Thời Kỳ Thành Lập (1938-45) - Xu Hướng Nhạc Tình Duy Nhiên/Lãng Mạn/Trữ Tình - Nhạc Sĩ Ðộc Lập [1]
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 3623
Nhưng có một điều mà chúng ta cần phải biết, là : vào lúc vừa mới được thành lập, phong trào nhạc mới với Xu Hướng Nhạc Tình đã phát triển mạnh mẽ như vậy, đó là nhờ ở các ca sĩ Tân nhạc đầu tiên và các phương tiện phổ biến... Vào lúc đó, ca sĩ cũng không nhiều lắm đâu. Giọng nam thì chỉ có tôi và Tino Thân là hai ca sĩ chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp trong hai gánh hát Cải Lương lưu động là ÐỨC HUY CHARLOT MIỀU và ÁI LIÊN. Còn Kim Tiêu, Ngọc Bảo và Mai Khanh mới chỉ là ca sĩ tài tử, hát tại quán nhạc hay trong những buổi nhạc hội mà thôi.
Ca sĩ Ngọc Bảo, ảnh chụp năm 1996
Ông vẫn còn giữ được giọng hát tuyệt vời của thuở xa xưa
Cũng chưa hề có ca sĩ hát nhạc Việt tại "hộp đêm khiêu vũ" (dancing night club) là HANOI BAR. Quán nhạc lúc đó cũng hiếm, một phòng trà mang tên THIÊN THAI ở phố Hàng Gai do Ðặng Trần Vận làm chủ, là nơi để cho một giọng nữ tuyệt vời là Thương Huyền xuất hiện vài ba lần và nổi danh từ đó...
Thương Huyền, giọng hát tân nhạc tuyệt vời đầu tiên...
Hai giọng nữ khác là Bùi Thị Thái và Minh Ðỗ thì thỉnh thoảng tới hát tại phòng trà Nghệ Sĩ ở phố Bờ Hồ, chủ nhân là vĩ cầm gia (violonist) và chủ lò bánh mì Nguyễn Văn Diệp, "Em-Xi " (MC = master of ceremony) là nhạc sĩ Thẩm Oánh... Ðài Phát Thanh (như Radio Indochine chẳng hạn) cũng là một phương tiện truyền bá Tân Nhạc rất hữu hiệu. Học sinh yêu nhạc còn có thêm cái thú sưu tập những bản nhạc (song sheet) được in ra khổ to, khổ nhỏ và với hình ca nhạc sĩ...
Phạm Duy, ca sĩ phòng trà, gánh hát, radio trong những năm1943-45...
Một nhận xét nữa khá ngộ nghĩnh về Tân Nhạc vào lúc sơ khai, là nhạc tình được mọi người thích nghe, thích hát lúc đó thường là những bài ca ngợi các cô gái như Cô Lái Ðò của Nguyễn Ðình Phúc, hay là Cô Lái Ðò Mơ của Dzoãn Mẫn, Cô Láng Giềng của Hoàng Quý. Rồi khi có Thẩm Oánh kêu gọi Cô Hàng Bán Hoa thì cũng có Hoàng Giác kêu gọi cô hái hoa trong bài Mơ Hoa... Tôi thì mở đầu nghề "viết ca khúc" (songwriter) bằng cách phổ nhạc bài thơ Cô Hái Mơ của Nguyễn Bính. Nhạc tình của Nguyễn Ðình Phúc là bài Cô Lái Ðò, cũng là thơ của nhà thơ này. Lúc đó, Nguyễn Bính là thần tượng của lũ nhạc sĩ mầm non chúng tôi, một thanh niên khác cũng chọn thơ Nguyễn Bính để phổ nhạc. Ðó là Từ Vũ tức Trần Ðỗ Lộc với bài (Cô) Gái Xuân :
Em như cô gái hãy còn xuân
Trong trắng thân chưa nhuốm bụi trần
Xuân đến, hoa mơ hoa mận nở
Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân...
Rồi ca dao Việt Nam tuyên truyền cho phong trào Truyền Bá Chữ Quốc Ngữ cũng được Long Châu soạn thành bài Cô Tú, tất cả dân Hà Nội đều nghe, đều hát :
Ai về chợ huyện Thanh Vân
Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa ?
