8. Dân Ca Mới - Phần 2: Sự Ðau Khổ
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 3304
Dân Ca Mới
Huy chương nào chẳng có mặt trái? Có cái hùng của toàn quốc kháng chiến thì cũng có có bi của người dân phải sống trong chiến tranh. Với những thanh niên ca, quân ca, dân ca kháng chiến, tôi đã nói tới vinh quang của chiến đấu. Bắt đầu từ chuyến đi Bình-Trị-Thiên vào năm 1948, tôi dùng dân ca để nói lên khổ đau của nhân dân.
Trong chuyến đi vào mấy tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, tôi nhìn rõ hơn bộ mặt thật của chiến tranh. Tôi thấm được cái gọi là grandeurs et servitudes (hay misères) của cuộc đời. Tôi soạn những bài hát rất bi như bài BAO GIỜ ANH LẤY ÐƯỢC ÐỒN TÂY. Nguyên văn là :
Chiều qua tôi đi qua vùng chiếm đóng
Không bóng trâu cầy bên đồng
Vắng tiếng heo gà trên sân
Chiều qua gánh nước cho Vệ Quốc Quân
Nghe tiếng o nghèo kể rằng
Quân thù về đây đốt làng.
......
Bao giờ anh lấy được đồn Tây hỡi anh
v.v...
Về sau, khi vào sinh sống ở Saigon, vì muốn phổ biến nó nên tôi phải đổi thành:
QUÊ NGHÈO
nguyên là
Bao Giờ Anh Lấy Ðược Ðồn Tây
(Quảng Bình 1948)
Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói
Có những cánh đồng cát dài
Có lũy tre già tả tơi
Ruộng khô có những ông già rách vai
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
Có người bừa thay trâu cầy
Bình minh khi sương rơi mờ trên rẫy
Thấp thoáng bóng người bên ngòi
Tát nước với giọt mồ hôi
Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai
Hiu hắt tiếng bà mẹ cười
Vui vì nồi cơm ngô đầy...
Bao giờ cho lúa được mùa luôn, lúa ơi
Ðể cho cô con gái không buồn vì gió Ðông
Bao giờ cho lúa về đầy sân, hỡi em
Ðể cho anh trai tráng được gần người gái quê.
Làng tôi luôn luôn vươn vài đám khói
Những mái tranh buồn nhớ người
Xơ xác điêu tàn vì ai
Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai
Có tiếng o nghèo thở dài
Vỗ về trẻ thơ bùi ngùi
Từ khi đau thương lan tràn sông núi
Quê cũ đã nghèo lắm rồi
Thêm đói thêm sầu mà thôi
Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi
Mơ thấy bên lề cuộc đời
Áo dài đùa trong nắng cười...
Bao giờ em trở lại vườn dâu, hỡi em
Ðể cho anh bắc gỗ, xây nhịp cầu (anh) bước sang
Bao giờ cho nối lại tình thương, hỡi ai
Ðể em ra bến vắng, đón người người chiến binh.
Tôi tiếp tục nói tới cái bi trong chiến tranh. Từ Quảng Bình, tôi tới làng Gio Linh ở Quảng Trị. Gặp một bà mẹ có người con đi dân quân bị giặc bắt và bị giặc chặt đầu treo giữa chợ. Không ai dám lấy cái đầu anh dân quân xuống để đem đi chôn. Bà mẹ lẳng lặng đi lấy đầu con, bỏ vào khăn gói mang về. Tôi kể câu chuyện đó qua một bài dân ca với kết luận là sau khi hi sinh người con độc nhất cho kháng chiến, bà sẽ có hằng trăm con nuôi là những người đi bộ đội. Bài này nói tới bi hùng chứ không phải nói tới bi lụy.
BÀ MẸ GIO LINH
(Huyện Gio Linh-1948)
Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi bát đầy
Hò ơi ơi ới hò ! Hò ơi ơi ới hò !
Nhà thì nó đốt còn đây
Khuyên nhau báo thù phen này
Mẹ mừng con giết nhiều Tây
Ra công sới vun cầy cấy
Hò ơi ơi ới hò ! Hò ơi ơi ới hò !
Con vui ra đi, sớm tối vác súng về
Mẹ già một con yêu nước có kém chi
Ðêm nghe xa xa có tiếng súng lắng về
Mẹ nguyện cầu cho con sống rất say mê.
Mẹ già tưới nước trồng rau
Nghe tin xóm làng kêu gào
Quân thù đã bắt được con
Ðem ra giữa chợ cắt đầu
Hò ơi ơi ới hò ! Hò ơi ơi ới hò !
Nghẹn ngào không nói một câu
Mang khăn gói đi lấy đầu
Ðường về thôn xóm buồn teo
Xa xa tiếng chuông chùa gieo
Hò ơi ơi ới hò ! Hò ơi ơi ới hò !
