Bài 12 - Một Nghệ Thuật Khúc Ðiệu - [3] Nét Vẽ Và Hình Dáng
- Details
- Written by Georges E. Gauthier
- Hits: 2599
(nguyên bản tiếng Pháp - Võ Phiến dịch)
Hãy nhìn cho khá sâu xa
và sẽ nhìn thấy khúc điệu
Carlyle.
Ðối với tôi, một khúc điệu của Phạm Duy trước hết là một nét vạch trên giấy. Bởi vì nếu khi nghe một khúc điệu ta thấy rõ cơ cấu thanh âm của nó thì khi nhìn khúc điệu ấy, chúng ta lại thấy rõ ràng cấu thức trí năng của nó. Trong ba mươi năm bình giải về nghệ thuật Phạm Duy, theo như tôi được biết thì người ta chưa bao giờ chú trọng nhiều đến khía cánh thị giác ở các khúc điệu của nhạc sĩ ấy. Mặc dù ở một nhà soạn nhạc Việt Nam, chưa bao giờ danh từ ''nét nhạc'' lại có nhiều ý nghĩa như ở Phạm Duy. Hãy xem qua, không cần chọn lựa các bản hợp phổ của Khối Tình Trương Chi, Thu Chiến Trường, Nương Chiều, Về Miền Trung, Em Bé Quê, Dạ Lai Hương, Tình Ca, Tình Nghèo, Ngày Trở Về, Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Ngày Ðó Chúng Mình, Tâm Sự Gởi Về Ðâu, Mùa Xuân Yêu Em, Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc, Người Yêu Của Cán Bộ, Mùa Thu Chết, Khi Tôi Về, các thiên hợp phổ trong hai thiên trường ca, của một số đạo ca và của nhiều bài khác, hoặc cũ hoặc mới : thường nhiều khi mắt đã trông thấy trước những cái tuyệt mỹ mà tai sắp được nghe. Sự thực thì có thể nói mà không sợ quá đáng rằng ở Phạm Duy cũng như ở Mozart, Schubert hay Chopin, nhiều khi một khúc điệu đã đẹp mắt sẵn trên giấy trước khi đẹp tai nghe. Nhưng lại còn hơn thế nữa. Ðối với những ai biết đọc nhạc thì sự nghiên cứu cẩn thận một bản hợp phổ của Phạm Duy cho thấy thêm một bằng chứng nữa, nếu cần, rằng phần nhiều các khúc điệu ấy vừa là kết quả của cảm hứng, vừa là kết quả của công phu. Thực ra sự kết hợp diệu kỳ của lý trí và tình cảm nơi Phạm Duy -- sự kết hợp làm cho thiên tài khác với thứ tài năng thông thường -- sự kết hợp ấy nhìn vào giấy cũng nhận ra được như là nghe bằng tai. Nếu muốn thấu hiểu đến nơi đến chốn cái luận lý tiềm tàng lớn lao ngụ trong rất nhiều tác phẩm của người nhạc sĩ ấy, trước hết phải xét đến bản nhạc viết trên giấy. Một cách tìm hiểu có thể soi sáng và phát giác được nhiều bí ẩn trong nghệ thuật khúc điệu của Phạm Duy. Sự thực thì nghiên cứu một bản hợp phổ của Phạm Duy là xem nghệ sĩ làm việc, theo dõi nghệ sĩ trong bí thuật luyện kim qua cách soạn nhạc.
Nhân tiện cũng nên ghi nhận công phu thận trọng của Phạm Duy trong việc chép các khúc điệu của mình. Từ khi tôi bắt đầu ngành nhạc học đến nay, mắt tôi đã xem qua hàng trăm bản hợp phổ, hoặc để đánh đàn hoặc để hát, vậy mà ít khi tôi trong thấy những bản hợp phổ được viết kỹ càng như của Phạm Duy. Bản viết rõ ràng và chính xác một cách kiểu mẫu, những hợp phổ chứng tỏ rằng nét nhạc trong tâm tư đã hoàn toàn đồng hoà với nét nhạc trên giấy. Thật là tác giả của các trường ca đã có tài viết nhạc diệu xảo. Hãy xem kỹ các đoạn nhạc như Ai Vô Xứ Huế Thì Vô, Ai Ði Trên Dặm Ðường Trường, Nước Non Ngàn Dặm Ra Ði, Mẹ Xinh Ðẹp, Những Dòng Sông Chia Rẽ, Chớp Bể Mưa Nguồn, hãy xem kỹ các bản hợp phổ của Ðạo Ca Một, Ðạo Ca Bốn, Ðạo Ca Năm và Ðạo Ca Bẩy, hãy xem các bản hợp phổ trong hàng chục ca khúc khác... thật là tuyệt diệu. Nhất là thật đáng cho ta học hỏi. Mỗi nhịp, mỗi nốt nhạc, mỗi dấu lặng, tất cả đều cả đều được ghi rõ ràng, chính xác, tỉ mỉ, bất cứ đoạn nhạc khó khăn ra sau.
