7. Dân Ca Mới - Phần 1: Sự Vinh Quang
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 3424
Dân Ca Mới
Nhưng thể tài mà tôi thích nhất là dân ca mới, tuy dựa vào những truyền thống về nhạc điệu, tiết điệu, lời ca của dân ca cổ nhưng nó sẽ phải được hiện đại hoá, nghĩa là:
1) nét nhạc vẫn dùng âm giai ngũ cung cố hữu nhưng áp dụng nhạc thuật chuyển hệ (métabole) làm cho giai điệu không nằm chết trong một ngũ cung nào đó như trong dân ca cổ mà chạy dài trên nhiều hệ thống ngũ cung khác nhau;
2) lời ca tuy nằm trong thể thơ lục-bát, nhưng có nhiều khi được biến thể, do đó tiết điệu cũng theo âm tiết (prosodie) của lời ca mà trở nên phong phú hơn.
Chủ ý của tôi là làm sao đem được Tân Nhạc vào thôn quê. Cũng may là về phần đề tài, tôi có cả một dân tộc và cả một cuộc đấu tranh giành độc lập để đưa vào thể dân ca mới này, do đó nó dễ đi vào quần chúng. Tôi tung ra một số bài hát, bài nào cũng mang âm hưởng dân ca cổ truyền cả. Tôi gọi những bài này là dân ca kháng chiến để phân biệt với những bài dân ca soạn ra sau này.
Bài dân ca mới đầu tiên của thời đại và mang tinh thần kháng chiến là bài NHỚ NGƯỜI THƯƠNG BINH. Bài này được phổ biến rất mạnh mẽ tại miền Việt Bắc khiến cho người miền núi cũng dịch ra tiếng Tày để hát: Pài mà, pài mà qua nứng nà khuê...
NHỚ NGƯỜI THƯƠNG BINH
(Vĩnh Yên 1947)
Chiều về, chiều về trên cánh đồng xanh
Có nàng gánh lúa cho anh ra đi giết thù (u u ù)
Từ ngày chinh chiến mùa Thu.
Từ ngày, từ ngày chinh chiến mùa Thu
Có chàng ra lính biên khu ai ơi tung hoành (ư ư ừ)
Chiều về trên cánh đồng xanh.
Chiều quê hằng nhớ người trai
Và em nhìn tháng ngày trôi
Nhớ người xa, xa vời
Người vì non nước xa xôi.
Một chiều, một chiều trên quãng đường xa
Bòng người anh dũng năm xưa ra đi chốn này (ư ư ừ)
Chàng về nay đã cụt tay
Chàng về, chàng về nay đã cụt tay
Máu đào đã nhuốm trên thây bao nhiêu quân thù (u u ù)
Từ ngày chinh chiến mùa Thu.
Người quê còn nhớ người chăng
Vì ai vào chốn tử sinh
Chiến trường quên, quên mình
Người về có nhớ thương binh.
Người về, người về có nhớ thương binh.
Tôi về tôi nhớ chiều xanh ra nơi sa trường (ư ư ừ)
Và ngày tôi đã bị thương
Và ngày, và ngày tôi đã bị thương
Thân tàn nay sống hậu phương ai ơi bên người (ư ư ừ)
Chiều về thương nhớ đầy vơi.
Người xa gửi đến quà xa
Ngồi đây tưởng đến lệ rơi
Hỡi người xa, xa vời
Ðẹp lòng tôi lắm ai ơi !
Bài này đã được anh bạn ca sĩ Hoa Kỳ tên là Steve Ađisss soạn lời Anh để cùng đi hát với tôi:
The Wounded Soldier
One day one day in the afternoon
There's a girl in the land
With sheaves of rice in her hand
A heavy load for her arms
Her work, her work is the work of man
Where a man worked before
He left to fight in the war
A heavyload for her heart
The days and weeks pass by
The weeks and months pass by
And the harvest comes and goes
But when her man come, no one knows.
One day one day in the afternoon
He comes back and she sees
His sleeves hang loose in the breeze
He lost his arm in the war
His friends, his friends all honor the man
Now he's back from the war
She loves him more than before
Together they work the land
The days and weeks pass by
The weeks and months pass by
And the harvest comes and goes
But when will peace come, no one knows.
Cũng như các bạn đồng nghiệp và đồng đội, tôi đã soạn ra những bài ca kích thích mọi người chiến đấu với những hành khúc. Bây giờ, nếu tôi muốn đưa ra những bài hát mang tâm tình của người nông dân thì tôi phải dùng hình thức dân ca mới, thể tài này nghiêng về tình cảm hơn là hành động.
