinh
chênh vênh chờ cỏ xanh
(“Đừng bỏ em một mình”, Phạm Duy & Hoài Trinh)
Người ta cũng nghe được, trong một bài quen thuộc của Phạm Duy:
Rước em lên đồi xanh
Rước em lên đồi trinh
(“Cỏ hồng”, Phạm Duy)
Hương trinh, mồ trinh, đồi trinh… Nếu chỉ là ngẫu nhiên, hẳn sẽ là một ngẫu nhiên thú vị khi nghe thêm một bài Phạm Duy khác:
Người xây ngục tối / tình yêu lừa dối
Giọt mưa tìm tới / để chia lầm lỗi
với người hoài trinh
(“Nước mắt mùa thu”, Phạm Duy)
Câu ấy từng được nghe, được hát nhiều lần nhưng liệu có mấy ai hiểu được những tình ý trong câu hát.
“Hương trinh đã tan rồi”, đâu chỉ câu hát ấy, những câu nào nữa cũng được người nhạc sĩ thêm vào khi phổ nhạc bài thơ “Kiếp nào có yêu nhau”:
Đôi mi đã buông xuôi / Môi răn đã quên cười
Xa nhau đã xa rồi / Quên nhau đã quên rồi…
Những câu hát ấy, lạ một điều, nghe rất “thơ” (“Môi răn đã quên cười”, chẳng hạn), là những câu được thêm vào hoặc để đáp ứng cấu trúc của bài nhạc, hoặc do bài thơ ngắn, cô đọng, cần “nối” thêm ý. Những câu hát này, hay những “câu thơ Phạm Duy” này, chảy xuôi chiều với mạch thơ và phù hợp với tổng thể của bài thơ.
Đến cả lời thơ cũng được thay đổi câu, chữ, vừa để tạo nhạc tính vừa để tương ứng với âm vực thấp cao, trầm bổng của nốt nhạc:
“Trăng mùa thu gãy đôi” đổi thành Trăng thu gãy đôi bờ
“Chim nào bay về xứ” đổi thành Chim bay xứ xa mờ
“Hoa đời phai sắc tươi” đổi thành Hoa xanh đã bơ vơ
“Đêm gối sầu nức nở” đổi thành Đêm sâu gối ơ thờ
Những đổi thay này vừa giữ lại được ý thơ vừa nghe cũng rất “thơ” nữa (“Trăng thu gãy đôi bờ”, chẳng hạn).
Tâm hồn nhạc sĩ Phạm Duy vốn nhạy bén với thơ, dễ bắt được những tần số rung động của thơ, ông đã thực sự chắp cho bài thơ “đôi cánh nhạc”.
“Nếu không có nét nhạc thần tình của Phạm Duy,” tác giả bài thơ được phổ nhạc nói, “‘Kiếp nào có yêu nhau’ sẽ chẳng có được sức sống mãnh liệt đến như thế.”
“Kiếp nào có yêu nhau” không dễ hát và càng không dễ hát cho hay. Thái Thanh, giọng hát vẫn được xem là gắn liền với nhạc Phạm Duy, cũng gắn liền với bài hát này. Những giọng ca sĩ khác, mỗi giọng có cách thể hiện riêng; thế nhưng, với nhiều người yêu nhạc và yêu bài hát này, Thái Thanh vẫn là giọng hát thể hiện được trọn vẹn nỗi niềm, tình ý của bài nhạc.
Nghe Thái Thanh là nghe tiếng lòng thổn thức của trái tim đầy thương tích, là nghe trộn lẫn những tình cảm tiếc thương buồn tủi, chua xót đắng cay, giằng xé giày vò của duyên kiếp lỡ làng, của tình yêu muộn màng, vô vọng.
Giọng hát rã rượi, như phả hơi thở cảm xúc vào từng lời từng chữ, từng nốt nhạc, thể hiện nỗi đau xót đến tột cùng.
Bài hát cuốn hút người nghe ở những chuyển đoạn đột ngột đầy kịch tính, từ khắc khoải, rời rạc đến gấp gáp, vội vàng, từ những nốt thật trầm vươn đến những nốt thật cao, đẩy mạch cảm xúc lên đến tột độ.
Đừng nhìn em! Đừng nhìn em nữa…, anh ơi!
Những nốt nhạc rướn lên, não nuột.
Anh đâu, anh đâu rồi? Anh đâu, anh đâu rồi?!...
Những nốt nhạc chùng xuống, rã rời.
Nước mắt đã… buông rơi
theo tiếng hát… qua đời
Nghe câu hát ấy, nghe giọng hát ấy, không ai mà không nghe tim thắt lại.
Đừng nhìn nhau nữa…, anh ơi!...
Những nốt nhạc lại rướn lên ở câu kết (coda) với chuỗi ngân thảng thốt tạo cảm giác hụt hẫng, như một nỗi tiếc nuối không nguôi, một kết thúc chưa tròn vẹn.