Ở đây thực sự phải nói là có một khoa học viết nhạc, nhưng lại phải nhấn mạnh rằng khoa học đó có quan trọng đến đâu thì đối với Phạm Duy nó vẫn không bao giờ là một cứu cánh. Trái lại, nơi mỗi tác phẩm, chính khoa học phục vụ cho sự phô diễn nghệ thuật, chính khoa học phục vụ cho ý nhạc và không có mục đích nào khác hơn là ghi cho thật chính xác khía cạnh bất trị và biến ảo của ý nhạc đó. vậy nếu xảy ra trường hợp khúc điệu của Phạm Duy bị trình bày kém sút ít nhiều, thì không thể đỗ lỗi cho những khuyết điểm hay những sự mập mờ nơi bàn viết của tác giả, bởi vì lẽ giản dị là không hề có những cái đó bao giờ. Thực ra, nói về chuyện trình bày, có thể nói rằng đôi khi ý kiến của Phạm Duy gần với Maurice Ravel và Igor Stravinski vốn cũng là những nhạc sĩ rất cẩn thận trong việc ghi nhạc trên bản thảo, và muốn rằng người ta đừng nên ''trình bày'' tác phẩm của họ mà chỉ nên ''chơi đúng những gì đã được viết thôi''.
Tất nhiên người ca sĩ hay nhạc sĩ giỏi nhất về lý thuyết âm nhạc không nhất thiết là phải là người trình bày nhạc Phạm Duy hay nhất. Không phải tất cả đều nắm trong nốt nhạc viết ra, còn có nhiều cái vượt khỏi chữ viết, ở ngoài ký hiệu chỉ đủ diễn đạt tư tưởng một cách tương đối. và những ''cái'' đó, chỉ một diễn viên có tình cảm và năng khiếu siêu đẳng mới khám phá và mới trình bày ra được. Chính vì thế mà Thái Thanh đã trở thành một người trình bày nhạc Phạm Duy giỏi nhất, hoàn toàn nhất. Ở nơi người đàn bà ấy sự hoà hợp giữa lý trí và tình cảm, giữa cảm xúc và năng khiếu đạt đến mức ngang bằng với sự hoà hợp giữa lý trí và tình cảm, giữa cảm xúc và năng khiếu nơi Phạm Duy. Nói thế là đa ngôn, nhưng cũng là nói lên tất cả những điều cần nói.
Có thể nói mỗi một khúc điệu của Phạm Duy đều xứng đáng được phần tích riêng biệt. Nhưng phần tịch tất cả các khúc điệu của Phạm Duy là điều vượt quá phạm vi loạt bài này, bởi vậy trong những trang sau đây tôi chỉ xin nhấn mạnh vào một vài đặc điểm căn bản của nghệ thuật khúc điệu Phạm Duy và nêu lên những nét chi tiết của sự cấu tạo khúc điệu mà tôi đặc biệt chú ý. Tóm lại, mục đich của tôi là cố gắng qui định càng đúng càng hay, cái gì đã làm ra tính cách duy nhất và cá biệt của nghệ thuật khúc điệu Phạm Duy. ''Hãy tìm lại nguồn, hãy làm cho nguồn trong sạch; như thế ta có thể nghe tiếng reo hát của nguồn''. Tôi yêu câu nói ấy câu nói ấy của Maurras bởi vì nó hợp với câu chuyện của tôi : tìm lại các khúc điệu của Phạm Duy với tất cả sự thuần túy của chúng để chúng càng cất lên tiếng hát tuyệt diệu hơn nơi chúng ta.
Mục đích của mọi sáng tác không nhất thiết phải tạo cho kỳ được một xúc động, một cảm giác, một tư tưởng, nhưng mà là diễn đạt trung thành một tình cảm hay một cảm giác của chính tác giả. Phạm Duy là nghệ sĩ, nhưng không phải vì đã diễn đạt trung thành những cảnh đời và những tình người mâu thuẫn và cực đoan, mà vì sự xúc động mạnh mẽ của ông trước cảnh đời cùng tình người ấy sự xúc động đã đem lại một không khí tình cảm riêng cho tác phẩm nghệ thuật của ông.