Sau này, nhạc tình vẫn luôn luôn mang bóng dáng lồng lộng của các cô gái Việt Nam như Cô Sơn Nữ (tức là Cô Sơn Nữ) của Trần Hoàn, Cô Sơn Nữ (tức là Nụ Cười Sơn Cước) của Tô Hải, Cô Hàng Nước (của Vũ Huyến, Cô Hàng Cà Phê của Canh Thân và có luôn cả Cô Tây Ðen (nghĩa là cô gái Việt lấy chồng Tây Ðen) của Vũ Chấn (mà nghệ sĩ Ðức Quỳnh là người lăng xê tại Saigon)... Rồi tới khi chiến tranh kéo dài triền miên trên đất nước Việt Nam thì trong Tân Nhạc vẫn còn thấy xuất hiện những bài hát ca tụng các cô, như bài Cô Gái Tải Ðạn chẳng hạn...
Nhạc Sĩ Ðộc Lập Nguyễn Ðình Phúc
Tại Hà Nội, trong số các nhạc sĩ độc lập có Nguyễn Ðình Phúc là một nghệ sĩ hồ cầm (cellist) có hạng, đồng thời là một hoạ sĩ có tài, vào lúc Tân Nhạc thành hình, soạn ra bài Lời Du Tử với tất cả nhạc tính đương thời là Duy Nhiên và Lãng Mạn. Lời ca là những câu hát rất hợp với tâm hồn thanh niên Hà Nội, lúc nào cũng nuôi giấc mộng giang hồ, lúc nào cũng bị ám ảnh bởi sương mù mùa Thu, với mây bay, gió thổi, hoa rơi, lá rụng... Nét nhạc là hơi "ré mineur" mà vào lúc đó nhạc sĩ nào cũng dùng.
Lời Du Tử
Chiều nay biết về nơi đâu ?
Dừng chân ta ngắm cảnh bao la sầu
Ai đi trong lớp sương sa
Người về đâu tá, tới đâu quê nhà
Dừng nơi đây, dừng nơi đây
Ðường dài chí lớn ta dừng nơi đây
Trông mây bay, trông mây bay về nơi quê nhà
Ta buồn chỉ có mình ta
Sáo vi vu u ù u, khúc nhạc du
Ðàn ai xa vắng khóc than mùa thu
Trông hoa lá rụng tơi bời
Trong lòng người nghệ sĩ lệ rơi rơi
Từ ra đi, bước lưu ly
Ðường chông gai đâu sờn chí nam nhi
Mà nay lòng nhớ quê hương
Trong chiều sương sao để lệ sầu vương
Không không ta quyết đi xa
Có đâu ngồi nhớ tới nơi quê nhà...
Bài hát thứ hai cũng rất được hoan nghênh của Nguyễn Ðình Phúc là bài Cô Lái Ðò . Bài này phổ nhạc từ thơ Nguyễn Bính, dựa trên một nét nhạc "mineur" quen thuộc rồi chuyển qua "majeur" ở đoạn kết, vốn là một bút pháp mà người soạn nhạc thời đó hay dùng.
Cô Lái Ðò
Xuân đã đem mong nhớ trở về
Lòng cô lái ở bến sông kia
Cô hồi tưởng lại ba Xuân trước
Trên bến cùng ai đã nặng thề
Nhưng người lữ khách tình chung ấy
Ði mãi không về với bến Xuân
Ðã mấy lần Xuân trôi trôi mãi
Mấy lần cô lái mòn mỏi trông
Xuân này đến nữa đã ba xuân
Ðốm lửa tình duyên tắt lửa dần
Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi
Cô đành lỗi ước với tình quân
Bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông
Cô lái đò kia đi lấy chồng
. . . . . . .
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Ðể buồn cho những khách sang sông...
Bài Cô Lái Ðò tuy mộc mạc nhưng đầy cảm tính. Từ khi nó mới sinh ra và từ khi tôi mới bước chân vào đời ca sĩ, tôi đã đem nó đi hát ở khắp mọi nơi trong nước... 50 năm sau, ngồi nghe lại nó, tôi vẫn còn cảm động như xưa.