Cái hụt hẫng và kết thúc chưa tròn vẹn ấy cứ mãi đeo bám, đè nặng lên trái tim người nghe, như một nỗi ám ảnh, dằn vặt, tựa ngấn nước mắt vẫn còn đọng lại trên khuôn mặt nhạt nhòa.
Ban Giám Khảo Giải Văn Chương Học Đường VNCH (Saigon, 1974)- Từ trái: Nhân viên Nha Sinh Hoạt Học Đường, Phạm Long Điền,Nguyễn Mộng Giác, Minh Đức Hoài Trinh, Bình Nguyên Lộc,Minh Quân, Lê Tất Điều, Võ Phiến
(Ảnh: nguyenmonggiac.com)
Có thể dẫn ra một đoạn trong bài phân tích về nhạc thuật của “Kiếp nào có yêu nhau”, được nhạc sĩ Phạm Duy khá “tâm đắc” lúc sinh thời:
“… Cấu trúc thơ đã được đẽo gọt lại để hợp với cấu trúc nhạc. Tôi đoán rằng nhạc sĩ đã ngân nga được cái motif ‘Đừng nhìn em nữa anh ơi’ và cái motif cân bằng thứ hai là ‘Hoa xanh đã phai rồi / Hương trinh đã tan rồi’, và chọn nó làm sườn bài chính của nhạc khúc. Cái cấu trúc này rất logic, nó khởi đầu bằng một câu tán thán với một cung nhạc rải vút lên (arpeggiated) ‘Đừng nhìn em nữa anh ơi’, rồi chứng minh ngay lời cầu khẩn đó bằng hai câu nhạc tương tự nhau là ‘Hoa xanh đã phai rồi’ và ‘Hương trinh đã tan rồi’…
Sang phần hai của phiên khúc, ta thấy nhạc sĩ đã làm tăng kịch tính của câu nhạc bằng cách khéo léo nhắc lại motif nhưng với một biến thể là thêm vào ba nốt ‘Đừng nhìn em (Là Mi Lá)’ trước khi lên đến nốt Mí rồi trả lại nốt Ré, rất phù hợp với lời nhạc có tính cách van xin, vì có ai van xin một câu rồi thôi?” (1)
Chỉ một vài nét phác ấy đủ cho thấy “tay nghề” phổ thơ của “nhà phù thủy âm nhạc” Phạm Duy, như cách người ta vẫn gọi ông.
Đến nay nhiều người vẫn còn nhớ giọng hát rưng rưng của Thái Thanh và “Kiếp nào có yêu nhau” trong vở kịch “Áo người trinh nữ” trình diễn trên Đài Truyền Hình Việt Nam (1967), đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả.
Gần đây, cũng bài hát ấy, cũng giọng hát ấy đã mê hoặc và truyền cảm hứng cho một đạo diễn điện ảnh người Mỹ gốc Việt, Dustin Nguyễn, để thôi thúc anh thực hiện một phim tình cảm ở trong nước. “Bao giờ có yêu nhau”, tên phim, mượn từ một câu hát trong bài hát ấy. “Kiếp nào có yêu nhau”, nhạc phim chính và giọng hát đầy ma lực của Thái Thanh đã “hớp hồn” nhiều khán giả trẻ lần đầu tiên nghe được ca khúc ấy, khiến phải đi tìm cho bằng được bài hát và giọng hát này để được thưởng thức trọn vẹn. Rõ ràng là trước giờ tuổi trẻ trong nước chưa hề nghe được bài hát nào như thế, giọng hát nào như thế.
“Tôi chọn ca khúc ‘Kiếp nào có yêu nhau’ làm nhạc phim vì nội dung bài hát quá phù hợp với chuyện phim,” người đạo diễn trẻ tâm sự. “Ca khúc bất hủ ấy không chỉ nói về kiếp người, sự luân hồi, mà còn khắc họa cả câu chuyện tình bất hạnh, tiếc nuối. Bên cạnh đó, giọng ca của nghệ sĩ Thái Thanh mang màu sắc liêu trai, ám ảnh và cực kỳ ma mị. Ca khúc này được lồng ghép vào phim chắc hẳn sẽ chạm được đến trái tim khán giả.”
Đối với nhiều người ở trong nước, đấy là bài hát “mới”, hiểu theo nghĩa mới được nghe lần đầu.
Bài hát, như thế, có đến hai đời sống, cách nhau đến hơn nửa thế kỷ.
“Kiếp nào có yêu nhau” phù hợp với giọng nữ hơn là giọng nam (vài nam ca sĩ tự ý đổi lời bài hát từ “em” sang “anh” nghe khá… phản cảm, khi mà những “hoa xanh” và “hương trinh” chỉ dành cho người nữ).
Đừng nhìn anh! Đừng nhìn anh nữa…, em ơi!
Hoa xanh đã phai rồi!
Hương trinh đã tan rồi!
Thái Thanh-Hoài Trinh-Phạm Duy, “bộ ba” này đã giữ cho lời hẹn thề “Kiếp nào có yêu nhau” của những đôi tình nhân được bền vững mãi cho đến trọn… kiếp này.