Trước tôi, đã có những người khác từng nhấn mạnh về khía cánh tự nhiên không gượng ép ấy của nghệ thuật Phạm Duy. Nhưng vì sao mà có cái ấy ? Thực sự thì không khí âm nhạc hay thi ca của người nào là biểu thị của thể chất người ấy. Mozart, Schubert, Chopin -- và Phạm Duy -- sống trong âm nhạc, bởi vì họ sống trong cơn sốt. ''Cơn sốt là cái gì gần với âm nhạc hơn cả'', họa sĩ Gavarni đã nói thế. Âm nhạc đối với họ là tự nhiên. Âm nhạc phát xuất tự nhiên ở họ bởi vì âm nhạc trong lãnh vực tinh thần của họ cũng giống như sự run rẩy và mồ hôi trong lãnh vực thể chất. Ðối với những nghệ sĩ như thế thì nghệ thuật là một cảm hứng không ngừng.
Hơn thế nữa : một sự hô hấp. Mozart, Schubert, Chopin, Phạm Duy là nhạc sĩ, là nghệ sĩ cũng như họ thở vậy. Dù tác phẩm của họ có trau chuốt công phu đến đâu, tác phẩm ấy cũng không bao giờ khiến người ta có cảm tưởng là một cố gắng xây dựng. Nó là một thứ linh giác và cái đà sống đã đạt đến chỗ cực đỉnh của nó trong nghệ thuật có thể không đạt được mức ấy trong cuộc đời thực tại. Mặt khác, tôi không quên rằng Mozart, Schubert và Chopin chỉ là nhạc sĩ, còn Phạm Duy thì vừa là nhạc sĩ vừa là thi sĩ. Ðể nói ra những gì cần phải nói trong tư cách nghệ sĩ, Mozart, Schubert và Chopin chỉ cần có một ngôn ngữ âm nhạc mà thôi. Ðể diễn đạt con người nghệ sĩ của mình, Phạm Duy vừa cần đến ngôn ngữ thi ca vừa cần đến ngôn ngữ âm nhạc. Thực ra đây chỉ là một vấn đề phương tiện và không thay đổi gì về những điều tôi đã viết ở đầu đoạn này.
Nhưng hãy trở lại cái ''đà sống'' mà tôi vừa mới nói đến. Bởi vì chính là phải tìm ra nguồn gốc điểm xuất phát của quá trình sáng tạo Phạm Duy từ cái đà sống ấy. Chính do tính chất riêng của mỗi thứ ngôn ngữ thi ca và âm nhạc, mà cái đà sống của nghệ sĩ này có thể nhận định dễ dàng trong âm nhạc hơn là trong thi ca nhiều. Có thể nói khúc điệu của Phạm Duy không phải là một cách bình giảng lời thơ. Trái lại thường khi tôi thấy rằng như thể khúc điệu ấy là một cách xác đinh lại bài thơ về giá trị âm thanh và âm nhạc của nó.
Ðó là điều khiến cho các khúc điệu của Phạm Duy dù sao vẫn là những khúc điệu thuần túy, tự nó đẹp, không cần đến lời thơ. Cũng như thế, các bài thơ của Phạm Duy tự nó hay và đẹp, không cần đến điệu nhạc. Tất nhiên, nghệ thuật của soạn giả chỉ đạt đến tác dụng cực điểm của nó khi mà tác phẩm được đưa ra đúng như trong ý niệm nguyên thủy, nghĩa là với cả lời lẫn nhạc. Mặt khác, có một sự khác biệt vô cùng tế nhị giữa những khúc điệu do Phạm Duy soạn ra với lời thơ của mình, và những khúc điệu ấy soạn ra vói lời thơ kẻ khác. Tôi sẽ không giải thích tính chất của sự khác biệt ấy, tôi chỉ nói thế này : hình như sự khác biệt ấy là do ở chỗ các khúc điệu làm ra với thơ của mình thì tác giả ít nhiều đã nghĩ ra cùng một lượt với lời thơ, còn các khúc điệu làm ra với thơ kẻ khác thì nhạc sĩ dĩ nhiên đã soạn ra sau lời thơ ít nhiều. Hơn nữa, thơ Phạm Duy và thơ các thi sĩ Việt Nam khác, mỗi bên có tính chất và không khí riêng, nhưng phải đợi ở một nghệ sĩ nhạy cảm như Phạm Duy thì sự khác biệt rất tế nhị đó mới được biểu lộ trong các khúc điệu phổ nhạc các lời thơ ấy vậy.
