Ca Từ Trong "Tuổi Hồng", "Tuổi Ngọc", "Tuổi Mộng Mơ" Của Phạm Duy
- Details
- Written by Phan Trang Hy
- Hits: 16602
4/2017
Nhạc Phạm Duy đi vào lòng người không chỉ bằng giai điệu, mà còn bằng ca từ. Phạm Duy từng viết những bài nữ ca như “Tuổi Mộng Mơ”, “Tuổi Hồng”, “Tuổi Ngọc”, “Tuổi Thần Tiên”, “Tuổi Bâng Khuâng”..., là để “xưng tụng tuổi tuyệt vời của các em gái”*. Riêng tôi, với kiến thức, khả năng phân tích cái hay, cái đẹp của âm nhạc có hạn, nên trong bài viết này, tôi xin nêu một vài suy nghĩ của mình về ca từ mà Phạm Duy xưng tụng của một số bài trong chương khúc nữ ca được nhiều người thích.
Trước tiên là ca khúc “Tuổi Hồng” (Saigon-1973). Từng đoạn của ca khúc được chia theo từng ý như “Tuổi Hồng soi”, “Tuổi Hồng dâng”, “Tuổi Hồng bay”, “Tuổi Hồng ơi”, nhưng đều thống nhất đề tài, làm nổi bật chủ đề “Tuổi Hồng”.
Tuổi Hồng - Thái Hiền trình bày
Này là “Tuổi Hồng soi”, ca từ được chắt lọc soi lòng để những cô gái đẹp hơn, xinh hơn. Có cô gái nào không làm duyên trước gương? Trước người khác? Các cô làm duyên để cuộc đời thêm thi vị, vì các cô, dù không nói ra vẫn biết rằng có người sẽ ngắm mình, ngắm cái dễ thương của con gái:
“Hôm nay em đi trời không có nắng
Nhưng sao đôi má em lại bừng bừng
Nơi em đi qua lửa không bốc cháy
Nhưng sao đôi má em như người say
Em không hung hăng giận, hay tức tối
Em không biết uống ly rượu người mời
Ðôi khi em đi hạt mưa giăng lối
Nhưng sao môi mắt em như mặt trời.
Tuổi Hồng soi ý soi! Tuổi Hồng soi ý soi!
Tuổi Hồng soi ý soi! Tuổi Hồng soi ý soi!”
Với cách sử dụng điệp cấu trúc “... không... nhưng...”, cùng hình ảnh tương phản như “trời không có nắng”> < “đôi má em lại bừng bừng”; “lửa không bốc cháy”> < “đôi má em như người say”; “không hung hăng giận, hay tức tối, không biết uống ly rượu”> < “môi mắt em như mặt trời” tưởng chừng như các cô gái đều soi dáng điệu, gương mặt đáng yêu, như thể rằng các cô sinh ra đời là để làm duyên, thêm duyên. Và cuối đoạn “Tuổi Hồng soi ý soi!” được lặp lại 4 lần như khẳng định các cô làm duyên, các cô như soi gương để hoàn thiện cái xinh, cái dễ thương, cái đẹp của mình!
Còn đây là “Tuổi Hồng dâng” với lời ca như dâng trọn lòng thơm thảo của người thiếu nữ chưa hé nụ hoa đời:
“Hoa chưa ra hoa nụ hoa chưa hé
Nhưng em thơm mát hương mạ chiều hè
Thơm như bông lau đồi non xanh lá
Thơm như hơi ấm miếng trầu đỏ hoe
Sao em thơm như sầu riêng quê cũ
Sao em man mác như ruộng ngày mùa
Thơm như tay ôm của cha yêu quý
Thơm như mái tóc nơi mẹ hiền từ.
Tuổi Hồng dâng ý ơi! Tuổi Hồng dâng ý dâng!
Tuổi Hồng dâng ý ơi! Tuổi Hồng dâng ý dâng!”
Một loạt điệp từ, nào là “thơm” kết hợp lối so sánh “như” đã cho người nghe như cảm nhận đủ mùi hương vị của đất trời, quê hương, gia đình. Đó là hương vị “mạ chiều hè”, “bông lau đồi non xanh lá”, “sầu riêng quê cũ”, “ruộng ngày mùa”, “tay ôm của cha yêu quý”, “mái tóc nơi mẹ hiền từ”. Và cuối đoạn “Tuổi Hồng dâng ý ơi! Tuổi Hồng dâng ý dâng!” được lặp lại như nguyện Tuổi Hồng dâng trọn lòng thơm thảo cho cõi nhân sinh!