Hoàng Giác
Người con gái Việt Nam da vàng ngày xưa sướng thật. Ðược nhạc sĩ mầm non chúng tôi ca tụng qua những bài như Cô Lái Ðò, Cô Lái Thuyền, Cô Lái Ðò Mơ, Cô Láng Giềng, Cô Hái Mơ... Thẩm Oánh đã có bài Cô Hàng Bán Hoa .... Bây giờ Tân Nhạc có thêm bài Mơ Hoa của Hoàng Giác, cũng xưng tụng Cô Hái Hoa :
Cô hái hoa tươi
Hãy dừng bước chân
Trên đường thầm xa
Tôi nhắn cô em đôi lời
Lòng không lưu luyến
Sao đành cô lãng quên
Quên người gặp gỡ
Trong một chiều mơ...
Thật là thú vị khi thấy rằng các nhà viết nhạc đầu tiên đều có chung đề tài. Hoàng Giác và Thẩm Oánh đã có chung cảm hứng về "cô gái bán hoa". Hoàng Giác lại có chung đề tài với Hoàng Trọng về "cây đàn", qua bài :
Tha thiết gửi mấy cung đàn
Nửa chừng xuân cung đàn lỡ
Ai nhắn người nơi xa ngàn
Nơi phương nghìn năm nát tan
Nơi ấy giờ đây âm thầm
Chiều chiều mơ nơi đầm ấm
Hương khói trầm luân cay nồng
Se tơ làm cho nát lòng
Tìm đâu đây đó thân mến
Chở sầu theo gió về bến
Ðò ngang chung chuyến
Rung mấy đường tơ
Hoà khúc đàn xưa
Thời gian quên đếm ngày tháng
Thuyền tình quên gọi đò ngang
Ngẩn ngơ trên bến
Ðâu những đường tơ
Cùng khúc đàn xưa
Ðôi mắt vời trông hoen mờ
Nửa chừng xuân cung đàn lỡ
Có những nguời đi không về
Xa xôi rồi quên ước thề...
Hoàng Giác còn có thêm những bài hát như Quê Hương, Ngày Về ... Bài Ngày Về nói lên tâm tình của khách phong trần tha hương... "mơ đến em một ngày đằm thắm..." Rồi câu tâm sự : "tung cánh chim tìm về tổ ấm..." vì "nhớ phút chia phôi...tha thiết mong tìm về bạn cũ..." vẫn là tâm tư của thanh niên lãng mạn, lúc nào cũng tự coi mình như con đò lạc bến. Nào có khác chi "con thuyền không bến" hay "con thuyền xa bến" trong Tân Nhạc lúc bấy giờ ?
(gặp nhau tại Hà Nội năm 2000)
Hoàng Giác tỏ ra là người rất phong phú trong Tân Nhạc vào thuở đầu đời. Ngoài những ca khúc thuộc loại nhạc tình mà chúng ta vừa thấy, ông còn có một bài hát -- 10 năm hay 20 năm về sau -- đã từng làm cho nhiều người trạnh lòng, khi lâm vào hoàn cảnh phải bỏ miền Bắc vào Nam hay bỏ nước mình đi sống ở nước người :
Về quê xưa để sống êm đềm giấc mơ
Về quê xưa tìm bóng những ngày đã qua
Và say sưa cuộc sống bên ngàn lũy tre
Xa lánh cuộc đời khắt khe, trăm đau ngàn thương...
(bài Quê Hương của Hoàng Giác)
Lưu Bách Thụ
Chúng ta vừa thấy nhạc tình của các nhạc sĩ độc lập ở Hà Nội vào đầu thập niên 40, nếu không nói tới các cô gái thì nói tới cảnh vật... Bài Con Thuyền Xa Bến của Lưu Bách Thụ cũng có một chủ đề với bài Con Thuyền Không Bến của Ðặng Thế Phong, chỉ khác ở chỗ ít sầu thảm hơn. Thế nhưng trên con thuyền tình này, Lưu Bách Thụ cũng không quên nói tới "tiếng ca, tiếng đàn" như trong bài Mơ Hoa hay "nhớ quê" như những bài ca của Hoàng Giác :
Con Thuyền Xa Bến
Theo gió thuyền suôi
Sóng đưa bèo trôi
Tiếng đàn trầm trầm
Man mác lòng tôi
Nhìn con thuyền xa bến
Lòng ta còn lưu luyến
Hát khúc chia ly
Cho trái tim não nùng đôi chút
Cho tiếng ca thêm càng réo rắt
Mái chèo nhặt khoan
Chen lẫn tiếng đàn
Non nước trời mây
Cách xa từ đây
Tiếng đàn trầm trầm
Ðau đớn biệt ly...