DẶN DÒ
(Bắc Giang - 1947)
Em ở lại nhà, em ơi, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương, tình tang
Ðể anh vác súng lên đường, tình tang
Ðể anh vác súng lên đường, ứ ừ ư ư ứ ư
Vác súng lên đường, hôm nay, vác súng lên đường
Lòng anh còn nhớ mảnh vườn xác xơ, tình tang
Nghèo đây cũng bởi quân thù, tình tang
Nghèo đây cũng bởi quân thù, ứ ừ ư ư ứ ư
Nếu anh chết bởi quân thù
Súng kia hoen máu đợi chờ tay em
Ra chiến trường kia ! Ra chiến trường kia !
Rửa thù ! Là rửa thù !
Con ở lại nhà, con ơi, con ở lại nhà
Tuổi xanh rèn đúc liệu mà đấu tranh, tình tang
Ðể cha yên chí tung hoành, tình tang
Ðể cha yên chí tung hoành, ứ ừ ư ư ứ ư
Yên chí tung hoành, ra đi yên chí tung hoành
Dẹp tan giặc Pháp ta dành ấm no, tình tang
Nghèo đây cũng bởi quân thù, tình tang
Nghèo đây cũng bởi quân thù, ứ ừ ư ư ứ ư
Nếu cha chết bởi quân thù
Ra chiến trường kia ! Ra chiến trường kia !
Rửa thù ! Là rửa thù !
Anh ở lại nhà, anh ơi, anh ở lại nhà
Hờn căm này lúc Thu về, tôi đi, tình tang
Lòng tôi không nhớ nhung gì, tình tang
Lòng tôi không nhớ nhung gì, ứ ừ ư ư ứ ư
Không nhớ nhung gì, ra đi, không nhớ nhung gì
Người trai chỉ nhớ lời thề tự do, tình tang
Nghèo đây cũng bởi quân thù, ứ ừ ư ư ứ ư
Nếu tôi chết bởi quân thù
Súng kia hoen máu đợi chờ tay anh
Ra chiến trường kia ! Ra chiến trường kia !
Rửa thù ! Là rửa thù !
Ðến lúc này, giải pháp Bảo Ðại được Pháp đưa ra. Việt Minh gọi ngay Bảo Ðại là bù nhìn. Chúng tôi được khuyến khích để soạn nhạc phản đối. Dùng hình thức bình cũ rượu mới (nghĩa là viết lời ca mới trên giai điệu cũ)... tôi soạn bài:
RU CON
(Thái Nguyên-1947)
Ðêm khuya trăng tà
Mẹ ru con ngủ
À à ơi ! À à ơi !
Ngoan ngoan con nhoẻn miệng cười
Trông con mẹ tưởng như đời nở hoa
Chinh chiến miền xa, cha con, chinh chiến miền xa
Mong sao con trẻ quê nhà được vui.
Ngoan ngoan con nhoẻn miệng cười
Thương con, Mẹ những tơi bời ruột gan
Giông tố lầm than, con ơi, nơi kia giông tố lầm than
Gây nên bao cảnh điêu tàn thảm thương
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời giặc Pháp có thương dân mình
Trách ai uốn lưỡi cầu vinh
Bán quê hương nỡ quên tình nước non.
À ạ ơi ! À ạ ời !
Rồi tới chiến dịch may áo trấn thủ để tặng chiến sĩ. Tôi soạn bài:
MÙA ÐÔNG CHIẾN SĨ
(Thái Nguyên-1947)
Mùa Ðông đã tới nơi rồi
Gửi mau áo rét cho người chiến binh
Nào ai vui thú gia đình
Gửi ra chiến sĩ chút tình nước non.
Anh đi giết giặc ngoài xa
Em về may áo gửi ra chiến trường
Ư ư ư ừ ừ lòng nhớ thương
Tay cầm tấm áo nhớ thương
Người đi một bước trăm thương ngàn sầu
Ư ư ư ừ ừ sầu vì đâu ?
Ðêm khuya gió lạnh vì đâu ?
Bao người trai tráng rủ nhau đi giết thù
Ư ú ù ủ ù ngoài gió mưa
Ai về qua chốn gió mưa
Ðể em gửi áo chăn đưa tặng người
Ư ư ư ừ ừ người, người ơi !
Mùa Ðông đã tới nơi rồi
Gửi mau áo rét cho người chiến binh
Nào ai vui thú gia đình
Gửi ra chiến sĩ chút tình nước non.
Trăng ơi ! Mắc ngọn cành tre
Em ngồi may áo mà se se tấm lòng
Ư ư ư ừ ừ vì ước mong
Qua mùa rét mướt ước mong
Người đi người sẽ trả xong thù nhà
Ư ư ư ừ ừ về cùng ta
Nay mai thắng trận về ta
Bây giờ may áo gửi ra chiến trường
Ư ư ư ừ ừ cùng gió sương
Hỡi người chiến sĩ gió sương
Vì em gìn giữ quê hương đời đời
Ư ư ư ừ ừ người, người ơi !