Và đây là “Tuổi Hồng bay”:
“Mây xanh mây xanh chiều nay đi vắng
Nhưng em chắp cánh em lượn ngoài đồng
Mây xanh mây xanh nhiều khi mây đứng
Nhưng em phơi phới bay vào trời quang
Không vun mây đen và không giông tố
Em như cơn bão trên ngọn rừng già
Không nghe chim bay và không nghe gió
Nhưng em vi vút em bay mịt mù.
Tuổi Hồng bay ý bay! Tuổi Hồng bay ý bay
Tuổi Hồng bay ý bay! Tuổi Hồng bay ý bay”.
Ở đoạn này, tác giả sử dụng ngôn từ như nhà thơ. Biện pháp tương phản hình ảnh “mây” với “em” cùng lối so sánh “em như cơn bão trên ngọn rừng già” như khẳng định Tuổi Hồng em tung đôi cánh thiên thần bay, bay khắp mọi cõi con người. “Tuổi Hồng bay ý bay! Tuổi Hồng bay ý bay” lặp lại như cánh mỏng, như là em nhẹ cánh ước mơ, bay, bay vào giấc mộng hồng muôn thuở.
Và cuối cùng là đoạn “Tuổi Hồng ơi” như là tiếng réo gọi của cõi lòng:
“Không ai ca vang ngoài kia trên phố
Không ai ca hát nơi này, phòng nhà
Nhưng trong tim em nhịp vui lia liá
Trong tai em réo muôn vàn lời ca
Chưa ai cho em một câu ân ái
Chưa ai đưa lối hoa mộng đường dài
Em chưa nghe thiên tình ca êm ái
Nhưng em đã bước chân vào huyền thoại.
Tuổi Hồng ơi ý ơi! Tuổi Hồng ơi ý ơi!
Tuổi Hồng ơi ý ơi! Tuổi Hồng ơi ý ơi!”
Vẫn biện pháp tương phản như “không ai ca vang, không ai ca hát”> < “nhưng trong tim em nhịp vui lia lía, trong tai em réo muôn vàn lời ca”; “chưa ai cho em, chưa ai đưa lối, em chưa nghe thiên tình”> < “nhưng em đã bước chân vào huyền thoại”. Và kết thúc đoạn, cũng là kết thúc ca khúc là “Tuổi Hồng ơi ý ơi!” được réo gọi bốn lần. Đó là tiếng réo gọi khát khao được xưng tụng, được tôn vinh về một “Tuổi Hồng” đẹp của đời người con gái.
Và bài nữ ca “Tuổi Ngọc” (Saigon-1973) ra đời, như Phạm Duy tâm sự, là để “hưởng ứng công việc của báo TUỔI NGỌC dành riêng cho các thiếu nữ thuộc vào tuổi ô mai” **.
Tuổi Ngọc - Thái Hiền trình bày
Bài hát có ba đoạn. Mỗi đoạn là một ước mơ của Tuổi Ngọc. Mơ ước đầu tiên là được làm duyên, làm dáng “Xin cho em một chiếc áo như mây hồng!”:
“Xin cho em, một chiếc áo dài
Cho em đi, mùa Xuân tới rồi
Mặc vào người rồi ra
Ngồi lạy chào mẹ cha
Hàng lụa là thơm dáng tiểu thơ
Xin cho em, một chiếc áo mầu
Cho em đi nhẹ trong nắng chiều
Một chiều nhiều người theo
Ở ngoài đường, trên phố
Và lòng người như áo phất phơ.
Xin cho em một chiếc áo như mây hồng!
Xin cho em một chiếc áo như mây hồng!”
