Thời Kỳ Thành Lập (1938-45) - Xu Hướng Nhạc Tình Duy Nhiên/Lãng Mạn/Trữ Tình - Nhạc Sĩ Ðộc Lập [2]
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 2980
Vào thời kỳ mới thành lập của Tân Nhạc, trong khi Hà Nội, Hải Phòng hay Nam Ðịnh là nơi có sự nhiệt thành của đám nhạc sĩ thanh niên trong phong trào Tân Nhạc thì đồng thời ở Huế cũng có khá nhiều người tuổi trẻ tài cao như Nguyễn Văn Thương, Văn Giảng, Lê Quang Nhạc, Ngô Ganh... đưa ra quần chúng đầy đủ các loại nhạc tình, nhạc buồn hay nhạc vui tươi, hùng dũng.
Nguyễn Văn Thương
Nguyễn Văn Thương là người sớm thành công nhất với ba bài ca bất hủ : Trên Sông Hương, Bướm Hoa, Ðêm Ðông. Cũng như các bạn trẻ ở miền ngoài, những khúc nhạc tình đầu tay này của nhạc sĩ xứ Huế mang đầy đủ "thiên nhiên/lãng mạn tính". Bài Trên Sông Hương được soạn với một cấu trúc giống như bài Ðêm Thu của Ðặng Thế Phong, chuyển từ giọng mineur sang giọng majeur, qua những giai điệu mang nhiều cảm tính :
Trên Sông Hương
Chiều tàn trên bến Hương Giang lờ trôi
Bóng chim bay về chân núi xa vời
Chiều tàn trên bến mang theo hoàng hôn
Dòng sông buồn mơ chiếu áng mây hồng
Khóm lau mờ nghiêng mình bên dòng nước
Trên sông Hương, bến ước mơ chan chứa bao tình
Hằng Nga vừa lên, nhìn qua khóm tranh
Dưới ánh mơ, khách du thuyền lòng đang đắm say
Hồn tràn nguồn thơ đưa cảnh Hương Bình
Tiếng đàn lưu luyến vẳng theo chiều gió
Vấn vương xui lòng ngẩn ngơ
Ðưa từ xa xăm tiếng ca trầm bổng
Thoáng nghe u huyền mơ hồ...
Trên sông Hương, khách đắm say trong giấc mơ màng
Rồi bao năm sau, lòng ai nhớ nhung
Nhớ đêm mơ những du thuyền nặng tình gió trăng
Hồn theo giấc vàng giữa muôn tiếng đàn...
Bài Bướm Hoa diễn tả con người đi tìm (hay chờ đợi) tình yêu, chẳng khác chi loài hoa loài bướm :
Trời bình minh lướt theo chiều gió
Bướm bay bướm bay, chàng đi tìm yêu
Ðầu cành muôn đóa hoa hàm tiếu
Lả lơi mỹ miều trêu bướm đa tình...
Trong ba bài thì bài Ðêm Ðông được phổ biến nhiều nhất, có thể vì các ca sĩ đầu mùa (như tôi hay nữ ca sĩ Bạch Yến) đem đi hát khắp mọi nơi, trên con đường hát rong quốc gia hay quốc tế. Bài này còn là bài hát nặng tính xã hội, làm cảm động người nghe vì mang những tâm sự buồn của chinh phu, chinh phụ, thi nhân, ca nhi, cô lữ không nhà... trong khung cảnh ngày Ðông gió lạnh mưa bay. Về phần nhạc tính, ca khúc có nhiều đoạn chuyển nhịp (mà ta thường gọi là) rất "du dương", nếu ta ôm người đẹp khiêu vũ theo nhịp tango dìu dặt của nó.
Ðêm Ðông
Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống
Ðâu đấy buông lững lờ tiếng chuông
Ðôi cánh chim bâng khuâng rã rời
Cùng mây xám về ngang lưng trời
Thời gian như ngừng trong tê tái
Cây trút lá cuốn theo chiều may
Mưa giăng mắc nhớ nhung tiêu điều
Sương thướt tha bay, ôi đìu hiu
Ðêm Ðông ! Xa trông cố hương buồn lòng chinh phu
Ðêm Ðông ! Bên song ngẩn ngơ kià ai mong chồng
Ðêm Ðông ! Thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư
Ðêm Ðông ! Ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng
Gió nghiêng chiều say
Gió lay ngàn cây
Gió nâng thuyền mây
Gió reo sầu miên
Gió đau niềm riêng
Gió than triền miên...