Nguyễn Văn Khánh
Vào lúc Tân Nhạc mới thành lập, có một số nhạc sĩ làm việc ở khiêu vũ trường hoặc ưa thích nhạc khiêu vũ cho nên họ soạn ra những bài theo âm hưởng và nhịp điệu Tây Phương như slow fox chẳng hạn. Các bài này cũng mang nhiều lãng mạn tính, thiên nhiên tính như các bài soạn theo âm hưởng Việt Nam của Lê Thương, Văn Cao v.v...
Nguyễn Văn Khánh không soạn nhạc theo âm hưởng Việt Nam, nhạc của ông tương tự như nhạc hạ-uy-di, nghĩa là rất ướt át, rất quyến rũ. Nhưng dù phong cách có khác nhau thì "cây đàn" vẫn là đề tài chung của các nhạc sĩ trẻ trung và đa tình ở Hà Nội vào cái thời tiền chiến rất ngây thơ đó. Hãy nghe bài Nghệ Sĩ Với Cây Ðàn :
Ðàn ơi tan nát tim ta nhiều rồi
Mà sao ta vẫn say sưa hoài
Cùng em quanh năm ngày tháng
Vui như chim hót mừng
Khi vắng xa âm thầm
Ai ơi sao nỡ để ta lạnh lùng
Cuộc đời biết bao nhiêu đắng cay
Muốn xa quên đàn
Quên đi cho hết đau thương giận hờn
Nhưng thôi ta có đành quên được nào
Ðời mà thiếu em ta vắng vui
Hỡi dây tơ đồng
Em ơi hãy giúp cho ta đường đời
Cho ta lên tiếng cùng em vài lời
Ðời mà thiếu em ta vắng vui...
Nguyễn Văn Khánh là nhạc sĩ có nhiều bài hát về tình yêu, nói ít tới cảnh vật, nói nhiều tới cõi lòng, với những câu ca rất dài, nghe như những lời tâm sự. Có thể nói nhạc ông đã không còn tính "duy nhiên, lãng mạn" như nhạc của các nhạc sĩ đồng thời, nhạc ông hơi nghiêng về "cảm tính" (sentimental) rồi. Tôi cho rằng những tác phẩm tuyệt diệu của Ðoàn Chuẩn, Từ Linh ra đời dăm ba năm sau đó, đã đi theo đường lối của Nguyễn Văn Khánh mà bài Nỗi Lòng là bài điển hình :
Yêu ai, yêu cả một đời
Tình những quá khắt khe khiến cho đời ta
Ðau tủi cả lòng vì yêu ai mà lòng hằng nhớ
Năm tháng trôi lạnh lùng hoài
Tình đó nhắc nhớ luôn đến ta tình ai
Nhớ cả một trời, tình yêu kia mà lòng nào quên
Lòng vẫn biết nếu yêu rồi một ngày
Là đến với đớn đau
Nhưng sao trong ta cứ vẫn yêu, vẫn nhớ
Dầu sao, dầu sao nếu có một ngày
Một ngày ai reo tim ta, là tình yêu kia ly tan
Và lòng vẫn thương, vẫn nhớ
Tình đó khiến sui lòng ta đau
Rồi với bao ngày lặng lẽ sống
Nỗi đau trong lòng người yêu vẫn yêu hoài
Yêu ai, ai hiểu được lòng
Thầm kín những đớn đau với riêng lòng ta
Ấp ủ lạnh lùng, tình yêu kia mà người nào hay ?
Tuy nhiên, Nguyễn Văn Khánh vẫn còn có bài hát tả cảnh. Chiều Vàng là bài hát hoàng hôn, nhưng ông muốn tỏ tình với người yêu nhiều hơn là chia sẻ buồn vui với thiên nhiên. Bài hát soạn theo điệu blues đã vang rền suốt nửa thế kỷ nay tại những nơi có người Việt Nam để những người tình dựa vai nhau mà nghe, mà khiêu vũ theo nhạc điệu êm đềm, óng ả :
Chiều Vàng
Trên đồi xanh chiều đã xuống dần
Mặt trời lấp ló sau đồi, chiều vàng
Riêng mình ta ngồi ngắm quanh đồi
Lạnh lùng nghe tiếng chim chiều gọi đàn
Buồn xa vắng buồn lòng thầm nhớ tới người
Chiều xưa cũng trên đồi cùng ta
Người đã ước nguyền rằng đời riêng có ta
Lời đó còn đâu ?