(hát 2 lần nữa)
Chiếc áo như mây hồng ấy là chiếc áo dài mặc vào để đón mùa xuân tới, để cha mẹ nhìn khen, hãnh diện rằng cô đã ra dáng tiểu thư. Chiếc áo ấy là chiếc áo mầu trong nắng chiều trên phố có nhiều người theo. Chắc các cô gái dáng tiểu thư kia biết rằng mình như thế nào đó mà hút nhiều người theo đến vậy! Cái hay của ca từ ở đoạn này thể hiện sự chọn lọc ngôn từ của Phạm Duy. Đó là “thơm dáng tiểu thư”, “nhiều người theo”. Cách dùng từ ấy, theo tôi nghĩ, ngoài thiên tài âm nhạc, Phạm Duy còn có khả năng biến hóa ngôn từ như một sự sáng tạo trong những bản nhạc có lời. Khả năng biến hóa ngôn từ ấy còn thể hiện trong đoạn hai: “Xin cho em một mớ tóc tơ xanh rờn!” để được mãi yêu thương:
“Xin cho em một mớ tóc dài
Cho em phơi ngoài hiên nắng rọi
Rụng một vài sợi thôi
Còn lại một con suối
Dòng mượt mà buông xuống chùm vai
Xin cho em một mớ tóc nồng
Êm như nhung, để em gối mộng
Mộng này là thần tiên
Mộng và người quyến luyến
Và chập chờn những bóng dáng quen.
Xin cho em một mớ tóc tơ xanh rờn!
Xin cho em một mớ tóc tơ xanh rờn!”
(hát 2 lần nữa)
“Mớ tóc tơ xanh rờn”! Sao lại là mớ tóc? Mà không phải mái tóc? Một mớ tóc, tôi nghĩ, có lẽ là nhiều tóc! Nhiều trong sự ước đoán. Người ta thường nói tóc xanh đen, riêng Phạm Duy nói “tóc tơ xanh rờn”. Cách nói của ông cho người thưởng thức nhạc thấy được mơ ước khác thường của Tuổi Ngọc đáng yêu. Chỉ có những cô gái đáng yêu mới mơ ước là xin có một mớ tóc dài phơi ngoài hiên nắng, rụng một vài sợi, rụng ít thôi để còn lại suối tóc mượt mà buông xuống vai thon. Mơ ước của cô gái không chỉ hình dung bằng hình ảnh “con suối” mà mơ ước ấy là mộng nồng thơm tóc, là mộng thần tiên quyến luyến, chập chờn bóng dáng thân quen để yêu thương và được yêu thương.
Còn đây là mơ ước về những chuyến đi. Mơ ước ấy là “Xin cho em nhiều thêm chuyến xe êm đềm!”:
“Xin cho em còn một xe đạp
Xe xinh xinh, để em đi học
Từng vòng, từng vòng xe
Là vòng đời nhỏ bé
Ðạp bằng bàn chân gót đỏ hoe
Cho em leo từng con dốc dài
Cho em suôi về con dốc này
Rồi một ngày mai đây
Từng kỷ niệm êm ái
Chở về đầy trên chiếc xe này!
Xin cho em nhiều thêm chuyến xe êm đềm!
Xin cho em nhiều thêm chuyến xe êm đềm!”
(hát 2 lần nữa)
Mơ ước về những chuyến đi, ấy là được đi học, được khám phá tri thức nhân loại trong vòng đời nhỏ bé của cô. Mơ ước ấy là “leo từng con dốc dài” để gom kỷ niệm chở đầy trên hành trình của cuộc sống: “Rồi một ngày mai đây/ Từng kỷ niệm êm ái? Chở về đầy trên chiếc xe này!”
Cả bài hát, tác giả sử dụng điệp ngữ “xin cho em”, “cho em” nhiều lần như muốn nói rằng Tuổi Ngọc là tuổi đầy mơ ước lắm đó. Nghe bài hát này, tôi liên tưởng đến những câu chuyện thường có ba điều ước mà thần tiên ban cho con người. Và ở đây, Phạm Duy chọn ba điều ước mà con gái thường mơ: “Xin cho em một chiếc áo như mây hồng!”; “Xin cho em một mớ tóc tơ xanh rờn!”; “Xin cho em nhiều thêm chuyến xe êm đềm!”. Ba điều mơ ước này từ chỗ mơ ước có thứ ngoài mình để mình làm duyên làm dáng; rồi mơ ước tiếp bản thân mình yêu thương và được yêu thương; và cuối cùng được sống cuộc sống êm đềm. Quả là “Tuổi Ngọc” mơ ước đẹp làm sao!