Tay nâng nâng lên, rưng rức nước mắt đầy
Mẹ nhìn đầu con, tóc trắng phất phơ bay
Ta yêu con ta, môi thắm bết máu cờ
Nụ cười hồn nhiên, đôi mắt ngó trông ta.
Mẹ già nấu nước chờ ai
Ðêm đêm súng nổ vang trời
Giật mình em bé mồ côi
Hò ơi ơi ới hò ! Hò ơi ơi ới hò !
Bộ đội đã ghé về chơi
Khơi vui bếp lửa tơi bời
Mẹ già đi lấy nồi khoai
Bưng lên khói hương mờ bay
Hò ơi ơi ới hò ! Hò ơi ơi ới hò !
Khi trông con nuôi xúm xít dưới túp nhà
Mẹ nhìn đàn con thương nhớ đứa con xưa
Con, con con ơi ! Uống hết bát nước đầy
Ngày một ngày hai, con nhớ ghé chơi đây.
Rời Quảng Trị, tôi vào Thừa Thiên. Sau khi ở chiến khu một thời gian, tôi xuống miền đồng bằng công tác và sống trong nhà đồng bào tại vùng giặc chiếm. Ðây là vùng Ðại Lược với câu ca dao:
Tình về Ðại Lược
Duyên ngược Kim Long
Tới đây là chỗ rẽ của lòng
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào.
Từ Ðại Lược, nửa đêm, tôi thường đến thôn Vỹ Dạ để gặp các văn nghệ sĩ của thành phố Huế. Trong thời gian này, tôi soạn bài:
VỀ MIỀN TRUNG
(Ðại Lược-1948)
Về miền Trung ! Miền thùy dương bóng dừa ngàn thông
Thuyền ngược suôi suốt một dòng sông... dài
Ôi quê hương xứ dân gầy
Ôi bông lúa, con sông xưa, thành phố cũ
Về miền Trung ! Người về đây sống cùng người dân
Lửa chinh chiến cháy bừng thôn làng điêu tàn
Ðêm hôm nao gió u buồn trên sông vắng
Có tiếng hát xao xuyến ánh trăng vàng.
Hò hô hò ! Hò hố hô !
Người đi trên đống tro tàn
Thương em, nhớ mẹ hương vàng về đâu
Chiều khô nước mắt rưng sầu
Tan thân thiếu phụ, nát đầu hài nhi
Hò hố ! Hò hô !
Hà hớ hơ... Nhớ thương về chiến khu mờ
Biết bao người sống mong chờ
Hát rằng : Hà há hơ...
Nhớ về cố hương yêu dấu xa xưa !
Về miền Trung ! Còn chờ mong núi về đồng xanh
Một chiều nao đốt lửa rực đô thành
Tay trong tay dắt nhau về quê hương cũ
Không than van, không sầu nhớ.
Về miền Trung ! Người về đây hát bài thành công
Lửa ấm áp bếp nhà ai hồng, đêm trùng
Ðêm hôm nay tiếng dân nồng vang thôn xóm
Có tiếng hát xao xuyến ánh trăng vàng
Hò hô hò ! Hò hố hô !
Về đây với lúa, với nàng
Thay bao nỗi khổ tiếng đàn (tôi) mừng reo
Nguồn vui đã tới với dân nghèo
Con sông nước chẩy, tiếng chèo hò khoan !
Hò hố ! Hò hô !
Hà hớ hơ... Tiếng ai vừa hát qua làng
Lúc em gặt lúa trên đồng
Hát rằng : Hà há hơ !
Tiếng cười, tiếng ca trên lúa trên sông.
Trong chuyến công tác Bình-Trị-Thiên, tôi còn soạn bài nhan đề MƯỜI HAI LỜI RU. Bài này cũng kể lại một câu chuyện có thật : Trong một cuộc ruồng bắt, lính Pháp đưa 12 người mẹ Việt Nam đang bồng trong tay 12 đứa con thơ ra bờ sông, và ra lệnh cho 12 người mẹ đó ném 12 đứa con của mình xuống nước. Lẽ dĩ nhiên là 12 người mẹ đó đã không làm theo lệnh giặc và bị bắn chết cùng 12 đứa con thơ. 12 người mẹ đó chết đi, và từ đó, trên con sông ở vùng đau thương này, người ta vẫn còn nghe văng vẳng 12 lời ru của 12 người mẹ Việt Nam chết trong kháng chiến. Trong lần in thứ nhất (1985) của một cuốn sách nhan đề NGÀN LỜI CA, tôi chỉ cho in ra có vài ba câu của bài hát này vì tôi đã quên lời ca. Gần đây, sau khi liên lạc được với một anh bạn già là Phạm Quỳ ở Vinh (Nghệ An), tôi nhận được toàn vẹn những lời ca mà vợ chồng anh vẫn chưa quên.
MƯỜI HAI LỜI RU
(Quảng Trị - 1948)
Miền Trung yêu dấu có một bài ru
Vọng từ quê mẹ là nơi căm thù.