Ðêm Ðông ! Ôi ta nhớ nhung đường về xa xa
Ðêm Ðông ! Ta mơ giấc mơ gia đình yêu đương
Ðêm Ðông ! Ta lê bước chân phong trần tha phương
Có ai thấu tình cô lữ đêm Ðông không nhà...
Bài Ðêm Ðông có Phiên Khúc 2 rất hay mà ít người biết tới, vì ca sĩ Việt Nam thường mang cái bệnh khó chữa là... "lười, cẩu thả". Riêng tôi, được biết lời ca bài này do Kim Minh (tức người tình trăm năm của nhạc sĩ) soạn, rất nên thơ và rất trí thức :
Ðời như vô tình ta ngao ngán
Non nước thê thảm mang cảnh tang
Thân lãng du cô liêu chán chường
Về đâu giữa trời Ðông đêm trường
Sầu lên khơi hồn quê lai láng
Ta van gió nhắn mưa ngừng than
Cho ta lắng tiếng vang muôn lòng
Rền rĩ qua không gian : Buồn Mong...
Nguyễn Văn Thương sẽ còn cho chúng ta nhiều nhạc phẩm qua nhiều loại ca khác và trong những thời kỳ sau... mà tôi sẽ được hân hạnh nói tới rất nhiều...
Gặp lại nhau, năm 2000
Văn Giảng
Vào lúc Tân Nhạc mới thành lập, Văn Giảng là người soạn khá nhiều bản nhạc hùng như Ðêm Mê Linh, Thúc Quân... và có lẽ ông chỉ muốn dành cái tên này cho người soạn nhạc thật lành mạnh cho nên khi viết nhạc ít lành mạnh hơn, thì ông lấy biệt hiệu là Thông Ðạt. Nếu nhạc tình của các nhạc sĩ miền ngoài là những bài ca xưng tụng các cô hái hoa, hái mơ, cô lái đò, lái thuyền, cô hàng xóm, láng giềng... thì bài hát của nhạc sĩ miền sông Hương núi Ngự này cũng xưng tụng một cô gái có đôi mắt đẹp. Bài hát mang tên Ðôi Mắt Huyền và mang nhiều tính chất ái tình bẽn lẽn của xứ Huế :
Tôi nhớ ngày qua
Xinh xinh cô em đôi mắt dịu buồn
Hồn đắm mơ say
Tim tôi rộn ràng tình đâu mong nhớ...
. . . . . . .
Nhưng bài hát của Thông Ðạt/Văn Giảng được mọi người ưa thích phải là bài Ai Về Sông Tương, với nét nhạc dễ cảm, với điệu blues êm đềm, không một ca sĩ nào mà không hát nó trong suốt 50 năm nay :
Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Bao ngày ôm mối tơ vương
Tháng với ngày mơ nhuốm đau thương
Tâm hồn mơ bóng em luôn
Mong vài lời em ngập hương
Thu nay về vương áng thê lương
Vắng người duyên dáng tôi thương
Mối tình tôi vẫn cô đơn
Xa muôn trùng lưu luyến nhớ em
Mơ hoài hình bóng không quên
Hương tình mông say dịu êm...
Bao ngày qua
Thu lại về mang sầu tới
Nàng say tình mới, hồn tôi tơi bời
Nhìn hoa cười đón, mừng vui duyên nàng
Tình thơ ngây từ đây nát tan
Hoa ơi, thôi ngưng cười đùa lả lơi
Cùng tôi buồn đắm đừng vui chi tình
Ðầy bao ngày thắm dày xéo tâm hồn
Này lệ sầu hoen ý thu...
Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Sao đành nỡ dứt tơ vương
Ôi duyên tình từ nay bơ vơ
Dây tình tôi nắn cung tơ
Rứt lòng sầu trách người mơ...
Bài hát nói đến một mối tình bẽn lẽn, nhút nhát, là tình hờ chứ không phải tình chặt chẽ... và chắc chắn phải là tình đau thương rồi ! Lại cũng phải nhờ tới dây đàn và cung tơ để trách móc người mơ.
Văn Giảng còn cho chúng ta nhiều nhạc phẩm có giá trị trong những thời kỳ sau.
Ở Huế, vào lúc khởi đầu của Tân Nhạc, còn có những nhạc sĩ tiên phong như Lê Quang Nhạc, Ngô Ganh... nhưng họ chuyên về nhạc quê hương, nhạc nhi đồng cho nên tôi xin phép không nói tới họ ở đây.
Phạm Duy