Ðường về lòng người tha phương nhớ
Chiều dần mờ mờ cô thôn vắng
Người yêu dấu ngàn đời thấu chăng ?
Ta nén đau thương gắng bước hoài
Thuyền chèo tới nơi đâu ngừng bến
Lời thề nguyền ngờ đâu xa vắng
Tình tràn đầy sầu chung non nước
Hồn em có cùng người chứng minh
Anh bước ra đi luyến tiếc hoài
Ðời còn có em đây mà thôi
Sương chiều buông rơi
Mờ mờ rừng chiều dần dần tới
Núi mây bốn phương
Giang hồ ngồi trên thuyền lênh đênh trên sông Ðà sóng
Lướt lướt trên sông
Nhìn chiều vàng đồi thông thưa thớt
Lòng bùi ngùi buồn trông theo bóng
Giờ đây viếng thầm hồn cố nhân
Năm tháng trôi qua sóng gió đời
Chiều chiều nhớ em khôn lòng nguôi...
Dzoãn Cảnh/Văn Thủy
Dzoãn Cảnh và Văn Thủy là đôi bạn, soạn chung với nhau bài Dứt Ðường Tơ, bài này cũng mang một phong cách như bài Chiều Vàng của Nguyễn Văn Khánh. Cũng tả tình, tả cảnh, cũng tỏ vui, tỏ buồn, nhưng vẫn phải là nỗi vui buồn của nghệ sĩ... Bài này cũng được thanh niên nam nữ ưa thích từ giữa thập niên 40, và cho tới những năm 90, vẫn còn được thu thanh vào băng nhạc, vào compact disc...
Dứt Ðường Tơ
Khói mây chiều buồn vương theo gió
Sáo êm du hiu hắt lời thơ
Lòng lắng trôi theo nguồn say mơ
Khúc mơ hồ vương vương lưu luyến
Mơ đến ngày đầy ánh huy hoàng
Lòng ơi dứt đi đường tơ
Tóc tang còn âm u trong gió
Thiết tha chi những mối hoài mong
Ðàn lẻ cung thôi đừng buông tơ
Ðắm hương tình khi đang giông tố
Non nước đang tràn máu anh hùng
Ðừng mơ ái ân đàn ơi
Rung chi tơ lòng
Ðầy vơi cung oán mơ mòng
Buồn theo tiếng gió vấn vương qua cành lá
Duyên tơ lỡ làng
Sầu vương theo khúc bẽ bàng
Ðìu hiu lướt êm trên hàng tơ liễu xanh
Suối u huyền trầm lan trong gió
Quyến trăng thanh lấp lánh vàng tơ
Hờn chiến chinh vang lừng không gian
Nhớ chăng lòng quê hương nguy biến
Mau đứng lên chào đón thanh bình
Lòng ơi dứt đi đường tơ...
Ðược soạn ra vào lúc cuộc Cách Mạng 1945 đã thành công và cuộc Kháng Chiến đã khai mào với việc Pháp đổ bộ vào Miền Nam, bài hát này là ý nguyện của người nghệ sĩ, muốn "chấm dứt đường tơ" lãng mạn của mình. Nhưng việc này có vẻ hơi khó, vì một số bài nhạc tình khác vẫn đươc viết ra sau đó như Sơn Nữ Ca, Nụ Cười Sơn Cước... dù đây là lúc Tân Nhạc đã bước qua THỜI KỲ PHÁT TRIỂN và nhạc lãng mạn, trên nguyên tắc, phải lùi bước để cho nhạc cách mạng tiến lên.
Ðan Trường
Vào lúc Tân Nhạc mới được thành lập, một người là Ðan Trường làm việc tại Ðài Phát Thanh phải rời Việt Nam qua Pháp rồi gửi về Hà Nội bài Trách Người Ði :
Sương lam tuôn rơi
Hắt hiu trên cành thông sáng
Reo vi vu
Khiến xui bao nhiêu nhớ nhung
Tràn lòng ước mơ
Người đi phương xa đâu ngờ
Miền quê ai đang mong chờ
Ðau đớn sót thầm từ ngày biệt ly...