Mùa Ðông đã tới nơi rồi
Gửi mau áo rét cho người chiến binh
Nào ai vui thú gia đình
Gửi ra chiến sĩ chút tình nước non.
Tiếp tục soạn dân ca mới, tôi đưa ra hình ảnh con người Việt Nam của thời đại như: anh chiến sĩ, bà mẹ già, người vợ hiền, đứa trẻ thơ... sau khi xưng tụng người thương binh.
NHỚ NGƯỜI RA ÐI
(Thái Nguyên - 1947)
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người mẹ già
Chờ con lúc đêm khuya
Người con đã ra đi, vì nước
Con bước đi khi trống làng rồn xa
Mẹ đưa mắt trông về ngọn cờ
Cầu cho đứa con trai
Ở đâu đó con ơi, được vui !
Nhớ thương con oán thù loài thực dân
Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng
Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh.
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người vợ hiền
Chồng ra lính biên cương
Ngồi may áo cho con, còn nhớ
Em tiễn anh ra mãi tận đầu thôn
Một hôm lúc trâu bò về chuồng
Rồi anh nhớ anh mong
Chờ chiến sĩ xa xăm lập công.
Nhớ thương anh oán thù loài thực dân
Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng
Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh.
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương đàn trẻ nhỏ
Ðùa trong nắng ngây thơ
Cùng nhau hát líu lo, ngoài ngõ
Nhưng mỗi khi dưới mái nhà mênh mang
Ngừng chơi nắm tay mẹ, hỏi rằng
Rằng : Cha chúng con đâu?
Về mua bánh cho cho con, mẹ ơi
Nhớ thương cha oán thù loài thực dân
Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng
Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh...
Ðã có một hành khúc cho công tác địch vận là bài NGỌN TRÀO QUAY SÚNG, nay tôi có thêm một bài dân ca cho đề tài đó là bài NGƯỜI LÍNH BÊN TÊ. Cái ý niệm bên ni, bên tê tôi đưa ra vào năm 1947 này, không ngờ nó vẫn còn đó trong suốt thời gian từ 1954 cho tới 1975. Rồi từ 1975 cho tới nay, cũng vẫn còn người Việt ở bên này, hay ở bên kia. Tính chung từ 1947 cho tới bây giờ là gần 50 năm, một thời gian dài bằng cả cuộc đời của một con người. Vậy mà có lúc nào người Việt được sống chẳng oán thù đâu? Còn máu người dân Việt thì vẫn chưa bao giờ thấy cần cho luống cầy cả!
NGƯỜI LÍNH BÊN TÊ
(BÊN NI BÊN TÊ)*
(Tuyên Quang-1947)
Một chiều biên khu
Ngồi ôm cây súng dài
Chợt nghe tiếng chim cười
Lòng tôi thêm nhớ ai
Người bạn tôi ơi
Người con của đất Việt
Ở bên phía quân thù
Người còn thức hay mơ.
Bên tê là phía sầu u
Có người dân Việt
Gục đầu trên đất tù
Bên ni là phía tự do
Ðã nhờ Cha già
Mà toàn dân ấm no.
Trở về làng xưa
Ðể xem hoa bốn mùa
Nở trên xác quân thù
Người vui trong gió Thu
Giặc về làng đây
Buộc anh cây súng này
Là mưu kế đem bày
Dùng để giết nhau đây.
Anh ơi ! Quay súng lại ngay
Máu người dân Việt
Còn cần cho luống cầy
Tôi mong từng phút từng giây
Sống chẳng oán thù
Ðể chờ anh tới đây.