Trước tôi, người ta đã nhận thấy rằng Phạm Duy đã phổ nhạc lời thơ của các thi sĩ mà ông yêu thích với sự cảm xúc và hoàn mỹ như thế nào. thực ra, nó hoàn mỹ đến nỗi người ta gần như có thể tưởng rằng những câu thơ của Lưu Trọng Lư, Hồng Nam, Thế Lữ, Hoài Trinh, Hàn Mặc Tử, Cung Trầm Tưởng, Lê Minh Ngọc và của nhiều người khác, tự nó vốn đã hàm chứa một thứ âm nhạc ít nhiều mơ hồ và Phạm Duy chỉ cần bắt lấy cái lời nhạc ấy, rồi viết ra dưới bài thơ, thế là xong. Nhưng sự thực không phải giản dị như thế. Thế mà... khi viết đến những giòng này, tôi sực nhớ đến câu nói của nhà thơ Anh quốc Byron : ''Mọi vật đều có âm nhạc nếu người ta có tai nghe''. Thật vậy, cần phải có một nghệ sĩ với xúc cảm siêu đẳng thì mới có thể chuyển những lời thơ ấy thành những bức tranh đẹp đẽ tuyệt vời đến thế. Tóm lại, để có thể có một bản phổ nhạc hoàn toàn như vậy, tất nhiên cần phải có một nghệ sĩ vừa là một thi sĩ vừa là một nhạc sĩ, sâu sắc như nhau.
''Tứ nhạc không có gì là trừu tượng hết''. Câu nói ấy của Gabriel Marcel đặc biệt thích hợp với các khúc điệu của Phạm Duy. Thực ra, tự nó, khúc điệu không liên quan với một hành động nào cả và cũng không đưa tới một hành động nào cả. Nó như thể là một cứu cánh đầy đủ. Nhạc chỉ dùng để giải thích hành động; đề tài là một phương tiện để quảng diễn tư tưởng, còn khúc điệu thì không dùng làm gì cả. Nó đem đến sự giải thoát. Khúc điệu là một cái, còn tất cả những thiết bị âm nhạc lại là những cái khác. Thực vậy, với khúc điệu người ta không thể làm được gì cả. Mỗi khúc điệu đều có đặc tính phát lộ một chân lý thắm thiết nào đó, khám phá cái thực tại nguyên thủy, trong tâm lý và tinh thần của kẻ đã tạo ra khúc điệu ấy. Khúc điệu cho thấy bản chất của chủ thể chứ không phải của đối tượng. Ðiều này đặc biệt dễ nhận thấy ở những khúc ca không do Phạm Duy đặt lời. Ở đây, trước hết, khúc điệu cho chúng ta thấy thái độ của Phạm Duy đối với lời thơ, cho chúng ta thấy sự bối rối và cảm xúc của ông. Sự thực có thể nói rằng ở Phạm Duy cũng y như ở Schubert, bài thơ thường khi là một cái cớ để cho cái vốn trữ tình lớn lao lúc nào cũng sẵn sàng nơi hai nhà nghệ sĩ ấy được tự do tuôn trào ra.
Dù như vậy, mục đích của tôi không phải là muốn tách rời khúc điệu của Phạm Duy khỏi thi phẩm của ông, mà trái lại, là muốn đặt mối liên quan chính xác giữa hai bên và làm sáng tỏ theo một lối mới quá trình sáng tác nghệ thuật nơi nhà soạn giả của chúng ta. Bởi vì -- ở đây tôi đang nghĩ đến Tiếng Sáo Thiên Thai, Thuyền Viễn Xứ, Tình Nghèo, Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Vần Thơ Sầu Rụng, Kiếp Sau, Tiễn Em, Ngậm Ngùi, Tâm Sự Gửi Về Ðâu, Mùa Xuân Yêu Em, Tôi Ðang Mơ Giấc Mộng Dài, Khi Tôi Về, Mùa Thu Chết và đến một số bài khác nữa -- tôi cảm thấy có những ca khúc của Phạm Duy trong đó thơ và nhạc hoà hợp một cách toàn hảo đến nỗi tôi tưởng rằng mình sẽ không bao giờ nghe lại bài thơ mà không nghĩ đến khúc điệu của Phạm Duy, cũng như không bao giờ có thể nghe khúc điệu Phạm Duy mà không nhớ đến bài thơ.
Hector de Saint-Denys Garneau, nhà thi sĩ Gia Nã Ðại mà tôi rất yêu mến, đã từng viết ''cái gì cũng là thơ, miễn là có một thi sĩ ''. Nhưng tôi, tôi muốn thêm, như sau : ''thơ nào cũng là nhạc, miễn là có Phạm Duy''.
Georges Etienne Gauthier
Võ Phiến dịch
(Tạp chí Bách Khoa 1970-1972)