Gió thu về mang thương nhớ
Ðến cho lòng thêm chan chứa
Lá ngô bay trong sương sầu
Biết bao giờ còn thấy nhau
Tối buông màn sương pha muối
Sót sa lòng riêng trăm mối
Gió thu xưa không quên về
Cớ sao mà người cứ đi ?
Ðêm đêm canh ba lắng nghe câu hò êm ái trên dòng sông
Tiếng ca năm xưa thản nhiên cùng thuyền cuốn suôi
Ðò quên không mang duyên về
Còn gan đâu tim câu thề
Xa vắng mấy ngàn lần nhìn thuyền đi...
Bài hát là nỗi nhớ nhung của những đôi lứa phải xa cách nhau vào những năm đầu của thập niên 40, khi chỉ mới từ Hà Nội vào tới Saigon là đã coi như đi ngoại quốc rồi... Bài Trách Người Ði của Ðan Trường được phổ biến trên Ðài Phát Thanh, trở thành một trong những bài hát mà nhiều người Việt Nam còn nhớ tới, nửa thế kỷ sau...
Lương Ngọc Châu
Phan Kế An vẽ, năm 1942
Hà Nội còn một nhạc sĩ không thuộc nhóm nào : sinh viên trường Bưởi Lương Ngọc Châu, chơi giỏi violon, soạn ra những ca khúc có tính chất dã sử như Một Ra Ði Là Không Trở Về, Bóng Người Núi Lam, Huyền Công Chúa, để dùng trong những nhạc hội, thường được tổ chức vào cuối niên học... Và, cũng như Ðan Trường, Lương Ngọc Châu đã sớm bỏ nước ra đi ngay từ khi Tân Nhạc vừa được thành lập, rồi trở thành tài tử ciné chuyên đóng vai người hùng hay tướng cướp Á Ðông trong những cuốn phim Pháp.
Tới thăm Phạm Duy, năm 2000
Nguyễn Thiện Tơ
Hà Nội mùa Xuân 2000
Nguyễn Thiện Tơ ở Hà Nội cũng là một nhạc sĩ không thuộc nhóm nào và được hoan nghênh khi ông cho phổ biến hai bài ca rất dịu dàng là Giáo Ðưỡng Im Bóng, Trên Ðường Về... Bài hát thứ nhất nói về một giáo đường lặng lẽ tôn nghiêm có thể là bài hát dính dáng tới xu hướng nhạc tôn giáo -- mà tôi sẽ nói tới sau -- còn bài hát thứ hai, Trên Ðường Về, thuộc loại nhạc tình thiên nhiên/lãng mạn :
Trầm vương trong khói lam chiều xuống
Một bóng chìm sâu trong màn sương
Chập chờn lang thang trong u tối
Mờ khuất sau ngàn dâu, lòng ngẩn ngơ vì đâu...
Người ơi lòng vướng chi thêm sầu
Lạnh lùng theo chim âu gào sóng
Ðừng oán có ngày xa cách nhau
Tình thế nhân đâu còn hiểu lòng ta...
Trên đường xa bóng ai dần khuất
Tim sắt se thẩn thơ rời bước
Bao đắng cay trên đời trong sương chiều xóa mờ
Ðàn lòng ngân cung oán hoà theo tiếng trầm
Ôi kiếp tha hương với ngàn sầu vương tiếc người ngàn phương
Lời xưa rồi đây theo gió cùng bay ngàn trùng
Người xưa còn hay lãng quên để lòng xao xuyến
Nhắn chim đưa lời nhớ hương, nhắn mây đem lời trìu mến
Ngày về nhắc lời xưa thề bên đồi huyền mơ...
Cũng vẫn là kiếp tha hương ngồi trong chiều hoang vắng, nhớ lại cuộc tình xưa, với tiếng đàn lòng ngân cung oán... Và lẽ tất nhiên, người của ngàn phương này -- cũng như tôi, như mọi người -- rất mong ngày về, để nối lại câu thề bên đồi huyền mơ...
Phạm Duy