Nói tới thể tài thì bây giờ là lúc hình thức dân ca mới phải được tôi phát triển lên thành loại ca khúc có tầm vóc lớn hơn để xưng tụng chiến công đầu tiên của kháng chiến là trận Sông Lô. Nhiều nhạc sĩ dùng nhạc thuật Tây Phương để ghi lại chiến công này như TRƯỜNG CA SÔNG LÔ của Văn Cao, BẾN BÌNH CA của Nguyễn Ðình Phúc, LÔ GIANG của Lương Ngọc, DU KÍCH SÔNG THAO của Ðỗ Nhuận... thì tôi dùng nhạc thuật Việt Nam để soạn bài:
TIẾNG HÁT TRÊN SÔNG LÔ
(Tuyên Quang - 1947)
Trên nước sông Lô, thuyền tôi buông lái như xưa
Sau lúc phong ba, thuyền tôi qua bến qua bờ
Ai nhớ sông Lô, giặc lên ăn cướp dân ta
Tôi nhớ sông Lô, ngày qua chôn xác quân thù
Khoan hỡi khoan hò hò khoan
Hỡi cô con gái, giặt yếm bên bờ
Thuyền tôi đậu bến sông Lô
Nửa đêm nghe tiếng quân thù... thở than
Than rằng:
Khoan hỡi hò khoan
Hôm nào chiến sĩ Việt Nam
Trên dòng sông mênh mang
Súng thần công vang vang
Sông mờ hoen máu thực dân
Hai nghìn quân Pháp vùi thân
Oai hùng thay Lô Giang (3 lần)
Trên nước sông Lô, thuyền ơi, ta hát say sưa
Quân cướp đi xa, về đây ta sống chan hoà
Sông nước hôm qua còn reo như gió như mưa
Sông nước hôm nay lại trôi êm ái như xưa
Khoan hỡi khoan hò hò khoan
Hỡi anh Vệ Quốc cầm súng ngang tàng
Thuyền tôi đậu bến Tuyên Quang
Nửa đêm trông ánh trăng vàng (tôi) nhớ anh
Ca rằng:
Khoan hỡi hò khoan
Hôm nào chiến sĩ Việt Nam
Trên dòng sông mênh mang
Súng thần công vang vang
Sông mờ hoen máu thực dân
Hai nghìn quân Pháp vùi thân
Oai hùng thay Lô Giang (3 lần)
Trên nước sông Lô, từ nay vang tiếng dân ca
Quân cướp đi xa, về đây ta sống chan hoà
Bên suối xanh lơ, mọc lên những mái tranh xưa
Ðây chốn biên khu lòng ta như nước sông Lô.
Khoan hỡi khoan hò hò khoan
Hỡi anh du kích tập bắn trên rừng
Thuyền tôi đậu bến Ðoan Hùng
Bình minh nghe tiếng chim mừng líu lo
Chim rằng :
Khoan hỡi hò khoan
Hôm nào chiến sĩ Việt Nam
Trên dòng sông mênh mang
Súng thần công vang vang
Sông mờ hoen máu thực dân
Hai nghìn quân Pháp vùi thân
Oai hùng thay Lô Giang (3 lần)
Bài TIẾNG HÁT TRÊN SÔNG LÔ có không khí của câu thơ Ðường:
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn...
... cho nên người nghe có cảm tình ngay với bài hát. Hơn nữa, trong một bài ca xưng tụng chiến thắng đầu tiên này, tôi chỉ nói tới cuộc sống bình dị của người dân trong chiến tranh chứ không nói tới những cái vĩ đại. Trước đây, với những bài soạn theo thể hành khúc như VIỆT BẮC, ÐƯỜNG LẠNG SƠN, BÔNG LAU RỪNG XANH PHA MÁU... tôi đã xưng tụng con người oanh liệt trong phong cảnh hùng vĩ của miền Việt Bắc. Bây giờ, tôi xưng tụng con người bình dị và sự êm ả của những buổi chiều trên rẫy trên nương, qua bài dân ca mới:
NƯƠNG CHIỀU
(Lạng Sơn - 1947)
Chiều ơi ! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai
Trâu bò về rục mõ xa xôi, ơi chiều
Chiều ơi ! Áo chàm về quảy lúa trên vai
In hình vào sườn núi chơi vơi, ới chiều
Chiều ơi ! Lúc chiều về là lúc yên vui
Qua đường mòn ngửi lúa thơm ngơi, ới chiều
Chiều ới ! Chiều ơi ! Chiều ơi !
Thu về đồng lúa nương chiều
Tay dân cầy ngừng giữa làn gió.
Lúa ngát thơm trên những cánh nương
Tiếng súng xa nghe lẫn oán thương
Ðây nhà nông phá rừng gây luống
Mai về, để lúa trên ngàn
Ta nuôi người gìn giữ non nước
Lúc sức tôi chen với sức anh
Lấy máu tô cho thắm núi xanh
Ðem mồ hôi tưới đồng lúa xanh.
Chiều ơi ! Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ
Cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều
Chiều ơi ! Mái nhà sàn thở khói âm u
Cô nàng về để suối tương tư, ới chiều
Chiều ơi ! Biết chiều nào còn đứng trên nương
Phố phường nhiều chiều vắng quê hương, ới chiều
Chiều ới ! Chiều ơi ! Chiều ơi !
Phạm Duy
(*) Bài này về sau có thêm một lời ca rất trữ tình, soạn riêng để tặng một người đẹp:
Bên tê là phía thùy dương
Có một cô nàng chải đầu bên suối vàng
Ta mong dòng nước tràn dâng
Bắc (như bắc cầu) một cây đàn để chờ em bước sang...