Thái Thanh hát “Kiếp nào có yêu nhau” (nhạc phim “Bao giờ có yêu nhau”):
Điều đáng ngạc nhiên là, bài thơ được phổ nhạc khi tác giả còn tuổi đời rất trẻ. Người đọc tìm thấy, khá nhiều bài thơ, câu thơ của Minh Đức Hoài Trinh như được phủ lên một màn sương âm u, một không gian u tịch của những “chiều tha ma hoang lạnh”, những “đường nghĩa trang gập ghềnh”, những “tiếng cầu kinh văng vẳng”, những “tiếng búa nện vào đinh”, những “vòng hoa tang ủ rũ”, những “cỏ dại phủ mộ trinh”, và cả đến những “thịt xương rữa nát”, những “côn trùng rúc rỉa”, những “oan hồn lạnh lẽo”, những “bóng thuyền ma lênh đênh”…
Về phía người nhạc sĩ, những bài thơ của sinh ly tử biệt ấy mang đến cho ông sự đồng cảm sâu xa, khi mà “Tình yêu–Sự khổ đau–Cái chết” vẫn là những chủ đề, như ông bộc lộ, từng theo đuổi và ám ảnh ông không dứt. “Kiếp nào có yêu nhau”, “Đừng bỏ em một mình” và những bài thơ nào nữa của Minh Đức Hoài Trinh đã truyền cảm hứng đến ông để từ đó một loạt những ca khúc về siêu hình, tâm linh, về cái chết và nỗi chia lìa ra đời, như “Đường chiều lá rụng” (1958), “Nếu một mai em sẽ qua đời (1958), “Tạ ơn đời” (1959), “Một bàn tay” (1959), “Ru người hấp hối” (1965), “Những gì sẽ mang theo về cõi chết” (1966), “Anh yêu em vào cõi chết” (thơ Nguyễn Long, 1971), “Tưởng như còn người yêu” (thơ Lê Thị Ý, 1971), “Bài hát nghìn thu” (1988), “Người tình già trên đầu non” (1988), “Trút linh hồn” (thơ Hàn Mặc Tử, 1993)…
Đến nay thì cả hai, người nhạc sĩ lẫn người thi sĩ đều đã đi về một thế giới khác. Và tiếng hát người ca sĩ, từ lâu cũng lặng tiếng, im hơi.
* * *
“Anh còn có dịp đi qua
thăm giùm em với, căn nhà thân yêu
Hôn giùm em những buổi chiều
Nói giùm em, nói rất nhiều xót xa” (2)
Người viết những câu lục bát ấy đã đi xa. Câu thơ thật tha thiết, thật xót xa. Tôi không rõ chị đi xa mãi đến đâu, thế nhưng tôi tin rằng linh hồn chị thế nào cũng về lại quê hương cũ, về ngồi lại trên thềm nhà cũ của “căn nhà thân yêu”, về hôn lên những buổi chiều vàng trên đồng lúa mênh mông, về thăm lại “màu đất đỏ đường dốc cao Bến Ngự”, (2) về nhìn lại “trăng sông Hương vằng vặc giọng hò khoan” (2) nơi thành phố đầy ắp những kỷ niệm mà một phần đời của nhà thơ còn gửi lại chốn ấy.
Tình yêu ấy, tình yêu chị gửi về quê nhà xa lắc xa lơ ấy đến “kiếp nào” đi nữa cũng không hề nhạt phai. Dẫu “hương trinh đã tan rồi”, dẫu hoa đời có “phai sắc tươi” thì tình vẫn cứ xanh cho đến “tận ngàn sau”. Không phải là bài hát ấy đã nói như thế sao?
Minh Đức Hoài Trinh, chị không đi xa (như cách người ta vẫn nói), chị trở về. Một con người yêu đất nước yêu quê hương đến như chị, yêu đến nâng niu từng kỷ niệm như chị thì không thể nào không trở về.
Trở về như cánh “chim nào bay về xứ”. (2) Trở về như những câu thơ:
“Trở về thành phố của màu rêu tuổi nhỏ
vẫn còn nghe trong gió
bầy chim sẻ trên nóc chuông nhà thờ
gọi tên rất khẽ
Hoài Trinh”
(“Quê Nhà”, thơ Minh Đức Hoài Trinh)
Và những câu thơ nào nữa, trong những bài thơ “trở về” nào nữa:
“Em về ôm lửa
Em về ôm anh
Em không đi nữa
Em về ôm quê hương mình”.
(“Em về ôm quê hương mình”, thơ Minh Đức Hoài Trinh)
Lê Hữu
9/9/2017
(1) Học Trò: Vài cảm nghĩ về “Kiếp Nào Có Yêu Nhau”, thơ Hoài Trinh, nhạc Phạm Duy
(2) Thơ Minh Đức Hoài Trinh
Nguồn: http://www.diendantheky.net/2017/09/le-huu-huong-trinh-tan-roi.html