Mười hai câu hát đưa từ dòng sông
Vọng thành lời ca ru vào lòng ta.
Con ngủ trong lòng đang dịu giấc nồng
Giặc đến đầu thôn giặc bắt ra sông
Mười hai người mẹ, giặc bắt ôm con
Thả trôi suôi dòng
Dòng nước đưa đi mười hai người mẹ
Và lũ con thơ cũng trôi xuôi dòng
Dòng nước vang lên thành bao lời thề
Cho dù quê hương chốn mất một còn
Còn nước còn non, người quyết một lòng
Mười hai câu hát vang từ dòng sông
Bao dòng nước mắt rơi trên sông buồn
Mười hai câu hát đưa từ dòng sông
Vọng thành lời ca ru vào lòng ta.
Những Bài Hát Cuối Cùng Trong Kháng Chiến
Tuy nhìn thấy cái bi, cái khổ trong kháng chiến, nhưng tôi vẫn không quên xưng tụng cái hùng, cái vui của người dân, lúc đó hãy còn rất hăng say tranh đấu cho sự tự do của đất nước. Một bài dân ca nữa được soạn trong kháng chiến là bài GÁNH LÚA, xưng tụng phong trào dân công. Nhìn thấy hàng ngàn người gánh thóc đi qua nơi tôi ở, tôi soạn bài hát trữ tình này...
GÁNH LÚA
(Thanh hóa-1949)
Mênh mông mênh mông sóng lúa mênh mông
Lúc trời mà rạng đông ư rạng đông
Bóng người thấp thoáng cuối đường thanh vắng
Bước đều mà quang gánh ư nặng vai
Chơi vơi, chơi vơi gánh lúa chơi vơi
Dân làng mà làng ơi ư làng ơi
Tiếng người ơi ới qua làn nắng mới
Vui chân đi tới phiên chợ mai.
Gánh gánh gánh, gánh thóc về
Gánh gánh gánh, gánh thóc về
Gánh thóc về, gánh thóc về
Gánh về ! Gánh về ! Gánh về ! Gánh về !
Rung rinh, rung rinh, gánh lúa rung rinh
Cánh đồng mà xinh xinh, rằng xinh
Lão bà tóc trắng kĩu kịt quang gánh
Môi trầu mà tươi đám cỏ xanh
Rung rinh, rung rinh, gánh lúa rung rinh
Sức già mà còn nhanh, còn nhanh
Thóc bà phơi nắng, lúa nhà tôi gánh
Hai vai đem sức nuôi toàn dân.
Gánh gánh gánh, gánh thóc về
Gánh gánh gánh, gánh thóc về
Gánh thóc về, gánh thóc về
Gánh về ! Gánh về ! Gánh về ! Gánh về !
Ðêm qua trăng mơ sáng khắp thôn quê
Hỡi chàng mà chàng ơi, chàng ơi
Có nàng xay lúa quyến tròn thương nhớ
Thương chàng mà dãi nắng dầm mưa
Ðêm qua trăng mơ thức suốt canh khuya
Hỡi chàng mà chàng ơi, chàng ơi
Sớm ngày mai tới, thóc vàng cơm mới
Ði nuôi dân gánh một thành hai.
Gánh gánh gánh, gánh thóc về
Gánh gánh gánh, gánh thóc về
Gánh thóc về, gánh thóc về
Gánh về ! Gánh về ! Gánh về ! Gánh về !
Cùng với lúc tôi soạn lời ca cho bản nhạc RA ÐI KHI TRỜI VỪA SÁNG của Phạm Ðình Chương, tôi sáng tác thêm bài:
VĂN NGHỆ SĨ RA TIỀN TUYẾN
về sau được gọi là
ÐƯỜNG RA BIÊN ẢI
(Thanh Hoá-1948)
Ra biên cương ! Ra biên cương !
Thiết tha lòng gái
Hôm nay nâng khăn hồng
Ðưa chân anh hùng ngàn phương.
Ra biên cương ! Ra biên cương !
Khói hôn hoàng xuống men rừng
Qua con sông khuất ngàn nẻo thương
Trăng non dị thường, ngựa tung vó bước
Hiu hiu, lá rơi lối mòn tuyết sương
Sao băng trên vòm, mong qua đêm buồn
Là ánh nắng đến, sáng soi tâm hồn.
Người ngàn trùng
Quên niềm son phấn
Biên ải như đuốc thiêng
Ôi non nước linh truyền
Ôi tiếng hát câu nguyền.
Ðời gai chông
Xin thề lưu luyến
Biên ải xin hiến thân
Thấm thoát đã bao lần
Bao người đi đền nợ máu xương.
Người đi không về,
Chắc rằng có người nhớ
Hương khói chiêu hồn
Hiu hắt những chiều trận vong
Ðời vui thái bình
Cũng vì bao đời lính
Tiếng hát công thành
Thương nhớ những người tòng chinh.
Phạm Duy