Và đây là bài “Tuổi Mộng Mơ” (Saigon-1973). Phạm Duy đã viết bốn giấc mơ thật đẹp trong bài này. Đó là “giấc mơ tiên”, “giấc mơ hoa”, “giấc mơ xinh”, “giấc mơ ngoan”.
Tuổi Mộng Mơ - Thái Hiền trình bày
Đã là con gái, ai mà không có giấc mơ tiên? Giấc mơ ấy hồi mười hai, mười ba tuổi kia mà!
“Em ước mơ mơ gì, tuổi mười hai, tuổi mười ba?
Em ước mơ em là, em được là tiên nữ
Ban phép tiên cho hoa biết nói cả tiếng người
Ban phép tiên cho người chắp cánh bay giữa trời
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ tiên
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ tiên”.
Em là tiên nữ ở trần gian này. Em sẽ ban phép tiên cho vật, cho người. Giấc mơ tiên thật đẹp thay vì em ban phép cho hoa biết nói cả tiếng người, ban phép cho người chắp cánh bay giữa trời. Em mơ được làm những điều tốt đẹp!
Còn đây là “giấc mơ hoa” khi em mười ba, mười bốn:
“Em ước mơ mơ gì, tuổi mười ba, tuổi mười bốn?
Em ước mơ mang hồn, em mang hồn thi sĩ
Theo gió mưa em đi, hát xây mộng cho người
Trên cánh thơ tuyệt vời, hát yên vui cõi đời
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ hoa
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ hoa”.
“Giấc mơ hoa”, “thật đẹp thay!”. Không đẹp sao được khi em mơ mang hồn thi sĩ? Nào là Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Đinh Hùng, Thanh Tâm Tuyền... một thời làm xao xuyến lòng em. Ở đây, giấc mơ em như muốn nói với mọi người rằng, em mơ em là người có tâm hồn trong cõi nhân sinh vì em “hát xây mộng cho người”, “hát yên vui cõi đời”. Em mơ là người có ích cho đời!
Và khi tuổi mười bốn, tuổi mười lăm, em lại có “giấc mơ xinh”:
“Em ước mơ mơ gì, tuổi mười tư, tuổi mười lăm?”
Em ước mơ em đẹp như trăng rằm tươi tắn
Thoa phấn son em mang chiếc áo dài khăn hồng
Em sẽ thi đua cùng với hoa khôi khắp vùng
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ xinh
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ xinh”.
“Giấc mơ xinh” là giấc mơ được đẹp như trăng rằm, được thoa phấn son làm duyên, được mang chiếc áo dài, khăn hồng làm dáng, để thi đua với hoa khôi khắp vùng. “Giấc mơ xinh” rất con gái!
Còn đây là “giấc mơ ngoan”:
“Em ước mơ mơ gì, tuổi mười lăm, tuổi mười sáu
Em ước mơ không nhiều, xin một điều yêu dấu
Không ước mơ xa xôi, ước mơ được nên người
Cô gái yêu nước Việt bước chân theo giống nòi
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ ngoan
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ ngoan!”
“Giấc mơ ngoan” không nhiều, không xa xôi. Đó là giấc mơ thời đi học của cô gái là được nên người, là cô gái yêu nước Việt bước chân theo giống nòi.
Bài “Tuổi Mộng Mơ”, tác giả dùng ngôn từ bình dị thể hiện tâm hồn chân chất của cô gái Việt trong lứa tuổi mộng mơ. Mộng mơ rất đáng yêu! Mộng mơ để thành cô gái Việt!
Cả ba bài “Tuổi Hồng”, “Tuổi Ngọc”, “Tuổi Mộng Mơ” đều có cấu trúc gần như giống nhau. Cùng với cách sử dụng điệp từ, cũng như cuối mỗi đoạn của từng bài hát, Phạm Duy dùng ca từ lặp đi lặp lại, đã góp phần thể hiện nội dung chủ đề nhằm xưng tụng lứa tuổi tuyệt vời của một thời con gái! Hy vọng rằng, ba bài nhạc trên sẽ rung động tâm hồn của người yêu nhạc.
Tháng 4/2017
Phan Trang Hy
Chú thích: * và ** nguồn phamduy.com
Nguồn: Quán Văn, số 45, 5/2017